Từ nơi có bóng mát

Thứ Hai, 17/06/2013, 08:00

Nhân đọc tập truyện ngắn "Cõng nhau trong một cõi người" của Hoàng Công Danh; NXB Trẻ, 2013.

Tập truyện này sẽ cho ta ấn tượng như đọc một tiểu thuyết. Một ngôi chùa ở đâu đó giữa miền Trung. Một nhà sư, một chú tiểu và thấp thoáng một chị bán vải là Phật tử. Chú tiểu vốn là một đứa trẻ bướng bỉnh, được cha mẹ gửi vào chùa để cải nghiệp. Qua mắt chú mà hình ảnh ngôi chùa hiện lên, sư thầy hiện lên, thế giới hiện lên, giáo lý đạo đức được vận dụng. Đời sống nhân sinh cũng được lọc qua mắt trẻ thơ mà mang nhiều hàm nghĩa. Đời sống nhân sinh cũng không chỉ nhẹ nhàng phảng phất theo chân chị bán vải mà vào chùa.

Tác giả Hoàng Công Danh nhìn thế giới, vốn không phẳng lặng và không đơn giản, qua cặp mắt một đứa trẻ. Ngộ nghĩnh, hóm hỉnh, nhưng sáng rõ, rành mạch. Giáo lý và nhận thức cuộc sống vì vậy đã trở nên sống động và khá hấp dẫn.

Mỗi truyện đều được tác giả dụng công tạo ra một hình ảnh làm cái neo cho người đọc, gây ấn tượng vương vấn cả khi ta đã gấp sách lại. Đấy là chi tiết nhà sư cõng cô gái qua suối, là cơn đau bệnh tật của chú tiểu khiến chú phải uống thuốc, nhưng cái đau trong tâm của nhà sư thì ai chữa và thuốc nào chữa lành? Một ngày điệu Sanh theo thầy vào thành phố, người tu hành vào giữa chợ đời, thầy muốn dạy cho chú bài học đầu tiên là bài học về con đường. Chú bé chỉ nhớ một ấn tượng: Thành phố đông người đi trên đường, và ai cũng đeo theo mình một cái bóng đen ở dưới chân. Rồi ở chùa, mấy đệ tử của thầy dao động mất niềm tin vào thầy mà bỏ đi, lá rơi đầy sân chùa, ai sẽ quét lá nhặt lá cho sân sạch si sạch? Chuyện con chim dòng biết nói câu "Mạ đi chợ về chưa?" đến đoạn kết thì gây rung chuyển trong tâm người đọc. Rồi thêm chuyện con heo đến chùa như có căn tu, được nhà sư chăm nuôi, mà gây ra bao chạnh lòng xao xuyến.

Ở những trang cuối, tác giả bất ngờ cho ta biết chuyện điệu Sanh hàng tuần được nhà sư gửi đến một quán ăn, mỗi tuần được sư thầy cho một bữa ăn mặn. "Sư thầy bảo điệu Sanh chỉ tu để cải nghiệp (vì bướng bỉnh) chứ không phải để thành người nhà Phật, vả lại điệu ấy còn nhỏ, cần có cá thịt mới lớn được". Cái đùi gà điệu Sanh ăn hàng tuần, sau đó được nhắc lại đầy dụng ý khi Sanh đã lớn, đã ra khỏi chùa, đã thành doanh nhân. Và ở dòng cuối cùng, tác giả đã như vô tình bật ra một chi tiết rất nhỏ, rất giản dị mà có sức lay động.

Hoàng Công Danh dù còn rất trẻ nhưng đã chứng tỏ sự thấm nhuần giáo lý nhà Phật. Đọc vài truyện đầu tiên anh viết và gửi đến qua thư điện tử, tôi có cảm tưởng tác giả từng lên chùa để cải nghiệp như nhân vật điệu Sanh. Những truyện rải rác ban đầu, khi tác giả viết truyện đời sống thế tục, tôi nhận thấy nó không sinh động không nhiều nếm trải như khi anh viết về ngôi chùa. Hoàng Công Danh tiếp thu, rồi anh chỉ tập trung viết truyện về hai thầy trò trong ngôi chùa, có thêm bóng dáng chị bán vải ra vào. Đến đấy thì tôi đã nhận ra hình hài một tập truyện liên hoàn, một tiểu thuyết, và tác giả cũng có cảm hứng để đi tiếp vệt tiểu thuyết này. Kết quả là tập truyện, hay là tập tiểu thuyết, mà người đọc đang cầm trên tay.

Khoảng năm 2008, Hoàng Công Danh từ Belarus có gửi về một số bài bình luận văn chương in trên báo chí trong nước. Khi ấy anh hai mươi mốt tuổi, đang theo học chương trình thạc sĩ về vật lý lượng tử ở Đại học Tổng hợp Quốc gia Belarus. Những bài viết chứng tỏ khả năng cảm thụ văn chương và sự am hiểu về Phật pháp. Quả không sai, sau này tôi được biết từ nhỏ Hoàng Công Danh đã được ông nội đưa đi thăm viếng các chùa, được nghe các thầy đàm đạo. Sau khi rời Belarus về nước, anh đứng trước lựa chọn việc làm ở những thành phố lớn, nhưng Hoàng Công Danh đã chọn về lại quê nhà Quảng Trị, trực tiếp đóng góp cho quê hương, và trả cái ân nghĩa học bổng của nhà nước gửi anh đi du học.

Rất có thể Hoàng Công Danh cũng chính là điệu Sanh kia, việc anh làm ở công sở hôm nay, cuốn sách anh viết hôm nay, đều trong luật nhân quả mà cái nhân đã được ươm mầm từ những nơi rợp bóng mát từ bi ngày trước

Hồ Anh Thái
.
.