Của sổ văn nghệ

Vẫn là bệnh sơ lược

Thứ Ba, 24/04/2012, 08:00

Vừa rồi, vào trang mạng của một Giáo sư - Việt kiều hiện đang sống và làm việc tại Mỹ, tôi thấy vị Giáo sư này có dẫn lại một bài báo (in ở Việt Nam) tường thuật cuộc hội thảo do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức tại Hà Nội ngày 10/4 vừa qua, bên cạnh tên bài ông có chêm một dòng bình luận có ý châm biếm việc một đồng chí lãnh đạo nhà nước "phê bình phê bình văn nghệ".

Là người tham dự cuộc hội thảo, tôi phải nói ngay là: Cuộc hội thảo diễn ra sinh động và cách hành xử của các vị lãnh đạo mà tôi chứng kiến cũng uyển chuyển, tinh tế chứ không khô cứng, "hành chính" như một số tờ báo chính thống trong nước từng tường thuật. Tại hội thảo, có hai Ủy viên Bộ Chính trị tới dự là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh. Khi được Đoàn chủ tịch cuộc hội thảo mời lên phát biểu chỉ đạo, cả hai đồng chí Trương Tấn Sang và Đinh Thế Huynh đều nhắc đi nhắc lại một câu, rằng các đồng chí "chỉ muốn có đôi lời tâm sự cùng các bác, các anh, các chị chứ không có chỉ đạo gì cả". Đây là đoạn vào đề của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: "Tôi xin đính chính: Trước đây tôi gắn bó với công tác này. Lâu lâu không gặp các bác, các anh chị, thấy nhớ, tôi đến thăm, chúc sức khỏe mọi người. Là chuyện tình cảm thế thôi chứ không phải tôi đến chỉ đạo gì đâu". Thậm chí, khi PGS - TS Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương lên phát biểu cảm ơn, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang còn giơ tay ra hiệu nhớ đừng dùng hai chữ "chỉ đạo" (kiểu như: "Cảm ơn những ý kiến phát biểu chỉ đạo của đồng chí…" mà chúng ta thường gặp đây đó).

Trong cuộc hội thảo tôi còn để ý thấy, mặc dù qui định mỗi đại biểu chỉ phát biểu trong vòng 10 phút, song việc vẫn liên tiếp bị vi phạm. Tình thế buộc Chủ tịch đoàn phải yêu cầu người phát biểu sau chỉ nên gói gọn vấn đề trong 5 phút, để khỏi làm ảnh hưởng tới thời gian phát biểu của người khác. Khi đoàn Chủ tịch mời đồng chí Trương Tấn Sang phát biểu, trong khi dường như mọi người đã quên yêu cầu trên (hoặc họ không nghĩ điều đó có thể áp dụng với Chủ tịch nước) thì đồng chí lại… không quên. Kết thúc bài phát biểu (đúng hơn là tâm sự) của mình, đồng chí cười bảo: "Tôi nói vậy cũng đã hết 5 phút", rồi chào mọi người và đi xuống. Theo tôi, cách xử sự kín kẽ, tế nhị như vậy của đồng chí Trương Tấn Sang là thể hiện sự trọng thị của người đứng đầu nhà nước đối với giới văn nghệ sĩ, đối với một lĩnh vực mang tính đặc thù, đòi hỏi chuyên môn sâu như phê bình văn học nghệ thuật.

Hoạt động trong lĩnh vực báo chí, văn nghệ, tôi có may mắn được tham dự một số hội nghị và vì thế, được nghe một số vị lãnh đạo cao cấp phát biểu. Điều tôi lấy làm băn khoăn là có những vị phát biểu rất sâu sát, cụ thể, sinh động, hóm hỉnh (có pha yếu tố tự trào) khiến nhiều người phải bật cười sảng khoái, vậy nhưng khi đọc tường thuật trên báo, tôi lại thấy phát biểu của các vị trở nên rất chung chung, nhạt nhẽo. Điều này rõ ràng có lỗi của những người tác nghiệp. Ít nhất thì tại một số hội nghị, tôi thấy một số phóng viên tới lấy phong bì, xin tài liệu (các bài phát biểu in sẵn) rồi chạy đi làm show khác. Chiều về họ mới ngồi "soạn bài". Có câu họ trích từ bài phát biểu, có ý họ "chế" ra, có ý họ tóm lược, kiểu như "Tại hội nghị, đồng chí đã biểu dương những nỗ lực…", "Tuy nhiên, đồng chí không quên chỉ ra những khiếm khuyết…", "Đồng chí mong rằng…". Cách làm đó phóng viên nào cũng biết là khô khan, là không hay, những họ vẫn làm vì lười, vì thấy nó "chẳng chết ai", "chỉ có đúng trở lên". Trong khi, ai dự hội nghị đều biết, ngoài văn bản viết sẵn, có đại biểu còn nói vo, nói bổ sung khá nhiều, mà lắm khi những ý kiến sâu sắc, gần gũi, thiết thực lại nằm ở chỗ ấy

Tường Duy
.
.