Cửa sổ văn nghệ

Xây bảo tàng để... đón gió?

Thứ Sáu, 12/10/2012, 08:00

Dự án về công trình xây dựng Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đang thu hút sự quan tâm phản ánh của nhiều tờ báo. Một công trình lớn với dự toán hơn 11.000 tỉ đồng, đó mới chỉ là phần áo choàng bên ngoài, nếu tính cả phần xương cốt bên trong nữa thì số tiền gấp đôi, nghĩa là trên 22.000 tỉ đồng. Và chắc chắn số tiền còn lên cao hơn nữa bởi vì trượt giá.
Thực là một công trình đại sự quốc gia!

Nhiều ý kiến cho rằng chưa nên triển khai công trình lúc này vì đời sống người dân còn khốn khó, hơn nữa có một thực tế hiện nay, phần lớn các bảo tàng đã được xây dựng với kinh phí không nhỏ nhưng xem ra áo thì đẹp mà ruột thì rỗng nên lượng khách đến bảo tàng thưa thớt (Bảo tàng Hà Nội vừa mới khánh thành chưa đầy một năm nay là ví dụ).

Với cách tiếp cận của mình, tôi thấy chưa xây dựng bảo tàng lịch sử quốc gia là đúng. Không phải vì lúc này kinh tế của chúng ta có khó khăn, mà dẫu kinh tế không khó khăn đi chăng nữa thì việc xây một bảo tàng lịch sử với hàng chục ngàn tỉ đồng như vậy là chưa nên. Bởi một điều dễ nhận thấy là không tiết kiệm và không hiệu quả.

- Nếu nhìn bảo tàng dưới góc độ là lưu giữ các hiện vật lịch sử quý giá để phục vụ cho công tác nghiên cứu thì các bảo tàng hiện có của chúng ta đã đáp ứng được yêu cầu đó rồi. Cả nước đã có hơn 100 bảo tàng, có ở Trung ương và các địa phương, có bảo tàng các ngành, có bảo tàng trên nhiều lĩnh vực. Chưa thấy có một tiếng nói nào, một đề xuất nào bức xúc về nhu cầu thiếu bảo tàng hiện nay. Chúng ta sẽ tiếp tục thu thập, phát hiện những hiện vật mới nữa để làm giàu thêm các hiện vật nhưng chắc chắn sẽ không còn nhiều. Bởi gần bảy mươi năm qua, từ khi nhà nước của chúng ta ra đời đến nay, với sự cố gắng của ngành bảo tàng và nhiệt tình của nhân dân, nhiều hiện vật lịch sử quý đã được quy tụ về bảo tàng. Ta ước lượng được như thế để có một tính toán chính xác hơn về quy mô của bảo tàng lịch sử. Nếu không, xây một bảo tàng lớn như vậy thì biết lấy cái gì đưa vào trong đó. Có người nói đùa rằng chỉ có đón gió mà thôi.

- Nếu xét về quy mô, bảo tàng của ta hiện nay đã tương xứng với tầm cỡ quốc gia hay chưa. Thực ra cũng chưa có một chuẩn nào nhất định, rõ ràng cho tiêu chí này đối với các nước. Bảo tàng lớn nhỏ là do yêu cầu về số lượng, chất lượng các hiện vật là chính, không phải cứ dân số nước ấy nhiều, diện tích nước ấy rộng thì bảo tàng phải to.

- Nếu xét về góc độ xây bảo tàng lớn để thu hút khách du lịch, tạo ra một nguồn thu lớn cho đất nước thì không phải cách và chưa thuyết phục. Ở nhiều nước, bảo tàng có sức thu hút khách không phải vì bảo tàng ấy lớn mà vì nó có nhiều cái hay, độc đáo thậm chí là có những cái duy nhất của thế giới. Đó không chỉ là hiện vật của lịch sử mà còn là hiện vật của điêu khắc, của mĩ thuật, nghệ thuật, hiện vật về dân tộc học… mà được kì công tích lũy từ hàng trăm năm nay. Có khi ngay kiến trúc của bảo tàng cũng là một công trình mĩ thuật độc đáo đáng để cho khách chiêm ngưỡng. Đấy mới là điều thu hút du khách. Tiếc rằng bảo tàng chúng ta còn quá thiếu những thứ đó, có không ít bảo tàng phần trưng bày các hiện vật chỉ thấy các phần thưởng như cờ thi đua, bằng khen các cấp chiếm phần không nhỏ, hiện vật còn quá thiếu, nhất là những hiện vật mang tính độc đáo. Đó là chưa nói đến nhiều nội dung trùng lặp, người xem đã thấy ở bảo tàng này lại thấy ở bảo tàng kia. Do vậy mà khách đến xem không nhiều, chủ yếu là vào các ngày lễ, các tập thể tổ chức các đoàn đi, còn ngày thường hầu như rất vắng.

Một dự án lớn như dự án xây dựng bảo tàng lịch sử mới này trước lúc triển khai cần thiết phải có sự tham gia ý kiến, nếu không rộng rãi thì chí ít cũng lấy ý kiến của các nhà khoa học, các nhà chuyên môn các nhà quản lí và các ngành có liên quan. Kết quả cần được thông tin rộng rãi

Phạm Văn Thạch
.
.