Từ chai Coca-Cola nghĩ về cách ứng xử với mạng xã hội

Chủ Nhật, 04/07/2021, 09:34
Nếu hãng Coca-Cola thật sự thiệt hại 4 tỉ USD chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ (sau hành động Cristiano Ronaldodi chuyển chai Coca-Cola trước trận gặp Hungary) là một sự kiện nổi bật trong mùa Euro này thì sự xuất hiện một seri hành động sau đó của những Paul Pogba (Pháp) bỏ chai bia Heineken (không cồn) ra khỏi bàn khi họp báo; Manuel Locatelli (Italia) dịch chuyển 2 chai Coca sang bên cạnh và để chai nước của anh vào trước mặt; John McGinn (Scotland) bước vào bàn họp báo và hỏi: "có chai Coke nào không?"... đã tạo ra một hiệu ứng khá lạ.


Nó không còn giống một “hot trend” vui đùa thường xuất hiện trên mạng xã hội mà đã trở thành một trò đùa đáng báo động, ẩn chứa ít nhiều những lo ngại về văn hóa ở những góc nhìn khác nhau.

Thực ra, trong câu chuyện vừa kể trên, Cristiano Ronaldo cũng có cái lí riêng của mình. Ở môt kì Euro có thể là cuối cùng trong sự nghiệp, với vị thế của người nằm trong 100 nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất thế giới, anh có sức mạnh quyền lực để lên tiếng. Thông điệp trong câu nói “agua” (nước) của anh hôm đó cũng thật sự bất ngờ như một bàn thắng mà chúng ta thường thấy ở CR7.

Câu chuyện về nước ngọt có gas và sức khỏe đã được nhắc đến khá nhiều trước khi Ronaldo lên tiếng. Như chúng ta đã biết, một số quốc gia đã áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt có gas như Anh, Chile, Mexico và cả một số bang của Mỹ (theo vietnamplus.vn). Người ta cũng từng nhắc đến chuyện chính Ryan Giggs – cựu danh thủ của Manchester United từng nhắc nhở Ronaldo khi thấy anh mang theo một lon Coca vào phòng ăn sáng rằng: việc uống loại nước này sẽ khó đạt thành tích cao.

Thực ra, tất cả những việc đó cũng không ảnh hưởng nhiều đến doanh thu của hãng nước ngọt hàng đầu thế giới, nhưng câu chuyện của CR7 còn là cuộc va chạm giữa hai thương hiệu, hai quyền lực trên nền tảng dư luận xã hội. Họ được gì và mất gì? Công bằng mà nói, sau hành động đình đám này, số 7 của CLB Juventus và đội tuyển Bồ Đào Nha đã tạo thêm cho mình tầm ảnh hưởng. Khán giả, cư dân mạng được hả hê trước hành động của thần tượng.

Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cần sớm được ban hành và buộc những người tham gia mạng xã hội phải tuyệt đối tuân thủ.

Câu chuyện này gợi cho người viết một suy nghĩ: Nếu ở một cuộc họp báo cách đây vài thập niên, khi số lượng khán giả trên thế giới được trực tiếp theo dõi các trận đấu ở mức thấp, khi chưa có sự xuất hiện của mạng xã hội hay nền tảng chia sẻ video trực tuyến (YouTube), liệu một danh thủ có dám thực hiện hành động đó? 

Bởi, một hành động trên mạng xã hội trong thời đại ngày nay luôn mang ý nghĩa đại diện cho xu thế tâm lý cộng đồng, dựa trên nền tảng dư luận cộng đồng như cách mà một vài nhân vật ở Việt Nam từng livestream đăng đàn theo lối “thay trời hành đạo”, hướng dư luận vào việc phê phán ai đó. 

Báo chí và các cơ quan pháp luật lên tiếng để tìm ra bản chất của sự việc, nhưng điều đáng nói ở đây lại nằm ở chính vị thể của người phát ngôn. Các netizen (những người hoạt động rất sôi nổi trên mạng xã hội) thực chất là như thế nào?

Phải thừa nhận rằng, các netizen đã tạo được sự tin cậy trong cuộc sống hôm nay? Khi mà giờ đây nhiều diễn viên, ca sĩ đã đánh mất vị thế và uy tín thì đây là thời của những netizen. Thậm chí, nhiều người trong số họ được cộng đồng biết đến bằng chính những phát ngôn của mình hơn là sự thành công trong nghề nghiệp. Giờ đây, chỉ cần nhắc đến danh từ “quý dị” (quý vị) thì mọi người đều hiểu ngay đó nhân vật nổi tiếng nào trong làng livestream Việt. Những câu nói đầy quyền uy có phải là một hiện tượng mới mẻ.

Thực ra, ở nhiều quốc gia đi trước về công nghệ thông tin và phát triển mạng xã hội, thứ quyền lực này đã xuất hiện từ khá sớm và mặt trái của những xu thế dư luận đã được định danh bằng nhiều thuật ngữ như: "sỉ nhục công cộng" (public shaming), "bắt nạt trên mạng" (cyberbullying), "quấy rối trực tuyến" (online harassment)…  Điều gì đã khiến nhiều cư dân mạng có sự hưởng ứng như thế? 

Đa phần, ý kiến của những nhân vật này đều có những cái lý riêng giúp họ “bốc phốt” một nhân vật khác làm cộng đồng hả hê, đem lại sự công bằng cho cuộc sống. Nhưng có điều, hành động cá nhân dựa trên sự ủng hộ của số đông đến đâu cũng không thể thay thế cho pháp luật, không thể giúp điều chỉnh hành vi xã hội. 

Trong một xã hội văn minh, ngay cả một kẻ phạm pháp bị tuyên án tử hình cũng không bao giờ phải chịu hình phạt "sỉ nhục công cộng" như thế. Dẫu tiếng nói lên án đó có là chân lý, là sự đả phá cái xấu nhưng không có nghĩa là được quyền tước đoạt danh dự của một cá nhân. 

Chúng ta biết rằng, chính bản Cristiano Ronaldo ở trận Bồ Đào Nha gặp Pháp ngày 24-6 cũng đã bị một số fan quá khích tại sân Ferenc Puskas (Hungary) ném thẳng chai nước và cả Coca-Cola vào người. Thế mới biết, khi tất cả đều manh động và tự phát, thủ phạm có thể trở thành nạn nhân. Những “cuộc chiến” này sẽ đi tới đâu? Từ những câu chuyện vừa nêu ra, người viết có một vài suy nghĩ cụ thể như thế này:

1. Thương hiệu đồ uống và danh thủ bóng đá đều là những sản phẩm cần thiết trong xã hội hiện đại, một nguồn dinh dưỡng vật chất cho cơ thể, một nguồn dinh dưỡng tinh thần cho tâm hồn. Nhưng liệu sau sự kiện này, Cristiano Ronaldo hay Coca-Cola sẽ nổi tiếng hơn? 

Chúng ta đều hiểu rằng có nhiều chiêu thức gây ấn tượng, nâng vị thế thương hiệu hết sức đa dạng trong xã hội hiện đại (thay cho sự quảng bá một chiều truyền thống). Tất cả sự thành bại của các chiêu thức này đều phụ thuộc vào chính nhận thức của dư luận, của khán giả - khách hàng. Chúng ta có thể đã sử dụng sản phẩm này cả vài thập kỉ và giờ đây lại hả hê khi nó bị gạt sang một bên.

Hai thương hiệu đều sống bằng sự hâm mộ của chính chúng ta, chúng ta có vô tình tạo ra hiệu ứng cho họ, vô tình tạo ra “cuộc chiến” của họ? Từ câu hỏi này, bạn có thể liên tưởng tới thú vui của nhiều người tối tối khi ngóng các buổi livestream mà quên mất rằng còn có những chương trình đáng xem hơn nữa trên màn hình ti vi; có những câu chuyện ý nghĩa cần bạn quan tâm nữa trong cuộc sống như: Sự vượt khó, sự sáng tạo, lòng nhân ái... Hãy làm chủ thái độ sống của mình từ việc nhỏ nhất là lựa chọn một chai nước, một chương trình thay vì phải uống hộ, nói hộ, quảng cáo hộ một người khác.

2. Sự va chạm giữa hai thương hiệu cũng là thời cơ để chúng ta nhận ra những giá trị thực trong đời sống. Theo một thống kê: “Khoảng 94% dân số thế giới nhận biết được logo đỏ trắng của Coca-Cola và "Coca-Cola" là từ được hiểu rộng rãi thứ hai tại Mỹ (sau từ "OK”), nhưng điều đáng kinh ngạc hơn, bản thân thương hiệu này còn góp phần tạo nên những giá trị văn hóa, được thừa nhận qua thời gian: “Ông già Noel với bộ râu trắng và bộ quần áo màu đỏ mà chúng ta biết đến ngày hôm nay thực sự được tạo ra bởi Coca-Cola, nhân vật này xuất hiện lần đầu tiên trong một đoạn quảng cáo giáng sinh của Coca-Cola vào năm 1931” (theo Vneconomy). Bề dày lịch sử tồn tại và tầm ảnh hướng của thương hiệu ấy xứng đáng được tôn trọng ở một góc độ riêng, bất luận như thế nào chúng ta cần tránh một thái độ phủ nhận sách trơn theo ý kiến thần tượng.

Sau hành động của Cristiano Ronaldo, Paul Pogba hay những nhân vật livestream được nhiều người xem ở Việt Nam, điều đọng lại trong chúng ta là gì? Không có thương hiệu nào là độc quyền mãi mãi, không có thần tượng nào tuyệt đối chính xác trong những phát biểu của mình. Chỉ có chính chúng ta phải xây dựng cho mình một chính kiến, lựa chọn tiếp thu những giá trị văn hóa tốt đẹp để xây dựng cho bản thân và cộng đồng. Điều mong muốn tốt đẹp này đã được nhắc đến trong “Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội” (Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ban hành ngày 17-6-2021). Trong đó, có nội dung như sau:

“Khuyến khích sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá về đất nước – con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người tốt, việc tốt.

Đồng thời, vận động người thân trong gia đình, bạn bè, những người xung quanh tham gia giáo dục, bảo vệ trẻ em, trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội một cách an toàn, lành mạnh”.

Có lẽ, thay vì chỉ tiếp nhận các sự kiện trên không gian mạng một cách thụ động, mỗi người hôm nay hãy tự tạo lập những giá trị văn hóa mới cho cuộc sống của mình từ những gì dù là nhỏ nhất.

Phương Việt
.
.