Xã hội hoá sân khấu

Thứ Bảy, 15/04/2006, 08:00

Lâu nay, nói đến xã hội hóa sân khấu, dường như ai cũng có thể hiểu được vấn đề cần làm là: mở rộng khuyến khích các mô hình sân khấu, kể các sân khấu thử nghiệm (như kịch hình thể), để đưa sân khấu đến đông đảo quần chúng… Vậy, ai tham gia vào việc xã hội hóa sân khấu?

Đương nhiên, trước tiên là những người trực tiếp làm sân khấu, bên cạnh đó còn cần có sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý, các trung tâm xúc tiến các dự án nghệ thuật, v.v… Như vậy, xem ra nhiệm vụ xã hội hóa sân khấu thuộc về ai đã được “phân công” rõ ràng. Nhưng, thấy vậy mà không phải vậy.

Cứ nhìn thử hoạt động sân khấu kịch ở TP.HCM mà xem. Gần 20 năm qua, về diễn viên thì quanh đi quẩn lại cũng chỉ có mấy gương mặt quen thuộc: Khánh Hoàng, Thành Lộc, Kim Xuân, Thương Tín, Việt Anh, Hồng Vân, v.v… Về đạo diễn thì cũng chỉ dăm bảy người có tên tuổi, như: Trần Ngọc Giàu, Trần Minh Ngọc, Công Ninh, Thế Ngữ, Đoàn Bá, Vương Huyền Cơ, v.v… Tác giả kịch bản thì càng khan hiếm những tài năng, những kịch bản được chào đón vẫn là của những gương mặt cũ, như: Nguyễn Chí Trung, Nguyễn Thu Phương, Nguyễn Thị Minh Ngọc, v.v…

Chỉ với chừng ấy những người được xem là “nòng cốt” cho sân khấu kịch TP.HCM thì liệu việc xã hội hóa sân khấu có khả thi? Bởi xã hội hóa sân khấu, không có nghĩa là… dễ dãi hóa sân khấu, không phải mở tràn lan, dựng vô tội vạ; miễn là bán vé được. Mà, xã hội hóa sân khấu còn có nghĩa là nâng cấp sân khấu, nâng cao mặt bằng thưởng thức nghệ thuật của người xem.

Tất nhiên, những công việc đó là cực kỳ khó khăn, không phải chỉ có niềm đam mê yêu nghề là làm được, mà nó đòi hỏi cả một chiến lược lâu dài. Ai làm? Ai cũng muốn “xắn tay áo” vào làm. Nhưng rồi, lực bất tòng tâm. Bởi, chúng ta không thể xa rời thực tế rằng: nghệ sĩ cũng cần phải sống. Tức, vở diễn nhất thiết phải bán được vé. Làm sân khấu mà không bán được vé thì… chết (!).

Vậy là không có sân khấu kịch nào dám mạo hiểm đi theo con đường thuần túy nghệ thuật. Sân khấu kịch Phú Nhuận của “bà bầu”- NSƯT Hồng Vân “chuyên trị” những vở kịch hài hước, dí dỏm; đáp ứng thị hiếu số đông. Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần cũng chịu khó khai thác những đề tài đương đại, nhưng yếu tố “hấp dẫn” vẫn được đưa lên hàng đầu. Sân khấu kịch Idecaf xem ra có “trình độ” hơn nhưng vẫn không vượt ra ngoài “chức năng” thư giãn v.v…

Đâu là một sân khấu kịch thực sự có “tầm vóc” ở TP.HCM?. Dường như là không có (chưa có). Nơi nào dám dấn thân trong việc xã hội hóa sân khấu? Nhiều cuộc hội thảo đã đặt ra, đã “nóng” lên, nhưng xem ra sân khấu kịch TP.HCM vẫn “vũ như cẩn”. Tức là vẫn hoạt động sôi nổi, vở diễn mới vẫn được quảng cáo rầm rộ, vé bán vẫn chạy. Nhưng, vở diễn chỉ xong vài tháng là người ta quên ngay. Quên ngay tên vở kịch, quên tên tác giả, quên tên đạo diễn, không có dấu ấn một diễn viên nào… Thực trạng này có thể nói là khá phổ biến và đáng để chúng ta phải suy nghĩ.

Tại TP.HCM, hiện nay đã có một đoàn nghệ thuật sân khấu thử nghiệm xã hội hóa do NSƯT Trần Ngọc Giàu làm giám đốc. Đó là đoàn của Trường cao đẳng Sân khấu điện ảnh TP.HCM. Hoạt động của đoàn nghệ thuật này gắn liền với hoạt động của CLB sân khấu Thế giới trẻ. Nhắm vào những đề tài đương đại, đôi khi bám sát thời sự, các vở diễn của CLB Thế giới trẻ, như: “Trái cấm”, “Phiên tòa”, “Mẹ 15 tuổi”, v.v… phần nào gây được ấn tượng tốt. Cùng với sự tươi trẻ trong đội ngũ diễn viên là sự từng trải kinh nghiệm, trong tay nghề của các đạo diễn Đoàn Bá, Trần Ngọc Giàu, v.v…

Nhưng, mừng đó rồi lại lo ngay. Lo về lực lượng kế thừa. Diễn viên trẻ nhiều, đạo diễn trẻ cũng nhiều. Nhưng những tài năng thì khan hiếm. Đặc biệt là ở vai trò đạo diễn. Trong vài năm nay, sân khấu kịch TP.HCM gần như thiếu hụt trầm trọng đạo diễn trẻ. Một Lê Quý Dương dám “lao đầu” vào những thể nghiệm, nhiều khi bất chấp dư luận ở sân khấu 5B Võ Văn Tần. Đạo diễn này chắc chắn sẽ để lại dấu ấn sáng tạo của mình trong thời gian tới. Nhưng gọi Lê Quý Dương là đạo diễn trẻ ư? Hình như anh cũng không còn trẻ nữa (!).

Một Đức Thịnh có nghề trong “Em và ngôi sao” biết tiết chế và tạo thăng hoa trong: “Người đàn ông của trời”. Đức Thịnh là một đạo diễn trẻ có cái nhìn mới và tư duy sáng tạo tương đối độc lập. Nhưng, Đức Thịnh cũng đơn độc quá. Ở thế hệ của mình, anh gần như không có “đối thủ”. Và, dường như anh cũng chỉ chăm chú làm công việc “của mình”. Còn những dự án nghệ thuật to tát ư? Hãy đợi đấy. Xã hội hóa nghệ thuật ư? Tôi không thể đơn độc làm được chuyện này (!).

Nói gì thì nói, việc xã hội hóa sân khấu vẫn đang chuyển động. Các sân khấu kịch ở TP.HCM, hơn bao giờ hết nhận thức được rằng mình không thể cứ “ăn xổi ở thì” mãi được.

Ông Huỳnh Anh Tuấn - GĐ sân khấu kịch Idecaf từng trăn trở rằng: “Sân khấu kịch quá khan hiếm những kịch bản hay. Về đội ngũ diễn viên trẻ cũng rất thiếu hụt…”. Nhưng, trong sự khó khăn đó, sân khấu Idecaf vẫn cố gắng đưa những thể nghiệm mới vào những vở diễn tưởng chừng đã quá cũ kỹ. Gần đây, trong vở “Cậu bé rừng xanh”, Idecaf mạnh dạn đưa nghệ thuật xiếc vào trong kịch, đã mang lại thành công bất ngờ.

Ở sân khấu kịch Phú Nhuận thì NSƯT Hồng Vân đang “toan tính” làm “hoành tráng” trở lại các vở cải lương. Ngay cả Nhà hát kịch TP.HCM, nơi được xem là “kín cổng cao tường” thì hiện nay cũng đang ráo riết dựng các vở để “lăn vào khán giả, lăn vào thị trường”…

Xã hội hóa sân khấu đang chuyển động tích cực. Sự tích cực trước hết nằm ở cái nhìn. Ví dụ: cũng là yếu tố thị trường, nhưng hôm nay các sân khấu kịch không “chịu lép vế”, đáp ứng thị hiếu dễ dãi khán giả, mà họ có những “chiêu thức” riêng. Có mới, có cũ; có nghệ thuật, có thị trường; có truyền thống, có hiện đại v.v… Đấy có thể xem là những “phép thử” đúng của sân khấu kịch TP.HCM.

Nhưng, nói gì thì nói những chuyển động trong việc xã hội hóa sân khấu có “về đích” được hay không thì cần phải có những tài năng thật sự, những con người dũng cảm thực sự. Nếu không, sự chuyển động đó sẽ… đứt đoạn, hoặc không bao giờ về tới đích!

Trần Nhã Thụy
.
.