Văn chương trẻ "đi nhanh về chậm"

Thứ Tư, 28/12/2011, 08:00
Năm 2011 với Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc và Hội nghị viết văn trẻ Tp HCM cùng được tổ chức. Giới cầm bút và công chúng đều thấy rõ ràng một cơ hội để nhận diện đời sống văn học trẻ tương đối đầy đủ và nghiêm túc khi bước vào thập niên thứ hai của thế kỷ XXI. Tất nhiên, ở thời đại cởi mở, có nhiều sân chơi khác nhau, không hẳn chỗ rộn ràng nào cũng quy tụ được tài năng, nhưng chính bề nổi tạo điều kiện cho chúng ta tư duy về bề sâu hợp lý hơn.

Như một phương pháp cân nhắc, Hội Nhà văn Việt Nam lấy độ tuổi 35 để làm cột mốc phân biệt già - trẻ trong sáng tạo văn chương. Đại biểu nhà văn trẻ chính thức được mặc định từ 35 tuổi trở xuống, nghĩa là họ đều sinh ra sau ngày đất nước thống nhất. Một thế hệ mới được kỳ vọng kiến tạo thẩm mỹ mới cho người Việt hội nhập quốc tế đã được xác lập. Chúng ta đã có phó giáo sư 29 tuổi thì nhà văn trẻ không thể lơ ngơ vài đoạn văn ngắn hoặc đong đưa mấy câu ghép vần. Mặt khác, cơ chế thị trường và sức ép truyền thông không cho phép những người trẻ viết văn hôm nay được quyền khước từ "deadline" của mỗi tác phẩm. Có truyện ngắn phải viết đúng lịch trình đề nghị của tòa soạn báo, có tiểu thuyết phải viết kịp tiến độ phát hành của công ty sách. Muốn tồn tại, nhà văn trẻ phải viết cặm cụi như một thói quen nghề nghiệp. Sở dĩ nhấn mạnh yếu tố này để khẳng định người cầm bút hiện đại đã đoạn tuyệt miền cảm hứng "mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây".

Theo đà văn minh, những giải thưởng ban phát và những tác phẩm bao cấp, không còn nằm trong sự đắn đo của nhà văn trẻ nữa. Mục tiêu đầu tiên của họ là độc giả. Không lời ca ngợi thánh thót nào có sức quyến rũ bằng hành động móc ví mua sách của bạn đọc. Một quá trình tương tác thực sự xảy ra. Sự đòi hỏi của công chúng hình thành sự toan tính của nhà văn, và sự khôn khéo của nhà văn chi phối sự chọn lựa của công chúng. Ngự trị giữa nhà văn và công chúng là công nghệ PR, quan niệm "hữu xạ tự nhiên hương" đã hết hạn sử dụng và miếng thịt nướng miễn phí cũng chỉ có trong cái bẫy chuột mà thôi.

Khi nhu cầu giải trí chốc lát cao hơn nhu cầu thay đổi nhận thức, thì công thức để có một cuốn sách bán chạy chỉ đơn giản gồm những phép cộng của quảng cáo, quảng cáo và quảng cáo. Sự lười nhác của các nhà báo và sự thụ động của các nhà phê bình khiến công chúng dần dần chứng kiến hình ảnh nhà văn cũng "hot" như những tài tử điện ảnh nghiệp dư hoặc những người mẫu chụp ảnh bán nude! Khi trang viết không thể tự hiển lộ sức hấp dẫn thì người viết phải tự đăng đàn nói về tâm tư, về ước nguyện, và cả về những giấc mơ mà chính mình cũng không mấy tin cậy!

Các đại biểu tham dự hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8 (tháng 9/2011).

Vì sao phải mường tượng bức tranh thực trạng văn học Việt Nam có màu sắc bi hài kịch như vậy? Không khó hiểu lắm, vì nhà văn trẻ đang gánh vác hệ lụy đáng ngao ngán của nền văn học Việt Nam là sự vắng bóng danh sư. Nhìn vào làng văn, chỉ thấy những chức sắc ngạo nghễ mà không thấy uy tín cỡ Hoài Thanh, Xuân Diệu, Chế Lan Viên… Nguyên nhân nào dẫn đến thảm cảnh ấy? Thứ nhất, áp lực đồng tiền đẩy một bộ phận cầm bút vào guồng quay vun vén và tích lũy cá nhân, phó mặc thị phi văn đàn. Thứ hai, xã hội phát triển quá nhanh, khiến một bộ phận cầm bút khác trở nên loay hoay, đành bám lấy những cái cũ kỹ và sáo rỗng như một cứu cánh hữu hiệu! Thật buồn, khi một nền văn chương vắng bóng các nhà văn lớn, thay vào đó là các nhà văn lớn tuổi và nhà văn lớn giọng. Trong sinh hoạt nghệ thuật, lớn tuổi và lớn giọng không đồng nghĩa với bất kỳ tiêu chuẩn thẩm mỹ nào. Những người cầm cân nảy mực cho giá trị văn chương không còn khả năng tiếp cận tác phẩm, thì nhà văn trẻ phải tự bơi trong cái trật tự hỗn độn lắm háo hức và cũng lắm hoang mang!

Nếu để điểm danh nhà văn trẻ, có thể liệt kê một loạt tên tuổi. Gộp cả Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc và Hội nghị viết văn trẻ Tp HCM thì chúng ta có khoảng 200 nhà văn trẻ. Thế nhưng, 9/10 trong số đó vẫn thuộc loại "vẻ đẹp tiềm ẩn". Bây giờ việc công bố một tác phẩm rất dễ dàng, không đăng được báo lớn thì đăng báo nhỏ, không đăng được báo giấy thì đăng báo mạng, còn không đăng được báo nào thì xin giấy phép của nhà xuất bản để ấn hành 500 cuốn hoặc 1.000 cuốn. Không thể nói khác, đối với nhà văn trẻ, con đường để đi đến bạn đọc không khó, nhưng con đường để về chính mình hơi khó đấy! Bởi lẽ, một tác phẩm dung lượng ra sao, phản ánh điều gì cũng nhằm xây dựng phong cách tác giả! Có một thứ luật không thành luật nhưng luôn tồn tại như sự thật tất yếu: nhà văn không có phong cách thì mãi mãi là nhà văn… trẻ!

Sự chiếm lĩnh dữ dội của phương tiện vật chất và kỹ thuật truyền thông thúc đẩy các nhà văn trẻ đi rất nhanh. Khoảng cách để phân biệt thế hệ cầm bút nọ với thế hệ cầm bút kia không còn tính bằng 10 năm hay 20 năm, mà được tính bằng 5 năm hoặc ngắn hơn nữa. Đi nhanh đã đành, nhưng đi đâu lại là chuyện khác. Dường như trong sự bấn loạn nhiều giá trị nhân văn nhảy múa theo giá vàng, chúng ta lãng quên một điều rất nhỏ nhoi nhưng cũng rất quan trọng: nhà văn đi đến công chúng không phải để chiều chuộng công chúng, mà để khẳng định bản thân!

Xác lập vững vàng cơ sở tư duy ấy, chúng ta mới thấy rằng các nhà văn trẻ đang đi nhanh nhưng về muộn. Phía sau những gương mặt náo nức bởi kèn trống rôm rả, phía sau những bóng dáng phổng phao bởi chúc tụng bơm hơi, nhà văn trẻ còn lại mấy người? Truy vấn tận cùng bỗng vỡ lẽ, những nhà văn trẻ có chút ít thành tựu đều biết cách khai thác vốn liếng văn hóa trầm tích của cá nhân. Nguyễn Ngọc Tư với những số phận lênh đênh ở sông nước Nam Bộ hay Đỗ Bích Thúy với những mảnh đời hắt hiu ở núi non Tây Bắc như những minh chứng hùng hồn nhất. Tương tự, năm 2011 vừa qua, A Sáng có tiểu thuyết "Thân xác", Lê Minh Nhựt có tập truyện ngắn "Những đám mây bốc cháy" hoặc Huyền Minh có tập thơ "Viết trên cổng trời" đã giành được nhiều đồng cảm từ giới mộ điệu văn chương.

Một câu hỏi thiết thực và không kém gay gắt: Phần lớn các nhà văn trẻ đều đang tụ hội ở đô thị, họ phải viết gì để khỏi bị vùi lấp giữa đám đông bận rộn và dửng dưng? Có hai dòng chảy, một là biến văn chương thành fast food, hai là hướng văn chương thành đặc sản. Dòng văn chương fast food nhắm thẳng vào những yêu ghét vụn vặt, có thêm chút sex càng tốt, và kiên quyết phải đặt cho bằng được một cái tựa thật gợi cảm, thật gợi tình. Ví dụ, sách xuất bản trong năm 2011, có thể kể "Để hôn em lần nữa" hoặc "Anh còn muốn lấy em nữa không, chồng yêu".

Dòng văn chương đặc sản thì nan giải hơn, vì các nhà văn trẻ đã tách lìa lấm láp nông thôn nhưng vẫn còn xa văn minh phố xá, nên phạm vi đề cập chỉ quẩn quanh những ngọt nhạt mưu sinh nơi phồn hoa lô nhô cao ốc. Đọc những tác phẩm dạng này, người tinh tế sẽ phát hiện các tác giả chỉ tạm dừng mức độ quan sát hờ hững, chứ chưa dấn thân thâm nhập thực tế. Văn học đô thị đang là một vùng đất trống đầy hứa hẹn cho những sáng tác trẻ. Từ nỗi nhọc nhằn của bao cô gái rời khỏi đồng cỏ ruộng lúa để khoác áo công nhân các khu công nghiệp, đến niềm riêng của tri thức Việt làm thuê cho doanh nghiệp nước ngoài, và cả nước mắt nghiệt ngã của những đại gia nhiều biệt thự lắm muộn phiền, đều rất cần được phản ánh sâu sắc và lắng đọng bởi ngôn ngữ nghệ thuật. Tại sao chúng ta không dùng thiện chí để nghĩ rằng, đó là những đơn đặt hàng đầy hy vọng cho vài cây bút nổi trội như Trần Nhã Thụy, Di Li, Hải Miên, Dương Thụy, Phan Hồn Nhiên, Vũ Đình Giang?

Sự kết nối toàn cầu và cuộc đổ bộ của sách dịch nhiều lúc làm những tác giả văn xuôi thực sự hoảng hốt về biên độ thể hiện cũng như về cấu trúc tác phẩm. Những nhà thơ trẻ ít bị tác động hơn, nhưng cũng khó tìm kiếm chỗ đứng hơn. Hình ảnh nồng nhiệt đôi khi thái quá của Vi Thùy Linh cũng không còn làm cho thi đàn trẻ xôn xao nữa. Lối thơ giễu nhại của Nguyễn Thế Hoàng Linh được tuyển chọn thành tập "Hở" chỉ phù hợp với không khí thù tạc bông phèng "em vẫn khỏa thân trong quần áo/ cho cái buồn ăn nói rất lung tung".

Trong không gian sống có nhiều nhu cầu khác nhau sẽ hình thành cảm xúc khác nhau. Điểm gặp gỡ giữa người viết và người đọc rất mong manh, nếu trang thơ không tạo được diện mạo nhân vật trữ tình đặc thù. Môi trường đa dạng về tinh thần, không còn khái niệm nhà thơ của quảng đại quần chúng. Nếu trông chờ những tràng vỗ tay hoặc những tiếng hò reo thì nhà thơ chỉ giống như những nghệ sĩ diễn ngâm thời vụ. Vị trí nhà thơ được khu biệt theo từng đối tượng bận tâm. Thi ca sẽ dần hình thành nhà thơ của những con người khốn khổ, nhà thơ của những mệnh kiếp long đong, nhà thơ của những mối tình bẽ bàng, nhà thơ của những buôn làng xao xuyến, nhà thơ của những khúc ca phồn thực, hoặc nhà thơ của những ý chí đấu tranh với bất công, với tham nhũng, với ô trọc…

Trong năm 2011, nếu đọc một cách đàng hoàng, cũng thấy được vài dấu hiệu thơ trẻ đáng mừng. Nguyễn Quang Hưng mê đắm "cái nơi em tắm ngày xưa/ con mắt vẫn chờ ngụp lặn", Trần Hoàng Thiên Kim đau đáu "sau giấc ngủ/ có tiếng người buồn như ánh trăng/ khô khốc nhớ thương và sám hối", còn Tuệ Nguyên khắc khoải: "khi ngọn lửa bùng lên, đời người chỉ là một chuyến du hoang/ mẹ nói thế/ ở mảnh đất được dệt lên bằng những huyền thoại/ đàn bà lên men/ đàn ông say".

   Tp HCM, cuối năm 2011

Lê Thiếu Nhơn
.
.