Từ một tin màu

Thứ Ba, 23/06/2015, 08:00
Tháng sáu, Hà Nội nóng như đổ lửa, thèm những cơn mưa bất chợt. Nhưng đã có một chiều muộn tháng sáu không mưa, lòng người lại cảm thấy mát rượi bởi một cơn gió, có thể nói là mới cũng được, mà nói là cũ cũng chẳng sao. Cơn gió ấy khiến người ta từ tâm hơn, và đọng lại nhiều suy ngẫm hơn. Đó là cơn gió từ "Bột màu - Báo cũ", một triển lãm được giám tuyển bởi họa sỹ Lê Thiết Cương. 

Nó cũ bởi chất liệu của các họa phẩm đều cũ, đã từng thấm đẫm với nhiều họa sỹ thế hệ trước. Nó mới bởi với nhiều người trẻ sau này vốn không biết đến chuyện đã có thời người nghệ sỹ phải dùng đến báo cũ để làm giấy vẽ. Nhưng vượt trên hết, nó mới vì chính cách làm của những người tham gia triển lãm đó, cách làm đến từ chính sự quan tâm, từ trách nhiệm xã hội của mỗi người.

Nhiều người khách tham dự buổi khai mạc đã ngạc nhiên khi nhìn thấy có mấy giá vẽ được bày sẵn, với giấy báo cũ trên đó, bột màu cũng để sẵn đó. Những cây cọ cũng được tự do sử dụng bởi những bàn tay nhỏ, những bàn tay đã góp phần tạo nên nét sinh động của buổi ra mắt triển lãm. Đó là những bàn tay của trẻ thơ, những bàn tay hồn nhiên tung ra những nét cọ hồn nhiên, màu sắc cũng hồn nhiên, họa tiết cũng hồn nhiên như chính tâm hồn thơ dại. Góc nho nhỏ được sắp xếp ở ngay khu vực trang trọng nhất ấy của buổi khai mạc triển lãm đã tạo nên khác biệt lớn, và mang lại niềm vui cho chính những ai có mặt tại đó. Trong khi người lớn thì nhấm nháp rượu vang và thưởng thức tranh, trẻ con đã có một sân chơi riêng, được vẽ tranh của chính mình, những bức tranh mà sau đó Lê Thiết Cương và những người bạn đã gìn giữ rất trân trọng.

Những gì diễn ra đã để lại một câu hỏi đơn giản nhưng khó trả lời với rất nhiều người lớn. Ấy là "Tại sao chúng ta không tạo ra sân chơi cho thế hệ con cháu của mình trong lúc chúng ta đang ở trên sân chơi của riêng mình?". Chúng ta cũng đã từng lớn lên khi được thế hệ cha, anh tạo cho mình sân chơi. Vậy mà đã rất lâu rồi, chúng ta quên mất việc tạo dựng những sân chơi kiểu đó cho thế hệ con, cháu của mình. Để rồi tự chúng ta lại ngồi than trách rằng "Tuổi trẻ càng ngày càng khô khan hơn với nghệ thuật".

Thực sự, tạo điều kiện cho trẻ em tiếp cận với nghệ thuật không chỉ có mỗi một phương cách cho chúng học một môn nghệ thuật nào đó, mà phải tạo ra những sân chơi nghệ thuật đơn giản, dễ tiếp cận, kích thích sự tò mò, tạo niềm hứng thú để trẻ em tự tìm đến nó trong khi chính người lớn chúng ta thì đang ''bận'' với những chuyện ''lớn lao''. Bỏ quên thế hệ trẻ chính là lỗi của chúng ta và thế hệ trẻ trở nên khô khan cũng chính là do chúng ta đã tạo ra chúng như vậy chứ không phải tự chúng muốn vậy.

Từ một triển lãm mà chính Lê Thiết Cương thích thú gọi là ''Tin Màu'', có lẽ chúng ta phải suy nghĩ về chính từng hành động của mình trong mỗi ngày mình sống. Đã đến lúc phải có nhiều tin vui đến từ màu sắc hơn nữa, tin vui do chính chúng ta tạo ra bằng những sân chơi nghệ thuật thú vị mà chúng ta bày sẵn cho trẻ nhỏ. Bởi đơn giản, những đứa trẻ ấy có thể không phải là con ta, nhưng nó sẽ chính là môi trường mà con chúng ta sẽ sống.

Đan Anh
.
.