Văn học thiếu nhi: Trách nhiệm và tài năng

Thứ Hai, 09/06/2008, 13:45
"Theo quan sát của tôi, có ba kiểu nhà văn viết cho thiếu nhi. Nhưng dù là ai trong ba kiểu nhà văn đó thì họ đều phải là những người sáng tạo tự do và có trách nhiệm. Họ là những người tài năng" - Dịch giả Phạm Toàn cho biết.

Thứ nhất là kiểu nhà văn muốn gửi thông điệp cho người lớn nhưng lại chọn cách thể hiện viết cho thiếu nhi. Tôi gọi vui kiểu nhà văn này là kiểu nhà văn "chán đời". Họ chính là những người nghệ sĩ chân chính, có nỗi ưu tư lớn và tác phẩm của họ được cả trẻ em lẫn người lớn nhiều thế hệ yêu thích.

Thứ hai là kiểu nhà văn có kiến thức về trẻ em, có phần khô khan hơn kiểu nhà văn thứ nhất, nhưng họ biết đặt ra những vấn đề đúng với đời sống, tâm lý trẻ em, và đúng với thời cuộc. Tác phẩm của họ làm trẻ em thích thú, nhưng lại có ít người lớn thích như kiểu nhà văn thứ nhất.

Thứ ba là kiểu nhà văn không trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm nên họ chọn con đường là dịch những tác phẩm hay từ các nền văn học khác nhau cho các em. Họ phải rèn luyện cho mình một giọng văn phù hợp với tâm lý trẻ em ở dân tộc mình, đất nước mình. Họ cũng phải là người hết sức am hiểu cuộc sống nói chung và thế giới trẻ em nói riêng.

Nhưng dù là ai trong ba kiểu nhà văn đó thì họ đều phải là những người sáng tạo tự do và có trách nhiệm. Họ là những người tài năng.

Khi một nền văn học không phát đạt thì có thể hiểu ngay ra rằng, nhà văn yêu không hết, học không hết, cười không hết, đau không hết. Tóm lại là mọi thứ họ đều không chạm tới đáy.

Tôi có cảm giác nhà văn trẻ hôm nay "giữ võ" nhiều hơn, mà thiếu đi sự tự nhiên, hồn nhiên vốn rất cần với người cầm bút, đặc biệt là nhà văn trẻ. Và đặc biệt là viết cho thiếu nhi...

Nhật Minh (ghi ý kiến của dịch giả Phạm Toàn)
.
.