Văn học mạng trong xu thế hội nhập:

Về một hình thức mới của văn học

Thứ Tư, 16/04/2008, 16:15
Sự xuất hiện của Internet đã làm thay đổi đáng kể mọi mặt đời sống của con người, trong đó có văn học nghệ thuật. Với ưu thế nhanh và phổ biến, Internet được coi là phương tiện truyền thông đại chúng thứ tư, sau truyền hình, phát thanh và báo in. Trong lĩnh vực văn chương, các tác phẩm văn học xuất hiện trên mạng ngày càng nhiều, thu hút sự quan tâm của hàng vạn, hàng triệu bạn đọc truy cập mỗi ngày.

Ở một số quốc gia, văn học mạng phát triển rực rỡ và được xem như một dòng văn học chính thống, bên cạnh dòng văn học xuất bản trên giấy. Tính phổ biến ấy được gói gọn trong câu nói đầy tính chất "slogan": "Ở đâu có mạng, ở đó có văn học".

Văn học mạng ở nước ta cũng không nằm ngoài xu thế ấy. Trong vài ba năm trở lại đây, văn học mạng đã trở thành một đề tài quen thuộc trong câu chuyện đời sống văn học nói chung. Rất nhiều website cá nhân của người viết ra đời, trong đó nhà văn nổi tiếng có, người mới cầm bút có, nhà văn già có, nhà văn trẻ có. Nhưng có lẽ hùng hậu nhất vẫn là đội ngũ những người cầm bút trẻ.

Điều này dễ hiểu vì những người trẻ bao giờ cũng tiếp cận và nắm bắt công nghệ, kỹ thuật nhanh nhất. Phong trào viết blog cũng sản sinh ra nhiều gương mặt nhà văn trên mạng được đông đảo bạn đọc chú ý. Đó là chưa kể đến rất nhiều tờ báo điện tử thường xuyên đăng tải các sáng tác văn học mới trên mạng.

Một số tác phẩm văn học từng được xuất bản trên mạng trước khi in thành sách.

Ngày hôm nay, để thưởng thức các tác phẩm văn học, người ta chỉ cần một cú nhấp chuột trên một máy tính bất kỳ có nối mạng internet. Trên không gian mênh mông, có độ bao quát vô tận của Internet, hằng ha sa số tác phẩm văn học đang tồn tại, đòi hỏi người đọc phải có một "bộ lọc" tốt để lựa chọn tác phẩm, hoặc nếu không, phải "tiêu dùng" thật nhiều thời gian để "lướt sóng" thì mới có thể tìm ra tác phẩm văn học phù hợp với sở thích của mình.

Đối với nhà văn, tính tiện ích của văn học mạng nằm ở chỗ, họ có thể xuất bản tác phẩm của mình lên mạng nhanh chóng ngay khi vừa đặt dấu chấm cuối cùng hoàn thành tác phẩm, thậm chí là họ viết đến đâu, bạn đọc đã có thể thưởng thức tác phẩm của họ đến đó.

Độ ngắn dài của tác phẩm không thành vấn đề như khi đăng tải trên một tờ báo in. Trong khi một tác phẩm văn học xuất bản trên giấy thường chỉ xấp xỉ 1.000 bản in cho mỗi cuốn, rất khiêm tốn về bạn đọc, thì một tác phẩm trên mạng thường có được nhiều hơn sự "ghé thăm" của độc giả.

Tuy nhiên, văn học mạng cũng bộc lộ nhiều nhược điểm của nó. Một vài cuộc trao đổi, hội thảo gần đây đã nhấn mạnh về sự đại chúng hóa, phàm tục hóa trong ngôn ngữ, hay bệnh ảo tưởng của tác giả văn học mạng.

Sự tự do, tính dân chủ thái quá trên mạng Internet cũng đã tạo điều kiện cho không ít người viết bất tài nhưng vẫn có thể nổi tiếng nhờ biết cách "khuếch trương" bản thân bằng việc đề cập những vấn đề nhạy cảm, phát ngôn gây sự tò mò cho độc giả.

Dù vậy, chúng ta không thể phủ nhận sự góp mặt của văn học mạng, như một tất yếu trong bức tranh đời sống văn học hôm nay. Và ở góc độ nào đó, nó đang góp phần làm cho nền văn học của chúng ta ngày càng phong phú hơn

Hội Quân
.
.