Qui hoạch báo chí:

Điều cốt lõi vẫn là chất lượng

Thứ Năm, 15/10/2015, 14:06
Vừa qua, Bộ Thông tin - Truyền thông đã tổ chức Hội nghị phổ biến Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Dư luận trong báo giới cũng như  cộng đồng độc giả rất quan tâm đến đề án này.

Rõ ràng, nội dung đề án so với những lần qui hoạch trước có những điểm đáng chú ý hơn; đã nêu rõ thực trạng những vấn đề cần đặt ra để qui hoạch báo chí nước nhà: Bên cạnh cái mạnh, cái hay, đề án nêu thẳng những yếu kém cố hữu và những yếu kém mới phát sinh, nhất là tính hiệu quả về thông tin, tính thuyết phục về giáo dục định hướng và tính hấp dẫn, nó tiềm ẩn những "căn bệnh hiểm nghèo" nếu không kịp thời qui hoạch lại.

Một điều khác hơn những lần qui hoạch trước đây là định hướng qui hoạch lần này nói rõ về mô hình báo chí của từng Bộ, từng ngành, của các địa phương, làm cho mọi người bước đầu đã thấy diện mạo mô hình và tổ chức báo chí của cả nước. Chúng ta cũng tin rằng với định hướng cụ thể đó, yêu cầu và mục tiêu đề ra cho lần qui hoạch này sẽ đạt được kết quả tốt. Tuy nhiên điều đó đòi hỏi ở sự quyết tâm cao trong việc triển khai thực hiện.

Quang cảnh Hội nghị phổ biến Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 do Bộ Thông tin - Truyền thông tổ chức (Hà Nội, 25/9/2015).

Kiên quyết không lặp lại những hiện tượng xảy ra trong các lần tiến hành qui hoạch trước đây, đó là chủ trương không đi cùng với biện pháp; lời nói không gắn với hành động; nói thì mạnh nhưng làm thì nể nang cho nên dẫn đến tình trạng nhiều nơi sau qui hoạch lại phình to ra với một thứ biện hộ rằng, qui hoạch sắp xếp lại nói chung là tinh giản hơn nhưng nói riêng ở những chỗ cần thiết thì phải được tăng cường. Không hiểu riêng chung ở đây tính ra được bao  nhiêu, chỉ biết gánh nặng về mô hình tổ chức đều to ra và nặng hơn lên. Ở đây thiếu đi sự kiên quyết của cơ quan có chức năng cầm trịch.

Một tình trạng cũng cần được quan tâm xem xét trong kì qui hoạch này, đó là vấn đề liên quan đến hưởng thụ về báo chí, thông tin. Hiện nay có tình trạng bất cập trong dòng chảy phát hành. Báo nói, báo hình thì có lợi thế hơn, nó len lỏi được đến tận vùng nông thôn, không phân biệt ai, miễn là người xem người nghe thích thì cứ thế mà dò kênh bật lên. Riêng báo giấy, tạp chí thì tình hình có khác.

Sự có mặt của báo giấy, tạp chí ở thành phố nhiều hơn ở nông thôn, ở trong cơ quan nhiều hơn ở trong nhân dân, ở cán bộ lãnh đạo càng cao thì tiêu chuẩn được cấp báo cũng nhiều hơn. Nó dẫn đến tình trạng nhiều nơi (nhất là vùng nông thôn, miền núi), tìm một tờ báo hoặc tạp chí để đọc là chuyện khó. Ngay ở thành phố như Hà Nội chẳng hạn, thời bao cấp nhiều khó khăn vậy mà ra bảng tin của khu dân cư đều thấy có tờ báo hàng ngày đính lên cho mọi người cùng đọc. Nay thì không có nữa, thay vào đó là những thông báo treo cờ, vệ sinh môi trường, lịch lĩnh lương hưu...

Rồi không ít cán bộ lãnh đạo các cấp cũng từng nói rằng báo chí nhiều mà có đọc đến đâu, bao nhiêu công việc hàng ngày cứ dồn lên, làm sao mà đọc hết được, cho nên báo, tạp chí cứ xếp cao lên ngày này qua ngày khác. Thiết nghĩ đó cũng là một lãng phí. Nên chăng phải có những nghiên cứu đổi mới cho dòng chảy của báo, tạp chí khơi thông một cách hợp lí, đừng để nơi thì "úng ngập", nơi lại khô hạn. Bởi điều này nó ảnh hưởng đến trình độ văn hóa của người dân.

Sau cùng, điều mong muốn của chúng ta vẫn là nâng cao chất lượng báo chí. Mục đích của qui hoạch là phải đẩy được chất lượng báo chí nước nhà lên một bước mới. Đó được xem là cốt lõi của vấn đề. Chúng ta chủ trương có báo của Trung ương, của các Bộ, Ngành, các địa phương chính là muốn có tiếng nói đa dạng, phong phú, tạo nên sự hấp dẫn...

Hiện nay hiệu quả đó chưa cao. Thực tế là các cơ quan báo chí thì nhiều lên mà thông tin lại dàn trải, trùng lặp, thiếu chính xác, tác động không tốt đến sự đồng thuận tích cực của xã hội. Nhiều bài được "xào đi xáo lại", chưa có những phân tích sâu sắc, thậm chí không tuân thủ theo định hướng giáo dục của Đảng và Nhà nước. Báo chí chỉ được dùng làm phương tiện kinh doanh. Làm sao để những biểu hiện như thế không có lý do tồn tại trong lần qui hoạch này.

Nói chất lượng báo chí phải được nâng lên cũng đồng nghĩa với việc chúng ta phải lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ làm báo thực sự có chất lượng. Phải có những hình thức phù hợp, thiết thực để phát hiện, nhân lên những tài năng. Mặt khác cũng cần đưa ra khỏi hàng ngũ báo chí những người làm báo quan điểm thiếu đúng đắn, tay nghề không cao, lương tâm và nhiệt tình không có, mang nặng tư tưởng kinh doanh từ những mảng đen của bức tranh xã hội. Tăng cường nuôi dưỡng những hạt mẩy, không dung túng tồn tại những hạt lép, hạt sâu. Có vậy chúng ta mới hy vọng gặt hái được những mùa bội thu trên cánh đồng báo chí.

Phạm Văn Thạch
.
.