Xe đạp ơi, đã xa rồi còn đâu...

Thứ Hai, 03/06/2013, 08:00

Mới đây, qua một số phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết Sở Công thương Hà Nội vừa đưa trình UBND Tp Hà Nội cho ý kiến về đề án "Sản xuất và tiêu dùng xe đạp nhằm giảm ùn tắc giao thông đô thị, tiết kiệm nhiên liệu, giảm ô nhiễm môi trường". Đề án đã thu hút sự quan tâm của nhiều giới chức, nhiều thành phần trong xã hội. Thôi thì, khỏi phải nói thiện chí của các tác giả đề án. Tuy nhiên, xét trên nhiều khía cạnh, không khó để ta có ngay câu kết luận: Đây là một đề án phiến diện và bất khả thi.

Theo tính toán của Sở Công thương, một chiếc ôtô có diện tích lấn chiếm lòng đường bằng 6-7 chiếc xe đạp. Cũng theo khảo sát của Sở này, nhiều thành phố phát triển trên thế giới như Amsterdam (Hà Lan), London (Anh) đã có tỉ lệ người tham gia giao thông bằng xe đạp rất cao.

Có một câu nói vui thời hiện đại "Sếp to đi xe nhỏ. Sếp nhỏ đi xe to". Nhắc vậy để thấy, thời nay, không ai ngộ nhận rằng cứ đi xe "to", xe "hầm hố" là thể hiện được "đẳng cấp" của mình. Cũng như chẳng ai nghĩ rằng, một thành phố có nhiều người đi xe đạp như London, như Amsterdam là "nghèo" hơn một thành phố có nhiều người đi xe máy như Hà Nội ta.

Vấn đề là tại sao đại đa số người dân Hà Nội phải lựa chọn xe máy làm phương tiện đi lại của mình?

Họ chọn phương tiện này bởi chúng cơ động, có thể đáp ứng cuộc sống bươn chải, với những vất vả nhọc nhằn mưu sinh của mình.

Đi xe đạp chỉ hợp với người có công việc nhàn nhã, thong dong (hoặc đã nghỉ hưu), nhà lại gần cơ quan, không trong độ tuổi đưa vợ đi làm, đón con đi học. Chứ với người phải sôi sục kiếm ăn từng ngày thì dùng xe đạp có khác gì bị… cưa chân. Thử hỏi, nếu một người hành nghề xe ôm thì với chiếc xe đạp, họ sẽ tranh khách được với ai?

Chưa kể, với thời tiết khắc nghiệt và bất thường; đường sá liên tục bị cày xới, băm nát như hiện nay, liệu ai đủ can đảm, can trường để túc tắc chiếc xe đạp "trên từng cây số" lắm bụi đường và dày đặc ổ gà như thế.

Phải nói thực lòng, tôi là người rất thích được thong dong cùng chiếc xe đạp. Và tôi tin không phải không có nhiều người cùng chung ước muốn với tôi. Nhưng cũng thực lòng mà nói, cái thời của xe đạp đã xa rồi ("Xe đạp ơi, đã xa rồi còn đâu" - lời một bài hát). Đó là cái thời nhịp sống còn thư thả. Người dân đa phần đều nghèo. Mà ai đó muốn làm giàu, muốn "tăng tốc" nhịp sống cũng không dễ. Bây giờ muốn trở lại cái thời này không được nữa. Hay nói đúng hơn, muốn xã hội quay trở về với xe đạp thì cuộc sống lại phải phát triển lên một tầng nấc mới, sung túc và văn minh hơn nhiều. Ấy là chưa nói tới việc, như có ý kiến nhận xét, để an toàn cho người đi xe đạp, cần phải qui hoạch lại mạng lưới giao thông, phải làm sao có làn đường dành riêng cho người đi xe đạp. Chứ để xe đạp đi hỗn hợp cùng các loại phương tiện xe gắn máy thì rất không ổn. Lại nhớ, có du khách nước ngoài chứng kiến cảnh xe đạp, xe máy, xe ôtô cùng đi chung một làn đường ở Hà Nội đã sợ hãi nói một cách hình tượng: "Sao lại để hổ báo sống chung với thỏ, sóc như thế?".

Việc ai đó cho rằng xe đạp chiếm dụng ít mặt đường hơn xe máy, theo tôi cũng là một cách tính toán thiển cận. Độc giả Trần Trung Kiên, trên Báo Pháp luật và đời sống đã phân tích: Cứ cho bình quân xe máy có vận tốc 30km/h; xe đạp là 10km/h. Bạn đi từ A đến B hết 10 phút xe máy, 30 phút xe đạp. Tính ra xe đạp chiếm dụng mặt đường gấp ba lần xe máy về thời gian. "Như vậy làm sao dùng xe đạp để giảm ùn tắc được". Tôi hoàn toàn tán thành nhận xét này

Lê Hoàng Minh
.
.