Văn nhân - đôi điều khó tránh

Thứ Hai, 16/06/2014, 08:00
Tôi không nói về cặp phạm trù chủ quan và khách quan. Tôi chỉ nói về thái độ chủ quan của con người trong cuộc sống. Thái độ chủ quan có nội hàm: không thận trọng, mất cảnh giác...

Sự chủ quan

Tôi không nói về cặp phạm trù chủ quan và khách quan. Tôi chỉ nói về thái độ chủ quan của con người trong cuộc sống. Thái độ chủ quan có nội hàm: không thận trọng, mất cảnh giác. Trong lịch sử nước ta, thái độ chủ quan điển hình còn được truyền lại trong truyện An Dương Vương mất nỏ thần. Từ khi xây xong Loa thành và có được nỏ thần, An Dương Vương thường rượu chè và đánh cờ tiêu khiển, với thái độ chủ quan khinh thường giặc phương Bắc.

Bởi vì có nỏ thần bắn một phát chết hàng vạn quân địch, An Dương Vương còn chiều con gái mình đồng ý cho kết duyên cùng Trọng Thủy là con trai của Triệu Đà, kẻ đã dẫn đại quân xâm lược nước ta, lại còn cho Trọng Thủy ở rể. Sự chủ quan này của An Dương Vương đã được nhà thơ Tố Hữu tâm sự: "Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu/ Trái tim lầm chỗ để trên đầu/ Nỏ thần vô ý trao tay giặc/ Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu"... Rồi để Trọng Thủy lấy trộm được nỏ thần. Khi đã có được nỏ thần, Triệu Đà mang quân sang đánh. Khi quân giặc đã tiến sát chân thành, An Dương Vương vẫn ngồi uống rượu đánh cờ và nói: "Triệu Đà không sợ nỏ thần sao?".

Trong xã hội, giới nào cũng có người thường thận trọng, người hay chủ quan. Nhưng có lẽ bởi tính chất nghề nghiệp, tôi thấy giới văn nghệ sĩ thường hay có thái độ chủ quan hơn? Chủ quan trong sáng tạo đã đành. Còn chủ quan trong nhìn nhận đánh giá, đặc biệt chủ quan khi nghĩ về mình. Câu ngạn ngữ "Văn mình vợ người", có ngầm ý phê bình thái độ chủ quan của người viết văn.

Nhà thơ Xuân Diệu từng gửi gắm ý nghĩ của mình qua tâm sự của núi Hymalaya: "Ta là một, là riêng, là thứ nhất/ Không có chi bè bạn nổi cùng ta?". Khi mới bước vào làng văn qua cổng phê bình, tuy có được chính kiến trong phân tích đánh giá nhưng tôi cũng chưa thật chín chắn. Tôi từng viết như thế này: "Làm người viết là chỉ muốn thể hiện ý nghĩ của mình, chính kiến của mình... Xưa nay, tôi chưa viết ra điều gì mà mình không nghĩ, cũng chưa khen ai mà mình không thấy đáng phải khen, kể cả tác phẩm của bạn bè và tác phẩm của các nhà văn nổi tiếng. Tôi chỉ viết những điều gì nung nấu, không viết ra không chịu nổi và khi viết thì tôi tin là tuyệt đối đúng, cả khi tôi khen và khi tôi chê". ("Tản mạn và chính kiến văn chương" - NXB Văn học, 1997, trang 187). Không phải khi viết những câu này tôi chưa nghiên cứu triết học, không biết đến giá trị tương đối. Mà tôi chỉ nhấn mạnh "khi viết thì tôi tin là tuyệt đối đúng". Phải tin tuyệt đối vào ý kiến của mình thì mình mới viết ra. Chứ chưa tuyệt đối tin thì sao lại viết ra cho bạn đọc. Không tuyệt đối tin mà viết ra thì là có lỗi chứ. Còn mình tin là đúng nhưng thực tế nó chưa thật đúng mà có thể nó còn sai thì là do trình độ của mình thôi, chứ không phải do thái độ của mình không tôn trọng độc giả. Nhưng bây giờ khi đã trưởng thành mà nhìn lại, tôi đã nhận ra sự bồng bột chủ quan khi mình còn trẻ. Nhưng có lẽ, cũng chính nhờ sự bồng bột và chủ quan ấy mà tôi dám khám phá và thể hiện chính kiến của mình khi phê bình tác giả, tác phẩm mà được văn giới và bạn đọc ghi nhận chăng?

Tranh minh họa cảnh Triệu Đà có được nỏ thần.

Trong quá trình viết văn của tôi, cho đến nay sau những vui buồn, thành công và thất bại, tôi có một kỷ niệm sâu sắc mà nếu không nói ra thì không ai biết cả. Các nhà văn nhà thơ đích thực thường cẩn trọng từng chữ khi viết ra. Đó là thái độ biết "sợ chữ", không viết bừa viết ẩu. Đối với người viết phê bình lại càng phải như vậy. Trong các bài viết phê bình, khi trích dẫn thơ văn là qua trí nhớ, bao giờ tôi cũng kiểm tra lại, lấy sách để đối chiếu, nên không bị sai sót. Nhưng gần đây, trong một bài viết trên báo Văn nghệ Công an, do chủ quan, và do công việc bận mà tôi đã không kiểm tra lại, để lỗi khi trích dẫn một câu thơ của thi sĩ Nguyễn Khuyến. Mấy tuần sau khi báo phát hành, tôi nhận được thư của một độc giả, ông Nguyễn Viên ở số 3, ngõ 35 Kim Đồng, T21 K11 Gia Cẩm, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, chép lại cho tôi nguyên văn câu thơ này, với một thái độ khoan hòa, rất có trách nhiệm. Tôi mừng vì bài viết của mình đã có người đọc, tuy hơi thẹn vì một chút chủ quan mà dẫn đến sai sót! Thực sự cảm ơn ông Nguyễn Viên, một người yêu văn chương và quý mến các nhà văn mà đã để tâm đọc và góp ý cho tôi. Từ đó, tôi đã rút ra được một bài học sâu sắc về tự nâng cao trách nhiệm của ngòi bút trước sự yêu quý của bạn đọc.

Vẫn biết ở đời, không ai, không sự việc nào toàn vẹn cả. Nhưng sự chủ quan dễ dẫn đến sai sót. Mà sai một ly đi một dặm. Đó là bài học cho tất cả mọi người.

Văn nhân tương khinh?

Thú thực, cho đến tận bây giờ tôi vẫn không hiểu hết ý của câu "văn nhân tương khinh" của người xưa. Tất nhiên là tôi hiểu ý khái quát là: các nhà văn thường xem nhẹ, không phục tài nhau, hay đố kỵ, không trân trọng nhau. Bởi trong ý nghĩ của tôi thường ngược lại. Trước đây, tôi đã viết bài đăng trên báo Văn nghệ của Hội Nhà văn, sau đó in trong tập "Tản mạn nghiệp văn" rằng: "Ngày ấy có thể sáng tác văn chương của chúng tôi chưa thật hay, nhưng tình cảm của chúng tôi đối với nhau thì không thể chê được, trọng nhau về tài quý nhau về đức. Hội Văn nghệ Hải Hưng (nay thành hai hội Văn nghệ Hải Dương và Hưng Yên) mỗi năm tổ chức trại sáng tác văn học một lần. Bạn bè văn nghệ háo hức được gặp nhau, trò chuyện, đọc thơ, đọc truyện cho nhau nghe thâu đêm suốt sáng. Bạn bè cùng làm thơ cùng viết truyện hiếm lắm. Cả tỉnh gần ba triệu dân mà những người sáng tác thơ văn cũng chỉ có vài chục người. Khi không có trại, nhiều người chúng tôi tìm đến thăm nhà nhau, đạp xe xa mấy chục cây số để hàn huyên...". Bài viết được nhiều người viết văn đồng tình. Nhà văn Trần Thị Nhật Tân, tác giả tiểu thuyết "Dòng xoáy", từng được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh biểu dương trong thời kỳ đầu Đổi mới, đã viết hẳn một lá thư dài gửi tôi, tán đồng và cũng đau buồn về tình hình của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nam Định lúc ấy.

"Văn nhân tương khinh" ư? Người xưa nói mà truyền được tới nay tất phải sâu sắc? Chỉ có tôi là nông cạn bởi một tình yêu bồng bột với văn chương nghệ thuật và bạn bè văn giới chăng? Bình tĩnh mà chiêm nghiệm thì tôi thấy cả câu châm ngôn và tôi đều không hoàn toàn đúng. Văn chương nghệ thuật cùng văn giới cũng giống như nhiều lĩnh vực của cuộc đời, thường có hai mặt của một tấm huân chương. Và bây giờ tôi mới hiểu vì sao, khi tôi nhờ nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đọc giúp bản thảo tập thơ sắp xuất bản của tôi, anh lại góp ý với tôi: Nên đổi tên tập thơ là "Sóng đôi". Bởi khổ kết của một bài thơ tôi có viết: "Ông thiện và ông Ác/ Bên cửa đền lâu rồi/ Từ ngàn đời đã thế/ Mai sau còn sóng đôi". Vâng, vì vậy, vẫn có những tình bạn đẹp của văn giới như tình bạn giữa Đỗ Phủ và Lý Bạch, tình bạn Xuân Diệu - Huy Cận, và vẫn có "Văn nhân tương khinh".

Rồi tôi cũng gặp những chuyện "Văn nhân tương khinh" của chính cuộc đời mình. Có một nhà văn đã có thành tựu. Tôi có bài viết về anh. Tất nhiên là tôi vẫn coi anh như bậc đàn anh với tình cảm yêu mến và trân trọng. Với bạn bè khi nói về anh tôi cũng nói với vẻ tự hào. Thế rồi một lần tôi và một người bạn đến gặp anh. Tôi biết là anh mới ra tập sách mới mà chưa tặng tôi. Tôi có giới thiệu với anh là người bạn tôi rất yêu văn. Nhưng hôm nay tôi thấy thái độ của anh hơi khác, không thân thiện. Có thể là anh bực mình với tôi về một điều gì đó chăng? Anh liền vào trong nhà lấy ra một tập sách vừa mới xuất bản đề tặng bạn tôi. Và chẳng nói gì thêm. Tất nhiên là trước đó tôi mong được anh tặng tập sách mới để tự hào với bạn. Lúc này tôi chỉ còn muốn chui xuống đất vì ngượng với bạn, bị anh coi khinh. Nhưng đành cười với bạn là được anh tặng nhiều rồi.

Còn một bạn thơ khác thì tôi chưa có bài viết về anh. Vì đọc thơ anh tôi chả hiểu gì cả, mặc dù chúng tôi rất quý mến nhau. Tôi và anh ở xa nhau. Những lần gặp nhau chúng tôi đều mừng rỡ và vui với nhau hết lòng. Rồi có lần vì lợi ích chung của nền văn chương mà trong một bài viết tôi có đề cập đến một trào lưu thơ tự nhận là hiện đại, nhưng độc giả đọc không hiểu gì cả và tôi chỉ đặt câu hỏi bâng quơ chứ không hề ám chỉ ai là "những tháp ngà trong nghệ thuật mới". Vậy mà anh đã tránh mặt tôi dẫu một lần tôi đến tận nơi anh công tác trân trọng mời anh đi ăn trưa với một bạn văn khác cũng là bạn thân của anh.

"Vẫn biết cuộc đời không phải dễ", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải thốt lên như thế trong nhà tù từ hơn bảy mươi năm trước. Mà ngày nay trong cuộc sống tự do ở môi trường thoải mái của giới văn nghệ sĩ, sao vẫn có "văn nhân tương khinh" thì thật thậm vô lý?

18/5/2014

Đ.Q.T.
.
.