Văn chương và tâm sự của người viết trẻ

Chủ Nhật, 02/10/2016, 08:17
Với nhiều ưu điểm, kết quả đạt được trong 5 năm qua, Hội nghị những người viết văn trẻ lần này cũng nghiêm túc, thẳng thắn trong việc nhìn nhận những hạn chế của văn trẻ đã được tổng kết như: sự vênh nhau giữa số lượng với chất lượng, còn quá ít tác phẩm đề cập một cách ráo riết tới số phận con người Việt Nam hôm nay và nhiều tác giả trẻ vẫn đang lúng túng trong việc tìm kiếm lối đi cho riêng mình...


Tín hiệu từ sự trẻ trung, tươi mới

Nguyệt Hà

Hà Nội vào Thu, cũng là dịp diễn ra sự kiện văn học đặc biệt 5 năm mới có một lần, đó là dịp những người viết văn trẻ trên cả nước hội tụ bên nhau với những hoạt động văn học nghệ thuật đặc sắc. Từ ngày 27 đến 29-9-2016, Hội nghị Đại biểu những người viết văn trẻ lần thứ IX với sự tham gia của trên 100 đại biểu đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước hội tụ về Thủ đô Hà Nội.

Đây là sự kiện thu hút sự quan tâm, chú ý của không chỉ những người cầm bút mà còn là niềm kỳ vọng của những người yêu văn chương vào một diện mạo văn học trẻ đang hình thành khá đông đảo, đầy sức trẻ. Trong khuôn khổ của Hội nghị, 2 Hội thảo: "Văn trẻ - Nhập cuộc và sáng tạo" và "Thơ trẻ - Truyền thống và cách tân" với nhiều tham luận nói lên tiếng nói, tâm trạng, nỗi niềm của người viết trẻ hôm nay.

Theo đánh giá của nhà văn Nguyễn Bình Phương - Trưởng ban Văn trẻ Hội Nhà văn Việt Nam: "Sau 5 năm kể từ Hội nghị Đại biểu những người viết văn trẻ lần thứ VIII đến nay, nhiều người viết trẻ đã bứt phá trở thành những tên tuổi chững chạc và gặt hái được thành công. Ngoại trừ những tác giả đã trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, còn lại có thể nhắc đến một số tác giả tiêu biểu như: Văn Thành Lê, Cao Nguyệt Nguyên, Hồ Huy Sơn, Trần Sang, Lữ Thị Mai, Vũ Văn Song Toàn, Đậu Dung, Lê Vũ Trường Giang, Lý Hữu Lương, Đinh Phương, Nhụy Nguyên...

Một số đại biểu dự Hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ VIII (năm 2011) nay đã trở thành những cây bút trưởng thành.

5 năm qua, thêm nhiều gương mặt mới xuất hiện, đang kiến tạo cho mình một lối đi riêng với rất nhiều triển vọng và kỳ vọng như Đào Quốc Minh, Đỗ Nhật Phi, Kiều Mai Ly, Trác Diễm, Nghiêm Quốc Thanh, Lê Quang Trạng, Vĩnh Thông, Nguyễn Văn Toan, Kiều Duy Khánh...".

Cũng theo đánh giá của nhà văn Nguyễn Bình Phương, ngoài đặc điểm sáng tác cần được nhắc tới của văn trẻ, đó là thái độ nhập cuộc có ý thức trách nhiệm của người viết trẻ với thời tiết chính trị và xã hội, văn trẻ còn thể hiện 2 xu hướng rõ rệt đó là: Xu hướng thiên về tìm tòi cách thể hiện, diễn đạt mới, coi nghệ thuật là yếu tố đầu tiên và trên hết với một số tên tuổi điển hình như  Đỗ Nhật Phi với "Người ngủ thuê", Đinh Phương với "Nhụy khúc", Nguyễn Minh Nhật với "Âm thanh của sự im lặng", Lê Minh Phong với "Trong tiếng reo của lửa", Trịnh Sơn với "Gieo mồi vào sóng", Lữ Thị Mai với "Mở mắt rồi mơ", Đào Quốc Minh với "Nguyệt nương".... và xu hướng tìm tới đại chúng với quan niệm văn học phải phục vụ số đông, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nhẹ nhàng, dễ hiểu với các đại diện như Anh Khang với "Buồn làm sao buông", "Ngày trôi về phía cũ", Nguyễn Phong Việt với "Đi qua thương nhớ", "Sinh ra để cô đơn", Hamlet Trương với "Yêu đi rồi khóc"...

Bên cạnh đó, một đội ngũ phê bình trẻ được đào tạo bài bản và có ý thức về nghề đã hình thành rõ nét và đang trở nên mạnh mẽ với các tên tuổi như Cao Việt Dũng, Mai Anh Tuấn, Trần Thiện Khanh, Thái Phan Vàng Anh, Hoàng Phong Tuấn... Đội ngũ những người trẻ dịch văn học một cách trí tuệ và nghiêm túc đã khiến văn học Việt Nam tiếp cận, bắt nhịp với những tác phẩm đỉnh cao của văn học đương đại như Lương Việt Dũng, Nguyễn Đào Nguyên, Nguyễn Huy Hoàng, Phạm Phương Chi, Trần Nhật Mỹ...

Với nhiều ưu điểm, kết quả đạt được trong 5 năm qua, Hội nghị những người viết văn trẻ lần này cũng nghiêm túc, thẳng thắn trong việc nhìn nhận những hạn chế của văn trẻ đã được tổng kết như: sự vênh nhau giữa số lượng với chất lượng, còn quá ít tác phẩm đề cập một cách ráo riết tới số phận con người Việt Nam hôm nay và nhiều tác giả trẻ vẫn đang lúng túng trong việc tìm kiếm lối đi cho riêng mình.

Vì thế, Ban Nhà Văn trẻ thông qua Hội nghị lần này còn gửi đến các tác giả trẻ thông điệp mong muốn các tác giả sẽ tham gia tích cực hơn nữa vào đời sống xã hội, nhập cuộc để lắng nghe, tìm hiểu và phản ánh chính xác những vấn đề mà hiện thực đặt ra. Nhà văn Nguyễn Bình Phương nhấn mạnh: "Mỗi người viết trẻ phải là một tiếng nói đôn hậu, trung thực, sâu sắc trong việc đấu tranh với cái lạc hậu, cái tiêu cực. Phấn đấu mỗi tác phẩm phải là một tiếng nói độc đáo, mới lạ, đủ sức kéo con người hướng về phía ánh sáng của nhân tính và cái đẹp...".

Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa: Văn chương trẻ ẩn chứa nhiều đợt sóng ngầm

Sơn Hồ (thực hiện)

- Xin chào nhà văn trẻ Nguyễn Thị Kim Hòa. Cảm xúc của bạn khi là một trong 4 đại biểu của Ninh Thuận tham dự Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc 2016?

+ Đây là lần đầu tôi tham gia. Tham gia lần đầu ở tuổi 32, hình như cũng hơi... già (Cười). Có lẽ vì vậy mà tôi vui và hơi hồi hộp. Lần đầu với việc gì cũng thế mà. Chờ đợi của tôi chắc là ở những hoạt động và những gặp gỡ thú vị hội nghị hứa hẹn sẽ mang lại. Đó sẽ là cơ hội quý giá để những người trẻ tự nhìn nhận và rút ra được điều gì đó cho mình. Còn công việc sáng tác, với người viết thực thụ, ai cũng biết không thể tính bằng số lần đi dự Hội nghị.

- “Lập thân tối hạ thị văn chương”, hẳn là bạn cũng biết đến “đúc kết” này. Chỉ có điều, Nguyễn Thị Kim Hòa đã là chủ nhân của gần chục đầu sách cũng như giải thưởng quan trọng. Điều này có giúp bạn “sống khỏe” bằng văn chương hay không?

+ Tôi nghĩ dám nói “sống khỏe” bằng văn chương hiện tại ở nước ta giờ chắc cũng không được mấy người. Với người trẻ càng hiếm. Cũng hơi chạnh lòng khi nhiều bạn viết tôi biết và cả chính tôi đều phải dựa vào một công việc khác để nuôi đam mê văn chương. Chưa tính tới “sống khỏe”, tôi nghĩ “sống tiếp” với văn chương được đã mừng. Chỉ sợ đến ngày thứ mình dùng để nuôi văn chương lại nuốt chửng luôn chính văn chương. Vậy mới buồn!

- Thực tế, vẫn có những nhà văn sống được và sống khỏe bằng nghề viết như trường hợp của “nhà văn tiền tỉ” Nguyễn Nhật Ánh. Theo bạn, cốt lõi của vấn đề nằm ở đâu? Hay chúng ta cần có một sự thay đổi nào để có những “nhà văn tiền tỉ” trong tương lai?

+ Thật sự, tôi nghĩ sống được và sống khỏe với nghề còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố nữa, bên cạnh tài năng. Mỗi người đều có một cơ duyên riêng. Nên câu hỏi này, chắc khi nào thành “nhà văn tiền tỉ” tôi mới dám trả lời (Cười).

- Là một người viết trẻ bạn cảm nhận đời sống của văn trẻ hiện nay như thế nào? Người viết trẻ đang phải đứng trước những thách thức, khó khăn nào?

+ Đời sống văn trẻ hiện nay tuy bề mặt có vẻ bình lặng, nhưng tôi cảm giác đó là một dòng chảy ẩn chứa nhiều đợt sóng ngầm. Vẫn đang có những âm thầm bứt phá tồn tại và sẵn sàng bùng lên không biết lúc nào.

Người viết trẻ bao giờ cũng phải đối diện với thách thức. Trong những khó khăn chung của tình hình văn học hiện tại, với sự thay đổi thị hiếu và đòi hỏi ngày càng khắt khe của người đọc, người viết trẻ lại càng gặp nhiều thử thách. Thử thách không chỉ ở mặt tiếp cận bạn đọc, tìm kiếm xuất bản. Thử thách còn ở việc tiếp tục duy trì đam mê với viết lách. Nhưng tôi tin ở sức trẻ. Tin ở việc thử thách sẽ làm thúc đẩy hơn sức bật ở những người trẻ luôn đầy nhiệt huyết.

- Nếu được góp ý hay hiến kế để công tác văn học dành cho người viết trẻ được tốt hơn, bạn sẽ nói gì?

+ Tôi mong sẽ có nhiều quan tâm hơn dành cho văn học trẻ. Những người viết trẻ luôn cần được giúp đỡ, được tạo cơ hội. Công tác văn học trẻ cần được thúc đẩy và hỗ trợ thúc đẩy không chỉ ở Trung ương mà còn ở các đơn vị văn nghệ tỉnh thành.

Việc bồi dưỡng đội ngũ những người làm công tác văn trẻ ở các địa phương cũng nên được chú trọng để có thể tìm kiếm, quy tụ và hỗ trợ phần nào cho những người viết trẻ. Hỗ trợ văn trẻ không chỉ nên là hoạt động của riêng một hội đoàn, một tổ chức. Cần có nhiều hơn nữa những tủ sách, những cuộc thi, những sân chơi sáng tác dành cho văn trẻ và rất nhiều những tấm lòng để văn trẻ được trợ sức, từng bước trưởng thành.

- So với các tác giả trẻ khác, trở thành hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam, bạn thấy mình có thêm những lợi thế gì trong việc sáng tác, in ấn tác phẩm, rồi đưa tác phẩm ra công chúng?

+ Trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam với một người trẻ như tôi cũng có thể xem là một niềm vui. Vào Hội hay không thì tôi vẫn cứ viết như chính tôi đã từng. Tôi không nghĩ và không mong mình có lợi thế gì hơn các bạn văn chưa là hội viên. Vì sáng tác, công bằng mà nói, hơn thua nhau ở tài năng, không phải ở danh xưng.

- Cảm ơn Nguyễn Thị Kim Hòa!

Nhà văn Văn Thành Lê: "Hãy đi đến tận cùng bản thân mình"

Hà Anh (ghi)

Tôi đến với văn chương vô cùng hồn nhiên. Như mọi đứa trẻ quê, thích nghịch đất bờ ao, chơi khăng, đánh đáo, nhảy dây, trốn tìm. Ngoài ra, tôi nghịch thêm với chữ. Từ những câu vè ngây ngô thuở ban đầu đến những bài thơ, đoạn văn ngắn được in báo.

Từ truyện ngắn ở các báo dành cho học sinh, sinh viên đến truyện ngắn đăng tải ở các báo lớn hơn, chuyên sâu văn chương hơn. Từ tập truyện đầu tay non tơ vụng dại đến những tập truyện sau. Tôi tự thấy mình đã khác với chính mình của “ngày hôm qua”.

Sau mỗi cuốn sách được xuất bản, tôi càng nhận ra: Chữ nghĩa ấy, văn chương ấy, cánh cửa bước vào thì rộng, thì không quá khó. Vui chơi thoáng chốc thôi, thì nhẹ nhàng lắm, giản đơn lắm. Nhưng để đi tiếp, đi đường dài, để sống chết dấn bước, thật không dễ dàng gì. Hoang mang, thậm chí có thời đoạn bế tắc.

Đi vào “cái còn đọng lại trong con mắt nhắm” nhiều lúc như người nhắm mắt đi trên xa lộ, hồi hộp và run rẩy. Nhưng, chính sự còn hoang mang và run rẩy mới khiến tôi viết tiếp được. Khi đã hết hoang mang và run rẩy, chắc tôi sẽ toàn tâm cho việc khác chứ không phải viết văn.

 Tất nhiên, có một số người viết trẻ đang hồ hởi và lầm tưởng khi xem thứ "văn ăn nhanh" của mình là văn học. Bởi chưa bao giờ ra sách đơn giản và nhẹ nhàng như bây giờ. Và cũng chưa bao giờ hình ảnh người viết được đẩy lên nhanh đến chóng mặt như bây giờ. Mọi sự ồn ào đều mang trong mình những hạt mầm của tĩnh mịch cô liêu. Dẫu nhìn ở góc độ phát triển, đấy là tự nhiên, là cần thiết, văn đàn sẽ đa dạng và phong phú hơn. Nhưng rõ ràng, lấy điều này để đo sức khỏe của văn học trẻ là lệch lạc và thiếu thuyết phục.

Có lẽ, văn chương càng thật sự là văn chương, càng không phải của số đông. Dù ở thời đại này không thể phủ định sự cần thiết của truyền thông thì văn chương vẫn không đứng về phía ồn ào. Nói thế không phải để đề cao vị trí người viết. Thực tế vậy. Văn chương khác thể thao.

Văn chương khác showbiz. Kể cả trong các loại hình nghệ thuật, văn học là gốc, là thứ khó đi đến đám đông nhất. Một tác phẩm văn học khác một ca khúc, khác một vở kịch, một bộ phim. Vậy mà, tôi có cảm giác hình như nhiều người trẻ đang lấy lượng độc giả dễ dãi để đo văn chương, và lấy điều đó bảo chứng cho trang văn của mình.

Viết cho độc giả hay viết cho mình? Đấy là câu hỏi mà không ít người viết tự vấn bản thân. Riêng tôi, tôi viết cho tôi, cho nhận thức của tôi, rồi mới đến cho người đọc. Những trang viết đi ra từ ẩn ức của cá nhân. Tôi giải bài toán ẩn ức của tôi chứ không phải bài toán viết thế này thì sách bán được bao nhiêu, viết thế kia sẽ bao nhiêu người đọc.

Có lẽ, đấy là cái khó của văn chương và cũng là hấp lực của văn chương. Tôi nhớ một nhà văn từng nói: “Hãy đi đến tận cùng của cái ta, ta sẽ gặp được nhân loại”. Vậy thì, với người viết, hãy đi đến tận cùng bản thân mình, sẽ gặp quê hương đất nước ở đấy! Giản dị vậy thôi...”.

Nhà thơ Lữ Thị Mai: "Viết văn là nhu cầu, khao khát tự thân"

Cẩm Khê

- Chào Lữ Thị Mai! Tham gia Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần này, tâm trạng của Mai khác gì so với lần trước? Đối với cá nhân Mai, việc tham gia Hội nghị viết văn trẻ lần đầu tiên cách đây 5 năm có tác động gì đối với con đường văn chương mà bạn đã chọn hay không?

+ Mỗi khoảnh khắc của cuộc sống vốn đã chứa đựng nhiều thay đổi, huống gì đây là chặng đường 5 năm. Lần đầu tiên khi tham dự Hội nghị những người viết văn trẻ, tôi vừa tốt nghiệp đại học, mới kịp cho ra đời một tập thơ.

Sau 5 năm, đã có khá nhiều thay đổi. Tôi xuất bản thêm 2 tập sách, trong đó 1 tập văn xuôi và 1 tập thơ. Tôi nghĩ rằng, dù mình tham gia đến lần thứ bao nhiêu thì tôi cũng vẫn ở một tâm thế duy nhất, đó là tâm thế của người cầm bút. Sự tác động, thay đổi ở đây chủ yếu về trải nghiệm, cảm xúc. Mà với người viết, đó là chất xúc tác không thể thiếu.

Tôi vẫn còn nhớ, tại hội nghị lần trước, có một bạn viết đã nói rằng: Ước mơ sống mãi với tuổi trẻ là một điều không tưởng nên khi còn trẻ, hãy cháy hết mình. Và sau 5 năm, chúng tôi - những đại biểu trẻ ngày ấy - đã không còn gặp lại bạn viết này nữa vì anh đã mất sau một tai nạn bất ngờ. 5 năm nhìn lại, có nhiều được mất, buồn vui và có cả những điều không bao giờ trở lại...

 - Có một số người sáng tác lựa chọn cách ở bên ngoài các hoạt động “hội hè” bởi họ cho rằng, sáng tác là một hành trình tuyệt đối cô đơn, không ai có thể tác động đến ai được. Theo Lữ Thị Mai, những người viết trẻ như bạn có xu hướng tìm kiếm, kỳ vọng điều gì thông qua các hội nghị như Hội nghị những người viết văn trẻ?

+ Tôi đồng tình với quan điểm về sự cô đơn trong hành trình sáng tạo. Tuy nhiên, cô đơn trong sáng tạo không có nghĩa là người viết khép mình với đời sống, đám đông hay “hội hè”… Xưa nay, tôi chưa thấy nhà văn, nhà thơ nào “cửa đóng, then cài” im ỉm theo năm tháng mà có tác phẩm lớn cả. Ngược lại, đó là những nhà văn lớn luôn quăng mình vào đời sống, từ những chốn thanh tao đến hội hè đình đám, cô đầu, gánh hát… Sự cô đơn trong sáng tạo được hiểu như trạng thái tư duy độc lập, không phụ thuộc vào những tác động khác thì đúng hơn.

- Với Lữ Thị Mai, đâu là khó khăn, rào cản lớn nhất mà bạn từng gặp phải trong quá trình đưa tác phẩm của mình tiếp cận với công chúng hôm nay?

+ Nếu như trước đây, chẳng hạn ở thời văn học chống Mỹ, văn chương thường có những “thủ lĩnh” vượt trội hẳn, chi phối tất cả thì thời đại ngày nay, một tiếng thơ tài năng không dễ đáp ứng số đông bởi sự phân chia nhóm người viết, nhóm người đọc với các thị hiếu khác nhau, đó là dấu hiệu của sự phát triển.

Vậy điều khó khăn nhất không còn là chuyện làm sao để trở thành “thủ lĩnh” hay in ấn, xuất bản cách nào mà là khát vọng thể hiện được không gian, cảm hứng toàn cầu. Cũng chính bởi thời đại “thế giới phẳng” với nhiều nguy cơ của sự bào mòn, vô cảm nên nếu người viết cạn cảm hứng cuộc sống, thiếu khát vọng lớn lao sẽ không làm nên điều gì đáng kể.

- Nhà văn ở Việt Nam, số người sống được bằng nghề sáng tác đếm được trên đầu ngón tay. Vợ chồng Lữ Thị Mai đều là nhà thơ cả,“chuyện cơm áo” được tính toán thế nào cho vẹn cả đôi đường?

+Tôi nghĩ thời nào, nghề nghiệp nào để sống ổn định theo đúng nghĩa của nghề đều khó. Nó không chỉ đòi hỏi năng lực mà còn cần đến sự bền bỉ, bồi đắp trí tuệ, tinh thần, cân bằng giữa công việc - đời sống... Sở dĩ lĩnh vực văn chương, nghệ thuật thường gặp vấn đề về “chuyện cơm áo” là bởi tính đặc thù về sáng tạo.

Trạng thái say mê sáng tạo có thể kéo một người “mất tích” khỏi đời sống thường nhật, có thể làm lung lay mọi dự định về sự phân bổ thời gian, cảm xúc cho hài hòa mọi việc. Chúng tôi cũng không ngoại lệ nên vẫn đang cố gắng đưa ra một định nghĩa riêng về hành trình sáng tạo của bản thân trong mối tương quan về đời sống xã hội.

- Bạn bè học cùng khoa Viết văn - Báo chí, Trường Đại học Văn hóa (tiền thân là Trường Viết văn Nguyễn Du) với Lữ Thị Mai, bây giờ có còn nhiều người giữ được giấc mộng đẹp với văn chương không hay cũng bỏ đi viết báo, làm truyền thông.... và "lạnh nhạt" với văn chương hết cả rồi?

+ Dư luận đã từng cho rằng những người học viết văn trước sau gì cũng “bỏ” văn chương đi làm báo, nhưng thực tế đó chỉ là một phần. Bản thân tôi, khi mới “chân ướt, chân ráo” vào đại học đã đi làm báo để mưu sinh. Gần 10 năm qua, tôi làm song song nhiều phần việc. Nếu viết văn là nhu cầu, khao khát tự thân thì làm báo là mưu sinh cơm áo.

Tôi còn nhớ, ở khoa tôi có cây bút người dân tộc Thái là Vi Văn Choòng - người từng “làm mưa làm gió” văn đàn Trường Viết văn Nguyễn Du với bài thơ “Tàn lửa”. Thầy cô, bạn văn từng mong ngóng, thất vọng vì anh bỗng “mất tăm” sau khi tốt nghiệp. Ngày nọ, tôi có chuyến công tác ở Nghệ An, nghe tôi ngỏ ý muốn tìm nhân vật thú vị để viết báo, những người làm văn hóa tại đây đã kể suốt buổi về chàng trai dân tộc Thái, thị lực rất kém nhưng ngày qua ngày vẫn tập đi xe máy bằng… cảm giác, lò dò trên những cung đường ngoằn ngoèo đến từng bản làng hẻo lánh lấy tư liệu viết báo, ngồi bên suối làm thơ và gửi khắp nơi bằng bút danh khác. Đó chính là Vi Văn Choòng.

Tôi vốn không bao giờ hốt hoảng khi bỗng một ngày thấy tác giả nào đó “mất tăm”. Tôi tin họ đang ở một nơi nào đó, làm công việc gì đó, với niềm khát khao và lý do riêng biệt. Với những con người “trót mang lấy nghiệp vào thân” muốn từ bỏ điều gì thật cũng chẳng dễ dàng.

- Sau tất cả, điều gì đã giữ Lữ Thị Mai lại với thơ?

+ Một ngày, dù bận rộn công việc nhưng tôi không bao giờ quên những cuốn sách trên giá. Với tôi, thơ ca là một góc nhỏ nuôi dưỡng niềm tin, sự lắng đọng. Cho đến bây giờ, điều tôi yên tâm nhất là mình vẫn giữ được góc nhỏ ấy trong đời sống và tâm hồn mình.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của Lữ Thị Mai! 
PV
.
.