Viết sách và phát hành sách: Vòng luẩn quẩn khó gỡ!

Thứ Ba, 26/04/2011, 08:45
Kinh tế thị trường là kinh tế hàng hóa. Do cơ chế tự do kinh doanh nên các nhà xuất bản hiện nay đã trở thành các cơ quan cấp giấy phép cho việc ra đời của các xuất bản phẩm. Ai có tiền, có tác phẩm là có thể đến nhà xuất bản xin giấy phép...

Có thể nói không ngoa rằng, việc xin giấy phép kinh doanh sản phẩm văn học hiện nay là rẻ nhất và dễ dàng nhất. Nó không bị kiểm định bởi một hội đồng khoa học nào. Nó không bị ràng buộc với các tiêu chuẩn ISO nọ kia. Miễn rằng thơ văn không đi ngược lại chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, còn nó có được coi là một tác phẩm văn học hay không, nó có ích gì cho cuộc đời và xã hội thì không thuộc về trách nhiệm của nhà xuất bản mà thuộc về trách nhiệm của người… sản xuất hàng hóa.

Tiểu thuyết, truyện dài, truyện vừa có lẽ ít người viết hơn vì nó đòi hỏi phải đầu tư nhiều tiền của, sức lực và thời gian. Còn thơ hiện nay thì ở mọi nẻo xóm thôn, xã, phường đều có câu lạc bộ thơ. Đây được coi là một sân chơi bổ ích, nó làm bình yên lòng người, làm an lạc tuổi già. Nhưng mang những sản phẩm ấy đến các nhà xuất bản quốc gia thì cần được xem xét cẩn trọng. Tuy nhiên, đây quả là một vấn đề nan giải, vì cơ chế tự do kinh doanh hàng hóa. Mặt khác, tiền cấp giấy phép xuất bản cũng là nguồn thu của các đơn vị xuất bản.

Với cơ chế phát hành sách văn học như hiện nay, khi tất cả các hiệu sách nhân dân, nơi lưu giữ tri thức của nhân loại thời bao cấp đã gần như bị cơ chế kinh tế thị trường "quét sạch" trên dải đất hình chữ S, thì việc cơ chế xuất bản có thoáng, đầu sách văn học có bội thực cũng không giúp ích được gì nhiều cho nền văn học hiện nay, khi số lượng bản in thì nhỏ nhoi và teo tóp đến thảm hại. Có những tác phẩm được đánh giá cao mà số lượng bản in chỉ ghi có một nghìn (chưa kể là đã có sự phóng đại để lấy tiếng). Còn thì vài ba trăm. Sách in không phải để bán mà chủ yếu để làm quà biếu. Biếu cán bộ, biếu các nhà văn, nhà thơ. Nhưng cán bộ thời nay, mấy người có thì giờ và có ham mê đọc sách? Còn với các nhà văn, nhà thơ thì…Tôi xin dẫn ra đây câu thơ của một nhà thơ ở Quảng Ninh: "Chàng thi sĩ cứ thơ mình mà đọc/ Trong làng văn chàng chỉ phục riêng chàng". Sau khi đã đem biếu tặng, hỏi bao nhiêu cuốn sách thẩm thấu được vào thăm thẳm cõi người? Một nền văn học không có sách mang đến cho người đọc là một nền văn học chết, nhưng một tác phẩm văn học nếu không có người đọc thì cũng coi như chưa bao giờ tồn tại. Sự tồn tại ấy chỉ là văn bản học.

Nhà nước ta hàng năm đã đầu tư một số tiền lớn cho quỹ hỗ trợ tài năng sáng tạo văn học nghệ thuật. Nhưng việc sử dụng quỹ này còn nhiều bất cập. Để một cục thì to nhưng đem chia ra cho các tỉnh, thành trong cả nước thì được là bao. Các hội lại chia ra cho các chi hội, các chi hội lại chia ra cho các tác giả được tài trợ. Việc sử dụng quỹ này không chú trọng điểm mà chú trọng diện, khác nào như hoa thơm mỗi người hưởng một tý nên cũng chẳng mấy đem lại hiệu quả.

Nhà thơ, nhà văn cũng là những con người, nghĩa là họ cũng phải sống. Cuộc sống ngày nay thì trăm ngàn thứ tiền. Bỏ tiền của công sức hàng năm trời để viết tác phẩm, liệu viết xong rồi có tìm được nhà tài trợ để xuất bản và để phát hành, hay phải vay mượn để tự in ra tác phẩm? Rồi phải chịu cái cảnh như nhà thơ Hoàng Bình Trọng "Thi nhân quẩy gánh thơ ra thị trường". Hay như nhà văn Đỗ Chu phải mang "Thăm thẳm bóng người" về quê Bắc Giang, mang đến Bưu điện và Công an tỉnh nhờ mua vài trăm cuốn. May cho nhà văn Đỗ Chu vì tỉnh đang cần sách để cấp cho các điểm văn hóa xã, phường. Hình như ở ta cũng không có nhiều người được may mắn như thế?

Nguyễn Xuân Dương
.
.