Võ thuật xuống dốc khi xa rời văn hóa

Thứ Bảy, 27/05/2017, 08:07
Trong gần một tháng qua, truyền thông thế giới đã sôi lên sau sự kiện một võ sĩ võ tổng hợp MMA chỉ mất 10 giây để đánh ngã một đại sư Thái cực quyền nổi tiếng của Trung Quốc. Một lần nữa, những câu hỏi như mục đích chính của việc học võ là gì? Võ cổ điển có thật sự lợi hại như những huyền thoại? Võ hiện đại hay võ truyền thống mới là vô địch?... lại được khuấy lên thành những cuộc tranh luận không có hồi kết và bất phân thắng bại.

Sau lưng câu chuyện võ thuật là cả một giai đoạn xuống dốc thật sự của nền võ thuật cổ điển, trong đó Việt Nam từng được xem như một mảnh đất màu mỡ với những tinh hoa phát triển rực rỡ, từng được xem như di sản văn hóa. Do hạn chế dung lượng, VNCA chỉ dừng lại ở khía cạnh võ thuật – một cấu thành di sản văn hóa của vấn đề.

Cấu thành văn hóa đang dịch chuyển

Nguyễn Hồng Lam

Một trong những nét đẹp văn hóa của võ thuật cổ điển đó chính là trật tự chặt chẽ, kín đáo, hơi bí mật, tạo nên vẻ trầm mặc bí hiểm. Trong tất cả các võ phái cổ điển phương Đông, quan hệ giữa thầy và trò nhất nhất là quan hệ thân phận – tử phận. Người thầy có uy quyền, có trách nhiệm và được kính trọng như cha, học trò phải vâng lời, hiếu kính như con. Làm trái nó, môn sinh bị xem là “khi sư diệt tổ”, phải chịu sự “thanh lý môn hộ” khắt khe, đôi khi là tàn nhẫn.

Trong võ thuật hiện đại, thầy chỉ đơn giản là người huấn luyện viên. Học trò được bảo đảm quyền và vị trí, nếu… đóng học phí đầy đủ. Năng lực (võ thuật) chính là quyền lực (cao nhất). Ném vào hệ thống trật tự của võ cổ điển một cái nhìn khinh mạn, võ hiện đại đương nhiên bị các phái cổ điển đáp trả bằng ánh mắt rẻ rúng.

Võ sinh tập luyện đối kháng.

Võ cổ điển chia mức độ truyền thụ thành 4 cấp độ: chân truyền – tâm truyền – mật truyền – bí truyền. Khuynh hướng hiện đại cho rằng chuỗi cấp độ ấy ẩn chứa nguy cơ mai một những tuyệt học. Thầy luôn hoài nghi trò, người đi trước đố kỵ với thành công của người đi sau, nhiều khả năng sẽ giấu giếm lại một phần kiến thức, chiêu miếng cho bản thân, không truyền hết. Những sáng tạo của người đi sau còn bị các môn quy khắt khe và hẹp hòi bó buộc, khó có cơ hội được công nhận và phát triển. Võ học vì thế dễ bị mai một.

Đối lại, võ hiện đại luôn bị khuynh hướng cổ điển hoài nghi, khi xem mục đích tối thượng của học võ chỉ là nhằm mục đích thực chiến, bỏ qua mọi thâm sâu và vẻ lấp lánh của võ học, võ đạo. Võ thuật khi đó chỉ còn là món hàng, được chia bán theo cấp độ giáo trình. Võ sinh cũng chỉ là người tập võ chứ không phải học võ. Thành tựu võ học chỉ thuộc về cá nhân.

Một thời gian rất dài, người học võ cổ điển luôn bị môn quy nghiêm cấm việc thi thố, thách đấu cá nhân vì danh lợi, nhằm tránh gây ra những thị phi hay “ân oán giang hồ”. Học võ là “nghiệp” đeo đẳng suốt đời, là phong cách, phẩm chất, tinh thần của một lớp người.

Ngược lại, người mê võ hiện đại chỉ nhắm đến việc rút ngắn thời gian đến thành tựu, chỉ mong sớm có thể đem khả năng võ thuật ra sử dụng để lập danh và đem lại lợi ích thiết thực. Thực chứng dễ nhất chính là chiến thắng trong các cuộc đấu. Lưu danh, tỏa sáng nhanh nhất chính là hình ảnh trên màn bạc…

Võ cổ điển từng là nghiệp. Ngoài võ thuật, người học võ thường theo đuổi thêm kiến thức nhiều môn khác liên quan, gồm nho, y, lý, số, nhâm, cầm, độn, toán, án – na – mã (bấm huyệt, xoa bóp)… Bậc cao thủ chính là người uyên bác gần như tất cả các mặt này. Họ lập danh và lập thân sau những khoa thi chính thống, làm quan hoặc thành danh sư truyền bá tuyệt học.

Năng lực ở mức thấp hơn, họ gia nhập đội ngũ bảo tiêu, vệ sĩ, hoặc kém danh giá hơn, hành nghề mãi võ đi kèm với nhiều chiêu trò tạp. Với người học võ hiện đại, nghề võ cũng chỉ là phần phụ, nghề không phải nghiệp. Võ thuật chỉ nhắm đến mục đích duy nhất: chiến đấu, chỉ còn lại mỗi quyền và cước. Họ không ngần ngại thách đấu và chê bai võ cổ truyền chỉ giỏi “múa cho đẹp”. Văn hóa, truyền thống… chỉ là xảo ngữ biện minh.

Sau một tháng, trên toàn thế giới đã có tới hơn 1.000 cao thủ võ cổ điển gửi chiến thư thách thức Từ Hiểu Đông. Trận chiến trên sàn đấu thường diễn ra chóng vánh, nhưng trận chiến truyền thông giữa các phái tân – cựu thì luôn dai dẳng, triền miên và bất phân thắng bại. Đó làmột biểu hiện tha hóa nghiêm trọng của nền võ thuật – võ học.Về bản chất, đó là khi cấu trúc văn hóa của toàn bộ nền võ học đang bị các yếu tố thực dụng, thương mại hóa phá vỡ, dẫn võ thuật đến nguy cơ thoái trào.

Suy cho cùng, đó chỉ là một sự dịch chuyển quan niệm văn hóa trong võ thuật - nghệ thuật quyền cước. Những lời thách đấu, những trận tỉ thí, là một phần của đời sống võ thuật nhưng thật sự nó không giúp gì cho sự phát triển của một môn nghệ thuật vận động của loài người.

Võ sư Nam Anh Kiệt (Tổ đường Vịnh Xuân Chính thống phái): Phải chăng võ hiện đại “thực chiến” tốt hơn võ thuật truyền thống?

Trận đấu 10 giây giữa võ sĩ tự do Từ Hiểu Đông (MMA) và võ sư Thái cực quyền Ngụy Lôi ngày 27/4 đến nay vẫn là một trong những chủ đề được bàn luận sôi nổi nhất trong giới võ thuật và thậm chí là trên các mạng xã hội. Điều người ta bàn đến ở đây không chỉ là thời gian trận đấu quá mau lẹ, mà còn là những tuyên bố đại ngôn của Từ võ sĩ, cũng như khoản tiền thưởng lớn (243.000 USD) mà anh Từ sẽ thưởng cho người có thể đánh bại mình..v.v..

Võ sư Nam Anh Kiệt thắt đai lưng cho một cháu bé trong nghi thức nhập môn Vịnh Xuân Chính thống phái.

Dưới góc độ của truyền nhân môn phái võ cổ truyền, có ảnh hưởng sâu đậm từ văn hóa võ thuật Đông phương, chúng tôi nhận thấy rằng chiến thắng của anh Từ Hiểu Đông là không thể bàn cãi, rất xứng đáng và đầy thuyết phục với lối đánh mạnh mẽ, đầy quyết liệt trước một đối thủ có vẻ yếu thế hơn nhiều.

Chúng tôi cũng không đồng ý với một vài ý kiến cho rằng Thái cực quyền chỉ là truyền bá tinh hoa môn phái, không thể đem so sánh với một môn võ chỉ tập để thực chiến như UFC, MMA và quan điểm võ sĩ chuyên tập để đánh nhau thì sẽ chiến thắng người tập võ cổ truyền lâu năm…

Những quan điểm này dù phần nào bênh vực cho võ cổ truyền nhưng cũng vô hình chung thừa nhận võ MMA, UFC… chiến đấu tốt hơn võ thuật truyền thống.

Chúng tôi xin khẳng định rằng đã gọi là một môn “võ” thì đương nhiên phải có tính chiến đấu. Lịch sử hàng ngàn năm đã chứng minh tính thực chiến không thể chối cãi của các môn phái võ truyền thống như Thiếu Lâm, Võ Đang, Bạch Mi, Vịnh Xuân, Kalaripayattu, Bình Định… mà chúng tôi không cần bàn luận dông dài thêm ở đây.

Khẩu quyết “lực bất đả quyền, quyền bất đả công”, câu đầu tiên trong các cuốn quyền phổ đâu chỉ là nói suông. Các đệ tử trước khi bắt đầu học võ đều được dạy rằng người chỉ có sức lực trong chiến đấu sẽ bất lợi hơn người có tập võ thuật, chính là kỹ thuật luyện tập tốt sẽ khống chế sức mạnh. Điều khác biệt chỉ là những bí kíp, công phu luyện tập phần nhiều đã thất truyền.

Phần còn lại thì các môn sinh không được các bậc thầy truyền dạy do chưa đủ tư cách, rồi lại còn với cuộc sống xã hội ngày càng hiện đại, đầy đủ thì nỗi lo “cơm áo gạo tiền”, “thê tróc tử phọc”… cũng rất khó khiến cho người đệ tử truyền thống đạt được đến bờ, đến bến.

Ngay cả giới doanh nghiệp Trung Quốc cũng rất giận dữ với lời phát biểu coi thường võ thuật truyền thống của Từ, có tỉ phú đã treo giải thưởng hơn triệu USD cho bất kỳ ai đánh bại Từ Hiểu Đông.

Điều khiến cho giới võ thuật truyền thống cảm thấy bất bình, bị xúc phạm nặng nề chính là tuyên bố ngông cuồng của Từ Hiểu Đông. Từ tuyên bố võ cổ truyền Trung Quốc đã lỗi thời, chỉ có tác dụng rèn luyện sức khỏe, Từ cho rằng, trong thực chiến, MMA mới thật sự có tác dụng, đồng thời thách đấu tất cả giới võ thuật cổ truyền Trung Quốc.

Nhiều võ sư Trung Quốc và trên khắp thế giới không chấp nhận lời phát biểu ngạo mạn này, sẵn lòng nhận lời thách đấu như Yi Long (Thiếu Lâm), Vương Chiếm Quân (Thái Cực quyền), Cung Lê (Tán thủ), Pierre Francois Flores (Vịnh Xuân Nam Anh)…

Vịnh Xuân Chính thống phái là một môn phái võ thuật truyền thống được Đại sư Nam Anh sáng lập gần 50 năm, đường lối rèn luyện nhân cách và tài năng của môn đồ hoàn toàn tuân thủ theo truyền thống võ thuật và văn hóa phương Đông. Chuẩn võ sư P.F.Flores hiện đang là chu sa đai đệ tứ đẳng, là môn đồ đã có thời gian theo học trong môn phái 20 năm, đã nhiều lần chiến đấu (trên thực tế và trên võ đài) và chiến thắng trong những trận đấu mang tính quan trọng.

Nhìn lại thực lực 2 bên, chúng tôi đều rất tin tưởng sư huynh P.F.Flores đã gửi “lời mời” đến Từ Hiểu Đông cũng như rốt ráo tìm nhiều biện pháp để xúc tiến một trận đấu với anh Từ, mục đích không gì hơn là bảo vệ và chứng minh giá trị của võ thuật truyền thống, ngay cả trong một xã hội thực dụng, hiện đại và phát triển.

Lý Tiểu Long -huyền thoại hai mặt

Nguyễn Đức Vinh

Mối “hiềm khích” của võ thuật hiện đại với võ thuật cổ điển không phải chờ đến khi võ sĩ MMA Từ Hiểu Đông hạ đo ván Đại sư Thái cực quyền Ngụy Lôi sau chỉ 10 giây hôm 27-4. Nó đã bùng phát mạnh từ 45 năm trước, khi huyền thoại Lý Tiểu Long oai trấn màn bạc và khai sinh võ phái hiện đại Triệt (Tiệt) quyền đạo, một môn võ thuật hiện đại đồng thời ném ra hàng loạt lời chê bai các võ phái cổ điển.

Oái oăm thay, bản thân huyền thoại Lý Tiểu Long lại đồng thời là đại biểu đỉnh cao của cả hai phái kình chống nhau. Tất cả những điều trái ngược, mâu thuẫn đó, Lý Tiểu Long đã bộc lộ hết trong cuốn “Con đường Triệt quyền đạo” được Linda Emery - vợ ông xuất bản sau khi Lý mất vào năm 1973.

Xuất thân là cao đồ Vịnh Xuân quyền, là đệ tử của đại sư Diệp Vấn lừng danh ở Hồng Kông, những thành công của Lý Tiểu Long cũng được xem là sức mạnh “oai trấn giang hồ” của Vịnh Xuân Quyền, một đại danh phái võ thuật cổ điển Trung Hoa xuất thân Thiếu Lâm tự.

Trong mắt Lý, Vịnh Xuân đương nhiên là đại phái vô địch không bàn cãi. Lý từng so sánh: “Khi Karate kết thúc thì Vịnh Xuân mới bắt đầu”, chê sự cao thâm của võ phái Không thủ đạo của Nhật chỉ ngang với trình độ sơ đẳng của Vịnh Xuân. Lý cũng tỏ ra rất coi thường sự đơn giản trong đòn thế của môn phái Taekwondo (Thái cực đạo) của Hàn Quốc khi ném ra nhận xét ngạo mạn: “Nếu Vịnh Xuân quyền là môn lượng giác thì Taekwondo chỉ là môn số học”.

Triệt quyền đạo vẫn dựa trên căn bản quyền thuật Vịnh Xuân, nhưng Lý chủ trương “loại bỏ hết mọi trò múa may quay cuồng vô ích của các bài quyền bài thảo” (của Vịnh Xuân), chỉ “tập trung luyện đòn thế tấn công nhanh, mạnh, chính xác”. Với võ phái mới này Lý Tiểu Long cũng đồng thời đã trở thành người đi tiên phong cho việc hình thành nên võ tổng hợp hiện đại, trong đó có MMA (Modern of Matial Arts).

Lý Tiểu Long cũng từng tuyên bố: “Triệt quyền đạo là vô đối. Cao thủ môn phái khác đối diện với Triệt quyền đạo e không có cơ hội trụ vững trong ba hiệp!”. Quá ngạo mạn, Lý đã bị hàng loạt cao thủ trên toàn thế giới gửi thư thách đấu, trong đó có cao thủ “lên hoàn bát cước” Lý Huỳnh, sau này là đạo diễn kiêm diễn viên nổi tiếng của Việt Nam.

Tuy nhiên, Lý Tiểu Long đã đổ bệnh và mất đột ngột nên những trận sống mái thực chứng đã không có cơ hội diễn ra. Quá say sưa với những thành công cá nhân, Lý Tiểu Long đã đưa ra những nhận xét cực kỳ phi võ học, quên mất tính giai đoạn trong cấu trúc võ thuật. Lý cũng quên luôn chân lý: không có võ phái vô đối, chỉ có cá nhân võ sĩ giành ngôi vô địch. Trong mắt nhiều cao nhân võ học, Lý đích thực là một võ sĩ vĩ đại nhưng chỉ là võ sư tồi!

Trong những ngày bị bệnh, Lý Tiểu Long trở nên ôn hòa hơn. Ông đã đúc kết: “Khi mới học võ, tôi nghĩ quyền chỉ là quyền, cước chỉ là cước. Sau này học võ nhiều năm, tôi mới nhận ra rằng, quyền không chỉ là quyền, cước không chỉ là cước. Bây giờ, với võ thuật đỉnh cao, tôi lại thấy quyền chỉ là quyền và cước chỉ là cước”.

Lý nói câu đó trong cả hai tư cách: một huyền thoại võ thuật và một cựu sinh viên Triết học.

Võ sư Nam Yên (Huấn luyện viên Bạch Mi và Vịnh Xuân): Trấn Môn Tam Bảo - báu vật văn hóa

Thời đại văn minh, công nghệ phát triển, cùng với xu hướng thể thao hóa võ thuật cổ truyền, những công phu tuyệt kỹ võ học của người xưa hầu như đã thất truyền và rơi vào quên lãng.

Nam Phương - con gái Đại sư Nam Anh và Hoa hậu Thanh Xuân luyện đối kháng tại võ đường 2.

Suốt chiều dài của lịch sử võ học, trong bối cảnh đấu tranh khốc liệt, tồn hoặc vong, các môn phái đều phải tự trang bị những vũ khí tối thượng để tồn tại, xiển dương, thậm chí trấn áp quần hùng! Mỗi đại phái đều có những bí kíp tinh hoa được hệ thống hóa thành “Trấn Môn Tam Bảo” như:

- Thiếu Lâm có Dịch Cân Kinh, Thiết Sa Chưởng, Vô Tướng Thần Công

- Võ Đang có Thái Âm Khí Công, Thôi Tâm Chưởng, Thái Cực Thần Công

- Bạch Mi có Đạt Ma Khí Công, Phích Lịch Chưởng, Bách Tự Thần Công

- Vịnh Xuân có Ngũ Hình Khí Công, Lôi Oanh Chưởng, Bát Nhã Thần Công

Khi đã có những công phu có khả năng sát thương đỉnh cao theo tiêu chí “Nhất quyền xuất nhất mạng vong”, ắt sẽ có những công phu phòng vệ, khi đại thành có thể biến cơ thể thành mình đồng da sắt khả dĩ khiến quyền cước thậm chí đao thương không thể đả thương (ví dụ Thiết Bố Sam, Kim Chung Trạo, Thiết Ngưu Công…) .

Để khắc chế các công phu phòng vệ, các tuyệt kỹ sát thương đã được nâng lên từ sử dụng Dương Cương Kình vốn chỉ cần khoảng 10 năm khổ luyện đến sử dụng Âm Nhu Kình, đòi hỏi từ 20 đến 30 năm để tựu thành (Tiên Nhân Chưởng, Nhất Chỉ Thiền, Chu Sa Chưởng (hay Hồng Sa Thủ)…

Lôi Oanh Chưởng và Phích Lịch Chưởng cũng là dạng sử dụng Âm Nhu Kình.

Các giai thoại về công phu sử dụng Âm Nhu Kình không hiếm: Các danh sư Hoắc Nguyên Giáp (Tông sư Mê Tông Quyền), Cố Như Chương (Tông sư Thiếu Lâm Thiết Sa môn) đều vuốt nhẹ đả tử ngựa dữ, hay như Đại sư Triệu Trúc Khê (Tông sư Thái Cực Đường Lang) vuốt nhẹ quả cam thì bên ngoài vẫn bình thường, bên trong nát bét, cầm từng con cua sống lên thì con nào cũng chết…

Cách đây không lâu, có dịp chứng kiến 1 môn đồ cấp Quán Trưởng Vịnh Xuân Chính thống phái vỗ vỡ 3 viên bê tông, mỗi viên dày gần cả tấc một cách nhẹ nhàng, người xem không khỏi thán phục mức sơ thành của công phu Lôi Oanh Chưởng! Video clip này hiện đang được lưu truyền trên mạng

Nói một cách khái quát, Lôi Oanh Chưởng (đánh như sấm nổ) là sự giao hòa Âm Dương Hỏa giáng Thủy thăng, Thủy Hỏa Ký tế, giải phóng 1 năng lượng khủng khiếp.

Tuyệt kỹ này của Vịnh Xuân khá tương đồng với Phích Lịch Chưởng của Bạch Mi vì Chấn Kình (Vịnh Xuân) khá tương đồng với Đàn Kình (Bạch Mi) nhưng tất nhiên vẫn có điểm khác biệt trong kỹ thuật phát Kình.

Nhìn chung, để luyện những tuyệt kỹ công phu, phải nắm được 3 yếu tố:

1. Phải đả thông Kỳ Kinh bát mạch

2. Phát được Kình dưới dạng sóng xung động kết hợp với Tinh, Khí, Thần hợp nhất

3. Cảm nhận đúng thời điểm tối ưu để phát Kình tối đa

Có 3 cấp độ thành tựu:

1. Mục tiêu bị vỡ cả bên ngoài lẫn bên trong (khi chạm)

2. Bên ngoài không vỡ, bên trong vỡ nát

3. Cách không (không chạm mục tiêu vẫn vỡ bên trong)

Lý thuyết sơ lược là vậy, tuy nhiên tìm chân sư nắm vững được những tuyệt kỹ này ngày nay đã hiếm, việc cầu học với 1 bậc chân sư lại càng khó hơn! Chân lý “Luật Nhân Quả” dẫn đến một hệ quả tất yếu là phải “Xứng Kỳ Đức” .

Người cầu học, trước tiên phải Thành Tâm để được Chân Truyền. Sau nữa, phải Hằng Tâm để được Tâm Truyền về võ thuật. Lên tầng cao hơn là võ học, ngoài các phẩm chất kể trên, người môn đồ còn phải có căn cơ thông minh hơn người mới có thể lĩnh hội được sự bí truyền các tuyệt kỹ trấn môn mà đôi khi chỉ được mật truyền (tức chỉ dành cho truyền nhân kế nhiệm danh vị Chưởng môn).

Võ học, để “TRI” đã khó, “HÀNH” lại càng khó hơn! Từ “HÀNH” đến “ĐẮC” là cả con đường thăm thẳm sâu mà chỉ với Hằng Tâm khổ luyện vẫn chưa đủ, còn tùy vào Duyên, Nghiệp vậy!

PV
.
.