Từ giải trí nghĩ về trào lưu "start-up"

Thứ Năm, 10/12/2015, 13:16
Tuần trước, nam ca sỹ Trúc Nhân cho ra mắt một MV mang tên "Thật bất ngờ" và ngay lập tức, MV ấy đã gây sốt với cộng đồng khán giả giải trí. Phải thừa nhận, một MV dí dỏm, với một ca khúc cũng thú vị không kém, đã đánh trúng vào tâm lý chung của khán giả Việt. Và nếu xét trên khía cạnh một sản phẩm âm nhạc đơn thuần, có thể nói "Thật bất ngờ" rất xuất sắc, xuất sắc về lập ý; về cấu trúc tác phẩm; về không khí âm nhạc… 

Từ lâu lắm rồi, chúng ta đã quá thân thuộc với chủ nghĩa hiện thực trong văn học nghệ thuật và "Thật bất ngờ" chính là một điển hình tiêu biểu của chủ nghĩa hiện thực trong một sản phẩm giải trí. "Thật bất ngờ" đánh thẳng vào câu chuyện phổ biến và đang nhức nhối của xã hội hiện nay là những nhốn nháo của thế giới truyền thông lá cải, thế giới đã cố tình dựng lên những nhân vật của công chúng không có tài cán gì ngoài chuyện có một scandal dính dáng đến mình. Trong MV, ca sỹ Trúc Nhân trong vai cậu bé bán báo dạo và cậu bé ấy kể lại câu chuyện trên báo chí bằng âm nhạc một cách vô cùng có duyên và chính cái duyên đó đã là điểm thu hút công chúng rất mạnh mẽ.

Với "Thật bất ngờ", Trúc Nhân đã khẳng định rằng văn nghệ không thể tách rời đời sống xã hội và nếu nó phản ảnh đời sống xã hội một cách duyên dáng, nó chắc chắn sẽ tìm được chỗ đứng trong lòng khán giả.

Nhưng ngoài những lời khen xứng đáng dành cho "Thật bất ngờ" chúng ta vẫn có thể nhìn thấy một câu chuyện mẫu số chung của xã hội Việt Nam hiện nay, mà "Thật bất ngờ" chính là một đại diện tiêu biểu, thời sự nhất. Đó là việc MV "Thật bất ngờ", với kinh phí cực lớn (250 triệu), được làm như một bộ phim truyện nhựa ngắn gọn, đã không vượt qua khỏi thứ làm nhức nhối làng giải trí, văn nghệ Việt Nam suốt nhiều năm qua. Đó là việc copy ý tưởng hoặc hình mẫu hình thành ý tưởng từ các sản phẩm nổi tiếng nước ngoài.

Không quá khó để nhận ra "Thật bất ngờ" đã chọn cách quay phim, xây dựng bối cảnh, xây dựng nhân vật, phục trang nhân vật, diễn xuất nhân vật theo hình mẫu của bộ phim hài nổi tiếng "Tuyệt đỉnh Kungfu" của Châu Tinh Trì trước đây. Khi xem "Thật bất ngờ", chúng ta cảm thấy thú vị nhưng chúng ta không thể chối bỏ rằng nó giống "Tuyệt đỉnh Kungfu" và chúng ta chỉ bỏ qua cho cái 'lỗi' đó chẳng qua cũng chỉ vì ca khúc "Thật bất ngờ" nó hấp dẫn; các diễn viên đóng trong MV diễn hồn nhiên, dễ thương. Nhưng chính sự bỏ qua đó sẽ lại là tiền đề nữa để củng cố thêm cho những nhà sản xuất sau này tiếp tục làm việc với tâm thức: cái gì của nước ngoài hay thì ta "học", với hàm ý "học" là copy lại chứ không phải sáng tạo theo cách người ta khơi nguồn sáng tạo.

Cái trào lưu "học" theo nước ngoài đó đã thâm căn ở trong tâm thức làng giải trí, văn nghệ Việt từ rất lâu rồi, với chuyện Sơn Tùng M-TP copy y chang hình mẫu G-Dragon của Hàn Quốc; các nhạc sỹ trẻ sáng tác theo cách tải miễn phí beat nhạc trên mạng về rồi phát sinh trên đó; các nhà văn trẻ thì háo hức với những tiêu đề rất giống tiêu đề của nước ngoài.

Và nếu trách giới văn nghệ, giải trí thì cũng chưa đủ, mà phải trách cả xã hội này với trào lưu bắt chước một cách thiếu suy nghĩ. Thập niên 90 thì ào ào bắt chước nhau đi học quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin. Đến thời đại này thì lại ào ào bắt chước nhau với trào lưu Start-up (khởi nghiệp) đến mức độ nhiều người bỏ luôn một công việc làm rất ổn định để khởi nghiệp dù cái doanh nghiệp họ tạo ra không hề mang ý nghĩa khởi nghiệp nào. Và đó là một hiện tượng xã hội thực sự nguy hiểm, bởi nó tạo ra những bão hòa đến mất cân bằng xã hội.

Có lẽ, đã đến lúc, chúng ta phải đánh thức chính mình, để lòng tự trọng đòi hỏi chúng ta tạo ra khác biệt.

Đan Anh
.
.