Từ 20 lá đơn và câu chuyện như xiếc

Thứ Năm, 12/11/2015, 13:07
Gần đây, một câu chuyện khá hi hữu đã xảy ra ở Liên đoàn xiếc Việt Nam khi 20 nghệ sỹ của Liên đoàn đã đồng loạt nộp đơn xin thôi việc. Chuyện xoay quanh vở diễn nổi tiếng mang tên "Làng tôi". Và, 20 lá đơn đó cho thấy, Liên đoàn xiếc đã không còn là một ngôi làng ấm áp để anh chị em nghệ sỹ quây quần nữa, mà đã trở thành gánh nặng mưu sinh buộc họ phải gỡ bỏ.

Thực tế, "Làng tôi" là một vở xiếc đương đại do một nhóm tác giả thực hiện và cùng với "À ố", "Sương sớm", nó là điểm sáng của nghệ thuật xiếc đương đại Việt Nam mấy năm vừa rồi. Dù rằng "Làng tôi" diễn ở Hà Nội không có khách, không có doanh thu nhưng nó lại thắng lớn ở TP Hồ Chí Minh, với suất diễn luôn kín rạp và giá vé thì ở mức khoảng 1 triệu đồng. Khi "À ố" nhận được hợp đồng lưu diễn châu Âu từ 2015 đến 2017, "Làng tôi" và "Sương sớm" được chọn để diễn thay cho "À ố" ở TP Hồ Chí Minh, rắc rối bắt đầu diễn ra bởi bản quyền đã được nhóm tác giả giao cho đơn vị tổ chức (Lune) nhưng quân số để diễn vở lại nằm trong tay Liên đoàn xiếc Việt Nam.

Phía Liên đoàn xiếc và đơn vị tổ chức sản xuất (Lune) chưa thống nhất được với nhau về việc "cho thuê" nhân sự và điều đó đã dẫn tới chuyện 20 lá đơn được gửi về lãnh đạo Liên đoàn nhất loạt như một màn xiếc. Nhiều người sẽ nghĩ rằng 20 nghệ sỹ kia được đà lấn tới, nhân dịp có show nên quyết tâm bỏ luôn cơ quan chủ quản của mình.

Thực tế thì khác hẳn so với đồn đoán như thế. Trước đây, "Làng tôi" đã từng diễn ở TP Hồ Chí Minh và rất thuận chèo mát mái. Điều đó chứng tỏ giữa Liên đoàn xiếc, Lune và các diễn viên đã có sự thống nhất về cách làm việc chứ không phải đến bây giờ, có cơ hội nên diễn viên mới bỏ đi. Vấn đề nằm ở chỗ đời sống nghệ sỹ xiếc quá mạo hiểm và bấp bênh. Thế nên, sự việc này chỉ là giọt nước cuối cùng khiến họ phải phản ứng lại, bằng tất cả cơ hội nghề nghiệp của mình.

Cùng một vở diễn đó, nếu diễn cho Lune, mỗi nghệ sỹ nhận được khoảng 1 triệu đồng cho một suất diễn, còn nếu diễn cho Liên đoàn xiếc, họ chỉ nhận được 150 ngàn đồng mà thôi. Song, cái giá thù lao 10 triệu đồng kia không phải là diễn viên được nhận trọn gói mà họ phải nộp lại một khoản % nhất định cho Liên đoàn xiếc. Nói nôm na ra là Liên đoàn xiếc đã  cho Lune thuê quân, thuê vở để kinh doanh. Và câu hỏi đặt ra ở đây là "Tại sao cũng vở diễn đó, nhân sự đó, một đơn vị xã hội hoá lại kinh doanh tốt hơn một Liên đoàn có bề dày lịch sử và kinh nghiệm?".

Nhiều người sẽ đổ tại cơ chế song đó là cách đổ tại không hợp tình hợp lý. Cơ chế của nhà nước dành cho Liên đoàn xiếc thì khác gì cơ chế dành cho một công ty tổ chức sản xuất tư nhân? Thậm chí, cơ chế với một công ty còn gắt gao hơn bởi Liên đoàn dù sao cũng là một hiệp hội nghề nghiệp. Vấn đề nằm ở năng lực và nó cũng là câu chuyện của nhiều loại hình nghệ thuật, giải trí khác nữa.

Nhiều ca sỹ ngôi sao hiện nay đang tung hoành trên thị trường mỗi ngày nhưng vẫn đang nằm trong biên chế của một đoàn ca nhạc nhà nước nào đó. Đang tồn tại cái gọi là những nghệ sỹ đi chạy show kiếm tiền và nộp "tô" cho đoàn đồng thời mỗi khi đoàn có chương trình, họ phải về đóng góp tiết mục bắt buộc. Điều đó cho thấy, có hàng loạt các đoàn nghệ thuật nhà nước đang hoạt động không hiệu quả, cả về danh tiếng lẫn tài chính, nhưng vẫn tồn tại nghiễm nhiên. Thậm chí, có những đoàn còn được nhà nước cấp ngân sách, đặc biệt là các đoàn địa phương mà cuối cùng, quanh năm không có được một đêm diễn nào đúng nghĩa. Họ tồn tại dường như chỉ để đi thi các cuộc thi các đoàn nghệ thuật toàn quốc mà thôi.

Chúng ta nói đến xã hội hóa rất nhiều, và chúng ta thấy rõ hoạt động văn nghệ, giải trí, xã hội hóa đang làm tốt hơn nhà nước rất nhiều. Vậy thì tại sao không quẳng gánh lo đi mà vui sống? Chẳng lẽ đợi đến lúc có hàng loạt lá đơn như xiếc kiểu Liên đoàn xiếc Việt Nam phải đón nhận hay sao? 

Đan Anh
.
.