Ca từ nhạc trẻ:

Dễ dãi, cẩu thả

Thứ Tư, 05/08/2015, 08:30
Những ngày qua, sự ra đi của ba nhạc sĩ tên tuổi trong làng âm nhạc Việt Nam là nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nhạc sĩ Phan Nhân, nhạc sĩ An Thuyên đã để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho công chúng yêu nhạc. Nghe lại bài hát của các nhạc sĩ mới thấy, sự hòa quyện nhuần nhuyễn giữa ca từ và âm nhạc đã đem đến sức sống mạnh mẽ, sự lan tỏa kỳ diệu của ca khúc qua thời gian. Chạnh lòng khi nghĩ đến nhạc trẻ Việt Nam hôm nay, có quá nhiều ca khúc với âm nhạc vay mượn, ca từ dễ dãi và cẩu thả.

Âm nhạc thời trang

Còn nhớ, khi mới vào nghề, ca sĩ Mỹ Tâm, một trong những ca sĩ có lượng fan hùng hậu nhất hiện nay từng nhận rất nhiều chỉ trích của khán giả khi giới thiệu ca khúc "Hát với dòng sông". Không phải Mỹ Tâm hát không hay mà do ca từ của bài hát có nhiều vấn đề gây tranh cãi. Vào thời điểm đó, không ít nhà lý luận phê bình cho rằng, "Hát với dòng sông" là ca khúc vô nghĩa, phản ánh sự vô cảm của con người trước thời cuộc.

Đoạn cao trào của bài hát có đoạn: "…Tình yêu đến em không mong đợi gì/ Tình yêu đi em không hề hối tiếc/ Dòng sông xưa xót xa nỗi lòng của em/ Và tiếng hát đã làm với đi nỗi nhớ/ Em đã hát để xóa dịu nỗi đau trong từng đêm vắng…".

Mặc dù có ca từ dễî dãi nhưng ca khúc "Bốn chữ lắm" vẫn tạo nên cơn sốt trong giới trẻ và nhận được nhiều giải thưởng âm nhạc trong nước.

Nếu coi "Hát với dòng sông" là một ca khúc thảm họa với ca từ vô nghĩa và sáo rỗng thì khi dạo qua thị trường nhạc trẻ hôm nay, không ít người trong chúng ta cảm thấy "sốc", "choáng váng" vì làn sóng ca khúc thảm họa với ca từ nhạt nhẽo đang chiếm số lượng không nhỏ. Điều đáng quan tâm là, những ca khúc thảm họa lại nhận được sự cổ vũ, hưởng ứng nhiệt tình của rất nhiều khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ.

Trên trang nhạc trực tuyến nhaccuatui.com có tuyển tập những bài hát thảm họa của Vpop. "Tuyển tập" này có đến hơn 40 bài và lời của bài hát nào cũng rất "bá đạo". Có thể kể tên một số ca khúc như "Da nâu" (Phi Thanh Vân), "Nàng Kiều lỡ bước" (HKT), "Đại gia thất tình","Nô lệ tình yêu" (Hồ Việt Trung), "Búp bê Chaomiao" (Vũ Hà), "Đọc kỹ hướng dẫn trước khi yêu" (Châu Việt Cường)…

Nghe những bài hát này thì phải "phán" một câu xanh rờn là "không tiêu hóa nổi" vì không hiểu tác giả nghĩ gì, viết gì. Ca khúc "Da nâu" của Phi Thanh Vân mờ đầu bằng những câu hát: "Da nâu, em sống trong khát khao/ Da nâu, em sống trong ước ao/ Da nâu, mang đến những khát khao. Da nâu, mang đến những ước ao". Ca khúc "Tình yêu trong âu lo" (sáng tác: Phúc Khánh Cường, ca sĩ Lưu Gia Bảo - Hoàng Châu) có đoạn: "Em yêu, đây là những lời nói chân thành xuất phát từ trái tim khát khao mong chờ em mở rộng vòng tay đón nhận tình anh/ Anh xin thề có trời có đất, có cây có cỏ, có hoa có trái chứng minh lời nói anh/ Anh nói thiệt đó nha/ Thôi em không tin đâu/ lời nói của mấy anh đó hả/ như gió thoảng mây bay/ gặp ai anh cũng nói như vậy hết/ để em về em hỏi mẹ em thử coi có nên tin anh không nha". Thậm chí ca khúc "Chỉ có em" của Hoàng Tôn còn viết "Và có lẽ chẳng ai yêu được anh đâu/ vì anh xấu hơn con gấu"…

Một gương mặt rất được bạn trẻ yêu thích thời gian gần đây là Sơn Tùng M-TP. Ca khúc mới của chàng ca sĩ 20 tuổi này như "Nắng ấm xa dần", "Cơn mưa ngang qua", "Không phải dạng vừa đâu", "Mai này con lớn lên", "Khuôn mặt đáng thương", "Chắc ai đó sẽ về", "Thái Bình mồ hôi rơi"… luôn phá vỡ kỷ lục xem, nghe, tải về trên cộng đồng mạng. Đặc điểm chung trong lời hát của Sơn Tùng M-TP là thường "chêm" những từ tiếng Anh hoặc cảm thán kiểu "ehhh", "oh", "ok"… vào bài hát. Cùng với đó là những câu văn dài lê thê, đôi khi vô nghĩa như: "…Vô tư đi cứ bám vào anh này/ suy tư anh u não cả tháng ngày/ không may cho em yêu tìm đến phải đúng thằng điên rồ trên khinh khí cầu…" (Không phải dạng vừa đâu)…

Không chỉ có Sơn Tùng M-TP, "chêm" những từ tiếng Anh vào bài hát đang trở thành một trào lưu được nhiều nhạc sĩ trẻ sử dụng. Họ coi đó như cách làm mới, "hiện đại hóa" âm nhạc Việt nhưng rốt cuộc lại làm ngôn ngữ Việt trở nên chắp vá, vay mượn, sống sượng.

Sân chơi Bài hát Việt (Đài Truyền hình Việt Nam) đã bước sang tuổi thứ 10. Đây một trong những chương trình hiếm hoi nhằm tìm kiếm, tôn vinh ca khúc Việt. Một thời, "Bài hát Việt" được coi là bệ phóng cho nhiều nhạc sĩ trẻ giới thiệu, quảng bá ca khúc mới đến công chúng. Những tác phẩm chất lượng như "Bà tôi", "Giọt sương bay lên" (Nguyễn Vĩnh Tiến), "Giấc mơ trưa" (Âm nhạc: Giáng Son, lời: Nguyễn Vĩnh Tiến), "À í a" (Lê Minh Sơn), "Thềm nhà có hoa" (Thanh Tâm), "Để dành" (Nguyễn Xinh Xô), "Cơn mưa tình yêu" (Mạnh Quân), "Giấc mơ mang tên mình" (Văn Phong), "Nồng nàn Hà Nội" (Nguyễn Đức Cường), "Cánh buồm phiêu du" (Sơn Thạch)… đã góp phần tạo nên thương hiệu "Bài hát Việt".

Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây, "Bài hát Việt" ngày càng "mất thiêng" khi chất lượng ca khúc tụt dốc. Năm 2014, bài hát "Bốn chữ lắm" của Phạm Toàn Thắng do ca sĩ Trúc Nhân và Thảo Nhi biểu diễn đạt giải thưởng "Bài hát của năm" gây nhiều tranh cãi. Mặc dù "Bốn chữ lắm" được nhiều bạn trẻ yêu thích nhưng xét về mặt ca từ thì rất dễ dãi, kiểu như "… Yêu lắm, thương lắm, xa lắm và đau lắm…".

Nhiều người nói rằng, nhạc trẻ bây giờ giống như âm nhạc thời trang, tức là chạy theo mốt, thay đổi liên tục. Do chưa đủ "sức nặng" về âm nhạc và lời hát nên những ca khúc thời trang chỉ có sức sống trong một thời gian ngắn, sau đó, "tự chìm", rơi vào quên lãng. Điều này có thể thấy rõ qua những ca khúc thị trường xuất hiện ở Việt Nam vào thời kỳ đầu những năm 2000.

Vào thời kỳ này, một số ca khúc mới, trong đó có nhiều ca khúc nhạc hoa, lời Việt như "Kiếp ve sầu", "Tình thôi xót xa", "Kiếp rong buồn", "Tình quay gót", "Kiếp đỏ đen"… ra đời, tạo nên "cơn sốt" trong cộng đồng trẻ. Những ca khúc này cũng liên tiếp "oanh tạc" nhiều bảng xếp hạng âm nhạc uy tín trong nước. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, loạt ca khúc kể trên không còn xuất hiện trong list nghe nhạc yêu thích của các bạn trẻ.

Những ca từ được viết từ cảm xúc và sự trải nghiệm

Tôi luôn tự hỏi, vì sao những ca khúc của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nhạc sĩ Phan Nhân, nhạc sĩ An Thuyên cũng như rất nhiều nhạc sĩ "gạo cội" khác lại có sức lay động hàng triệu trái tim người yêu nhạc như vậy. Có lẽ, không chỉ là nhạc sĩ, họ còn là những bậc thầy của ngôn từ. Ngôn ngữ tiếng Việt trong bài hát của các nhạc sĩ trưởng thành trong chiến tranh cách mạng trở nên bay bổng, có hồn hơn.

Nhạc sĩ An Thuyên đã viết: "Để cùng hát khúc dân ca quê mùa/ Để nghe tiếng sáo thênh thênh cánh cò/…Đã có lần em giận hờn tôi/ Đêm ra đồng em đổ ánh trăng vàng đi" (Ca dao em và tôi). Ngay cái tên ca khúc "Neo đậu bến quê", "Thơ tình của núi" cũng đầy chất thơ và có sức hấp dẫn với khán giả. Nếu bỏ qua giai điệu âm nhạc thì lời bài hát với những ca từ như: "…Từ thuở ấu thơ gió bụi cát bay lẫn trong sữa thơm mẹ nuôi tôi lớn…Cho ta thương nhau gừng cay muối mặn/. Cho ta thương nhau vầng trăng không lẻ bạn/ Rút ruột nhớ mong/ Người về ta ngược sông La/ Đi trên con đò thuở nhỏ/ Bãi ngô nương dâu còn vương bụi phấn/ Tóc xanh tung bay trong nắng chiều…". (Hà Tĩnh mình thương) hay "Bản em lưng chừng núi, lưng chừng đèo/ Từng bậc thang lên xuống như cung đàn, ngân dài…" (Thơ tình của núi) cũng có thể được coi như một tác phẩm thơ độc lập. 

Những sáng tác của nhạc sỹ An Thuyên luôn có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ca từ và âm nhạc. Trong ảnh: Album "Ca dao em và tôi" của ca sĩ Quang Linh.

Âm nhạc của Phan Huỳnh Điểu đã chắp cánh cho lời thơ Xuân Quỳnh trong ca khúc "Thuyền và biển: "Những ngày không gặp nhau, biển bạc đầu thương nhớ/ Những ngày không gặp nhau, lòng thuyền đau rạn vỡ…". Chỉ cần một lần nghe ca khúc "Ở hai đầu nỗi nhớ" của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu thì lời hát, giai điệu mãi không thôi ám ảnh tâm trí người nghe.

"Có một không gian nào/ Đo chiều dài nỗi nhớ/Có khoảng mênh mông nào/ Sâu thẳm hơn tình thương /Ở hai đầu nỗi nhớ/ Yêu và thương sâu hơn/ Ở hai đầu nỗi nhớ, nghĩa tình đằm thắm hơn (…) Đêm nghe tiếng mưa rơi/ Đếm mấy triệu hạt rồi/ Mà chưa vơi nỗi nhớ…". Thật là những ca từ đẹp và giàu cảm xúc.

Nhạc sĩ Phan Nhân từng tâm sự rằng, để có được những lời ca đầy hào hùng: "…Ôi Đông Đô!, Hùng thiêng dấu xưa còn in nơi đây/ Ơi Thăng Long! Ngày nay chiến công rạng danh non sông/ Hà Nội mến yêu của ta/ Thủ đô mến yêu của ta/ Là ngôi sao mai rạng rỡ…" (Hà Nội niềm tin và hy vọng), ông đã phải sống, trải nghiệm những năm tháng chiến tranh vô cùng ác liệt.

Nhạc sỹ Phan Nhân chia sẻ: "Ca khúc “Hà Nội niềm tin và hy vọng” ra đời không phải trong nhất thời, mà xuất phát từ tình yêu của tôi với Hà Nội, với quê hương, đất nước trong một thời gian dài (…). Khi viết ca khúc này, tôi không có tham vọng sẽ trở nên nổi tiếng mà chỉ muốn viết nên suy nghĩ của một người trong chiến đấu và đã tự coi mình như người Hà Nội".

Thiết nghĩ, để có được ca khúc hay, nhạc sỹ trẻ phải được trang bị phông kiến thức về văn hóa và có thái độ, tinh thần nghiêm túc trong sáng tạo nghệ thuật. Bên cạnh đó, những nhà quản lý văn hóa, những người cầm cân nảy mực trong cuộc thi phải có "làn roi" nghiêm khắc với sáng tạo nghệ thuật "lệch chuẩn". Và trên hết, công chúng thưởng thức nghệ thuật phải là "bộ lọc thông minh" có khả năng "miễn nhiễm", sẵn sàng tẩy chay ca khúc thảm họa.

Tường Phạm
.
.