Văn học Việt Nam:Một bước ra với thế giới

Việt Nam đã từng là chủ đề lớn với độc giả Áo

Thứ Ba, 02/02/2010, 08:00

(Phỏng vấn nhà văn, dịch giả người Áo Helmuth A. Niederle)

- Thưa nhà văn Helmuth A. Niederle, ở Áo, vấn đề giới thiệu tác phẩm văn học ra nước ngoài được quan tâm như thế nào?

 

+Ở đất nước chúng tôi, chương trình giới thiệu tác phẩm văn học ra nước ngoài được bắt đầu từ năm 1962 và nó rất có hiệu quả. Hàng năm chúng tôi mời các dịch giả tới Áo trong vài tuần và mời họ lựa chọn sách để dịch. Họ sẽ được tài trợ về việc dịch và in ấn. Chúng tôi cung cấp cho các dịch giả và các nhà xuất bản danh sách tiểu sử các tác giả từ cổ đến kim, tóm tắt nội dung từng tác phẩm và để họ tự do lựa chọn theo ý thích. Quỹ dịch thuật của chúng tôi được Bộ Văn hóa tài trợ. Hiện nay đã có tới hàng ngàn tác phẩm văn học Áo được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.

Về phía các nhà văn trong nước, chúng tôi cũng tạo điều kiện tốt để họ được đến các nước để tiếp xúc với độc giả, phát hành, giới thiệu sách của mình với các nhà xuất bản. Cách làm này cũng rất có hiệu quả, nhiều nhà văn đã chủ động giới thiệu được sách của mình ra thế giới.

- Ông có thể cho biết độc giả ở Áo đã biết tới những tác phẩm văn học nào của Việt Nam, và họ hiểu gì về nền văn học của chúng tôi?

+ Trả lời câu hỏi này tôi phải nói ngay rằng là: Rất tiếc, cho tới nay, chưa có một tác phẩm văn học Việt Nam nào được dịch sang tiếng Áo. Như các bạn đã biết, Việt Nam đã từng là một chủ đề lớn đối với nước Áo. Trong chiến tranh chống Mỹ, hàng ngàn người dân Áo đã xuống đường biểu tình vì tình yêu đối với Việt Nam.

Nhưng nay thì sự quan tâm của họ có khác hơn. Trên phương diện là một người hoạt động về văn hóa, văn học và là một người yêu mến văn hóa Việt Nam tôi thực sự tiếc nuối. Tôi cho rằng, chúng ta phải tìm cách thay đổi thực tế này, bằng cách tích cực giới thiệu văn hóa, văn học Việt Nam với nhân dân Áo. Tôi tin đến một ngày nào đó, hình ảnh Việt Nam sẽ trở lại trong tim người Áo.

- Trong tương lai, ông có dự định dịch và giới thiệu các tác phẩm văn học của Việt Nam với bạn đọc Áo không?

+ Đến Việt Nam, tôi mang theo một mong muốn là sẽ được gặp chính các tác giả và tiếp xúc với từng tác phẩm cụ thể, chứ không hẳn là tiếp xúc với cả một nền văn học. Vì dịch thuật là một công việc cụ thể. Phải được tiếp cận các tác phẩm hay thì tôi mới nghĩ đến chuyện chuyển ngữ.

Hiện tại tôi đang hợp tác với nhà văn Đức Frank Gerke hiện sống tại TP Hồ Chí Minh để chọn dịch một số tác phẩm văn học đương đại Việt Nam. Theo tôi các nhà báo nên hỏi nhiều hơn các nhà văn Việt Nam về những gì họ hứa, rằng họ sẽ tích cực  đầu tư vào việc dịch và giới thiệu sách ra các nước...

- Theo ý kiến của ông, việc chọn và dịch một tác phẩm văn học cần phải căn cứ vào những tiêu chí nào?

+ Tôi muốn chia sẻ với các bạn điều này. Việc chọn và dịch sách văn học nên để các dịch giả chủ động lựa chọn. Bởi vì sự giới thiệu chủ quan của chủ nhà chưa chắc đã phù hợp với nhu cầu thưởng thức của bạn đọc cụ thể mỗi nước. Chẳng hạn, có những cuốn sách viết về những chủ đề mà Việt Nam xem là lớn, được các độc giả Việt Nam quan tâm, nhưng với độc giả Áo chẳng hạn, thì chưa chắc đã là chủ đề lớn. Thông thường bạn đọc chỉ chọn đọc những gì họ quan tâm mà thôi. Việc thành lập một Viện Dịch thuật theo tôi là cần thiết. Và công việc này phải được nhà nước tài trợ, nếu các bạn muốn làm một cách có hệ thống, chứ không phải là lẻ tẻ như tình trạng hiện nay...

- Xin cảm ơn nhà văn Helmuth A. Niederle

Bình Nguyên Trang
.
.