Truyền thông - Con dao hai lưỡi

Thứ Sáu, 02/10/2015, 08:00
Người ta chợt nhận ra rằng, công nghệ đánh bóng của truyền thông có sức mạnh trùm lấp khủng khiếp, nó có thể nhanh chóng đưa một ai đó từ vô danh tiểu tốt đến với hào quang danh tiếng trong chốc lát, chỉ cần kẻ đó chịu khó "bán mình" cho nó, chịu khó chiêu trò để làm mồi nhử truyền thông vào cuộc...

Đừng quá ảo tưởng vào sức mạnh truyền thông

Nổi tiếng, giấc mơ đó chưa bao giờ dễ dàng được biến thành hiện thực như bây giờ. Với sự giúp sức của truyền thông, trong thời đại công nghệ, biến không thành có, biến một người vô danh hôm trước thành người nổi tiếng hôm sau hoàn toàn có thể được truyền thông phù phép, cộng với sự hỗ trợ của cộng đồng mạng. Nhưng cũng chưa khi nào, những "cái chết" vì tự biến mình thành mồi ngon của truyền thông lộ liễu và cay đắng như bây giờ. Sự nồng nhiệt và bạc bẽo của truyền thông đã khiến không ít người dở khóc dở cười khi chưa đủ ngấm dư vị ngọt ngào của nó đã bị rơi vào trạng thái ê chề trầm cảm.

Cái tên “Bà Tưng” - nghệ danh của diễn viên Huyền Anh đã mất hút trong thế giới showbiz.

Bà Tưng, Lệ Rơi là những hiện tượng đặc biệt điển hình cho việc "bỗng dưng nổi tiếng". Một cô gái có vòng ngực khủng "chịu khó" khoe thân trên mạng xã hội, một chàng trồng ổi có trò tiêu khiển là cover những bài hát hay bằng thứ giọng tệ không chịu nổi, phi nghệ thuật không chịu nổi và liên tục up lên mạng xã hội. Thế thôi, mà nổi tiếng như cồn. Nổi đến mức có thời điểm họ trở thành tâm điểm mạnh mẽ của truyền thông. Nhất cử nhất động của họ đều được truyền thông quan tâm đến. Thậm chí một nghệ sĩ hát nhạc cổ điển, một đời lao động nghệ thuật, cống hiến không ngừng nghỉ cho công chúng, cũng chưa khi nào được truyền thông chú ý đến mức như vậy. Người ta chợt nhận ra rằng, công nghệ đánh bóng của truyền thông có sức mạnh trùm lấp khủng khiếp, nó có thể nhanh chóng đưa một ai đó từ vô danh tiểu tốt đến với hào quang danh tiếng trong chốc lát, chỉ cần kẻ đó chịu khó "bán mình" cho nó, chịu khó chiêu trò để làm mồi nhử truyền thông vào cuộc.

Nhưng câu chuyện về bong bóng xà phòng thì ai cũng hiểu. Lấp lánh đấy, nhưng vỡ nát cũng chỉ trong một thời gian rất ngắn. Bà Tưng đã gần như biến mất. Lệ Rơi thì về quê trồng ổi, sau khi vỡ mộng hoàn toàn giấc mơ trở thành ngôi sao trong đời sống showbiz nhiều cạnh tranh khốc liệt.  Tay trắng vẫn hoàn tay trắng. Người ta lại thấy anh chàng quê kệch đó đứng vỉa hè Hà Nội bán ổi. Mọi thứ lại được trở về đúng trật tự ban đầu của nó.

Dĩ nhiên có một số ít người có thể "ăn gian" được danh tiếng lâu hơn Lệ Rơi hay Bà Tưng, vì họ có đầu tư tốt hơn, có cả một hệ thống chăm sóc cho hình ảnh của mình, và chiêu trò câu nhử cũng lớp lang hơn. Ví dụ một số vài "ngôi sao" kiểu này có giọng hát không quá tệ, có hình thức khá hơn Lệ Rơi, có điều kiện kinh tế đầu tư học hành nâng cao hơn, và có kỹ năng "nuôi" truyền thông giỏi hơn. Những ngôi sao kiểu này về phương diện nghệ thuật không có đóng góp gì nhiều cho đời sống, nhưng họ vẫn có một kiểu tồn tại "tầm gửi" showbiz và vẫn kiếm tiền đều đều trong sự nhạt nhẽo, vô thưởng vô phạt của mình. Nhưng vẫn có một "cái chết được báo trước" đang chờ đợi họ. Đến một ngày hết chiêu trò, hay đơn giản là không theo kịp xu hướng, trào lưu để phục vụ khán giả, họ sẽ bị truyền thông bỏ rơi, và nhiều khả năng sẽ mất tích trong trí nhớ của khán giả. Đơn giản là những thứ họ từng theo đuổi không phải là giá trị thật. Nó chỉ là những giá trị ảo và được truyền thông lợi dụng, thổi phồng để câu khách mà thôi.

Đổ lỗi cho truyền thông đang làm đảo lộn các giá trị, khi có thể biến một người bất tài thành ngôi sao chỉ trong chốc lát, là đúng nhưng chưa phải tất cả. Truyền thông vốn tò mò, vốn cần những câu chuyện để phục vụ nhu cầu cung cấp "thức ăn" cho đám đông theo cách mà nó muốn. Vấn đề là không ít người đã ngộ nhận về bản thân, lóa mắt bởi sức mạnh của truyền thông mà tự biến mình thành món mồi của dư luận. Một khi họ không tình nguyện để truyền thông khai thác mình, biết tự bảo vệ mình, không bị cái bả danh tiếng đánh vào thói hiếu danh, không bao giờ truyền thông có thể đưa họ ra đám đông, trở thành món "nhậu" của thiên hạ.

Với trường hợp ngược lại, truyền thông có thể được chú ý, tăng view, người được "nhậu" cũng được nổi tiếng (cả nghĩa tích cực và tiêu cực), thế là cuộc chơi cả hai cùng có lợi. Nhưng cái lợi đó là cái lợi "bất cập hại". Bởi khi truyền thông đã khai thác tối đa một nhân vật nào đó, nó biết rằng chả còn gì để chăm lo đến con mồi này nữa, nó sẽ tìm kiếm những con mồi khác. Những con mồi bị hấp dẫn bởi hào quang không phải là khó kiếm. Và như vậy, lần lượt, những kẻ đi kiếm danh theo cách bong bóng xà phòng đó, sẽ lần lượt bị truyền thông đi qua, bỏ lại phía sau. Những thương tổn, nếu có, các nhân vật phải tự mình ôm lấy, băng bó và chữa lành. Song, rất tiếc là không phải tổn thương nào cũng có khả năng lành, nhất là những tổn thương về tâm hồn, về sự mất niềm tin hay tuyệt vọng trước đời sống. Sự thật là một người đã từng sống trong hào quang (dù là hào quang ảo) khi quay về đời thường, rất dễ gặp cú sốc, khó thích nghi. Và khi hiểu được ra các giá trị thật, thôi ảo tưởng, thì ít nhiều đã mất một phần đời lạc lối…

Ca sỹ Trúc Nhân: Trong showbiz, truyền thông là thứ có sức mạnh lớn nhất

Trong chương trình "Bài hát yêu thích" tháng 10 vừa qua, Trúc Nhân - nam ca sỹ bước ra từ cuộc thi "Giọng hát Việt" mùa đầu tiên và đang ngày càng khẳng định cá tính âm nhạc của mình trong Vpop - đã gây ra nhiều bất ngờ khi thể hiện ca khúc "Thật bất ngờ" của nhạc sỹ trẻ Mew Amazing (Lê Đức Hùng). Trong ca khúc được xem là "đánh thẳng" vào những "thói hư tật xấu của showbiz" này, có những câu như: "Cô ấy mới hôm qua không ai nhớ khuôn mặt/ Chỉ một xì - căng - đan, khóc lóc về chuyện tình dở dang/ Lên báo hình thì đầy một trang/ Ôi dễ dàng để đời ta tươi sáng" hay "Trên sóng những âm thanh xôn xao đang mời chào/ Chị cần gì ở đây…? (Tôi muốn đẹp xuất sắc)/ Thì ngồi vào đây… (Tôi muốn đẹp xuất sắc)/ Thì điền vào đây …/ Không có gì thì mình sẽ mua nấy! Tôi muốn những đám đông xôn xao đang hô hào/ Họ thì thầm về tôi, tôi muốn họ thì thầm về tôi"…

Ca sỹ Trúc Nhân.

- Chào Trúc Nhân, ca khúc "Thật bất ngờ" mà Nhân hát trong chương trình bài hát yêu thích tháng 10 vừa qua đã vẽ ra một thế giới showbiz hỗn tạp của chiêu trò. Là một ca sỹ sống trong môi trường showbiz, Nhân thấy sao?

+ Đúng là Trúc Nhân đang hoạt động trong showbiz nhưng Nhân không để cho showbiz nó làm ảnh hưởng tới mình nhiều quá vì mình cũng là một người khá khép kín. Mình rất là tôn trọng sự bình yên của bản thân mình, ít khi để mấy thứ xô bồ xung quanh làm ảnh hưởng mình lắm. Với ánh mắt nhìn khách quan nhất của một người vừa có cuộc sống đời thường như bao người khác và cũng có cuộc sống của một người ở trong showbiz, sau một thời gian làm nghề, Trúc Nhân thấy ở đâu cũng vậy, lúc nào cũng sẽ có mặt tốt và mặt xấu, không riêng gì showbiz. Bản chất của showbiz là thị phi, mình thấy dân tình người ta quan tâm và đọc những tin tức liên quan đến thị phi nhiều hơn tin chính thống cũng là chuyện thường. Có cung thì mới có cầu. Người đọc có nhu cầu như thế nào thì mới có những điều đó để thỏa mãn sự tò mò của họ.

- Trúc Nhân có thấy truyền thông bây giờ tầm phào lắm không khi đi vào những chiêu trò, những câu chuyện hậu trường để giật tít, câu view và lăng xê những người tài năng "vừa vừa"?

+ Nhân thấy cũng bình thường thôi. Không có gì là quá ghê gớm cả. Nếu bản thân Trúc Nhân không phải là ca sỹ mà là phóng viên hoặc là những người làm truyền thông, những tin dạng này nó sẽ thu hút hơn những tin chính thống khác, thì Nhân cũng sẽ đưa những tin đó. Bên cạnh số đông khán giả quan tâm tới hậu trường, scandal, cũng lại có những người khác công nhận những nghệ sỹ thực thụ nói không với scandal nữa mà. Nên Trúc Nhân nghĩ, với người nghệ sĩ, tốt nhất là mình cứ làm tốt công việc của mình. Và tài năng của mình như thế nào, tâm của mình nó có trong sáng ra sao, thì mình cứ gửi gắm điều đó đến cho khán giả cái đã, còn thị phi xung quanh ấy mà, hãy gác nó lại nếu như mình không thuộc về nó.

- Thế những người ảo tưởng về sức mạnh truyền thông thì sao?

+ Trong showbiz, truyền thông là thứ có sức mạnh lớn nhất. Bởi nó có thể đưa một người lên đồng thời có thể đưa một người xuống. Nó cũng nghiệt ngã lắm. Với những người ăn trái đắng của truyền thông, thì cũng không có thể trách bất cứ ai được hết. Trước tiên, phải trách bản thân mình vì mình đã chọn đi một con đường thị phi.

Đừng vội trách truyền thông tàn nhẫn

DL. Khánh Thy

Bản chất của truyền thông là thông tin, bởi vậy bất cứ sự vật, hiện tượng nào có thể trở thành thông tin thì truyền thông đều tìm đến. Đánh giá và phân loại thông tin ban đầu, ngay lập tức với những tin "đặc biệt", truyền thông nhanh nhạy sẽ bằng mọi xảo thuật vốn có của mình để làm cho nó trở nên "hót" trên mạng xã hội, trên các tờ báo điện tử, trên mọi kênh thông tin.  Khi hiểu được bản chất của truyền thông, bạn sẽ có cách để sống cùng truyền thông, ứng xử cùng truyền thông, sử dụng truyền thông như một công cụ thông minh để ứng phó với mọi tình huống.

Diễn viên điện ảnh Midu.

Trong thời đại internet thống trị thế giới, mạng xã hội được sử dụng như những kênh thông tin chính thống, cộng với việc tự do thông tin, tự do ngôn luận một cách quá cởi mở như hiện nay, nếu ai không may bị ngã ngựa, bị rơi vào "tai nạn nghề nghiệp" hoặc vướng vào scandal đều có thể bị truyền thông nhấn chìm trong biển thông tin và dư luận của cái gọi là hiệu ứng thông tin. Nếu bạn không tỉnh táo với cái bẫy của truyền thông, tiếp tục ứng phó với khủng hoảng truyền thông không đúng cách, thiếu khoa học, thiếu kinh nghiệm, ngay lập tức bạn có thể tự dồn mình vào chân tường và bạn ngã ngựa, chết chìm trong biển truyền thông một cách không cứu vãn. Lúc đấy bạn như một miếng mồi  ngon cho truyền thông lao vào xâu xé. Truyền thông hệt như một gã khổng lồ có thể ăn và tiêu hóa ngay hết bất cứ thứ gì rơi vào cái dạ dày cồn cào luôn bị áp lực tìm mồi của nó.

Truyền thông là thế, mọi sự kiện mọi thông tin đều phải sòng phẳng một cách bình đẳng. Một trường hợp tai nạn thương tâm cần được cứu giúp, truyền thông sẽ là cầu nối lan truyền mạnh mẽ đến cộng đồng để kêu gọi vòng tay nhân ái. Truyền thông đã và từng làm nên những điều kỳ diệu, những phép nhiệm mầu để cứu giúp số phận con người. Nhưng bên cạnh đó, mặt trái của truyền thông cũng vô cùng tăm tối, lạnh lùng tàn nhẫn khi có thể "giết chết" một ai đó không may phạm phải lỗi lầm. Đối với những người nổi tiếng, người của cộng đồng xã hội, áp lực trước truyền thông là điều đương nhiên, là thứ mà họ cần phải được trang bị kỹ lưỡng trong hành trang của mình. Khi đã làm người nổi tiếng, người của công chúng, họ phải nhớ một điều truyền thông sẽ luôn "chăm sóc" họ, có thể đưa họ lên đàn vinh quang nhưng cũng có thể góp phần nhấn họ xuống bùn lầy.

Người nổi tiếng khi tự gây tai họa cho mình, đừng đổ lỗi cho truyền thông tàn nhẫn. Muốn mình không bị rơi vào bẫy truyền thông, họ phải lựa chọn cách ứng xử thông minh, đúng đắn nhất, để trong cơn hoạn nạn họ không trở thành miếng mồi ngon cho truyền thông lao vào.

Trong số các vụ scandal gần đây trong giới showbiz, cộng đồng mạng vẫn thầm khen cô gái Midu. Em đúng là một nghệ sĩ vừa xinh đẹp, thông minh lại vừa tài năng như những gì em gây dựng trong số những nghệ sĩ nổi tiếng. Cái cách mà em lùi xa truyền thông trong scandal liên quan đến chồng sắp cưới và liên quan đến mình đã giúp em nhẹ nhàng đi qua khủng hoảng của truyền thông. Trong khi đó, cô bé đáng thương nhất có lẽ là "người thứ 3" Nguyễn Thúy Vi. Tôi không biết ai là người đứng phía sau câu chuyện của Thúy Vi, hay trong tất cả những vụ phát ngôn trên báo của em, vì em mới 17 tuổi, đang là nữ sinh trung học, tôi không tin em có thể vừa là diễn viên, vừa là đạo diễn của câu chuyện ồn ào, vô liêm sỉ như vừa rồi. Có thể sau vụ scandal vừa qua, cộng đồng đã biết đến cái tên Nguyễn Thúy Vi là ai, cộng đồng cũng đã biết đến nhan sắc của em, biết thêm cái ý định em đang nuôi mộng làm diễn viên hài, bước chân vào thế giới showbiz. Nhưng truyền thông tàn nhẫn, ai đó đã giúp em dựa vào mặt trái của truyền thông, để tiếp thị tên tuổi em. Hãy nhớ lấy bài học "cố ý" của "Bà Tưng", hay "vô ý" của Lệ Rơi với truyền thông để biết trước cái kết cục rất có thể còn thảm bại hơn nữa sẽ dành cho em.

NSND Trung Kiên, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch): Cơ chế thị trường đã thương mại hóa nghệ thuật một cách rẻ rúng

Đậu Dung (ghi)

NSND Trung Kiên.

- Ở thế hệ của ông, truyền thông chưa phát triển mạnh như hiện nay. Thời đó, để có được sự nổi tiếng đó, nghệ sỹ phải lao động ra sao, thưa ông?

+ Ở thời của chúng tôi, truyền thông cũng có những tác động này khác nhưng ít lắm. Lúc đó, tất cả dồn cho cuộc chiến tranh giữ nước và sự nghiệp giải phóng dân tộc. Và ngay cả lúc đó, quan điểm lăng xê, giới thiệu người này người kia quá mức cần thiết không bao giờ có cả. Thời đó, thế hệ chúng tôi làm việc nghiêm túc, kỉ luật, không được tự do, thoải mái như bây giờ. Giờ đây các bạn trẻ cứ làm thế nào có nhiều show là được rồi. Lên báo càng nhiều càng tốt. Tôi thấy, có những cách để được nổi tiếng cũng được nhưng cũng có những cách rất là nguy hiểm. Cơ chế thị trường đã thương mại hóa nghệ thuật một cách rẻ rúng quá.

- Hiện nay, truyền thông, với sức mạnh của mình có thể đưa một con người vô danh tiểu tốt thành một người nổi tiếng. Ông nghĩ sao về điều này?

+ Truyền thông nói chung và báo chí nói riêng bây giờ, có một số mặt tốt, đó là phản ánh trên diện rộng, giới thiệu được cho khán giả biết nhiều hoạt động của văn nghệ sĩ. Nhưng sự hiểu biết về văn hóa nghệ thuật để tuyên truyền và mang lại lợi ích và thay đổi tích cực với xã hội của các nhà báo chưa cao lắm. Có những bài hát, những nghệ sĩ được lăng xê chưa đạt tiêu chí của nghệ thuật, không làm cho nghệ thuật được giới thiệu một cách đúng đắn, gây ra sự hiểu lầm.  Tôi thấy phẩm chất, trình độ của một số nghệ sỹ không đến mức được giới thiệu như thế. Các bài báo giới thiệu chủ yếu hướng độc giả đến đời tư, những câu chuyện tầm phào, vô thưởng vô phạt; trong khi đó, những vấn đề quan trọng của nghệ thuật chân chính không được bàn đến nhiều trên báo chí, gây ra những tác hại không nhỏ. Còn khán giả, nhất là các bạn trẻ nhiều khi không hiểu hết được những éo le ấy. Ở nước ta, thiếu những bài báo hay về văn hóa nghệ thuật. Thậm chí, nhiều bài báo nói về nghệ thuật sai lắm. Trình độ nhà báo còn hạn chế, khen không ra khen, chê không ra chê, không có tác dụng nhiều để nâng người nghệ sỹ lên. Đó là tôi chưa nói đến việc, truyền thông là con dao hai lưỡi, có thể nâng người ta lên cũng có thể giết chết người ta. Nhiều khi tôi buồn, chả muốn đọc những bài báo như vậy.

- Theo ông, truyền thông có sức mạnh gì mà ghê gớm và quyền rũ đến thế?

+ Truyền thông có vai trò rất quan trọng với văn hóa nghệ thuật. Tuy nhiên, hiện nay, đây cũng là nơi sản sinh ra một lớp nghệ sỹ năng lực có hạn nhưng được lăng xê rất kinh. Với sức mạnh của mình, nó có thể đưa một người vô danh tiểu tốt lên hàng "sao", gia nhập vào làng giải trí thông qua con đường chiêu trò và scandal. Tất nhiên, những câu chuyện hậu trường của giới nghệ sĩ không phải là không cần thiết, song đó không phải là mục tiêu của báo chí.

- Ý của ông là truyền thông là một trong những yếu tố tạo ra giá trị ảo?

+ Đúng vậy.

- Một số người vẫn đang ảo tưởng về sức mạnh của truyền thông, thưa ông?

+ Những người nổi tiếng "rởm" như thế không tồn tại được lâu dài cùng thời gian. Thực chất, nghệ thuật không phải là chuyện thông qua những mánh khóe, chiêu trò mà có thể đạt được. Người nghệ sỹ phải mang tài năng nghệ thuật đích thực của mình phục vụ khán giả, chứ không phải là những người bỏ tiền ra, mua báo để viết về mình. Tôi coi thường những người như thế. Tôi không xếp họ vào hàng nghệ sỹ. Hai chữ "nghệ sỹ" cũng giá trị lắm chứ, đâu có dễ dàng mà có được như thế. Tất nhiên, trong số đó, cũng có những con người tài năng, không tài cái này thì tài cái khác. Nhưng rồi cũng sẽ nhạt nhòa đi.

- Vậy theo ông, giá trị nào sẽ ở lại?

+ Cuối cùng giá trị thật. Giá trị ảo sẽ tàn lụi vì nó không có giá trị thật sự. Những nghệ sĩ chân chính sẽ tồn tại được. Thử hỏi, một người tiếng là nghệ sỹ nhưng suốt ngày chỉ nghĩ đến việc làm sao tạo scandal để được nổi tiếng, không chịu khó đầu tư làm nghề nghiêm túc thì làm sao mà chạm vào được những giá trị nghệ thuật đích thực?

- Ông có lời khuyên nào dành cho lớp nghệ sỹ trẻ hay không, thưa ông?

+ Tôi không dám đưa ra bất cứ lời khuyên nào cả. Tôi chịu.

Bình Nguyên Trang
.
.