Phác họa chân dung văn học trẻ:

Võ Thị Hảo: Tài năng không phải tiếp thị mà có được

Thứ Năm, 02/04/2009, 10:15
Thực tế thì rất nhiều bạn viết trẻ đã cố gắng quẫy đạp để có thể được người ta chú ý ngay từ tác phẩm đầu tiên, rồi sau đó có thể họ chẳng viết thêm được tác phẩm nào nữa. Chúng ta cũng chả cần trách móc họ, vì tôi cho rằng cái gì không thực sự là tài năng thì hãy để cho nó mất đi.

-Thưa nhà văn Võ Thị Hảo. Là người quan tâm đến đời sống văn học trẻ, gần đây lại được mời tham gia thỉnh giảng cho các học viên Khoa Sáng tác và lý luận phê bình văn học của trường Đại học Văn hóa, nơi đang đào tạo các nhà văn tương lai, chị nhận thấy các bạn trẻ hôm nay đến với văn học trong tâm thế như thế nào?

+ Tôi thấy rằng các bạn trẻ hôm nay đến với văn học với tâm thế rất tự tin và rộng mở, một tâm thế mà thế hệ cha anh họ không dễ dàng có được. Lớp nhà văn trẻ hôm nay đang được sống trong một thế giới quá nhiều thông tin, đó là điều kiện thuận lợi cho công việc sáng tạo, nên nếu họ không viết hay mới là chuyện lạ. Tôi hy vọng rằng sắp tới, văn học trẻ sẽ tiến nhanh cả về số lượng và chất lượng.

- Nhưng thực tế, gần đây có nhiều không tác phẩm của nhà văn trẻ khiến cho chị quan tâm một cách say mê và thú vị?

+ Mặc dù có nhiều tín hiệu khả quan, nhưng sòng phẳng mà nói thì chưa có  tác phẩm của nhà văn trẻ khiến tôi say mê và thú vị.

- Vậy theo chị, trong các tác phẩm của người viết trẻ còn thiếu điều gì để hấp dẫn một nhà văn đi trước như chị?

+ Tôi nghĩ cái thiếu quan trọng nhất trong tác phẩm của các nhà văn trẻ hiện nay là chiều sâu tư tưởng và tính cộng đồng. Một tác phẩm hay phải lấp lánh một đời sống tinh thần, khiến cho người đọc phải suy ngẫm. Nghệ thuật nói chung hay văn học nói riêng quyến rũ người đọc là ở chỗ đó. Nhưng đó cũng là cái mà văn học trẻ của ta còn thiếu.

- Một số nhà văn trẻ hiện nay viết nhanh, viết nhiều, viết theo bản năng, ít chỉnh sửa và nôn nóng với sự nổi tiếng. Thậm chí là tìm mọi cách để nổi tiếng, cho dù những giá trị nghệ thuật mà họ tạo ra không hề tương xứng với sự nổi tiếng. Chị nhận xét gì về ý kiến này?

+ Các bạn trẻ bây giờ được học hành bài bản, giao lưu tốt với thế giới rộng mở và rất thông minh. Họ nắm rõ công thức của sự nổi tiếng dễ dàng nhất, đó là viết về bạo lực và sex thì sẽ nhanh chóng gây được sự chú ý.

Tất nhiên vấn đề này nhiều nước phát triển họ đã bỏ qua 5-6 thập kỷ rồi, nhưng với chúng ta thì vẫn còn mới. Không chỉ lớp trẻ mà ngay cả một số nhà văn lớp già cũng nắm được công thức này.  Nhưng người trẻ thì có lợi thế hơn, và họ tận dụng được điều ấy.

Bằng chứng là rất nhiều tác phẩm văn học trẻ gần đây đặc biệt quan tâm đến sex. Và thực tế là họ được các phương tiện truyền thông chú ý. Nhưng tôi cho rằng chính các nhà văn trẻ đến một ngày nào đó sẽ tự thấy chán tất cả những điều mà họ đang say mê hôm nay.

Và họ sẽ hiểu rằng, viết về bất cứ vấn đề gì cũng đều rất khó, nếu không có sự dồn nén theo kiểu "nghĩ 10 viết 1". Chứ viết một cách bản năng, buông tuồng và rẻ tiền thì quá dễ.

- Chị vừa nhắc tới một phẩm chất gọi là "tự chán mình" của nhà văn trẻ. Vì sao người trẻ lại phải cần biết tự chán?

+ Tôi cho rằng đó chính là lòng tự trọng của người cầm bút, đặc biệt là khi họ còn trẻ. Buổi đầu họ có thể hăng hái tìm kiếm. Nhưng đến một lúc nào đó họ phải biết tự chán, biết từ bỏ những thứ vô nghĩa, nhạt nhẽo, ngay cả đó là sự nổi tiếng đi nữa để đi dần vào chiều sâu.

Thực tế thì rất nhiều bạn viết trẻ đã cố gắng quẫy đạp để có thể được người ta chú ý ngay từ tác phẩm đầu tiên, rồi sau đó có thể họ chẳng viết thêm được tác phẩm nào nữa. Chúng ta cũng chả cần trách móc họ, vì tôi cho rằng cái gì không thực sự là tài năng thì hãy để cho nó mất đi.

Còn nếu ai tiếp tục mà cứ ồn ào mãi nhưng chẳng tạo ra giá trị gì đáng kể thì đó chính là sự bất tài. Tài năng thật thường khiêm nhường, và nó không phải tiếp thị là có được.

- Trong lịch sử văn học Việt Nam, có rất nhiều nhà văn lớn ngay từ khi còn trẻ đã luôn gần gũi với những người khốn cùng trong xã hội, và họ có được những tác phẩm để đời từ rất sớm. Chị có thấy rằng nhà văn trẻ của ta hiện nay quá nhiều phấn son thời thượng, những cuộc tình và những chuyến đi...mà ít gần gũi với lớp người bình dân?

+ Câu hỏi này khiến tôi giật mình. Chính xác mà nói thì đấy chính là một nguyên nhân khiến cho tác phẩm của các tác giả trẻ thiếu chiều sâu, tính cộng đồng, tính nhân loại.

Phần lớn họ vẫn đang mải làm dáng với những lo âu, buồn phiền cá nhân, những câu chuyện đời sống hời hợt phía trên mà chưa "sục" vào cuộc đời, số phận con người một cách mạnh mẽ. Đấy là điều mà chính các nhà văn trẻ phải suy ngẫm.

- Trong xã hội tiêu dùng hiện nay, không có gì hiện hữu mà không cần đến sự quảng bá, cho dù đó là các sản phẩm mang giá trị tinh thần. Nhà văn trẻ nhanh nhạy hiểu hơn ai hết điều này và họ tận dụng để PR tác phẩm của mình rất tốt. Chị cũng là người tham gia công tác xuất bản, chị thấy rằng việc PR cho một tác phẩm văn học ở mức độ như thế nào là hợp lý?

+ Tôi cho rằng việc PR cho một tác phẩm là điều luôn luôn tốt, miễn là sự quảng bá ấy phải giữ ở mức độ trung thực, không nên gán ghép cho tác phẩm những giá trị mà nó không có...

-Xin cảm ơn nhà văn Võ Thị Hảo

Vũ Quỳnh Trang
.
.