Xung quanh vấn đề tự chủ tài chính của các nhà hát

Chủ Nhật, 28/08/2016, 08:12
Tham khảo ý kiến của nhiều nghệ sĩ có thâm niên gắn bó với ngành sân khấu thì được biết, hầu hết các nghệ sĩ sân khấu đều tỏ ra hoang mang, lo lắng. Hầu hết các nghệ sĩ và người đứng đầu các nhà hát đều chưa muốn bị "cai sữa" dù "bầu sữa mẹ ngân sách" trong những năm qua vẫn bị chê là hạn hẹp, ít ỏi...


Đổi mới hay là... chịu "chết"?

Nguyệt Hà (thực hiện)

Vậy là, sau nhiều lần nâng lên đặt xuống, bắt đầu từ năm 2016, toàn bộ 12 nhà hát thuộc sự quản lý của Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch (Bộ VHTTDL) đã  thực hiện việc tự chủ tài chính. Trong số đó có 2 nhà hát tự chủ 100% là Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam; 10 nhà hát khác được giao tự chủ từ 30% đến 60% là: Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, Nhà hát Dân gian Việt Bắc, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Múa rối Việt Nam. Theo kế hoạch đã đề ra, đến năm 2020, 12 nhà hát đồng thời là đơn vị sự nghiệp của Bộ sẽ phải thực hiện việc tự chủ 100% kinh phí hoạt động của mình.

Ngoài các nhà hát trực thuộc Bộ VHTTDL, tại Hà Nội còn có 6 nhà hát thuộc sự quản lý của Sở VHTTDL nhưng chỉ có Nhà hát Múa rối Thăng Long đã được giao tự chủ tài chính từ 15 năm nay, còn lại Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội cũng mới chỉ bắt đầu thí điểm mô hình tự chủ 30%.

Người ta luôn nói rằng, sở dĩ Nhà hát Múa rối Thăng Long tự chủ được tài chính và sống khỏe được là nhờ "địa thế vàng" (nằm cạnh Bờ Hồ) nên dễ lọt vào tầm ngắm của khách du lịch quốc tế mà quên mất một điều rằng, để kéo được khách du lịch vào xem rối nước, từ nhiều năm qua Nhà hát Múa rối Thăng Long phải "bắt tay" và có "cơ chế" đối với mấy trăm đơn vị làm du lịch lữ hành ở Thủ đô. 

Có lẽ không phải bàn cãi về tính đúng đắn của chủ trương này, bởi lẽ nhà nước không thể "bao cấp văn hóa" mãi khi nền kinh tế đã chuyển sang vận hành theo cơ chế thị trường từ lâu. Với chủ trương mới này, bên cạnh những tín hiệu đáng mừng như việc được giao cơ chế tự chủ sẽ khiến các nhà hát năng động, sáng tạo hơn trong hoạt động nghệ thuật cũng như việc chủ động đi "tiếp thị" sản phẩm nghệ thuật của mình, vẫn còn có nhiều ý kiến lo ngại về việc các bộ môn nghệ thuật truyền thống như Tuồng, Chèo, Cải lương vốn gặp nhiều khó khăn sẽ chết dần chết mòn.

Thậm chí, một số người bi quan còn cho rằng, cơ chế tự chủ có khả năng biến các nhà hát có thâm niên trên nửa thế kỷ thành một... gánh hát. Bởi khi không kiếm được tiền để trang trải cho việc trả lương cho nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công thì các nhà hát buộc phải cắt giảm tối đa nhân lực, đồng nghĩa với việc đẩy các nghệ sĩ ra... đường.

Là đơn vị được giao tự chủ kinh phí một phần sớm nhất (2009-2011), Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam đã trải qua những cơn chếnh choáng ban đầu với những khó khăn. Song kể từ sau năm 2012, khi được giao tự chủ hoàn toàn về tài chính, theo chia sẻ của Giám đốc Nhà hát là NSND Trần Bình, thu nhập của anh chị em nghệ sĩ nhà hát đã tăng lên 3 lần, doanh thu đạt trên 35 tỉ đồng.

Tuy đi sau nhưng Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam cũng là đơn vị đạt được nhiều thành công mà trở thành mô hình "làm kinh tế giỏi" mà nhiều đơn vị nghệ thuật khác phải kính nể. Nhiều ý kiến cho rằng, lĩnh vực ca múa nhạc vẫn là sân chơi, là mảnh đất màu mỡ, song không thể phủ nhận kể từ khi chưa được giao tự chủ 100% kinh phí hoạt động thì hai đơn vị nghệ thuật này vốn đã nổi tiếng khi có hai Giám đốc kiêm "bầu sô" nổi tiếng là NSND Trần Bình và NSND Quang Vinh.

Họ đã có nhiều đổi mới trong cơ chế hoạt động, kịp thời nắm bắt những xu thế của thị trường văn hóa, bắt tay hiệu quả với các công ty chuyên làm truyền thông, tổ chức sự kiện để tạo ra công ăn việc làm, sự bận rộn quanh năm suốt tháng cho nghệ sĩ, diễn viên "bay sô" tung hoành cả nước.

Mấy năm gần đây, một số đơn vị làm sân khấu như Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Hà Nội đã có biện pháp chủ động trong việc maketing sản phẩm nghệ thuật của mình với nhiều biện pháp truyền thông, kêu gọi tài trợ, xã hội hóa các hoạt động nghệ thuật. Kết quả là, cả 4 đơn vị này có được nhiều cái bắt tay với doanh nghiệp, tổ chức được hàng trăm đêm diễn, tạo được tiếng vang và sự ủng hộ của công chúng yêu sân khấu.

“Điệp vụ báo đen” của Nhà hát kịch Việt Nam - một trong các vở diễn được dàn dựng theo cơ chế nhà nước đặt hàng.

Tham khảo ý kiến của nhiều nghệ sĩ có thâm niên gắn bó với ngành sân khấu thì được biết, hầu hết các nghệ sĩ sân khấu đều tỏ ra hoang mang, lo lắng. Hầu hết các nghệ sĩ và người đứng đầu các nhà hát đều chưa muốn bị "cai sữa" bởi "bầu sữa mẹ ngân sách" trong những năm qua vẫn bị chê là hạn hẹp, ít ỏi.

Hơn nữa, cứ đến hẹn lại lên, một số nhà hát một năm nhận được trên dưới 10 tỉ tiền ngân sách, trong đó có khoảng 60-70% phục vụ việc chi trả lương cho cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên và 30-40% phục vụ việc xây dựng vở diễn, tác phẩm mới. Điều này dẫn tới hệ lụy, có một số nhà hát nhận tiền từ Bộ về cứ âm thầm đầu tư, dựng vở mới theo đúng "kế hoạch" mà không mấy quan tâm đến việc vở diễn có được khán giả đón nhận hay không, đem lại hiệu quả gì cho cộng đồng, xã hội.

Thêm nữa, công tác PR, quảng bá tác phẩm, chương trình nghệ thuật cũng không được quan tâm đúng mức, dẫn đến việc các nhà hát tối lửa tắt đèn quanh năm, chỉ đỏ đèn vào các dịp có vở diễn "báo cáo thành tích" với Bộ chủ quản mà thôi. Mà những dịp ấy, hầu như không có khán giả mua vé vào xem mà hầu hết là khách mời, là nghệ sĩ của nhà hát ấy xem với nhau.

Đành rằng, việc "bao cấp một phần" sẽ là một trong các biện pháp khiến một số nhà hát gặp khó khăn trong việc bảo tồn, phát huy giá trị những bộ môn nghệ thuật truyền thống, nhưng muốn con cái khôn lớn, trưởng thành thì dù muốn hay không, các bà mẹ buộc phải "cai sữa" đã, rồi mới tính đến biện pháp để "bồi bổ", hỗ trợ cho quá trình trưởng thành sau này.

Ông Nguyễn Thế Vinh - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam: "Tự chủ tài chính là xu thế tất yếu"

- Thưa ông Nguyễn Thế Vinh, từ năm 2016, Nhà hát Kịch Việt Nam đã được Bộ chủ quản giao tự chủ 30% kinh phí hoạt động và theo dự kiến, đến năm 2020, tất cả các nhà hát thuộc Bộ sẽ phải tự chủ tài chính 100%. Xin ông cho biết, bước đầu Nhà hát Kịch Việt Nam đã thực hiện lộ trình này như thế nào?

+ Hiện nay, Bộ mới giao cho các nhà hát thí điểm thực hiện việc tự chủ một phần kinh phí thôi. Trên thực tế, cách làm của Bộ là giữ lại một phần kinh phí chi thường xuyên và biến nó thành phần kinh phí chi không thường xuyên, chính là phần kinh phí dùng để dựng vở, nhưng nay là theo hình thức nhà nước đặt hàng, chứ không phải là cắt đi hoàn toàn 30% kinh phí ấy như nhiều người đang nhầm tưởng.

Có nghĩa là, như Nhà hát Kịch Việt Nam 1 năm được Bộ phân bổ kinh phí trên dưới 10 tỉ đồng, trong đó có khoảng 6,5 tỉ tiền lương, gọi là kinh phí thường xuyên, thì vẫn được cấp như mọi khi; còn 3,5 tỉ tiền dựng vở, sẽ trở thành kinh phí không thường xuyên thì Bộ giữ lại và dùng số tiền này để "đặt hàng" tác phẩm đối với chính nhà hát của chúng tôi.

Trước kia, các nhà hát vẫn nhận được "1 cục" 10 tỉ/năm, thì nay chỉ nhận được 6,5 tỉ. Số còn lại muốn nhận được phải xây dựng tác phẩm, vở diễn đạt chất lượng, có sự kiểm duyệt của Bộ từ khâu kịch bản thì mới được "giải ngân", còn nếu không sẽ không nhận được tiền để hoạt động. Bước đầu thực hiện lộ trình này, năm 2016 Nhà hát Kịch Việt Nam có kế hoạch dàn dựng 5 vở, và hiện đã xong 3 vở đi công diễn là "Biệt đội báo đen", "Thầy và trò" và "Khát vọng". Từ giờ đến cuối năm, chúng tôi sẽ dựng thêm 2 vở nữa là "Kiều" và vở "Lão hà tiện" của Molie.

- Nghe nói, lãnh đạo một số nhà hát tỏ ra rất buồn phiền vì việc được giao tự chủ 30% đồng nghĩa với việc ngày nay phải có sản phẩm hoàn thiện, được thẩm định thì mới có tiền, trong khi trước đây cứ sẵn nong sẵn né, có tiền túi rủng rỉnh thì mới đem dựng vở. Nhà hát Kịch Việt Nam đã có cách gì để liên tục cho ra mắt vở mới trong khi tiền chưa về?

+ Thực ra đây chỉ là sự thay đổi về quy trình mà thôi. Trước đây, với kinh phí dựng vở được cấp, anh thích làm lúc nào thì làm thì nay phải có kế hoạch cụ thể cho từng vở với tiến độ thực hiện phải được đảm bảo. Làm theo cách này có cái tốt là hầu hết các tác phẩm đã được thẩm định từ khâu kịch bản thì sẽ có chất lượng đảm bảo hơn, tiến độ cụ thể hơn và trách nhiệm của lãnh đạo các nhà hát, các nghệ sĩ cũng được nâng lên.

Có nghĩa là Bộ sẽ quản lý được, giám sát được về chất lượng của vở diễn từ khâu kịch bản. Việc này cũng khiến cho lãnh đạo các nhà hát và nghệ sĩ phải năng động hơn, sáng tạo hơn trong việc tìm kiếm các đầu việc và nguồn thu chứ không thể chỉ quanh quẩn trông chờ vào nguồn kinh phí được ấn định sẵn như mọi khi. Ví dụ, vừa rồi chúng tôi đã đưa vở "Hamlet" đi biểu diễn ở Singapore hoàn toàn không phải là nhờ kinh phí của nhà nước mà được doanh nghiệp tài trợ hoàn toàn.

Sắp tới, chúng tôi cũng đã có được hợp đồng xây dựng vở diễn về chủ đề biển đảo với Bộ Tư lệnh Hải quân với vở "Chuyện tình người lính biển".

- Một số nghệ sĩ tỏ ra khá hoang mang lo lắng khi đối mặt với vấn đề các nhà hát phải tự bươn chải hoàn toàn trong những năm tới đây, nhưng một số người lạc quan lại cho rằng, đây chính là cơ hội, là động lực để phát triển. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

+ Các nhà hát phải tự chủ hoàn toàn về kinh phí là một xu thế tất yếu. Ngày đó chắc chắn sẽ đến nhưng theo tôi nó phải có lộ trình và cũng còn lâu nữa chứ không thể trong vòng mấy năm tới mà làm hết được. Ai cũng biết, trong những năm gần đây, việc các nhà hát bán vé để lấy thu bù chi là việc quá khó, nhất là đối với các bộ môn nghệ thuật truyền thống như Tuồng, Chèo, Cải lương. Vì thế, có lẽ nhà nước cũng phải "buông tay" từ từ. Mặc khác, Bộ VHTTDL nên có những "bảo trợ" nhất định đối với một số bộ môn nghệ thuật truyền thống.

- Sau cú bắt tay khá đẹp mắt với doanh nghiệp trong vở "Hamlet", Nhà hát kịch Việt Nam có kế hoạch gì trong việc tìm kiếm các đối tác, Mạnh Thường Quân để họ tài trợ cho các vở diễn mới?

+ Nhận thấy các lợi thế đặc biệt khi sân khấu có được các nhà tài trợ có tiềm lực, chúng tôi đã có nhiều cách để tiếp cận đối với các nhà tài trợ tiềm năng. Rất mừng là sau khi "Biệt đội báo đen" ra mắt, Ngân hàng Vietinbank đã tìm đến chúng tôi để ký hợp đồng biểu diễn 10 đêm liền với kinh phí 30 triệu đồng/đêm, ở ngay tại nhà hát mà không phải đi đâu xa...

Chúng tôi cũng đang tìm kiếm các nguồn tài trợ để xây dựng các vở kịch thiếu nhi với mục đích là "đào tạo khán giả". Chúng ta không thể có khán giả là người trưởng thành yêu sân khấu mai sau nếu ngày nay không có khán giả thiếu nhi.

- Xin cảm ơn ông Nguyễn Thế Vinh!

Ông Trương Nhuận - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ: “Tự chủ sẽ khiến các nhà hát năng động hơn”

Cẩm Linh (ghi)

Đây là năm thứ 2 Nhà hát Tuổi trẻ thực hiện lộ trình cắt giảm kinh phí, bước đầu là chuyển từ kinh phí thường xuyên sang kinh phí không thường xuyên. Chủ trương này tùy theo đặc thù của mỗi nhà hát để có những áp dụng cụ thể nhưng có một mục đích chung là làm sao để tăng được nguồn thu từ việc bán vé, từ những yếu tố mang tính chất xã hội hóa như tài trợ, hợp tác truyền thông.

Trước đây, với chế độ bao cấp, các nhà hát có thể dàn dựng hay biểu diễn theo các kế hoạch đã được định sẵn. Việc này đôi khi không tạo ra cho các nhà hát sự kích thích, sự tích cực trong việc đi tìm các nguồn doanh thu khác ngoài ngân sách. Nhưng với việc phải tự chủ kinh phí, các nhà hát sẽ phải năng động hơn trong việc tìm kiếm các đơn hàng, các nhà tài trợ trong và ngoài nước, các phương thức để có thể xã hội hóa các hoạt động nghệ thuật.

Trong nhiều năm qua, Nhà hát Tuổi trẻ đã có được các hoạt động xã hội hóa hiệu quả như từ 2013 với dự án 100 đêm biểu diễn miễn phí cho chương trình "Chắp cánh niềm tin" cho SHB tài trợ. Sắp tới, chúng tôi sẽ ký tiếp hợp đồng với SHB trị giá 4 tỉ đồng cho 100 đêm diễn miễn phí tiếp theo ở rất nhiều địa bàn trên cả nước.

Bên cạnh đó, Nhà hát Tuổi trẻ cũng phối hợp với nhiều trung tâm văn hóa, các tổ chức văn hóa để dàn dựng các tác phẩm đỉnh cao như "Vòng phấn Kapka", "Con vịt trời" hay dự án hợp tác với Nhật Bản nhận được nguồn kinh phí 100 ngàn đô-la/ năm... Đấy chính là những nguồn kinh phí quan trọng để bù đắp vào ngân sách thiếu hụt của lộ trình tự chủ tài chính đã tạo ra. Chúng tôi không quá bi quan với lộ trình này mà xem đây là một cơ hội để thử thách mình, đổi mới mình và tạo ra động lực để phát triển...

NSƯT Thanh Ngoan - Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam: "Không thể cào bằng"

- Thưa NSƯT Thanh Ngoan, việc Bộ VHTTDL giao cho Nhà hát Chèo Việt Nam tự chủ 30% kinh phí đang khiến nhà hát gặp phải những khó khăn gì?

+ Là năm đầu tiên thực hiện từng bước việc chuyển đổi cơ chế hoạt động của các nhà hát từ hình thức bao cấp kinh phí sang tự chủ về tài chính, Nhà hát Chèo Việt Nam bước đầu cũng gặp phải một số khó khăn. Hiện nay đã là cuối tháng 8, nhưng các vở diễn theo đặt hàng của Bộ với nhà hát trong năm nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được đồng kinh phí để dựng vở, do khâu thẩm định cuối cùng về tác phẩm còn chưa xong.

Với một môn nghệ thuật truyền thống như chèo, chúng tôi phải nỗ lực hết mức mới có thể dựng được vở mới trong điều kiện chưa biết đến khi nào mới thu được tiền về để bù đắp chi phí đã bỏ ra. Trước đây, chi phí dựng vở nằm trong chi phí thường xuyên, chúng tôi tự điều phối thì ngoài lương ra, tiền tập luyện của các nghệ sĩ có thể được lĩnh ngay, là sự động viên, bù đắp, khuyến khích đối với nghệ sĩ vốn ăn lương theo ngạch bậc là rất thấp so với thời giá hiện nay: trung bình 2,5 đến 4 triệu đồng.

Nhưng khi chuyển sang cơ chế đặt hàng như hiện nay, có thể tiền tập của các nghệ sĩ sẽ đạt cao hơn nhưng lại bị "nợ" thì không có sự khuyến khích, động viên kịp thời. Mong rằng, với các nhà hát nghệ thuật truyền thống, Bộ cũng sẽ có những xem xét lại để làm nghệ sĩ chúng tôi vẫn giữ được nghề và bớt thiệt thòi. Tôi nghĩ rằng, không thể "cào bằng" nghệ thuật truyền thống với các bộ môn nghệ thuật khác được.

- Có nghĩa là Chèo, Tuồng, Cải lương cần được xem xét để có một "cơ chế đặc thù". Vậy qua bước đầu thực hiện việc tự chủ, theo chị "cơ chế đặc thù" mà nhà nước cần áp dụng đối với Tuồng, Chèo, Cải lương cụ thể nên áp dụng như thế nào?

+ Trong xã hội hiện đại ngày nay, không có chỗ cho một nhà hát cứ ngồi đó để "ỉ lại", trông chờ hoặc làm quấy quá cho xong. Tôi vẫn hy vọng cấp trên có thể nhìn thấu đáo và ghi nhận những nỗ lực của chúng tôi trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị đặc sắc của nghệ thuật chèo truyền thống, đồng thời cũng chia sẻ với những khó khăn mà chúng tôi phải đối mặt.

Theo tôi được biết, Bộ trưởng mới của Bộ VHTTDL cũng nhìn ra những bất cập của việc này nên có nói rằng, không nhất thiết tất cả mọi thứ phải tự chủ hết, có những lĩnh vực việc tự chủ có thể sẽ đưa đến việc mất đi cái gốc văn hóa. Như thế là có tội với đất nước, với dân tộc. Tôi tin rằng, trong thời gian tới sẽ có những cơ chế, chính sách hợp lý đối với những nhà hát nghệ thuật truyền thống, ví dụ vẫn có một nguồn ngân sách nào đó để "bảo trợ" cho Tuồng, Chèo, Cải lương.

- Thời gian gần đây, một số nhà hát như Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Hà Nội đã có một số cái bắt tay rất đẹp đối với các doanh nghiệp để có được những nguồn kinh phí xã hội hóa phục vụ các hoạt động nghệ thuật vì cộng đồng. Nhà hát Chèo Việt Nam có kế hoạch, dự định gì để tìm kiếm các nguồn tài trợ ngoài ngân sách nhà nước?

+ Nhà hát Chèo Việt Nam có nhiệm vụ chính là bảo tồn và phát huy những giá trị đặc sắc và thuần Việt của nghệ thuật chèo. Việc bắt tay với các doanh nghiệp cũng được nhà hát quan tâm nhưng chỉ với các vở diễn có tính chất thử nghiệm. Thời gian vừa rồi cũng có nhiều doanh nghiệp tìm đến với Nhà hát Chèo Việt Nam để đặt vấn đề hợp tác nhưng chúng tôi quá bận rộn nên thời gian tới mới bắt tay vào làm được. Tới đây, chúng tôi sẽ kết hợp với Nhà hát Việt của đạo diễn Việt Tú để xây dựng một chương trình hát văn với những thử nghiệm, sáng tạo mới.

- Xin cảm ơn NSƯT Thanh Ngoan!

PV
.
.