Vũ điệu trên xe lăn

Thứ Hai, 12/05/2014, 08:00

Tiếng nhạc nhẹ nhàng lả lướt dìu dặt, điệu ballet dance mềm mại trên những đôi tay uyển chuyển. Chỉ duy nhất đôi chân họ là nằm bất động trên ghế. Và đôi tay không thể nắm lấy tay bạn nhảy. Những hõm mắt sâu hoắm lặng im, nhường chỗ cho khóe miệng không ngừng mỉm cười. Họ là những người mất đi đôi chân, đôi tay hay mất đi đôi mắt. Và họ khiêu vũ để tìm quên nỗi bất hạnh ấy...

17h45, lớp học mới bắt đầu. Thế nhưng Hội quán Đời Rất Đẹp trên đường Hòa Hưng, quận 10 (TP HCM) đã có hơn 20 chiếc ghế lăn xếp san sát từ chiều. Chủ nhân của chúng vừa trò chuyện vừa tranh thủ ôn lại những động tác học buổi trước. Nhiều người tò mò đứng ngoài xem thì bác bảo vệ cười bảo: "Vô mà học, đứng ngoài làm gì?".

Hóa ra lớp học này cũng dạy cho cả những học viên không bị khuyết tật. Ai bị khuyết tật vận động nhẹ ở chân hoặc đi nạng có thể lấy ghế dựa và ngồi tập theo các bạn khuyết tật ngồi trên xe lăn. Không khí rôm rả hẳn lên khi vũ sư Đinh Thanh Hiếu bắt đầu buổi học. Ai cũng trầm trồ xuýt xoa khi thầy Hiếu giới thiệu những bài nhảy chachacha, rumba đầy điêu luyện và bốc lửa của những vũ công khuyết tật nước ngoài trên máy tính. Để làm tăng thêm phần phấn khích cho học viên, thầy Hiếu nháy mắt: "Các bạn sẽ nhảy đẹp hơn họ vì mình còn trẻ mà, các vũ công trong này toàn U60 rồi đó".

Hôm nay lớp học bài ballet dance và các điệu lắc ngực, vai và bụng cơ bản. Để thị phạm, thầy Hiếu cũng sử dụng một chiếc xe lăn dù anh là người lành lặn. Thầy ngồi trên xe lăn và bắt đầu hướng dẫn các động tác đưa tay, cúi gập, lắc, ưỡn trái, phải... Học viên hồ hởi làm theo. Những động tác rất đơn giản với người thường nhưng lại khó "nhằn" với người khuyết tật. Nhiều học viên vừa tập vừa kêu: "Thầy ơi, sao em lắc cái bụng không được"; "Thầy ơi, cái hông của em đau quá!"; "Em cúi xuống không được".

Thầy Hiếu lại tất tả chạy đến chỉnh cho từng người. Cả lớp lâu lâu lại ôm bụng cười rũ rượi bởi những màn thị phạm những động tác sai hài hước của thầy Hiếu. Đến khi mồ hôi mồ kê nhễ nhại, nhiều học viên đề nghị thầy mở nhạc để nhảy tự do. Tiếng nhạc xập xình nổi lên. Những hình nhân dị dạng trên xe lăn bắt đầu nhún nhảy. Thỉnh thoảng, phấn khích quá, có chị còn lấy hai tay chống, rướn người lên để lắc lư thân hình, mặc cái chân cụt ngủn, bất động. Những cánh tay mất ngón hay quặt quẹo vẫn gắng sức theo từng nhịp của thầy.

Thầy Đinh Thanh Hiếu mong muốn nhân rộng lớp học khiêu vũ cho người khuyết tật ở nhiều nơi.

Đây là buổi học thứ 5 ở lớp "Vũ điệu xe lăn" của Trung tâm Khuyết tật và Phát triển DRD.  Buổi học bắt đầu từ 17 giờ 45 đến 19 giờ 45 vào ngày thứ Tư và thứ Sáu trong tuần. Công tác tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP HCM,  từng được huấn luyện tại Australia và bôn ba qua nhiều nước, vũ sư Đinh Thanh Hiếu nhận thấy hình thức khiêu vũ trị liệu dành cho người khuyết tật ở các nước phát triển rất bổ ích. Hình thức này phổ biến ở các nước như Canada, Australia... giúp người khuyết tật và người già phải ngồi xe lăn có được niềm hứng khởi trong cuộc sống, tự tin hòa nhập cộng đồng. Trong khi đó, sân chơi thể thao giải trí dành cho người khuyết tật ở Việt Nam còn quá ít ỏi.

Nhiều lần thầy Hiếu không khỏi chua xót khi nghe tâm sự đầy mặc cảm của nhiều người khuyết tật vận động hoặc thiểu năng rằng: Tuổi thọ của chúng tôi ngắn hơn người thường. Cả ngày ngồi trên xe lăn, ít vận động, quanh quẩn với góc phố, xó nhà chật hẹp, họ như người bị nhốt trong thế giới riêng. Họ trầm tư, ngại tiếp xúc và trở nên cáu bẳn. Nghĩ vậy, vũ sư Đinh Thanh Hiếu quyết định ngỏ ý tưởng với Trung tâm DRD.

Để phù hợp với thể trạng người Việt, tăng tính giải trí và trị liệu, anh đã chỉnh sửa, biên soạn lại chương trình "Nhảy và khiêu vũ thể thao dành cho người khuyết tật vận động" của Hiệp hội Nhảy thể thao trên xe lăn. Khi mới mở lớp, rất nhiều người khuyết tật đăng ký tham gia vì tò mò. Họ tự hỏi: "Khuyết tật như mình mà cũng học nhảy được ư?".

Bị teo chân hồi mới lọt lòng mẹ, tham gia lớp khiêu vũ từ ngày đầu, chị Nguyễn Thị Diệu Trinh chia sẻ: "Tôi không ngờ mình nhảy được trên xe lăn. Làm nghề thêu nên rất hay mỏi cổ và bị béo phì. Nhưng đi tập mấy bữa nay tự dưng thấy xương cốt khỏe ra nhiều. Mới đầu tập tôi sợ mình không tập được vì thấy khó quá, chân tay cứ ê ẩm. Nhưng giờ thì tôi thấy rất hào hứng, nó giúp mình xả stress, giảm cân, ăn ngon ngủ yên hơn".

Thầy Hiếu cho biết: "Trong một năm người khuyết tật sẽ được học 12 vũ điệu như chachacha, salsa, samba, cumbia, soca, tango… Học chừng một tháng thì họ có thể nắm những động tác, bước đi, đánh, lắc cơ bản...Nếu như người thường dùng đôi chân thì họ dùng xe lăn và cử động chính là thân trên gồm vai, ngực, tay, hông, bụng. Mục đích của tôi trước hết là dạy nhảy để giúp họ trị liệu. Khiêu vũ giúp máu huyết trong cơ thể lưu thông, tránh mỏi cơ, đau cột sống, suy gan, thận... Sau nữa tôi muốn dùng khiêu vũ và âm nhạc để trị liệu tâm lý, giúp họ hào hứng, sống và yêu đời. Đây là điều quan trọng nhất".

Lớp học này như một hoạt động thiện nguyện đầy ý nghĩa bởi học viên đến học hoàn toàn được miễn phí. Chị Trần Thị Hoan lần đầu tiên tham gia khiêu vũ qua sự giới thiệu của một người bạn. Xem chương trình "Bước nhảy hoàn vũ" đã nhiều lần, chị Hoan thầm ước đôi chân, đôi tay mình lành lặn, ước gì mình có thể khoác bộ váy kiêu kì kia để bay bổng những vũ điệu mê hồn. Nhiều người biết được, cười nhạo ước mơ của Hoan là viển vông. Chị không ngờ, ước mơ viển vông đó có một ngày lại trở thành sự thật.

"Khi học xong tôi sẽ dạy lại những điệu khiêu vũ này cho mấy đứa trẻ nghèo, lang thang ở khu phố. Tụi nó thích nhảy lắm. Nếu có cuộc thi khiêu vũ trên xe lăn, tôi nhất định sẽ tham gia. Có ai đánh thuế ước mơ đâu chứ" - Chị Hoan bộc bạch.

Ngồi phía trên chị Hoan, cô bé Phạm Hồng Nhung không chỉ bị bại liệt hai chân mà một cánh tay còn bị co cắp. Lâu lâu, thầy nói gì buồn cười,  tiếng ư ử của cô bé lại ngập trong tiếng vỗ tay reo hò. Cô bé bị câm nhưng tai rất thính. Cô nhảy say sưa dù bàn tay co cắp không thể làm những động tác uyển chuyển. Mồ hôi lấm tấm trên gương mặt gầy gò, Nhung thở dốc. Thế nhưng hỏi Nhung có mệt lắm không thì cô bé lắc đầu rồi dùng bàn tay quặt quẹo hí hoáy một hồi trên phím điện thoại rồi đưa màn hình trước mặt tôi: "Em vui lắm! Vui thì hết mệt. Em muốn nhảy thật đẹp".

Thầy Hiếu bảo khó khăn lớn nhất bây giờ là thiếu các bạn tình nguyện viên để điều chỉnh động tác cho các bạn khuyết tật. Nếu việc dạy ở Hội quán Đời Rất Đẹp có sự giúp đỡ của các bạn hội viên thì việc dạy khiêu vũ cho người khiếm thị ở trường Nguyễn Đình Chiểu không có ai hỗ trợ. Đã vậy, việc dạy khiêu vũ cho người khiếm thị gặp khó khăn gấp bội phần người khuyết tật vận động. Thế nhưng hai lớp mở vào thứ Năm và thứ Bảy hàng tuần cho học sinh khiếm thị do thầy Hiếu đứng lớp lúc nào cũng đông đủ 20 học viên. Thầy Hiếu phải rất vất vả bởi việc thính phạm không thể hiệu quả bằng thị phạm. Nói có bạn hiểu, có bạn không hiểu. Không nhìn thấy nên việc định hướng của học viên khiếm thị kém, làm sai động tác và dễ va chạm, vấp ngã.

"Sắp tới tôi sẽ nhờ các bạn ở các trường đại học làm cộng tác viên để chỉnh động tác cho các bạn khiếm thị. Dù có khó khăn nhưng các em rất ham học hỏi" - Thầy Hiếu nói. Nguyễn Thành Trung, một học sinh của Trường Nguyễn Đình Chiểu không khỏi bối rối khi tâm sự về chuyện học khiêu vũ: "Em nghe người ta nói nhiều đến khiêu vũ nhưng không hình dung được khiêu vũ là như thế nào. Giờ em mới tập thôi nhưng đã thấy khó vì mình không nhìn thấy gì, không biết có nhảy đúng và đẹp không".

Ngoài việc hoàn thiện giáo án khiêu vũ dành cho người khiếm thị, thầy Đinh Thanh Hiếu đang tìm kiếm những học viên khuyết tật có tố chất để đào tạo họ trở thành huấn luyện viên khiêu vũ. Từ đó, nhân rộng mô hình dạy khiêu vũ trị liệu cho người khuyết tật ở các vùng miền, giúp họ vui sống

M.Q.N.
.
.