Xử lý vi phạm trong lĩnh vực in ấn - xuất bản:

Trông chờ sức mạnh từ "cái roi" công lý

Thứ Tư, 24/09/2014, 08:00
Vừa qua, sự việc cuốn tiểu thuyết "Búp sen xanh" của nhà văn Sơn Tùng - hiện đang được NXB Kim Đồng giữ bản quyền - bị xâm hại nặng nề từ việc không xin phép, không trả nhuận bút đến tự ý cắt xén nội dung, thay đổi bìa... đã khiến dư luận quan tâm, bức xúc. Có một điều rất ngạc nhiên là, với một vụ vi phạm đã rõ như ban ngày thế này, nhưng trong suốt hơn một tháng qua, các cơ quan quản lý về in ấn - xuất bản lại tỏ ra khá lúng túng với việc xử lý và trả lời trước công luận câu hỏi: "Thủ phạm đích thực là ai? Họ sẽ bị xử lý như thế nào?".

Theo kết quả báo cáo tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện thông tư liên tịch giữa Bộ Thông tin & Truyền thông với Bộ Công an về phối hợp phòng chống in lậu (2009-2014) vừa qua, đoàn liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương đã tiến hành thanh tra 91 cơ sở in, 30 cơ sở phát hành, 12 nhà xuất bản; chuyển cơ quan An ninh điều tra khởi tố hình sự 1 vụ; xử phạt 33 tổ chức, cá nhân với số tiền 290 triệu đồng; thu và tiêu hủy 22.021 lịch blốc không tem, 4 tấn lịch thành phẩm vi phạm, 10 ngàn lịch blốc bán thành phẩm không có quyết định xuất bản, 58.453 sách vi phạm bản quyền, vi phạm về xuất bản, 300kg sản phẩm in vi phạm, trên 18 ngàn xuất bản phẩm in lậu.

Đội liên ngành địa phương, Thanh tra Sở và các Phòng Văn hóa - thông tin quận, huyện cũng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra  4.931 tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động in, photocopy, phát hành xuất bản phẩm, chuyển cơ quan điều tra khởi tố 1 trường hợp; xử phạt 313 cá nhân, tổ chức vi phạm số tiền 2 tỷ 2, cảnh cáo 300 trường hợp; tịch thu và tiêu hủy 1.033.186 xuất bản phẩm vi phạm (sách và lịch blốc), 55.000 tem giả, 4,5 tấn lịch thành phẩm, 5,3 tấn vàng mã, 1.400 sách và đĩa VCD, 6,1kg sản phẩm bao bì vi phạm và tịch thu 4 máy photocopy màu...

Đáng lo ngại hơn cả là, trong những năm qua, trong số các vụ in lậu lớn bị phát hiện có khá nhiều vụ in lậu sách của NXB Giáo dục với số lượng lớn tại các địa phương như Bắc Giang, Nam Định, Thanh Hóa... Chính vì thế, trước thềm năm học 2014-2015, NXB Giáo dục đã có công văn gửi đến các Sở Giáo dục trong cả nước đề nghị các Sở thận trọng, cân nhắc lựa chọn các đơn vị cung ứng sách có uy tín, nhằm hạn chế sách giả, sách lậu với nhiều sai sót, chất lượng giấy kém... lọt vào nhà trường, ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, chắc chắn còn có rất nhiều vụ vi phạm chưa bị phát hiện xử lý bởi từ nhiều năm nay, những "phố sách" tự phát như Láng, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt... vẫn đang ngang nhiên bày bán nhiều sách, xuất bản phẩm không rõ nguồn gốc được in lậu, làm giả một cách tinh vi. Nhiều chiêu trò "giảm giá sốc" được đưa ra để đánh lừa người mua sách như in giá bìa cao hơn giá sách thật, sau đó dán mác giảm giá từ 50-80% để hút khách. Một trong những địa chỉ "sách gì cũng có" đó là những cửa hàng bán sách trên phố Nguyễn Xí hay một vài cửa hàng nằm sâu trong những con ngõ của phố Tràng Tiền. Đây cũng chính là nơi nhiều cuốn sách giả, sách nhái các đầu sách bán chạy bị phát hiện như "Dế mèn phiêu lưu ký" của cụ Tô Hoài, "Kính vạn hoa" và "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" của Nguyễn Nhật Ánh... nhưng chưa bị xử lý một cách triệt để nên cứ phạt xong thì tình trạng bày bán sách lậu lại tái diễn.

Phố sách Nguyễn Xí là một địa chỉ rất "nhạy cảm" trong làng xuất bản.

Cuối tháng 8 vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra phiên phúc thẩm xử vụ Công ty Văn hóa sáng tạo Trí Việt - First News kiện cơ sở gia công sau in Huy Thi đã tham gia vào quá trình làm giả trên 10.000 cuốn sách của họ đã bị cơ quan chức năng bắt giữ hồi tháng 11/2011. Một lần nữa, Trí Việt - First News lại bị tòa tuyên bố thua kiện đã khiến dư luận băn khoăn lo ngại về việc nó sẽ tạo ra một tiền lệ xấu cho ngành xuất bản, khiến các đối tượng có thâm niên in lậu tiếp tục có thái độ nhu nhơ, coi thường pháp luật, tiếp tục với những việc làm khuất tất làm tổn hại đến lợi ích, uy tín của các đơn vị làm sách chân chính.

Cũng tương tự, việc NXB Thời đại - đơn vị có tên liên kết trên cuốn sách "Búp sen xanh" bị xâm hại bản quyền một mực kêu oan, cho rằng mình cũng là "nạn nhân" và không biết gì về "đối tác" là Công ty cổ phần sách Nhân Dân, trong khi "Búp sen xanh" lại có tên trong danh mục kế hoạch xuất bản của NXB này trình lên Cục Xuất bản nhưng đã bị Cục từ chối. Công ty cổ phần sách Nhân Dân cũng chính là đơn vị đã nhiều lần có các vi phạm và bị Cục Xuất bản tuýt còi, xử phạt, thu hồi sách. Vậy mà suốt hơn một tháng qua, cách xử lý của Cục Xuất bản mới dừng lại ở việc ra một văn bản gửi đến các Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch các địa phương chỉ đạo việc thu hồi cuốn sách "Búp sen xanh" không bản quyền.

Dư luận đang trông đợi nhiều hơn vào sức mạnh của cái roi "công lý" mà đơn vị quản lý việc in ấn xuất bản của quốc gia đang cầm trên tay, để thiết lập lại trật tự trong lĩnh vực xuất bản vốn đã nảy sinh quá nhiều vấn đề bất cập, đặc biệt là nạn in lậu đã bùng nổ từ hàng chục năm nay. Không dừng lại ở việc thu hồi, tiêu hủy sách vi phạm hay phạt vài chục triệu đồng là xong, dư luận đang mong mỏi, với những đơn vị nhiều lần vi phạm, có những vi phạm nghiêm trọng cần phải bị tước giấy phép kinh doanh lĩnh vực in ấn - xuất bản, để tạo lập một môi trường kinh doanh xuất bản cạnh tranh lành mạnh. Còn nếu không, việc kiểm tra, xử lý, thu hồi khi phát hiện sai phạm như hiện nay chỉ là công việc "cưa ngọn", chẳng khác nào "bắt cóc bỏ đĩa".

Ông Nguyễn Văn Phước - Giám đốc Công ty Văn hóa sáng tạo Trí Việt - First News: "Sẽ là một tiền lệ xấu trong ngành xuất bản":

Ông Nguyễn Văn Phước - người "không khoan nhượng" với sách lậu.

- Thưa ông Nguyễn Văn Phước, ông có thể chia sẻ cảm giác của mình sau khi Trí Việt - First News tiếp tục bị xử thua trong vụ kiện cơ sở gia công sau in Huy Thi?

+ Tôi không dự phiên tòa. Khi biết kết quả, không chỉ tôi, mà tất cả thành viên First News và bạn đọc trung thành của First News và nhiều đơn vị xuất bản, NXB trong cả nước đều chia sẻ và rất bất bình. Riêng tôi không nghĩ nhiều về quyền lợi của riêng First News mà nhận thấy kết quả vụ kiện đơn vị gia công hàng in lậu với tội chứng - vật chứng rành rành "rõ như ban ngày" công khai trước bàn dân thiên hạ mà qua hai phiên sơ thẩm và phúc thẩm, TAND huyện Thanh Trì và TAND TP Hà Nội đều tỏ ra "cảm thông sâu sắc" với kẻ tham gia vào đường dây in lậu lâu đời nhất này ở Thủ đô Hà Nội thì quả là một tiền lệ xấu cho ngành xuất bản, ảnh hưởng không tốt đến niềm tin về sự công bằng xã hội một khi kẻ ăn cắp sức lao động và trí tuệ của người khác lại không bị trừng phạt.

-Nói như vậy là phán quyết của tòa án đã khiến ông tâm không phục mà khẩu cũng không phục? Ông có định tiếp tục theo đuổi vụ kiện này không và vì sao?

+ Ở phiên phúc thẩm, chúng tôi đã ngạc nhiên khi tòa hỏi đại diện của First News có đề nghị Huy Thi hỗ trợ chi phí điều tra có chứng từ khoảng 100 triệu không, đại diện First News đã từ chối và giữ nguyên đề nghị như phiên sơ thẩm. Chúng tôi đã bỏ rất nhiều thời gian, công sức và tâm huyết để thu thập chứng cứ, điều tra và phối hợp cơ quan chức năng "bắt tại trận" vụ việc vô tiền khoáng hậu này đâu chỉ để khởi kiện ra tòa để lấy tiền bồi thường. Chúng tôi muốn cảnh báo một hồi chuông về vấn nạn ngang nhiên công khai ăn cắp bản quyền, vi phạm pháp luật, mở ra một hướng đi mới cho các tác giả và NXB tự bảo vệ mình trước nạn ăn cắp bản quyền và in lậu trắng trợn kéo dài nhiều thập kỷ qua ở Việt Nam. Tôi biết rằng đôi lúc chấp nhận thua mà để nhà nước và xã hội nhận ra những kẽ hở pháp luật, những bất công để điều chỉnh, để tốt cho ngành xuất bản thì điều đó càng quí hơn nhiều. Nhưng chúng tôi không bỏ cuộc mà sẽ tiếp tục kiện lên Giám đốc thẩm TAND tối cao.

- Theo ông, Luật Xuất bản hiện hành có những "kẽ hở" nào khiến cho các đối tượng in lậu vẫn tiếp tục hoành hành, có biểu hiện khinh nhờn pháp luật?

+ Luật Xuất bản gần đây đã qui định tội tham gia in sách lậu là tội làm hàng giả có thể bị xử phạt theo Bộ luật Hình sự, không còn là vi phạm hành chính như trước đây nhưng không ghi rõ mức độ vi phạm thế nào thì áp dụng như vậy. Đây chính là một kẽ hở cho nhiều điều tiêu cực xảy ra.

+ Xin cảm ơn ông!

Hà Anh
.
.