Báo chí và câu chuyện "lá cải"

Xu hướng "lá cải hoá" trên báo chí

Thứ Ba, 03/07/2012, 08:00
Phỏng vấn nhà báo Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam.

- Thưa nhà báo Phan Quang, đang có tranh luận về xu hướng "lá cải" trong nhiều ấn phẩm báo chí ở ta. Là người hoạt động nhiều năm trong nghề, ông có nhận định gì về vấn đề này?

+ Có hai luồng ý kiến xung quanh chuyện báo "lá cải". Một luồng cho rằng ở ta không có báo "lá cải". Ý kiến khác lại nhấn mạnh báo chí ta đang bị "lá cải hóa". Theo suy nghĩ của tôi, báo chí nước ta về nguyên tắc là không có báo lá cải. Mỗi tờ báo được cấp phép ra đời nhất thiết phải xác định rõ mục đích, tôn chỉ, đối tượng, thể tài… . Cứ theo đó mà làm thì có thể hay hoặc chưa hay chứ không thể tầm thường tới mức "lá cải hóa". Tuy nhiên, hiện tượng thực tế một số cơ quan báo chí đang tự "lá cải hóa" thì không thể phủ nhận. Một số báo in và báo điện tử xa dần mục đích, tôn chỉ của mình, thông tin về các chủ đề nghiêm túc thì ít hoặc làm cho có vì không thể không làm, còn quan tâm nhiều hơn đến những thông tin giật gân, câu khách vô bổ, thậm chí có hại, đáp ứng thị hiếu thông tục của một bộ phận công chúng. Ở phương Tây, báo lá cải đã có từ lâu. Ở nước ta, từ trước năm 1945 đã xuất hiện cụm từ "báo lá cải". Xấu tốt đan xen, câu chuyện ấy thời nào và ở đâu chẳng có, ta nên xem xét cụ thể và tìm cách xử lý.

- Thưa ông, ta không có tờ báo nào "lá cải 100%", nhưng thực tế vẫn tồn tại những tờ vốn nghiêm cẩn, có mục tiêu, tôn chỉ rõ ràng, lại đăng tải không ít thông tin thực chất là thông tin "lá cải". Hơn nữa, đang có tình hình nhiễu loạn các thông tin trên ấn phẩm báo chí. Một số báo mạng moi chuyện đời tư của người nổi tiếng, câu khách bằng chuyện ăn mặc, lộ hàng, yêu đương của các ngôi sao showbiz, hay những câu chuyện đời sống có tính chất gây kích động, tò mò là chính… Vậy, các cơ quan chức năng cần phải quản lý những tờ báo ấy như thế nào?

+ Về thực tế trên, công tác quản lý có phần trách nhiệm. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, ta không nên chỉ một mực đòi hỏi và trông chờ các cơ quan chức năng mà cần xem xét toàn cục, liên quan nhiều lĩnh vực như con người, cơ chế, chính sách, pháp luật, cách thức quản lý, vv.

Quản lý báo chí là lĩnh vực khó, luôn nảy sinh vấn đề mới bởi báo chí truyền thông hiện đại phát triển nhanh. Mặt khác ta mở rộng giao lưu, hội nhập thì đi đôi với việc tiếp thu, học tập các mặt tốt, rất dễ học đòi các "ngón nghề" lá cải nước ngoài. Báo chí là phương tiện văn hóa, tư tưởng, tuy nhiên trong bối cảnh nền kinh tế xã hội vận động theo cơ chế thị trường, kinh tế toàn cầu lại đang gặp khó khăn…, cơ quan báo chí muốn tồn tại và phát triển phải bươn chải, vận hành theo cung cách doanh nghiệp, một loại doanh nghiệp đặc thù, trong khi chính sách, pháp luật của ta về hướng ấy tuy gần đây có nhiều cố gắng song hình như vẫn chưa theo kịp. Không thể không tính đến thực tế ấy khi xem xét và xử lý vấn đề.

- Vậy còn trách nhiệm của mỗi người làm báo thì sao, thưa ông?

+ Là người làm báo, tôi nghĩ chúng ta nên suy nghĩ nhiều hơn phần trách nhiệm của mình, bởi thông tin đứng đắn hay theo xu hướng "lá cải" đều khởi nguồn từ cách nhà báo tiếp cận, lựa chọn và xử lý thông tin (bao gồm nội dung và cách thể hiện) như thế nào. Thông tin về biểu diễn nghệ thuật, trình bày thời trang… chẳng hạn, là đề tài văn hóa hấp dẫn công chúng, song ai cũng có thể thấy cùng một buổi biểu diễn ấy, vẫn những con người ấy có những tờ báo quan tâm đến chất lượng nghệ thuật, giá trị tác phẩm, tài năng, phong cách, nhan sắc người đẹp… mang đến cho công chúng món quà văn hóa lành mạnh, thì lại có những tờ chuyên khai thác, phơi bày những mặt thông tục, vô bổ thậm chí có hại như vừa nói ở trên. Đây là dịp, là nơi bộc lộ bản lĩnh chính trị, trách nhiệm xã hội, tố chất văn hóa, đạo đức nghề nghiệp, trình độ thẩm mỹ… của người làm báo, bao gồm người trực tiếp xử lý thông tin và những người cùng chịu trách nhiệm tại cơ quan báo chí ấy. Tôi nghĩ, nếu có cơ chế chặt chẽ, cụ thể ràng buộc trách nhiệm của người xử lý thông tin với trách nhiệm của người biên tập, người thông qua… cho đến người phụ trách cao nhất trong cơ quan thì có thể ngăn ngừa, hạn chế, lại dễ xử lý khi xảy ra "sự cố".

Con người là trung tâm, dù sao cũng chỉ là một khâu trong guồng máy vận hành, bên cạnh đó còn có môi trường, cơ chế, chính sách... như tôi đã nói ở trên. Toàn một loạt "đại vấn đề", khó đề cập hết tại một cuộc trao đổi nhanh, xin bạn dành cho những người am hiểu hơn tôi.

- Xin cảm ơn nhà báo Phan Quang

Bình Nguyên Trang (thực hiện)
.
.