Trách nhiệm của người đứng đầu

Thứ Sáu, 29/09/2017, 08:28
Một con số khiến tất cả các đại biểu tham dự phiên họp đều băn khoăn, đó là trong nửa đầu năm 2017, TAND các cấp xét xử sơ thẩm 145 vụ án tham nhũng với 328 bị cáo, trong số đó chỉ có 25 người đứng đầu bị đưa ra xét xử. Một câu hỏi lớn được đặt ra, vậy còn 303 sếp nữa đang ở đâu và có bị xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng hay không?


Tại Phiên họp thứ 14 Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vừa diễn ra, thảo luận Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017, các đại biểu đánh giá Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống tham nhũng và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn chưa có những giải pháp mang tính đột phá; thể chế, chính sách trên nhiều lĩnh vực còn sơ hở; việc thực thi pháp luật nói chung và pháp luật nói riêng còn chưa nghiêm.

Đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn còn bị xem nhẹ và chưa tương xứng với số vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử thời gian qua.

Một con số khiến tất cả các đại biểu tham dự phiên họp đều băn khoăn, đó là trong nửa đầu năm 2017, TAND các cấp xét xử sơ thẩm 145 vụ án tham nhũng với 328 bị cáo, trong số đó chỉ có 25 người đứng đầu bị đưa ra xét xử. Một câu hỏi lớn được đặt ra, vậy còn 303 sếp nữa đang ở đâu và có bị xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng hay không?

Ảnh có tính chất minh họa - (Nguồn Internet).

Khi Chính phủ ban hành Nghị định số 107/2006/NĐ-CP “Quy định việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng”, chúng ta có quyền hy vọng tiêu cực, tham nhũng từng bước được đẩy lùi. Tuy nhiên, cái gì cũng có mặt trái của nó, cho nên quy định này cũng không thoát khỏi quy luật chung đó.

Có không ít cơ quan, đơn vị, địa phương rơi vào tình trạng người đứng đầu vì sợ trách nhiệm, sợ ảnh hưởng tới thành tích tập thể, ảnh hưởng tới lợi ích cá nhân nên khi có "sự cố", bằng mọi giá bưng bít, ém nhẹm, rất sợ phát huy dân chủ, sợ những ai nói thẳng, nói thật...

Điều này đã lý giải phần nào câu hỏi vì sao chưa có cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương nào phát hiện ra tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra mặc dù đây là công việc rất quan trọng, được thực hiện định kỳ, thường xuyên ở các đơn vị, tổ chức, địa phương. Thông qua công tác tự kiểm tra sẽ sớm phát hiện, ngăn chặn hành vi tiêu cực, tham nhũng, góp phần hình thành đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử, đoàn kết, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên.

Dư luận ngờ rằng có sự chỉ đạo của người đứng đầu để không tiến hành tự kiểm tra nên cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mới không phát hiện ra tham nhũng.

Tinh vi hơn, người đứng đầu thường đứng ngoài cuộc, để cho tay chân thân tín của mình làm, có động tĩnh gì mình đứng ra tiếp xúc với cấp trên, với thanh tra, kiểm toán hoặc cơ quan bảo vệ pháp luật cho nó có tính vô tư, khách quan. Lúc đấy họ sẽ dễ bề thuyết phục, đề xuất theo chiều hướng có lợi, gỡ tội, chạy tội, giơ cao đánh khẽ để đàn em hạ cánh an toàn... thậm chí lo "hậu sự". Chính nhờ vậy mà hàng ngàn cuộc thanh tra, kiểm tra mỗi năm nhưng chủ yếu là kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc, nặng hơn một chút là xử lý hành chính, xử lý nội bộ, hãn hữu lắm mới chuyển một vụ sang cơ quan điều tra để xử lý hình sự.

Thực tế có nhiều địa phương mỗi năm thực hiện hàng trăm cuộc thanh tra, nhưng trong nhiều năm liền không chuyển được vụ việc, vụ án có dấu hiệu tham nhũng nào sang cơ quan điều tra. Các kết luận thanh tra vẫn nặng về các cụm từ: đầu tư dàn trải; không hiệu quả; thiếu kiến thức dẫn đến sơ suất…

Rà soát lại những vụ việc, vụ án trong thời gian qua, chúng ta không khó để chỉ ra những vụ việc, vụ án nghiêm trọng nhưng đối tượng chỉ cần khắc phục hậu quả là thoát được trách nhiệm hình sự bằng cách đổ lỗi cho cơ chế, biến trách nhiệm cá nhân thành trách nhiệm tập thể, nếu không thì xử lý hành vi cố ý làm trái hay thiếu trách nhiệm vì không rõ hành vi “vụ lợi” là có thể thoát được tội tham nhũng một cách dễ dàng.

Thật đáng buồn và đáng lo ngại là rất khó tìm ra các cơ quan, đơn vị, cá nhân phải chịu trách nhiệm về việc xử lý thiếu kiên quyết, thiếu nghiêm minh, kéo dài thời gian xử lý làm nản lòng người đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, khiến lòng dân không yên, dẫn tới tâm lý hoài nghi của nhân dân đối với các cơ quan tư pháp, bảo vệ pháp luật, vào tính nghiêm minh của pháp luật và hiệu quả của công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, đồng thời tạo điều kiện cho các đối tượng vi phạm tẩu tán, tiêu hủy chứng cứ, tài sản nhằm chạy tội.

Tỷ lệ cấp dưới chịu trách nhiệm và bị xử lý hình sự về hành vi tham nhũng cao hơn rất nhiều so với người đứng đầu, chính vì vậy đằng sau các  cuộc thẩm tra, xác minh, thậm chí là các phiên tòa xét xử công khai, kẻ phạm tội tham nhũng vẫn không “tâm phục, khẩu phục”, còn người dân thì băn khoăn tự hỏi: xử xong rồi à? Thế còn các “sếp” thì sao?

Cù Tất Dũng
.
.