Từ cậu bé bị hành hạ đến câu chuyện chúng ta đang bận làm gì?

Thứ Sáu, 11/12/2020, 11:30
Có được một ngôi nhà cao, một chiếc xe hơi kín đáo, một vị thế bận bù đầu luôn là ước mơ của bất kì ai. Nhưng, cũng không thể quên bổn phận sống là chia sẻ, là tương hỗ bởi biết đâu, một ngày chính chúng ta cũng sẽ không may thất thế, để rơi vào hoàn cảnh trớ trêu như thế…


Lúc này, cậu bé Trương Quang Duy (sinh năm 2006, quê Quảng Ngãi) đang được điều trị những vết thương do chủ quán bánh xèo Nguyễn Thị Ánh Tuyết hành hạ. Những vết thương trên thân thể của em Quang Duy, Hào Anh (Cà Mau), Trần Nguyên Khánh… và nhiều em nhỏ nữa có thể được điều trị lành lặn, những tổn thương tinh thần có thể được bù đắp bởi tình thương yêu của cộng đồng. 

Thế nhưng, đằng sau những chuyện thương tâm ấy là những thấp thỏm: không biết lúc này, giờ này liệu có em bé nào bị hành hạ trong những góc khuất. Và nếu có, một người nhã nhặn, điềm đạm nhất cũng phải sôi sục, chỉ muốn chính tay mình trừng trị kẻ tàn ác nhẫn tâm kia. Một câu hỏi được đặt ra: trong những lúc ấy, chúng ta đang bận gì? Những người hàng xóm, những cô, bác, chú, dì… không hề hay biết hay chỉ vì ngại gánh vác phần trách nhiệm…

Cần nhiều giải pháp để chống bạo hành trẻ em - nguồn Cand.com.vn.

Còn nhớ, cách đây chưa lâu, nhà văn Trang Hạ từng gây “sốc” với một phát biểu về đàn ông: “Đàn ông về nhà chỉ có ăn – tắm – ngủ thì khác gì con lợn! Muốn chứng minh đàn ông được vợ chăm sóc không phải như… chăm lợn, thì các ông hãy xắn tay rửa bát đi". 

Doanh nhân Darius Foroux cũng từng viết trong một cuốn sách của mình: "Bạn có hạnh phúc khi trở nên bận rộn không? Tôi dám cá câu trả lời là không. Và đó là khi tôi tự hỏi: Phải chăng, chúng ta đang sống trong thế giới bận rộn một cách không cần thiết?". 

Chưa bàn đến sự đúng sai nhưng qua những câu nói này bỗng gợi cho chúng ta một suy nghĩ: chúng ta đang bận rộn hay đang tiêu phí thời gian? Chúng ta bị che mắt bởi những lo toan nên không hay biết tới những thân phận nhỏ bé ấy đó ư?

Bận rộn là một điều tất yếu trong đời sống ngày nay. Người ta có thể lấy việc “đầu tắt mặt tối” làm thước đo sự thành đạt hay doanh thu trong kinh doanh của doanh nghiệp, công ty bạn. Ngược lại, việc đến sát giờ hay trễ giờ trong một buổi họp, buổi nói chuyện mà bạn là nhân vật chính cho thấy tầm quan trọng của bạn. Bận rộn là vật trang sức quý giá của con người ngày nay khiến kẻ khác phải kính nể, khâm phục, run sợ chăng?

Cổ nhân từng dạy: “Nhàn cư vi bất thiện”, cái tất bật, thậm chí là quá tải không có thời gian đỡ đần gia đình. Đến những người xung quanh của một anh kĩ sư, của một cô bác sĩ, của một cậu giáo viên… Đã được mặc định là sự tốt đẹp, lương thiện. 

Nhưng đâu phải chỉ có công việc, bận còn bởi cần có thời gian xả stress sau giờ làm việc căng thẳng. Bận vì không muốn lãng phí thời gian nhòm ngó đến cuộc sống xung quanh; không phải tham gia các hoạt động của địa phương, cộng đồng… 

Chúng ta sợ phải gặp ở đó những bất đồng về quan điểm sống, sợ mất thời gian hoặc sự rắc rối bởi những mối quan hệ không cần thiết. Điều đó đang là một câu chuyện phổ biến với nhiều người, đặc biệt là cư dân các khu chung cư, đô thị… Tôi cũng bận và anh cứ bận như thế cho tôi nhờ!

Có lần, tôi từng đọc bài báo nói rằng: chúng ta sống bận rộn hay bận rộn để sống. Những đam mê, hoài bão, ước mơ đổi đời không chỉ lấy đi của chúng ta thời gian, sức khỏe mà cả sự bận tâm với tất cả những gì xung quanh. Sau cùng, tác giả bài viết rút ra một triết lý: “Quên sống bận đi, hãy bận sống thôi” (Uyên Nhi). Vậy “bận sống” ấy có gì khác với “bận rộn”? Có phải bấy lâu nay bận rộn cùng đồng nghĩa với dửng dưng, vô cảm.

Hàng ngày, ta vẫn thấy các khu dân cư có các hoạt động cộng đồng như: đón năm mới, văn nghệ, thể thao. Cư dân ở các khu phố sang trọng cũng không ngại đến tận các vùng sâu, vùng xa để làm từ thiện. Ấy vậy mà, có khi ngay trong khu phố của mình lại đang có những số phận bị hành hạ, ngược đãi mà họ không hay biết, hay vì ngại đụng chạm, vì không có một hành lang pháp lý rõ ràng? 

Nhà thơ Nguyễn Phong Việt từng chỉ ra trong một bài viết: “Giáo dục của chúng ta, phần lớn, dạy con người cách nắm bắt và theo đuổi mục tiêu, tham vọng, ước mơ… Thế nhưng lại rất ít khi dạy cách bỏ xuống muộn phiền, sự giận dữ…”.


Nhậu nhẹt là một trong các thú vui khiến đàn ông Việt bận rộn-nguồn Báo Thanh niên.

Biết từ bỏ cái giận, cái tham cũng là thanh lọc tâm hồn, nhưng điều đó lại không thể xảy ra với những kẻ thiếu nhân tính. Vậy thì, chỉ có sự giám sát từ trong ý thức từng người, phát giác và đồng thanh lên tiếng từ chính những người xung quanh. 

Cái gốc của bạo hành về thể xác, về tinh thần không chỉ bắt đầu từ những va chạm, xung đột mà chúng ta thường thấy. Nhiều vụ trẻ em, phụ nữ, người già bị ngược đãi, hành hạ xuất phát từ những kẻ không hề bị áp lực từ cơm áo, không có vấn đề về tâm thần mà có lẽ xuất phát từ những tâm bệnh khác. Những tâm bệnh đó khiến họ không bận sống mà chỉ chăm chú vào những thú vui của giới, nhóm. 

Nhiều người vợ bỗng thấy chồng mình mua xe hơi trong khi mỗi tháng chỉ được nhận dăm ba triệu để đóng học phí cho con và chi phí sinh hoạt. Những đức lang quân với sứ mệnh “đàn ông lo đại sự” đêm nào cũng đắm mình vào nhậu nhẹt tại những phố ăn đêm để tạo dựng, duy trì quan hệ. 

Phải thừa nhận, nhờ thế mà họ có thêm nhiều mối làm ăn, cơ hội thăng tiến, nhưng hậu quả đằng sau sự bận rộn ấy cũng đâu có nhỏ. Quả tình, chưa có một thống kê về tỉ lệ ly hôn không chính thức với các dạng ly thân nhưng bản thân mỗi chúng ta đều cảm nhận được sự rạn nứt ấy. Vậy đâu là những điều đáng phải bận lòng:

1.Hãy tìm cho mình một sự bận rộn thực sự. Có thể công việc cực nhọc, mưu sinh vất vả nhưng không có nghĩa là nó choán hết sự quan tâm của chúng ta đến người thân, đó là một phần không thể thiếu của cuộc sống. Bất bình, cứu vớt, cưu mang đồng loại là lương tâm, nhân tính. Những việc đó nếu chúng ta sao nhãng, thử hỏi những thành quả từ cuộc sống còn có ý nghĩa gì?

2. Sống để hướng tới những giá trị tốt đẹp thay vì thói quen hiếu kì một cách  thiếu nhân văn. Đã nhiều người từng đặt câu hỏi: Người cầm điện thoại quay lại cảnh đánh chửi, ngược đãi sao không can ngăn, không có hành động thiết thực hay chỉ là sự phản ánh vô cảm. 

Đương nhiên, nhiều hành động tội ác được che giấu sau cánh cửa gia đình, trong vỏ bọc bình yên tinh quái. Nhưng, cũng không ít hành động mà kẻ ác nhằm hướng đến công chúng, nhằm khoe khoang chiến tích để thỏa mãn thú tính. Chúng cần khán giả trong khi chúng ta đâu nghĩ sự hiếu kì của chúng ta đã trở thành sự cổ vũ cho chúng. 

Bạn hãy thử để ý đến những lời bàn tán từ một vụ đánh ghen, ngược đãi: đa phần là những bình luận, phân tích về sự ghê rợn, về mức độ tổn hại của thủ phạm, về sự thê thảm của nạn nhân chứ không có nhiều sự bức xúc. Như thế, đâu có khác gì vô tình tiếp tay cho cái xấu.

3.Con người luôn có những thứ giá trị và trách nhiệm gắn liền. Dẫu anh có giàu có đến mức có thể sử dụng mọi dịch vụ chăm sóc bản thân như: có người giúp việc nhà, hỗ trợ công việc kinh doanh nhưng họ không thể thay anh dạy bảo, chăm sóc và yêu thương, bao bọc những người thân của mình. Với các nhóm thiện nguyện có tấm lòng nhân ái, những hội đồng hương, đồng học… cũng nên hướng đến trẻ nhỏ, cha già, mẹ yếu của những thành viên trong nhóm mình, trong địa phương mình để thực hiện những nghĩa cử cao đẹp.

Làm việc thiện cũng như đem ánh sáng đẩy lùi bóng tối. Nhưng, chúng ta cũng đừng quên đôi khi ở ngay dưới chân ngọn đèn cao áp kia là một quầng tối bị bỏ rơi, bị vùi lấp ngay trước mắt. Dù có bận đến đâu xin bạn đừng quên: đôi khi giá trị của cuộc sống chỉ đến từ những gì người khác không mất đi chứ đâu phải lúc nào cũng đến từ những gì chúng ta phải có được. 

Có được một ngôi nhà cao, một chiếc xe hơi kín đáo, một vị thế bận bù đầu luôn là ước mơ của bất kì ai. Nhưng, cũng không thể quên bổn phận sống là chia sẻ, là tương hỗ bởi biết đâu, một ngày chính chúng ta cũng sẽ không may thất thế, để rơi vào hoàn cảnh trớ trêu như thế…

Mai Phương
.
.