Trách nhiệm không của riêng ai

Thứ Hai, 08/07/2013, 08:00

Trong tuần qua, có một sự kiện liên quan đến giới truyền thông đã gây sự chú ý đặc biệt đối với nhiều người: Đó là việc Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình ký quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày, kể từ ngày 23/6 đối với ông Vũ Anh Thao, Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình (PTTH) tỉnh Thái Bình để "làm rõ trách nhiệm thực hiện phát tin về dự báo và công tác thông tin tuyên truyền phòng chống cơn bão số 2 năm 2013 theo sự chỉ đạo của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh".

Theo như những gì mà đại diện lãnh đạo tỉnh này cung cấp cho báo giới thì căn cứ để ra quyết định trên dựa vào mấy tình tiết sau đây: Ngày 22/6, khi Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình tổ chức họp các cá nhân, đơn vị liên quan để bàn cách đối phó với cơn bão số 2, ông Vũ Anh Thao đã vắng mặt và ủy thác cho cấp phó dự thay. Lý do là ông Thao bận tổ chức liên hoan, gặp mặt cán bộ, phóng viên của Đài PTTH tỉnh Thái Bình vừa nhận giải C Giải Báo chí Quốc gia từ Hà Nội về. Đến khi cơn bão sắp đổ bộ vào địa phương, Đài này vẫn dành thời lượng đến cả tiếng đồng hồ để đưa tin, tường thuật lễ phát động giải Báo chí tỉnh, trong khi thông tin liên quan đến cơn bão số 2 được đưa rất thưa thớt. Trong quá trình xuống kiểm tra công tác chống lụt bão ở các khu vực ven biển, ông Phạm Văn Sinh, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cũng đã nhận được ý kiến phản ảnh của người dân là họ gần như không nắm bắt được mấy thông tin về cơn bão số 2 qua sóng của Đài PTTH tỉnh, dẫn tới chủ quan trong việc đề phòng, sơ tán chống bão. Cơn bão số 2 đi qua, Thái Bình là một trong những tỉnh bị thiệt hại nặng. Bởi vậy, lãnh đạo tỉnh đã quyết định đình chỉ công tác để làm rõ trách nhiệm của ông Vũ Anh Thao.

Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Thái Bình họp bàn biện pháp đối phó với cơn bão số 2 (ảnh của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Thái Bình, chụp ngày 22/6/2013).

Tất nhiên, về phần mình, ông Vũ Anh Thao cũng có những lý do để biện giải cho những việc làm bị cho là "tắc trách" của mình. Ông mong dư luận cảm thông, vì ngoài cương vị Giám đốc Đài PTTH tỉnh, ông còn là Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, phải tham gia chủ trì một hội nghị có tính chỉ đạo về chuyên môn. Trên Báo Lao động số ra ngày 26/6, ông Vũ Anh Thao đã giải thích thêm về việc tuyên truyền, thông tin về cơn bão số 2 trên Đài của ông: "Tuyên truyền là có nhiều múi giờ khác nhau. Có thể chỗ thư ký biên tập sơ suất trong việc đưa vào các múi giờ, nhưng có thể chỗ phát sóng lại không phát sóng đúng như thế chẳng hạn". Cũng trên số báo này, ông Vũ Anh Thao cho biết, mặc dù bản tin (báo bão) vẫn "dày dặn", nhưng ý của lãnh đạo tỉnh là ngoài công điện thì phải cập nhật thêm thông tin, trong khi Đài của ông chỉ đưa công điện không.

Việc lãnh đạo tỉnh Thái Bình ra quyết định đình chỉ công tác đối với ông Vũ Anh Thao đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía công luận. Nhiều người cho rằng, sự kiện nói trên không chỉ thể hiện sự nghiêm khắc của lãnh đạo tỉnh này đối với những thiếu sót, khuyết điểm của thuộc cấp mà còn cho thấy họ rất lưu tâm tới công tác tuyên truyền phòng chống lụt bão. Tuy nhiên, không phải không có ý kiến so sánh vụ việc này với một đôi vụ việc khác (ở tỉnh khác) và cho rằng, cách xử lý cán bộ như vậy của Thái Bình là có phần "mạnh tay". Cá nhân tôi, tôi không nghĩ như vậy. Cuộc sống ngày càng phát triển, càng đòi hỏi trong khâu đánh giá, xử lý cán bộ, chúng ta phải đặt nặng vấn đề trách nhiệm cá nhân. Ông Vũ Anh Thao là giám đốc một cơ quan tuyên truyền quan trọng của một tỉnh. Thái Bình lại là tỉnh qui mô dân số lớn, mật độ dân số đông. Công tác tuyên truyền phòng chống lụt bão lại liên quan đến đời sống sinh hoạt, thậm chí là tính mệnh của biết bao con người. Không thể vì bất kỳ lý do nào mà xem nhẹ vấn đề này. Trên Báo điện tử Dân Việt ra ngày 27/6/2013, ông Nguyễn Ngô Hai, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên đã có một ý kiến rất xác đáng: "Chống bão lũ, hỏa hoạn phải là ưu tiên số 1 vì chỉ cần chậm trễ chút thôi cũng có thể gây ra hậu quả khôn lường, đặc biệt là thiệt hại cho tính mạng của nhân dân".

Khi tôi đang viết những dòng này thì cũng là lúc đọc được tin: Ngày 25/6 vừa qua, lãnh đạo Kênh truyền hình News Express (Ấn Độ) đã ra quyết định sa thải một phóng viên của họ chỉ vì anh này khi đưa tin về cơn lũ lụt kinh hoàng ở miền Bắc Ấn Độ đã xuất hiện với tư thế… ngồi trên vai một người dân - nạn nhân của cơn bão lũ. Hình ảnh này bị xem là phản cảm, gây phẫn nộ trong công luận. Sở dĩ anh Narayan Pargaien (tên người phóng viên) phải nhận mức trừng phạt nặng như vậy bởi ban đầu, khi Narayan Pargaien gửi cho Kênh truyền hình News Express đoạn băng video nói trên, các lãnh đạo ở đây dứt khoát không cho đăng. Vậy mà, không biết từ đâu, đoạn video được tải lên YouTube, gây bất bình trong dư luận. Rõ ràng, một sự việc khi vượt ra phạm vi một người, gây ảnh hưởng xấu tới cộng đồng thì mức xử lý vì thế cũng nặng hơn. Đây là việc hiển nhiên diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Chẳng qua ở ta, nhiều người hiện vẫn chưa quen với cách xử lý kiểu này mà thôi

Tường Duy
.
.