Các tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan:

Vạn sự khởi đầu nan

Thứ Sáu, 30/01/2015, 08:25
Thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, quyền tác giả ngày càng bị xâm phạm trắng trợn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do người sử dụng không được tạo điều kiện để tiếp cận tác phẩm gốc hoặc không biết cách thức xin phép, chi trả bản quyền ra sao... Trong khi đó, các tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan - cầu nối giữa chủ sở hữu quyền và người sử dụng - ở Việt Nam còn quá ít ỏi.

Theo luật sư Nguyễn Thị Phương Hảo (Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam), về nguyên tắc, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện quyền: Sao chép tác phẩm, truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng các phương tiện kỹ thuật… Đó là phương pháp thực thi quyền tác giả hiệu quả nhất. Thế nhưng, số lượng người sử dụng tác phẩm rất lớn, địa điểm và thời điểm sử dụng tác phẩm vô cùng đa dạng, phức tạp. Do đó, chủ sở hữu quyền không thể gặp từng người để thương lượng, cấp phép và thu tiền bản quyền. Đồng thời, người có nhu cầu sử dụng không thể biết và tìm gặp từng chủ sở hữu để xin phép và thanh toán tiền bản quyền. Ngày nay với sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, cách tiếp cận tác phẩm càng trở nên dễ dàng. Vì thế, việc chủ sở hữu tự mình kiểm soát quyền tác giả càng không khả thi.

Thực tế việc sử dụng, kiếm lời từ tác phẩm của người khác đang diễn ra tràn lan, vô tội vạ trên hầu hết các lĩnh vực mà không cần biết tác giả có đồng ý hay không, thậm chí biến tác phẩm của người thành của mình (tình trạng đạo văn, đạo nhạc…). Ông Đào Việt Dũng, Trưởng phòng Thương mại điện tử của Công ty Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao ước tính: Việt Nam hiện có khoảng 400 trang web sử dụng video (phim và ca nhạc), với 90% lượng người dùng internet đều sử dụng sản phẩm video thì lượng tiền bản quyền thất thoát sẽ rất lớn. Các bộ phim như "Mỹ nhân kế", "Cô dâu đại chiến", "Cánh đồng bất tận"… rất hút khách ở phòng vé hay như "Bụi đời chợ lớn" bị cấm chiếu đều nhanh chóng tràn lan trên mạng và bị in đĩa lậu. Các chương trình ca nhạc thường "né" chi trả tác quyền cho nhạc sĩ dù cát xê ca sĩ cao ngất ngưởng.

Dù còn nhiều hạn chế, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam của nhạc sĩ Phó Đức Phương vẫn được coi là tổ chức góp phần tích cực trong cuộc chiến bảo vệ tác quyền âm nhạc.

Trong lĩnh vực giáo dục, xuất bản, cuộc chiến với nạn xâm phạm bản quyền còn gay go hơn. Tại các cơ sở giáo dục, đào tạo (đặc biệt là ở các trường trung cấp, cao đẳng, đại học, trung tâm ngoại ngữ), các giáo trình photo được sử dụng vô tư và công khai. Vụ thua kiện của Công ty First News - Trí Việt với một cơ sở bị cho là in lậu hàng trăm đầu sách của First News khiến nhiều người trong giới nản lòng trước cuộc chiến sách lậu.

Luật sư Phan Vũ Tuấn - Chánh văn phòng Hội Sở hữu trí tuệ TP HCM bức xúc: "Hậu quả do vấn nạn này để lại hết sức nặng nề, mỗi năm gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng. Không chỉ gây thiệt hại cho nhà sản xuất, tác giả mà công chúng cũng chịu thiệt thòi đáng kể khi tác phẩm lậu thường không đảm bảo chất lượng trong khi kẻ vi phạm thì thu bộn tiền". Sự sáng tạo của người làm nghề bị đánh giá không đúng mức. Họ nhanh chóng chán nản vì sản phẩm trí tuệ của mình bị sao chép một cách vô tư, dẫn đến nguy cơ thui chột sức sáng tạo.

Hiểu biết hạn chế, đặc biệt là ý thức chấp hành pháp luật quyền tác giả, quyền liên quan của nhiều tổ chức, cá nhân kém là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Ngoài ra, hệ thống thực thi quyền tác giả, quyền liên quan của các cấp chính quyền chưa đáp ứng yêu cầu bảo hộ theo quy định  pháp luật. Đa phần ở các vụ việc xâm phạm bản quyền ở Việt Nam, các cá nhân, tổ chức liên quan đều đơn độc tự mình giải quyết. Do đó, họ thường thất bại hoặc nhắm mắt cho qua khi việc theo kiện nhiêu khê, mất nhiều thời gian, tiền bạc, công sức…

Ngoài ra, vẫn có nhiều người sử dụng rất tôn trọng bản quyền, song họ chưa biết cách tiếp cận tác phẩm gốc, người cần chi trả và cách thức chi trả. Do đó, việc tiếp cận, hướng dẫn cho người sử dụng trả chi phí cho tác giả thuộc trách nhiệm chỉ dẫn của các tổ chức, tập thể chuyên trách, trong đó vai trò của các tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan rất quan trọng.

 "Tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan là phương pháp có nhiều ưu điểm để giải quyết vấn nạn xâm phạm bản quyền. Qua đó, chủ sở hữu ủy quyền cho các tổ chức quản lý tập thể giám sát việc sử dụng tác phẩm của họ, thương lượng với người sử dụng tiềm năng, cấp phép cho họ với mức thù lao hợp lý. Tổ chức này sẽ thu tiền thù lao và phân bổ khoản tiền ấy cho các chủ sở hữu. Sự có mặt của tổ chức này sẽ đơn giản hóa các cuộc thương lượng, giám sát sử dụng và thu phí, người sử dụng sẽ được khai thác tác phẩm với chi phí giao dịch thấp hơn" - luật sư Nguyễn Thị Phương Hảo phân tích.

Nước ta hiện có bốn tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan: Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV), Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC), Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam (VIETRRO). Các tổ chức này hoạt động theo sự ủy quyền của các tác giả, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ, tổ chức hòa giải khi có tranh chấp.

Nhiều vấn đề của Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam được đưa ra tại hội thảo "Quản lý tập thể quyền sao chép tác phẩm".

Không thể phủ nhận đóng góp của các tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan khi số hội viên tham gia và số tiền tác quyền thu được không hề nhỏ. Trong 6 tháng đầu năm 2014, VCPMC (gồm 3.000 hội viên) đã thu được gần 26 tỷ đồng, RIAV (44 hội viên) thu gần 4 tỷ đồng, VIETRRO mới hoạt động được bốn năm nhưng đã có hơn 2.500 hội viên…

Thế nhưng, hoạt động của các tổ chức này ít nhiều vẫn còn bất cập. Vụ VCPMC đòi ban tổ chức đêm nhạc "Khánh Ly in Hà Nội" thanh toán tiền tác quyền hồi tháng 8/2014 là một ví dụ. Trung tâm còn tỏ ra thiếu chuyên nghiệp khi đích thân giám đốc phải đến tận địa điểm tổ chức show diễn để làm việc, thậm chí ông còn tuyên bố lên tận sân khấu, chấp nhận xô đẩy… miễn sao đòi được tiền tác quyền.

Một điều đáng buồn là hiện nay, tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan ở các lĩnh vực như nghệ thuật thị giác, điện ảnh, chương trình phát sóng… vẫn chưa có. Tại hội thảo Quản lý tập thể quyền sao chép tác phẩm diễn ra ở TP HCM vừa qua, nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến, Phó chủ tịch Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam  (VIETRRO) một tổ chức có vẻ hoạt động bao quát, cho biết lĩnh vực hoạt động chính VIETRRO chỉ là quản lý các xuất bản phẩm thứ cấp (tức các ấn phẩm sao chép từ các xuất bản phẩm có bản quyền (sơ cấp) dưới dạng sao chụp và sử dụng số. Theo số liệu của VIETRRO, số lượng người thường xuyên sao chụp các tác phẩm đã công bố, phổ biến dưới dạng xuất bản phẩm mà không xin phép và không trả tiền thù lao cho người nắm bản quyền là hơn 20 triệu người. Với nhu cầu sao chép rất lớn như vậy, số tiền 700 triệu thu được trong năm 2014 của VIETRRO là quá ít ỏi. 

Theo ông Nguyễn Mạnh Quý, Trưởng đại diện Cục Bản quyền tác giả tại TP HCM, sự xuất hiện các tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan ở Việt Nam còn khá mới mẻ và khiêm tốn. Thế nên vạn sự khởi đầu nan. Dù còn nhiều hạn chế, nhưng những gì đạt được là điều đáng khích lệ giúp các tổ chức trên ngày càng hoàn thiện, phối hợp đồng bộ với các cơ quan chuyên trách khác để khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt vai trò cầu nối, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các tác giả, người sử dụng và công chúng hưởng thụ.

Nguyễn Trang
.
.