Vui buồn phê bình văn chương

Thứ Tư, 03/10/2012, 09:00
Nhiệm vụ đi tìm chìa khóa phê bình văn chương là nhiệm vụ của các nhà nghiên cứu phê bình văn học. Theo tôi, không thể tìm chìa khóa này từ văn học phương Tây, văn học Mỹ mà phải tìm trong di sản của văn học dân tộc. Đúng là di sản phê bình văn học của ông cha ta để lại hơi mỏng. Nhưng đối với văn chương nghệ thuật thì số lượng không nói lên điều gì. Phương pháp phê bình văn học Việt Nam có thể là ở mỏ lộ thiên mà cũng có thể ở mỏ ngầm dưới lòng đất sâu...

Chìa khóa phê bình văn chương

Giới văn chương nghệ thuật đang sống trong không khí sau các cuộc hội thảo văn chương gần đây. Điều mà mọi người quan tâm là chuẩn văn học, bởi các cuộc hội thảo đó đã làm mọi người không tin vào chuẩn mực văn học nữa. Toàn các giáo sư - tiến sĩ văn chương và các nhà thơ, nhà phê bình có danh cả mà sao quần chúng yêu văn chương lại không tin? Nhân dân đã đúc kết rồi: "Văn chương tự cổ vô bằng cứ" thì cái chuẩn phải ở người cầm cân. Người cầm cân mà không tỉnh táo thì có cân bằng vàng cũng không chuẩn mực được. Nhân dân cực kỳ thông minh, từ ngày xưa đã sáng tác ra bài ca "Thằng Bờm" đấy thôi:

Thằng Bờm có cái quạt mo
Phú ông đem đổi ba bò chín trâu
Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu
Phú ông đem đổi ao sâu cá mè
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè
Phú ông đem đổi ba bè gỗ lim
Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim
Phú ông đem đổi đôi chim đồi mồi
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi
Phú ông đem đổi nắm xôi Bờm cười".

Có nhà phê bình cho rằng Bờm là một kẻ thực dụng. Nói như thế là coi thường quần chúng nhân dân. Không, nói như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm là từ "ngàn đời nhân dân thông minh", chính họ đã đẻ ra những ông giáo sư - tiến sĩ. Họ biết "cái quạt mo" chỉ có giá trị ngang bằng với "nắm xôi" mà thôi. Họ thừa biết nghệ thuật nô đùa và bụng dạ của Phú ông. Họ muốn tìm chân giá trị chứ không bao giờ ảo tưởng. Vì thế, khi các cuộc hội thảo đánh giá những "cái quạt" có giá trị "ba bò chín trâu" thì nhân dân không tin và chỉ mỉm cười.

Trong không khí ấy, tôi nhớ đến câu chuyện nhà thơ Xuân Diệu trao chìa khóa phê bình văn chương cho nhà thơ Phạm Tiến Duật bằng tập tiểu thuyết "Mái Tây" có lời bình của Kim Thánh Thán. Mấy năm trước đây tôi đã nói đến chuyện này trên Văn nghệ Công an và nói rằng tôi tìm đọc xong tập sách ấy của tiền nhân nhưng chẳng thấy chìa khóa phê bình văn chương ở đâu cả, và suy nghĩ hay thâm ý của thi sĩ Xuân Diệu và nhà thơ Phạm Tiến Duật muốn nói rằng chìa khóa của phê bình văn chương chính là không có chìa khóa nào cả. Nhưng mà, hơn năm chục năm nay kể từ khi thành lập, Viện nghiên cứu văn học của Ủy ban Khoa học Xã hội đã chẳng mệt mỏi đi tìm mà không kết quả đó sao! Biết bao các công trình nghiên cứu về phương pháp sáng tác, phương pháp phê bình của văn học phương Tây được các giáo sư - tiến sĩ ứng dụng vào đời sống văn học Việt Nam đều không thành công. Chìa khóa kỹ thuật điện tử của phương Tây làm sao có thể mở được tác phẩm nghệ thuật giàu tâm linh của phương Đông? Tôi không nói là cái nào cao siêu hơn. Tôi chỉ nói là nó không cùng trường, không cùng kênh nên không thể mở được mà thôi.

Nhưng nhiệm vụ đi tìm chìa khóa phê bình văn chương vẫn là nhiệm vụ của các nhà nghiên cứu phê bình văn học. Theo tôi, không thể tìm chìa khóa này từ văn học phương Tây, văn học Mỹ mà phải tìm trong di sản của văn học dân tộc. Đúng là di sản phê bình văn học của ông cha ta để lại hơi mỏng. Nhưng đối với văn chương nghệ thuật thì số lượng không nói lên điều gì. Phương pháp phê bình văn học Việt Nam có thể là ở mỏ lộ thiên mà cũng có thể ở mỏ ngầm dưới lòng đất sâu. Có điều phải có "mắt xanh" thì mới nhìn ra. Nhà phê bình văn học Hoài Thanh đâu phải là nhà phê bình cảm hứng như ai đó nói, mà cụ có chìa khóa phê bình nên mới mở được "một thời đại mới trong thi ca", gần một thế kỷ rồi vẫn có sức thuyết phục. Chắc có người lại bảo rằng phương pháp phê bình của cụ không hiện đại. Theo tôi, phương pháp phê bình văn chương phương Đông và Việt Nam có đặc điểm là "chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài". Viên Mai, Kim Thánh Thán, Hoài Thanh đều là những nhà phê bình như thế cả.

Buồn cho cái sự phê bình

Nhiều người cho rằng lý luận phê bình văn chương của chúng ta hiện nay yếu kém, không theo kịp sáng tác. Bảo là đúng thì cũng là đúng. Nhưng nó không hoàn toàn đúng vì tư duy đó rất cũ. Phê bình đi trước hay đi sau sáng tác, theo kịp hay không theo kịp còn phụ thuộc vào góc nhìn. Lý luận phê bình đi trước sáng tác làm sao được? Nhiệm vụ của phê bình là phải đi sau sáng tác để phân tích tổng kết rút ra những kinh nghiệm, những lý luận cần thiết cho sáng tác. Viết mà tới thì một câu cũng là tới. Viết mà không tới thì có viết hàng bộ sách dày cũng không tới. Thế thì việc gì phải lo cho lý luận phê bình.

Nhưng đúng là đời sống lý luận phê bình văn chương hiện nay buồn thật. Trong lịch sử văn chương nước ta có nhiều cuộc tranh luận văn chương đã làm cho văn đàn sôi nổi hẳn lên mà tiêu biểu là cuộc tranh luận "Nghệ thuật vị nghệ thuật" hay "Nghệ thuật vị nhân sinh" giữa Hải Triều và Hoài Thanh trước Cách mạng Tháng Tám. Tranh luận để tìm ra chân lý thúc đẩy văn chương đi lên. Người tranh luận không nghĩ cho riêng mình, chỉ nghĩ cho văn chương nghệ thuật. Người tham gia tranh luận tôn trọng nhau cũng là tôn trọng chính mình. Không phải cứ phủ định người khác là mình chiến thắng. Các cuộc tranh luận đó đăng các ý kiến khác nhau, trái chiều nhau. Thế là dân chủ chứ!

Sao bây giờ đời sống văn chương lại không bằng trước đây nhỉ? Chúng ta đi thụt lùi à? Mấy cuộc hội thảo thì toàn ý kiến một chiều. Cuộc đời thật phức tạp. Đời sống văn chương cũng là một phần của cuộc đời này. Tôi đã từng viết về "Làng văn giữa chợ văn". Không khéo bây giờ "làng văn" cũng bị nhuốm màu "chợ" mất. Thế thì thật buồn thay. Sinh hoạt văn chương của những "tao nhân mặc khách" mà ngôn ngữ, cách xử sự lại nhuốm màu chợ búa thì quần chúng yêu văn chương sẽ cười cho. "Giấy rách phải giữ lấy lề", mọi người Việt Nam bình thường đều hiểu nữa là những người có trình độ văn hóa cao là các nhà văn.

Tôi chỉ buồn cho cách thức sinh hoạt văn chương hiện nay thôi chứ không buồn vì nền văn chương. Nền văn chương sẽ quyết định bởi những "thợ trời" (những tài năng đích thực) chứ không phải bởi các "thợ vẽ" (những người thợ viết), như chữ dùng của Kim Thánh Thán. Bởi "thợ trời" thì rất hiếm, có thế kỷ chẳng có một ai, tức là nền văn chương bị bỏ trắng, trong khi các "thợ vẽ" thì rất nhiều, cả núi tác phẩm.

Trong quá trình viết phê bình tôi cũng nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc. Khen có, chê có. Có người còn mắng mỏ là viết nhạt, là ngu. Đó là chuyện bình thường mà. Có một ý kiến cũng thiện chí thôi, nhưng tôi thấy anh cũng hơi ảo tưởng: "Vài năm nữa, Việt Nam sẽ công bằng, dân chủ, văn minh hơn, những người như Đinh Quang Tốn sẽ lặn khỏi văn đàn không sủi tăm"... Tôi thì tự biết mình đã làm gì có "tăm" để mà sủi. Nhưng liệu anh đã có "tăm" chưa? Nếu đã có thì đấy là "tăm" thật hay là "tăm" giả chứ? Mà văn là nghiệp thôi, có chi mà phải tính chuyện ăn thua ở đây. Các cụ xưa đã nói: "Lập thân tối hạ thị văn chương" (Lập thân thấp nhất là bằng văn chương) mà! Sự nghiệp văn chương là tự nhiên, không thể phấn đấu, không thể giành giật được. Đến như thi sĩ Chế Lan Viên cũng chỉ nghĩ: Người làm thơ lúc nổi lúc chìm, có hơn nhau cũng chỉ một chút thôi mà. Thôi chúng ta hãy cứ viết theo suy nghĩ và sự thôi thúc của trái tim mình một cách trung thực. Giá trị những trang viết đến đâu thì hãy để cuộc đời phán xét. Những người cùng thời cũng không thể thổi lên hay dìm xuống được: "Có thì dù chỉ mảy may/ Đã không cả thế gian này cũng không"...

Đ.Q.T.
.
.