Từ một bản nhạc cũ

Thứ Sáu, 09/10/2015, 08:00
Cách đây mấy hôm, tôi nhận được một email của một người bạn nghề, làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Đó là một email đính kèm theo file mp3 của một bản nhạc tôi thích từ nhỏ, được thu âm bởi chính dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam từ những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, bản nhạc "Tình yêu của biển" của nhạc sỹ Cát Vận.

Tình yêu của biển có lẽ cũng gắn bó với rất nhiều người ở tuổi trung niên trở lên bởi một thời, nó đã được phát rất nhiều trên Đài Tiếng nói Việt Nam, không chỉ trong các chương trình ca nhạc mà còn được sử dụng như nhạc nền, nhạc chuyển trong các chương trình khác như Đọc truyện đêm khuya là một ví dụ điển hình. Đó là một bản nhạc đẹp, với giai điệu lãng mạn, giàu cảm xúc, dễ tạo cho người nghe những tưởng tượng và dễ nhớ. Và khi nghe lại "Tình yêu của biển", tự nhiên tôi nghĩ về hôm nay, về những tác phẩm âm nhạc đương thời để rồi giật mình nhận ra rằng chúng ta đã đánh mất quá nhiều.

"Bây giờ không còn ai viết mấy thể loại này nữa nhỉ?" là câu hỏi mà người bạn đã chia sẻ cho tôi bản ghi âm "Tình yêu của biển" đã viết trong email. Đúng. Nền âm nhạc hiện đại Việt Nam hiện nay đã quá thiếu những tác phẩm khí nhạc, mà gần như chỉ còn là lãnh địa độc tôn của ca khúc. Khí nhạc đã không còn đất sống nữa và những tác phẩm khí nhạc cũng thưa thớt, hiếm hoi. Không phải là không có những nhạc sỹ tài năng để viết khí nhạc, mà thực tế là thị hiếu người nghe đã trở nên đơn giản quá mức.

Với họ, đời sống âm nhạc chỉ cần ca khúc là đủ. Họ có thể sắm những dàn âm thanh hi-end bạc tỷ, có thể mân mê những chiếc đĩa than các bản giao hưởng, concerto cổ điển lừng danh thế giới nhưng họ thờ ơ với khí nhạc trong nước. Dường như, với họ, bộ sưu tầm âm nhạc cổ điển thế giới chỉ là một chỉ dấu cho sự sang trọng của mình chứ không phải là một chỉ dấu cho niềm đam mê cảm thấu âm nhạc lớn lao. Họ không bận tâm, không nhớ, không kiếm tìm, không săn lùng bằng được những bản khí nhạc Việt Nam từng được yêu mến một thuở.

Còn các nhạc sỹ, cũng vì quá nản với một cộng đồng khán giả đã bỏ quên khí nhạc, nên họ quay về với đời sống mưu sinh, viết ca khúc, làm chương trình, đi làm giám khảo… ngõ hầu kiếm thật nhiều tiền phục vụ đời sống vật chất hưởng thụ của mình. Không mấy ai tích lũy từ những công việc đó để đầu tư cho mình một tác phẩm khí nhạc, thứ mà họ không phủ nhận rằng vẫn là đam mê của đời.

Dễ hiểu, giữa chọn lựa viết một tác phẩm khí nhạc rồi sau đó bỏ rất nhiều tiền để thuê dàn nhạc lớn, thuê phòng thu thực hiện ghi âm với việc dùng tiền tích lũy để đổi xe ôtô, các nhạc sỹ sẵn sàng chọn phương án dễ dàng và nhàn hạ thứ hai. Và khi chính những người sáng tạo cũng đơn giản, dễ dàng quá mức như thế, trách thế nào được việc người nghe cũng giản đơn và dễ dàng.

Thật tiếc, vẫn biết cuộc đời là bể dâu nhưng mới chỉ có ba chục năm thôi mà mọi thứ đã đổi thay quá lớn. Những thế hệ người nghe nhạc mới mẻ gần như đã lãng quên những thế giới âm nhạc giàu có khác để sống trong vùng thuận tiện mang tên ca khúc.

Và nếu như nhạc sỹ Cát Vận đang là một nhạc sỹ tuổi ba mươi của thời đại này, liệu ông có đặt bút viết "Tình yêu của biển" như ngày xưa hay không?

Đan Anh
.
.