Từ "cậu bé tí hon" đến câu chuyện vì sao chúng ta phải lớn?

Thứ Năm, 03/12/2020, 15:53
Khi những tin tức về bão lụt miền Trung và vị chủ nhân thứ 46 của Nhà Trắng đã tạm lắng xuống thì bỗng dưng chúng ta nhận được tin "cậu bé tí hon" K'Rể (Quảng Ngãi) đã kết thúc cuộc phiêu lưu 11 năm ở thế giới này.


11 năm - khoảng thời gian cậu nhận được những yêu thương từ cha mẹ, từ thầy Đặng Văn Cường - có thể là một kì tích với một cậu bé tí hon. 11 năm là quá ngắn ngủi với tất cả chúng ta - những người luôn quan tâm và yêu thương em.

Ngẫm ra, cậu bé khi sinh ra đã mắc mắc hội chứng Seckel (người lùn, đầu chim) hiếm gặp trên thế giới này, cậu bé đã 11 năm qua gánh trên vai sức nặng của những gì chúng ta coi là rất bình thường. 

Trên thế giới, cho đến nay mới chỉ ghi nhận có 100 trường hợp có thể hình bé nhỏ như thế, nhưng hình như còn bao tâm hồn bé nhỏ khác đang phải gánh trên vai những thứ mà người lớn chúng ta tưởng như cũng rất "bình thường" khác. 

11 năm ấy, chúng ta đã suy nghĩ gì, làm được gì cho trẻ nhỏ sau những thay đổi, cải cách hay vẫn còn đó những gáng nặng khiến các bậc phụ huynh, những người yêu trẻ còn thấy lo ngại…

Chương trình học, thi cử nặng nề khiến học sinh nào cũng căng thẳng - nguồn ảnh Vietpress.vn.

Trẻ em là đối tượng cần nhận được sự chăm sóc cả về thể chất lẫn tinh thần. Nếu như chuyện về các loại vitamin, sữa, các thức uống… giàu dinh dưỡng ngày nay đã làm yên lòng cha mẹ, thì chuyện về dinh dưỡng tinh thần vẫn còn là điều làm chúng ta lo lắng. 

Trước đây, nỗi lo còn thường trực ở xa xôi như đời sống âm nhạc, thị trường sách, các nội dung quảng cáo trên truyền hình như những cửa ải tiền tiêu thì đến nay, những lo lắng ấy đã tràn đến gần hơn ở ngay trong sách giáo khoa của các em. 

Từ chỗ lâu nay, các nhà xã hội học, tâm lý học, các nhà báo lên tiếng cảnh báo về sự thiếu quan tâm của phụ huynh đối với con em mình trong thời kinh tế thị trường, thì giờ đây, chính các bậc làm cha, làm mẹ cũng đang ngày ngày vật lộn với sách giáo khoa.

Cải cách là con đường chông gai nhất của ngành giáo dục. Cải cách trước hết là duy trì, mang ý nghĩa sinh tồn trước khi nói đến việc nâng cao và phát triển. Nhưng, vì sao nên nỗi lâu nay ấn tượng về hai chữ "cải cách" trong giáo dục lại trở nên không mấy thiện cảm từ SGK cải cách, phương pháp dạy học đổi mới đến những đứa trẻ không còn thời gian để vui chơi bởi những chiếc cặp nặng trĩu trên vai. 

Câu chuyện về triết lý giáo dục, về hướng đi, về một nền giáo dục còn theo kịp sự phát triển của xã hội hay không e là quá vĩ mô, cần đến một sự cải tổ những "cải cách" đó. Người viết chỉ xin được bàn đến những gì thực sự đã khiến các em nhỏ khó lớn lên trước gánh nặng này.

Không khó để tìm ra một hạt sạn trong lĩnh vực giáo dục, bởi nói một cách công bằng, giáo dục là ngành mang sứ mệnh tạo ra sản phẩm là con người có tri thức, nhân cách để cung cấp cho tất cả các lĩnh vực xã hội. Đó là trọng trách, là công việc không hề đơn giản với riêng một ngành. 

Một ngành với công việc phức tạp thật khó tránh khỏi những bất cập và sai sót. Nhưng, cũng đâu dễ để dư luận chấp nhận những bất cập từ thực tế của giáo dục. Bởi bất kể ai trong chúng ta đều là phụ huynh, là người trực tiếp thụ hưởng những thành quả của đổi mới giáo dục.

Chẳng biết, con em chúng ta sẽ trở thành Thánh Gióng, hay những cậu bé tí hon. Chắc rằng, khi lý giải về những đổi mới trong giáo dục, người ta sẽ viện đến một căn cứ: trẻ em hôm nay khác với trẻ em của nhiều thập kỉ trước. Nghĩa là cần được trang bị những quan niệm mới, cần có thêm những phẩm chất mới như việc giáo dục giới tính, cần bộc lộ quan điểm, những kĩ năng sống cần thiết cho tương lai… 

So sánh với các nước khác, nếu dựa trên con số về giờ dạy, nhiều chuyên gia còn thốt lên rằng ở Việt Nam học như vậy còn nhẹ, còn ít, còn là cuộc cải cách dang dở. Thế nhưng, ngẫm ra lại có bao điều đáng để bàn:     

Nhiều nội dung trong sách Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều bị phụ huynh phản ánh là chưa phù hợp.Nguồn Kenh 14.vn

1. Một câu hỏi được đặt ra: Vì sao chúng ta phải lớn. Đấy là câu hỏi đầy trăn trở của rất nhiều người. Thách thức, hóc búa, gánh nặng đòi hỏi con người phải vươn lên để thích nghi và trưởng thành. Nhưng, phải lớn bằng cách nào khi chương trình lý thuyết đang thực sự quá tải. Còn hướng nghiệp và kĩ năng sống, khả năng ứng dụng và nghiên cứu khoa học lại tỏ ra lúng túng. 

Câu chuyện học sinh lớp 4 ở ta phải làm toán lớp 7 của Anh, chưa kể đến luyện chữ đẹp, tính nhẩm nhanh trong khi thực tế khi đi làm, không ai có thể sử dụng kết quả tính nhẩm của bạn thay cho máy tính và không có văn bản nào cần chữ viết tay. Trẻ em gánh nặng và thiếu thốn. 

Với trẻ em, việc trang bị tri thức, kĩ năng sống không khác nào chuẩn bị cho một chuyến đi. Các con số, các yêu cầu thiếu thiết thực như những thứ đồ nặng nề nhưng không thể đáp ứng những yêu cầu mới trên chặng đường dài, trong khi tư duy là thứ cần thiết như cách xác định tọa độ, cách đánh lửa, cứu thương thì lại thiếu vắng dẫn đến những bước hụt ở các bậc học cao hơn. 

Trẻ em có thực sự được lớn lên với chương trình này hay đang trở nên "còi cọc" so với thế hệ cha anh về sự phát triển của tâm hồn?

2. Những nhà sư phạm, những người làm SGK đã bao giờ đứng về phía người học, người dạy là từ những mặt bằng môi trường sống và hoàn cảnh sống hay chưa? 

Giáo dục nhằm rút ngắn khoảng cách về tri thức, văn hóa, đặc biệt là giúp trẻ em ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thu hẹp khoảng cách với chúng bạn ở các trung tâm phát triển. 

Thế nhưng việc đặt một yêu cầu chung cho tất cả các vùng miền khi mà với trẻ em ở nhiều vùng để nói đúng tiếng phổ thông, để có được sách vở, để hiểu được thế nào là sông, là biển… còn là bài toán khó cho các thầy cô giáo. Đó là chưa kể đến đặc điểm lối sống, phong tục, đặc trưng văn hóa… những yếu tố không thể phủ nhận có tác động lớn đến giáo dục. 

Hơn ai hết, những nhà giáo bình thường bao năm qua đã trở thành chuyên gia ở lĩnh vực đó, ở trường, ở lớp đó thì hàng năm cũng đang phải loay hoay để "lớn thêm" với đổi mới phương pháp, thay SGK để dạy học trò được như mọi khi.

3. Trẻ em cần nhiều thứ lớn hơn, quy mô hơn một chương trình SKG. Gần đây, chúng ta thường nghe nhắc đến những chương trình giúp trẻ em chống đuối nước, chống xâm hại, sữa học đường… nhưng có lẽ vẫn là những gì bên lề của chương trình học. 

Cần có một chiến lược giáo dục tổng thể, mà trong đó chương trình học là một thành tố thay vì bài giảng, SGK, học thêm và những chiếc cặp đã choán hết cuộc sống của các bé. Cần có sự phân loại, phân tích, phát hiện tiềm năng ở trẻ để hướng nghiệp. 

Thay vì để các em như cậu bé tí hon loay hoay, lọt thỏm trong thế giới của các môn học khổng lồ, của sự mơ hồ về nghề nghiệp và đôi khi chọn nhầm hướng đi của mình.

4. Trẻ em trước hết hãy là bé nhỏ, cần đi hết cái bé nhỏ để trở thành lớn lao. Các em cần được lớn lên bằng một cách khoa học, tinh tế, có văn hóa và nhân hậu. Việc luôn phải đối diện với áp lực, sự quá tải tất sẽ sinh ra những mẹo mực, chiêu trò đối phó, việc không còn tuổi thơ sẽ làm người ta thiếu đi sự nhân hậu… tất cả sẽ để lại những hệ lụy đáng tiếc. 

Với 11 bài đọc chưa phù hợp được thay thế bằng 11 bài bổ sung, có 20 điểm "từ ngữ" không phù hợp sẽ thay thế từ ngữ mới trong SGK Tiếng Việt 1 của nhóm Cánh Diều, chúng ta cũng chưa thể vội khẳng định đây là một tài liệu kém chất lượng. 

Tuy nhiên, nếu nói về sự phù hợp với lứa tuổi, với truyền thống văn hóa khi các em phải làm quen với những bài học với nội dung khá "lạ" này quả là một gánh nặng. Có lẽ, cần sự sàng lọc, thẩm định từ người lớn trước những tư tưởng, suy nghĩ mới mẻ rồi mới nên đưa vào môi trường giáo dục cho các em học sinh.

Thiết nghĩ, chúng ta hãy giúp trẻ lớn lên bằng một cách tự nhiên, khoa học để vừa giữ được sự hồn nhiên, vừa trưởng thành về nhân cách và văn hóa để không bao giờ phải ám ảnh bởi một sự cật vấn đáng buồn: Vì sao các em phải lớn lên bởi những gánh nặng như thế…

Kiến Văn
.
.