Sân khấu xã hội hóa phía Nam:

Đèn treo trước gió?

Thứ Hai, 26/10/2015, 08:00
Thiếu kịch bản, thiếu diễn viên, thiếu nơi biểu diễn... kéo theo sự thiếu hụt khán giả nghiêm trọng. Giới chuyên môn nhận định cơn khủng hoảng thiếu của sân khấu xã hội hóa phía Nam có lẽ chưa khi nào trầm trọng như hiện nay. Đến mức, nhiều sân khấu gạo cội bắt đầu buông tay...

Khó khăn chồng chất

Tình trạng thua lỗ, trả vé cho khán giả vì số lượng khán giả quá ít là chuyện thường ngày của các sân khấu diễn chính kịch. Bây giờ, nỗi ám ảnh này lan đến tận các sân khấu chuyên về đề tài kinh dị, giới tính, trinh thám, hài hước… vốn được coi là mảng miếng rất câu khách. Chẳng ai ngờ đời sống sân khấu TP Hồ Chí Minh rất sôi động, năng nổ lại trở nên đìu hiu như hiện nay.

Sân khấu Sao Minh Béo liên tục tung đủ mọi thể loại kịch từ hài, kinh dị, giới tính cho tới vở mang phong cách kịch Kim Cương, kịch thiếu nhi, thậm chí có cả cải lương. "Tả pí lù" là vậy nhưng lượng khán giả đến sân khấu hằng đêm chiếm khoảng 1/4 khán đài đã là mừng. Những vở kịch ma một thời làm nên thương hiệu của Sân khấu kịch Phú Nhuận cũng chẳng thể khiến khán giả chen chúc như trước đây. Có đêm chỉ bán được 30 vé.

Kịch kinh dị, hài hước, đồng tính... không còn dễ hút khách như người ta tưởng (ảnh mang tính chất minh họa).

Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B là nơi Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh làm công tác định hướng. Với tiêu chí dựng kịch chính luận hoặc những kịch bản mang tính thể nghiệm, chủ đề mới phản ánh cuộc sống hiện đại, sân khấu 5B được xem là thánh đường của nghệ sĩ sân khấu thành phố. Từ khi 5B trở thành sân khấu xã hội hóa, đứng trước guồng quay của cơ chế thị trường, sự khủng hoảng, phân vân trong phong cách biểu diễn (có lúc dựng vở theo thị trường, có lúc làm theo định hướng) của 5B ngày càng trầm trọng khiến sân khấu này dần mất đi bản sắc và xa dần khán giả. Thậm chí có lúc 5B ưu tiên những vở thuần giải trí nhưng nội dung hời hợt.

Sự "cả thèm chóng chán" của khán giả với các sân khấu thuần giải trí cũng dễ cắt nghĩa. Ngoài các vở cũ mèm, các vở mới ra đời lại làm ra dễ dãi, mảng miếng quen thuộc, nội dung nông cạn dẫn đến tuổi thọ của vở ngắn. Rồi để níu chân khán giả, họ phải nhanh chóng thay món mới. Đội ngũ viết tại chỗ được trưng dụng, có diễn viên vừa là đạo diễn kiêm luôn biên kịch. Cách "ăn xổi" này khiến chất lượng của vở diễn càng rơi vào hố sâu.

Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh mặc dù đã tổ chức nhiều trại sáng tác nhưng các kịch bản thu được vẫn chưa có chất lượng cao. Vài năm trở lại đây, khán giả đã trở về với dòng chính kịch, nhất là các vở tâm lý xã hội của Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh. Vở "Đàn bà… mấy tay" của Sân khấu kịch Phú Nhuận cũng được ủng hộ với trên 100 khán giả cho một suất diễn. Nhưng đây vẫn là những tín hiệu yếu ớt trong guồng quay chóng mặt của sân khấu giải trí. Những vở có chất lượng tốt bị nhiều khán giả đánh đồng với các vở diễn dở, giật gân mà họ đã bị/ được xem quá nhiều trước đó. "Đời sống sân khấu thành phố từng rơi vào khủng hoảng tương tự vào đầu những năm 2000. Nhưng đây có lẽ là lần khủng hoảng nặng nề nhất khi sân khấu bị các chương trình truyền hình thực tế, ca nhạc, điện ảnh…  lấn át" - ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của Sân khấu IDECAF đánh giá.

Khi phim ảnh nở rộ, nhiều nghệ sĩ sân khấu và diễn viên trẻ tài năng mới ra trường được các nhà làm phim săn đón. So với phim ảnh, sân khấu có nhiều đòi hỏi khắt khe hơn nhưng catse lại thấp. Dễ hiểu vì sao các đêm diễn của sân khấu thiếu vắng nhiều gương mặt ngôi sao và diễn viên trẻ tài năng. Khán giả vắng lại càng vắng tạo thành vòng luẩn quẩn.

Đạo diễn Nguyễn Hồng Dung, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh ngao ngán: "Những người trẻ của sân khấu đã chọn con đường ngắn nhất và nhiều danh lợi nhất. Dần dần lối nghĩ, lối sống thực dụng nảy nở. Họ sẵn sàng rời bỏ sàn tập sân khấu để đến phim trường, truyền hình hay điện ảnh. Sân khấu mất dần diễn viên do thiếu cơ chế ràng buộc, thiếu những hợp đồng chặt chẽ. Do diễn viên không có thì giờ dành cho tập sân khấu, buộc sân khấu phải làm nhanh, chạy nhanh theo giờ giấc của diễn viên. Còn họ khi trở về diễn sân khấu cũng chẳng còn toàn tâm toàn ý cho nghệ thuật".

Một vấn đề trở nên nan giải trong nhiều năm liền đó là thiếu địa điểm biểu diễn. Hầu hết các sân khấu phải tá túc tạm bợ ở các trung tâm văn hóa ít nhiều đã xuống cấp. Sân khấu kịch Phú Nhuận và Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B phải tạm dừng hoạt động để sửa chữa do cơ sở vật chất hư hại nghiêm trọng. Không có thang máy nên khán giả mỗi lần đến với sân khấu 5B phải leo cầu thang bộ. Hội trường bao giờ cũng nóng nực vì hệ thống máy lạnh cũ kỹ. Những địa điểm biểu diễn mới tuy khang trang nhưng lại xa xôi với khán giả nội đô - nguồn khán giả chính của kịch. Sau thời gian dài chật vật tìm kiếm, Sân khấu Hoàng Thái Thanh tạm hài lòng bám trụ tại Nhà Thiếu nhi quận 10 dù nó khá xa trung tâm thành phố, ít được biết đến. Sân khấu Nụ cười mới hoạt động khá im ắng từ khi chuyển về Nhà văn hóa Sinh viên. 

Giật gấu vá vai hay buông xuôi?

Trong suốt nhiều năm qua, các sân khấu xã hội hóa luôn cố gắng gồng mình đối phó với khó khăn để giành giật từng khán giả. Sân khấu kịch Sao Minh Béo cứu vãn bằng cách mở thêm công ty sản xuất các trò chơi truyền hình và phim điện ảnh. Nghệ sĩ Minh Béo than thở: "Chúng tôi phải "đẻ" thêm cái này để lấy tiền lời bù lỗ cho kịch. Vì trò chơi truyền hình lẫn điện ảnh đang ăn nên làm ra. Còn sân khấu giờ ít người coi lắm, mới thành lập có 3 năm mà chúng tôi đã gánh lỗ mấy tỉ".

Lấy sân khấu thiếu nhi bù lỗ vào sân khấu người lớn là cách mà ông bầu Huỳnh Anh Tuấn áp dụng cho Sân khấu IDECAF. Với chuỗi chương trình "Ngày xửa ngày xưa" và đưa kịch lịch sử vào học đường, IDECAF ít nhiều có lời. Sân khấu kịch Tâm Ngọc thì nghĩ ra hình thức "xem kịch trước, trả tiền sau" để kích cầu. Nhưng cái khó của Tâm Ngọc theo thừa nhận của Giám đốc Phạm Vũ Kiên thì họ còn ít vở, chưa nhiều vở có chiều sâu. Tâm Ngọc lại thiếu nguồn diễn viên gạo cội mà đa phần là diễn viên trẻ.

Những giải pháp trên chỉ là tạm thời để các sân khấu gắng gồng cầm cự. Đến thời điểm này, sự gắng gồng ấy đang có dấu hiệu đi xuống, thậm chí là buông xuôi. NSND Hồng Vân khiến công chúng lo lắng khi tâm sự: "Nếu giá mặt bằng tăng, khán giả vắng thì chuyện Sân khấu Phú Nhuận đóng cửa chỉ là sớm hay muộn. Những vở kịch văn học hay vở có tính chính luận cao mà chúng tôi mới dựng cứ mở màn đêm nào là tôi bù lỗ đêm đó".

Sau khi biết tâm sự xót xa của chị, đơn vị cho thuê mặt bằng không tăng giá nên sân khấu vẫn tiếp tục sáng đèn. Thế nhưng, chính chị cũng không chắc những đêm sáng đèn chẳng biết sẽ kéo dài bao lâu, bởi đơn vị cho thuê mặt bằng cũng không thể thông cảm mãi khi giá cả leo thang. Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B lấy cớ sửa chữa cơ sở vật chất để tạm dừng nhưng ngày hoạt động trở lại vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp. Riêng Sân khấu Thuần Việt giải tán vô thời hạn sau vỏn vẹn 6 tháng "cắn răng" bám trụ tại Trung tâm văn hóa quận 2.

Nếu để các sân khấu tự thân vận động mà không có sự hỗ trợ từ phía các cơ quan chuyên trách thì các sân khấu không khác gì đèn treo trước gió. NSND Hồng Vân kiến nghị Sở Văn hóa - Thể thao nên kết hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo tổ chức cho học sinh xem các vở kịch văn học. Đây là cách vừa bổ trợ kiến thức rất sinh động, trực quan cho các em vừa giúp sân khấu có nguồn khán giả. Riêng Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh trong các năm tới sẽ bố trí các cặp đôi viết "trẻ - già" trong các trại sáng tác. Cách bố trí này sẽ giúp các tác giả có kiến thức về văn hóa, về định hướng và cả về ngôn phong tương tác và bổ trợ cho tác giả trẻ có suy nghĩ về các loại đề tài mới, thậm chí là táo bạo. Bởi trước đây có những đề tài mà lực lượng tác giả chuyên nghiệp tưởng chừng không ăn khách thì lại được các tác giả trẻ chú tâm. Điều này dẫn đến các kịch bản không có tính văn học và thiếu hẳn tính tư tưởng. Lối sáng tác "trẻ - già" có thể tạo một đầu vào tốt và tạo được nguồn kịch bản chất lượng ở đầu ra. Bên cạnh đó, việc "an cư lạc nghiệp" của sân khấu lẫn các chế độ đãi ngộ dành cho nghệ sĩ… cũng cần được các cơ quan chuyên trách quan tâm rốt ráo.

Mai Quỳnh Nga
.
.