Mô hình "xem kịch trước, trả tiền sau":

Trao cơ hội cho khán giả

Thứ Ba, 27/01/2015, 08:00
Mô hình "xem kịch trước, trả tiền sau" do sân khấu kịch Tâm Ngọc sáng tạo và áp dụng từ tháng 10/2014. Đây là mô hình mới mẻ, lần đầu tiên xuất hiện tại sân khấu kịch Việt Nam. Với tình trạng sân khấu kịch bị lép vế trước các loại hình giải trí khác như hiện nay, cách làm này có thể xem là nước cờ mạo hiểm nhưng không kém phần thú vị khi trao quyền quyết định cho khán giả.

Hướng đi mạo hiểm

So với các sân khấu kịch xã hội hóa trên địa bàn TP HCM, sân khấu kịch Tâm Ngọc được xem là lứa sinh sau đẻ muộn khi mới tròn 3 tuổi. Đa phần diễn viên của sân khấu này là tân cử nhân của trường sân khấu điện ảnh hoặc những bạn trẻ có năng khiếu và đam mê kịch nghệ. Là sân khấu có tuổi đời lẫn đội ngũ non trẻ, Tâm Ngọc không ngừng tìm hiểu nhu cầu khán giả để kịp thời đáp ứng, tạo lượng khán giả riêng.

Phạm Vũ Kiên, Giám đốc Sân khấu Kịch Tâm Ngọc và cũng là tác giả của mô hình này thú thật: "Thực tế cho thấy, số lượng khán giả đi xem kịch đang giảm dần theo năm. Với các sân khấu gạo cội, nổi tiếng còn chật vật tìm khán giả thì sân khấu chúng tôi gặp khó khăn bội lần vì không có ngôi sao. Qua quá trình tìm hiểu, tôi thấy rất nhiều khán giả có nhu cầu nhưng ngại đi xem kịch vì chi phí cho một tấm vé khá cao. Khi bỏ tiền ra, người ta lại lo ngại không biết vở kịch mình xem có hay hay không. Tôi nghĩ ra mô hình này như một cách để khán giả có cơ hội tiếp cận kịch và cũng để chúng tôi kiểm tra lại chất lượng của mình".

Theo mô hình này, khán giả chỉ phải trả trước 10 ngàn đồng cho tấm vé trị giá 100 ngàn là có thể xem kịch. Mỗi người sẽ được phát một phong bì. Sau khi vở kết thúc, tùy theo mức độ hài lòng với vở diễn mà họ có thể bỏ vào phong bì bao nhiêu tiền tùy thích. Nếu thấy không hài lòng thì để phong bì trống. Các phong bì đều được nhân viên soát vé gom lại trong một chiếc thùng.

Giữa hàng loạt loại hình nghệ thuật giải trí, việc kéo khán giả đến sân khấu kịch trở nên khó khăn. (Ảnh mang tính chất minh họa).

Ngay khi nghe qua mô hình, mọi người đều ra sức ngăn cản. Ai cũng thấy ái ngại vì việc sống còn của Tâm Ngọc gần như đặt cược vào khán giả. Theo họ, ý thức tự giác của khán giả Việt Nam còn kém, không nhiều người trân trọng kịch nói và có năng lực cảm thụ nghệ thuật nên nguy cơ phong bì trống rất cao dù vở có tốt hay dở.

Thế nhưng, tin tưởng vào chất lượng vở diễn, tin tưởng vào khán giả, ông bầu Phạm Vũ Kiên vẫn kiên quyết đem mô hình này ra thử nghiệm. "Không phải khán giả không tự giác mà vì người ta mất lòng tin ở những chiêu trò hào nhoáng trong khi nội dung không có gì. Với vở kịch hay, chất lượng, chắc chắn khán giả sẽ không quay lưng" - đó là lý lẽ giúp anh mạnh dạn triển khai. Lúc đầu, giá vé lấy trước đều là 10 ngàn đồng nhưng về sau, tùy theo ghế ngồi, Tâm Ngọc chia ra làm ba mức giá: 30 ngàn đồng, 20 ngàn đồng và 10 ngàn đồng.

Quả như mọi người lo ngại, rất nhiều khó khăn ập tới. Những ngày đầu, các suất đều bị lỗ. "Lúc đầu, nhiều khán giả đến sân khấu với tâm thế xem thử, khỏi bỏ thêm tiền. Nhưng khi xem được các vở kịch hay thì người ta mạnh dạn chi. Có khán giả bỏ vào phong bì 1.000 đồng nhưng cũng có khán giả sẵn sàng chi 500 ngàn đồng. Giá vé kịch thường lệ làm gì có mức đó. Cũng có phong bì trống, nhưng số lượng ít. Một bì thư trống nhưng bên ngoài có ghi: "Em là sinh viên, không có tiền bỏ vào phong bì mặc dù anh chị diễn rất hay. Mong anh chị thông cảm, em rất thích vở kịch trên. Cảm ơn sân khấu". Đón nhận tình cảm như thế chúng tôi rất mừng"- Phạm Vũ Kiên chia sẻ.

Càng về sau, doanh thu dần ổn định và xuất hiện những tín hiệu tích cực.  Cái được hơn hết, đó chính là sân khấu thu hút được đông đảo tầng lớp khán giả bình dân chứ không chỉ gói gọn trong giới văn phòng hay trung lưu. Sân khấu được nhiều người biết đến, các diễn viên từ đó cũng đông hơn và diễn hay hơn. Ông bầu Phạm Vũ Kiên khẳng định: "Mô hình này không phải là một kiểu hạ giá sản phẩm để kéo khách mà chúng tôi trao quyền quyết định, đánh giá cho khán giả". Cũng từ số tiền phong bì nhiều hay ít, sân khấu Tâm Ngọc nắm được nhận xét của khán giả về chất lượng từng vở kịch. Đó là thước đo khách quan để sân khấu tự khắc phục khiếm khuyết, hoàn thiện để vở diễn ngày càng hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, cũng từ đặc điểm "trao quyền "sinh sát" cho khán giả", việc xuất hiện một sân khấu chuyên chạy theo thị hiếu đám đông mà bỏ quên chất lượng nghệ thuật là nguy cơ rất dễ xảy ra. 

Kéo khán giả trẻ đến với kịch nói

Nhiều người đồn đoán rằng, mạo hiểm áp dụng mô hình này, sân khấu Tâm Ngọc phải có nguồn tài trợ mạnh mẽ. Thế nhưng, sân khấu này hoàn toàn không có nguồn tài trợ nào. Chính vì không có tài trợ, gặp khó khăn nên họ mới áp dụng mô hình này để tìm đường sống.

Nói đến đời sống của sân khấu kịch thành phố HCM hiện nay, NSND Hồng Vân, bà bầu Sân khấu Kịch Phú Nhuận thở dài: "Kéo khán giả đến rạp bây giờ cực kỳ khó khăn khi hàng loạt loại hình giải trí mới lạ, hấp dẫn ra đời và phục vụ tận nhà. Ngày trước, các sân khấu dựng vở  đều mang màu sắc riêng, còn bây giờ vở của sân khấu này cũng na ná như vở của sân khấu kia nên khán giả không còn mặn mà lắm". Riêng sân khấu Sao Minh Béo, mặc dù có nhiều ngôi sao đình đám như Cindy Thái Tài, diễn viên Thùy Dương, diễn viên Kim Tính, các ca sĩ, siêu mẫu... bán vé giá bình dân và có trò bốc thăm trúng thưởng sau mỗi suất diễn nhưng ông bầu Minh Béo cũng thừa nhận rằng để cánh màn nhung mở ra hằng đêm là điều rất khó. Khán giả vẫn rất thưa thớt.

Mô hình "xem kịch trước, trả tiền sau" của sân khấu Tâm Ngọc thu hút khán giả trẻ.

Với khán giả trẻ, không mấy người có thói quen đi xem kịch khi bao quanh họ là vô vàn các loại hình giải trí hấp dẫn, thu hút như truyền hình, phim ảnh, ca nhạc… Giá vé của các loại hình này dành cho sinh viên, học sinh khá rẻ, thậm chí là miễn phí trong khi số tiền để sở hữu một tấm vé kịch lại khá cao. Bên cạnh đó, nói như đạo diễn Quang Văn, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM, các sân khấu kịch của nước ta hiện nay đa phần đều lạc hậu từ thiết bị kỹ thuật đến đạo cụ, cách chuyển màn vẫn như kiểu sân khấu ở phương Tây hồi thế kỷ 19. So với điện ảnh, ca nhạc thì kịch nói thua xa về mặt áp dụng công nghệ, kỹ xảo.

Ông chủ của Tâm Ngọc cho hay, khi mô hình "xem kịch trước, trả tiền sau" ra mắt, tỉ lệ khán giả trẻ là học sinh, sinh viên chiếm số lượng áp đảo.  Bởi giá vé như trên rất phù hợp với túi tiền của họ.  Đặc biệt mô hình này áp dụng cho tất cả các vở kịch và là mô hình bán vé chính thức của Tâm Ngọc nên khán giả có thể theo dõi tất cả các vở kịch mình yêu thích.

Thành công của Tâm Ngọc là điều có thể lý giải. Tuy dàn diễn viên trẻ nhưng họ có tài năng, dàn dựng những vở kịch không thua kém các sân khấu khác. Vì xét cho cùng "xem kịch trước, trả tiền sau" chỉ là mặt hình thức, còn níu chân được khán giả hay không vẫn phụ thuộc vào mặt nội dung. Do đó, Sân khấu Kịch Tâm Ngọc vẫn đang đi tìm cho mình một phong cách với những mảng miếng kinh dị vừa phải xen lẫn cảnh hài vui nhộn nhí nhảnh. Tuy nhiên, để duy trì mô hình này, ngoài tăng suất diễn, Sân khấu Kịch Tâm Ngọc cũng đang cố gắng chạy đua để dựng vở mới.

Dù doanh thu không chắc sẽ tăng khi đối tượng khán giả là học sinh, sinh viên tăng nhưng chắc chắn một điều: Tâm Ngọc đang tạo cơ hội cho giới trẻ tiếp cận với kịch nói - nơi người xem có thể tương tác với diễn viên, tạo nên sự thăng hoa cả ở người diễn lẫn người xem. Giới trẻ không chỉ là khán giả tức thời mà hứa hẹn sẽ là khán giả tiềm năng về sau của kịch nói.

Sân khấu Kịch Tâm Ngọc đã đăng ký bản quyền cho mô hình "xem kịch trước, trả tiền sau". Nhưng như vậy không có nghĩa là các sân khấu khác không được phép học hỏi từ mô hình này. Theo Phạm Vũ Kiên, anh đăng ký bản quyền để nếu có tranh chấp thì dễ dàng giải quyết. Còn nếu các sân khấu khác muốn học hỏi mô hình này để thỉnh thoảng giới thiệu các vở kịch mới, tạo cơ hội cho khán giả bình dân (đặc biệt là khán giả trẻ) tiếp cận và thử đo nhu cầu, độ hài lòng của công chúng thì đó là việc làm cần khuyến khích, anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm.

Phan Thi Uyên
.
.