Nhạc điện tử:

Đâu chỉ ‘quậy’ xong rồi về

Thứ Sáu, 01/05/2015, 08:25
Chương trình Đại nhạc hội điện tử Space Jam vừa kết thúc ngày 16/4 tại TP HCM một lần nữa chứng minh sự bùng nổ dòng nhạc điện tử (EDM - viết tắt của cụm từ Electronic Dance Music) trong đời sống âm nhạc Việt Nam. Bước ra từ vũ trường, loại nhạc này được khoác lên lớp áo thời thượng và nhanh chóng chiếm lĩnh các giải thưởng âm nhạc trong nước. 

Từ vũ trường bước lên sóng truyền hình

EDM có thể được hiểu nôm na là âm nhạc được tạo nên từ các thiết bị điện tử. EDM đã nhanh chóng phát triển, gồm nhiều thể loại nhỏ khác nhau như: Electronica, Dance, House, Dubstep, Trapstep... Dòng nhạc này thường có tiết tấu sôi động mạnh mẽ, nhanh mạnh nên rất được lòng công chúng trẻ. Nó khiến người nghe phấn khích và luôn muốn lắc lư, quay cuồng cùng điệu nhạc.

Có lẽ vậy nên giới trẻ thường ví EDM không khác gì "âm nhạc gây nghiện". EDM thường được bắt gặp ở vũ trường, quán bar và các lễ hội âm nhạc, nơi người ta cần âm nhạc để giải trí, xả stress và giải phóng năng lượng hơn là thưởng thức.

Trên thế giới, EDM đã trở nên thịnh hành mấy chục năm trở lại đây. Làn sóng EDM phủ khắp các nền âm nhạc lớn như Âu, Mỹ, Kpop... Nhạc điện tử được pha trộn trong pop, hip hop... đã góp một phần đáng kể làm nên thành công cho cuộc "bành trướng" của Kpop trên thế giới, nhất là khu vực châu Á. Các lễ hội âm nhạc hoành tráng như Tomorrowland hay Ultra Music Festival được tổ chức hằng năm là đại tiệc âm nhạc điện tử.

"The Remix - Hòa âm Ánh sáng" là chương trình đầu tiên đưa nhạc điện tử cùng các DJ lên sóng truyền hình. 

Giải Grammy lần đầu tiên đưa ra hạng mục "Album nhạc điện tử/ dance xuất sắc" vào năm 1998 đã cho thấy sức ảnh hưởng của dòng nhạc này. Will.I.Am, David Guetta, Calvin Harris, Zedd, Skrillex, Mark Ronson... là những tên tuổi tầm cỡ thế giới của làng DJ (người chỉnh nhạc), nhà sản xuất EDM thu hút hàng triệu người hâm mộ.

Tại Việt Nam, nhạc EDM còn rất mới mẻ. Nó chỉ thoát khỏi vũ trường, quán bar để khẳng định đẳng cấp trên thị trường âm nhạc khoảng chục năm trở lại đây. Sự sôi động, trẻ trung và "bắt tai" của nó nhanh chóng trở thành "mốt" thời thượng và tạo nên cơn sốt trong làng nhạc lẫn công chúng khi họ đã "bội thực" những bản pop, ballad não nề.

Có thể coi album "Thiên đàng" của ca sĩ Thu Minh và nhạc sĩ Võ Thiện Thanh năm 2006 là dấu mốc đầu tiên của EDM. Album có nhiều bài hát gây ấn tượng mạnh mẽ bởi chất liệu âm nhạc thú vị, lạ tai, trong đó điển hình phải kể đến bài "Chuông gió". 

Thu Minh thoát khỏi hình ảnh một ca sĩ hát những bản pop buồn để trở thành một cô nàng gợi cảm, cá tính trong âm nhạc sôi động, phóng khoáng. Nhưng danh hiệu "nữ hoàng nhạc dance" đưa Thu Minh lên hàng ca sĩ hạng A chỉ đến khi cô trình làng album "Body Language". Sự hợp tác cùng nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong đã tạo cho Thu Minh hàng loạt ca khúc "gây bão" như: "Đường cong", "Taxi", "Bay"... Bắt kịp xu hướng, ca sĩ Ưng Đại Vệ cùng nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong, nhà sản xuất Nghị Martin thực hiện dự án âm nhạc "Ưng Đại Vệ EDM". Các ca sĩ trẻ  Đông Nhi, Bảo Thy, Nguyễn Đình Thanh Tâm, Nguyễn Trần Trung Quân, nhóm 365 Daband... cũng có "lột xác" ngoạn mục với nhạc điện tử tạo nên hàng loạt ca khúc ăn khách như: "Bad boy", "Single Lady", "Chạy mưa", "Cỏ", "Hai cô tiên"...

Các lễ hội âm nhạc trong năm đương nhiên không thể thờ ơ với EDM. Liên hoan Âm thanh Hà Nội - Hanoi Sound Stuff Festival lần thứ 8 vừa kết thúc với đêm nhạc ngày 11/ 4. Liên hoan hội tụ các nghệ sĩ quốc tế và Việt Nam nổi tiếng với dòng nhạc điện tử và thể nghiệm như: Chí Thiện, Chí Thanh (người Đức gốc Việt), Chris Brown (người Mỹ) và Thylacine (nhóm nhạc điện tử tới từ Pháp).

Future Now Music Festival diễn ra vào tháng 6/2014 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn có thể coi là đêm đại tiệc của nhạc điện tử. Liên hoan có sự góp mặt của DJ hạng 9 thế giới Afrojack cùng nhóm nhạc hiphop đình đám đến từ Mỹ - Far East Movement. Phía nghệ sĩ Việt Nam đình đám không kém khi xuất hiện "nữ hoàng nhạc dance" Thu Minh và trưng trổ dàn DJ "cực chất" như: Duy Duy, Brian, Mike Hào, Get Looze...

Đêm nhạc chính thức bắt đầu từ khoảng 8 giờ tối nhưng từ 1 giờ trưa đã có hàng ngàn bạn trẻ có mặt lắc lư theo các DJ mặc trời nắng gắt. Đến giờ diễn chính thức, các DJ quốc tế cùng Thu Minh đã làm "bùng nổ" sân  khấu với dàn âm thanh và ánh sáng hiện đại. Gần 10.000 khán giả phấn khích nhảy nhót trong tình trạng chen lấn đến độ nhiều người ngất xỉu. Ngoài ra còn hàng loạt các đêm nhạc điện tử đình đám có sự góp mặt của các ngôi sao EDM hàng đầu thế giới thu hút hàng ngàn người mộ điệu như: "PLUR",  "Prisma - The Night Run", "I Am You Festival", "I Am Hardwell"...

Riêng với chương trình "The Remix - Hòa âm Ánh sáng", lần đầu tiên EDM và các DJ tên tuổi của Việt Nam có cơ hội xuất hiện trên truyền hình. Các ca khúc ăn khách, thậm chí thể loại dân ca, pop đều được làm mới trên nền nhạc điện tử khiến khán giả "đứng ngồi không yên" và hò reo liên tục.

Lên ngôi cùng những người trẻ

Xuất phát từ vũ trường nên mới đầu EDM không được giới chơi nhạc xem trọng. Nó bị xem như một nhạc remix (nhạc trộn phối) đơn thuần, hàm lượng sáng tạo kém. Thậm chí còn bị đánh đồng như một thứ âm nhạc gợi dục, kích động, người nghe không cần hiểu gì chỉ cần nhảy nhót quay cuồng là đủ. Thế nhưng, với sự thành công của những ca sĩ thành danh lẫn giọng ca mới nổi, định kiến về EDM đang dần bị phá vỡ. EDM không phải chỉ là những âm thanh va đập, trộn phối mà nó là thể loại rất sáng tạo, nghệ thuật khi có ngôn ngữ âm nhạc rất ảo, có thể ám gợi những ý niệm, suy tư phức tạp.

Người làm được điều này là ca sĩ trẻ Nguyễn Trần Trung Quân. Từ giã hình ảnh "Hoàng tử  pop ballad" gây dựng hai năm ròng khi bước ra từ cuộc thi "Sao Mai điểm hẹn 2012", Nguyễn Trần Trung Quân quyết định mạo hiểm với dòng nhạc EDM mang màu sắc electronica nhẹ nhàng, êm dịu.  Album đầu tay mang tên "Khởi hành" hợp tác cùng nhạc sĩ Khắc Hưng thể hiện một Nguyễn Trần Trung Quân với những ca khúc vô cùng huyền ảo, ám gợi. Đó là "Lửa", "Nghiêng", "Cỏ", "Ảo ảnh trưa"...

Chất lượng nghệ thuật của EDM một lần nữa được khẳng định khi album "Khởi hành" giúp Nguyễn Trần Trung Quân lập "cú đúp" tại giải âm nhạc Cống hiến 2015. Hạng mục "Nghệ sĩ mới của năm" và "Album của năm" đều thuộc về anh. Anh tâm sự: "Tôi nghĩ rằng mình sẽ chìm khuất khi theo đuổi dòng nhạc pop ballad. Cá tính của tôi khá mạnh, hơi "điên" nên hợp hơn với nhạc điện tử. Ở đó, tôi tự tin thể hiện con người mình qua giọng hát. Sau "Khởi hành", tôi tiếp tục cho ra mắt những sản phẩm nhạc điện tử. Có nhiều điều của thể loại nhạc này tôi muốn khám phá vì nó có rất nhiều nhánh thể loại khác nhau".

Đây không phải là album đầu tiên chứng minh sự sáng tạo, cá tính riêng của EDM. Album "Gặp một tôi mùa rất đông" của Nguyễn Đình Thanh Tâm đã cởi bỏ tấm áo dân gian đương đại mà anh theo đuổi, thoát khỏi cái bóng của ca sĩ Tùng Dương. Các bài hát, album và tên tuổi của anh liên tục được đề cử ở các giải âm nhạc danh giá, uy tín như Cống hiến. Nguyễn Đình Thanh Tâm nổi bật ở EDM với phong cách quái, lạ đầy hiện đại, khoáng đãng.

Các nghệ sĩ còn thể nghiệm với EDM bằng cách pha trộn giữa các thể loại nhạc với nhau, đặc biệt là pha trộn giữa âm nhạc dân gian với EDM. CD "Li ti" của ca sĩ Tùng Dương hòa trộn tinh tế giữa EDM và nhạc giao hưởng, mang đến một không gian âm nhạc sang trọng, ảo, kích thích trí tưởng tượng của người nghe. EDM trở thành một lãnh địa thênh thang để các nghệ sĩ trẻ giàu đam mê theo đuổi. Đó không chỉ là cơ hội của các ca sĩ trẻ mà còn của các DJ, nhà sản xuất âm nhạc vốn hoạt động ngầm (giới underground) thể hiện tài năng như: SlimV, Touliver...

Nhưng những cá nhân nổi trội với EDM vẫn còn hiếm hoi, trong khi số ca sĩ lạm dụng EDM sôi động, vũ đạo bốc lửa để che lấp giọng hát yếu, mỏng khá nhiều. Âm nhạc nền và giai điệu đã rất "bắt tai" nên nhiều ca khúc EDM có lời rất dễ dãi, thiếu chiều sâu, thậm chí ngô nghê.

Gây ồn ào nhất thời gian qua là ca khúc "Hangover" của Thu Minh. Nhạc sĩ Trí Minh, nghệ sĩ tiên phong của Việt Nam trong âm nhạc điện tử đương đại mà cụ thể là nhạc thử nghiệm, người sáng lập Liên hoan Âm thanh Hà Nội từng nhận định về EDM: thứ âm nhạc được thị trường tiếp nhận nghĩa là trào lưu đã lên tới đỉnh và sắp thoái trào. Thế nhưng, William Rezé, người sáng lập nhóm Thylacine cho rằng nó không thoái trào mà có giai đoạn "ngưng, nghỉ" rồi "phục hưng". Song, dù có "thoái trào" hay "phục hưng" đi chăng nữa thì bây giờ, nền âm nhạc Việt Nam đang cần những tác phẩm EDM có chất lượng nghệ thuật chứ không đơn giản chỉ là những bữa tiệc âm thanh "quậy tưng" xong rồi về.

Phan Thi Uyên
.
.