Văn học thiếu nhi: Cần một tâm nguyện lớn

Thứ Hai, 09/06/2008, 14:00
VNCA có cuộc phỏng vấn nhà văn Lê Phương Liên, Trưởng ban Văn học thiếu nhi, Hội Nhà văn Việt Nam về thực trạng văn học thiếu nhi nước nhà hiện nay.

- Là Trưởng ban Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam, chị đánh giá thế nào về thực trạng văn học thiếu nhi hiện nay?

+ Thực trạng nền văn học thiếu nhi của chúng ta hiện nay là có đỉnh mà không có nền. Chúng ta tự hào có được những tác phẩm hay. Không kể các tác giả thế hệ trước được yêu mến như Tô Hoài, Phạm Hổ, Vũ Tú Nam, Trần Hoài Dương, Định Hải... chúng ta đang có Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Thuần và một vài tác giả khác có những tác phẩm hay được các em háo hức tìm đọc. Song, để nói về một đội ngũ, một lực lượng sáng tác cho các em thì chúng ta chưa có.

Nghĩ về tương lai văn học thiếu nhi, đây đang là một mối lo lớn đối với bất kỳ ai có trách nhiệm và quan tâm đến đời sống tinh thần của các em nhỏ.

- Theo chị nguyên nhân vì sao các nhà văn trẻ không viết cho thiếu nhi?

+ Tôi cho rằng, người cầm bút trẻ đến với văn học phải có động lực nào đó. Trước đây, một tác phẩm văn học được xuất bản khó khăn hơn bây giờ nhưng nhuận bút được trả thỏa đáng và quan trọng là nhà văn rất nhanh chóng được độc giả biết đến. Ngày hôm nay tác phẩm in dễ hơn nhưng nhuận bút thì thấp, không hấp dẫn người viết.

Các phương tiện truyền thông cũng không có hứng thú lăng xê các tác phẩm văn học thiếu nhi bằng những tác phẩm viết về đề tài nóng, ăn khách khác. Viết cho thiếu nhi thiếu sự khích lệ của hội nghề nghiệp, của công chúng và giới truyền thông nên nhà văn trẻ, vốn là những người mới bắt đầu con đường và đang mong muốn để lại dấu ấn với bạn đọc thường không chọn con đường này.

Một điều nữa phải nói rất thật rằng, trong lịch sử dài lâu của văn học Việt Nam luôn có một lực lượng những người ưu tú theo đuổi văn học. Ngày hôm nay, lực lượng ưu tú ấy trong văn học không nhiều.

Các nhà văn thế hệ đi trước, dù viết cho người lớn thường cũng ít nhất một lần cầm bút viết cho thiếu nhi. Quan tâm đến các em và viết cho các em dường như đã trở thành một hoạt động có liên quan và là hoạt động mang tính toàn diện trong sự sáng tạo của mỗi nhà văn. Nhưng nhà văn trẻ hôm nay thì không như vậy.

- Chị đã từng viết thư ngỏ gửi các nhà văn trẻ, kêu gọi họ hãy tham gia vào lãnh địa viết cho thiếu nhi. Hiệu ứng của lời kêu gọi đó như thế nào, thưa chị?

+ Sau khi thư ngỏ của tôi được đăng tải trên trang phongdiep.net, chỉ  có một ý kiến phản hồi của một tác giả, nhưng lại không còn trẻ. Tôi mới đùa rằng, nhà văn trẻ viết cho thiếu nhi là "một câu hỏi lớn không lời đáp".

Một cách nghiêm túc, tôi vẫn tin rằng, nếu các nhà văn trẻ để tâm đến đề tài thiếu nhi và có ý muốn viết cho các em, chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng bạn đọc nhỏ tuổi sẽ được thưởng thức nhiều tác phẩm hay hơn nữa.

- Theo chị vì sao người viết thường không lựa chọn viết lâu dài cho các em. Trường hợp viết cho thiếu nhi một cách chuyên nghiệp như nhà văn Nguyễn Nhật ánh lại đang rất hiếm hoi trong đời sống văn học?

+ Nói về trường hợp nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, là một người công tác trong lãnh địa văn học thiếu nhi, tôi rất khâm phục. Nguyễn Nhật Ánh là một nhà văn có vốn sống lớn và anh hoàn toàn có thể viết thành công tác phẩm văn học cho người lớn. Nhưng dường như nhà văn tâm nguyện dành cuộc đời mình, sự nghiệp của mình để sáng tác cho trẻ em. Những tác phẩm của anh đã liên tục ra đời và liên tục nhận được sự đón chào hân hoan của bạn đọc nhỏ tuổi.

Trong việc sáng tác, ở Nguyễn Nhật Ánh, theo tôi nghĩ, cảm hứng chỉ là một phần. Phần rất lớn còn lại là lao động. Ý thức về lao động nhọc nhằn của nhà văn là quá lớn. Sở dĩ nhiều nhà văn khác có thể viết hay cho thiếu nhi nhưng chỉ ghé chơi một lúc cho vui, là bởi họ thiếu cái tâm nguyện viết cho các em như Nguyễn Nhật Ánh.

- Chị có cho rằng việc xuất bản ồ ạt các tác phẩm văn học thiếu nhi nước ngoài  cũng là nguyên nhân nhấn chìm  mảng văn học thiếu nhi trong nước không?

+ Tôi nghĩ điều này cũng có phần đúng. Hiện nay chúng ta có thể gần như ngay lập tức giới thiệu các tác phẩm viết cho các em nổi tiếng trên toàn thế giới, trong khi tác phẩm của nhà văn trong nước lại thả nổi, không có sự bảo trợ, bảo hộ nào. Việc quảng bá tác phẩm trong nước làm cũng không tốt, thành ra tình hình đã tệ lại càng tệ hơn.

Để có sự cân bằng cần thiết, theo tôi, hội nghề nghiệp và các “mạnh thường quân” cần phải có sự giúp đỡ tích cực hơn nữa đối với nhà văn trong nước. Cần phải có quỹ hỗ trợ mang tính công ích để giúp đỡ, đầu tư cho các tài năng trẻ, để kịp thời khích lệ những tác phẩm mới và hay từ khi nó còn là ý tưởng cho đến lúc nó nằm trên tay bạn đọc.

- Trong tình hình đó, Ban Văn học thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam đang có những hoạt động thiết thực gì để trong tương lai gần có thể xây dựng được một đội ngũ người cầm bút viết cho trẻ em như ta hằng mong muốn?

+ Với sự cố gắng của mình, Hội Nhà văn Việt Nam thường xuyên tổ chức những cuộc giao lưu, gặp mặt, tổ chức các lớp bồi dưỡng, các trại sáng tác văn học để kịp thời phát hiện, động viên, cổ vũ và khích lệ các nhà văn trẻ viết cho thiếu nhi. Tất nhiên vẫn đang là những bước khởi đầu.

Tôi hy vọng rằng sắp tới sẽ có thêm nhiều hoạt động hữu ích hơn nữa, để con em chúng ta có cơ hội được thưởng thức nhiều tác phẩm văn học hay.

- Xin cảm ơn nhà văn Lê Phương Liên

Bình Nguyên Trang (thực hiện)
.
.