Tính dân tộc và tính hiện đại trong văn chương

Thứ Ba, 07/09/2010, 10:19
Xây dựng một nền văn chương tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, tức là nền văn chương hiện đại là một công việc lớn, nặng nề không kém gì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước về mặt kinh tế. Không thể để phát triển tự phát mà phải có định hướng giống như định hướng phát triển kinh tế. Đồng thời phải biết tổ chức tác động một cách có nghệ thuật để cho sự phát triển nhanh hơn, khoẻ khoắn và trong sạch...

Tính dân tộc và tính hiện đại trong văn chương không phải là những vấn đề mới. Thậm chí, có thời nó đã là những kiến thức lý luận phổ thông mà mọi người trong giới văn nghệ và bạn đọc đều hiểu. Nhưng những năm gần đây, từ khi đất nước đổi mới, mở cửa hội nhập với thế giới, thì nhiều người lãng quên vấn đề này, hoặc có sự nhầm lẫn, ảnh hưởng đến sáng tác, phê bình và thưởng thức văn chương. Vì vậy, tính dân tộc và tính hiện đại trong văn chương vẫn là một vấn đề thời sự, nên tôi muốn trình bày thêm một số suy nghĩ của mình.

1Văn chương thể hiện đời sống tinh thần của một dân tộc, nên mãi mãi tính dân tộc là một thuộc tính của văn chương. Không thể có nền văn chương của dân tộc này lại giống nền văn chương của một dân tộc khác. Lịch sử văn chương Việt Nam và thế giới đều hiển nhiên chứng tỏ điều đó. Có những dân tộc chỉ có mấy chục nghìn người cũng có nền văn chương riêng, trong đó có những tác giả và tác phẩm nổi tiếng thế giới. Chỉ bao giờ một dân tộc bị hoàn toàn đồng hóa thì nền văn chương của dân tộc đó mới dần dần bị biến mất mà thôi.

Đời sống tinh thần của một dân tộc, trong đó có văn chương có sức sống rất dai dẳng. Có những dân tộc bị mất nước, bị ngoại bang đô hộ hàng trăm năm, thậm chí hàng nghìn năm nhưng dân tộc ấy không bị đồng hóa thì nền văn chương riêng của họ vẫn tồn tại và phát triển. Mỗi tác phẩm văn chương có giá trị trở thành tín hiệu của một dân tộc thông báo với thế giới, góp phần cho thế giới nhận biết về dân tộc của mình. Không thể có một tác phẩm văn chương có giá trị nào mà lại không có tính dân tộc riêng sâu sắc.

Tính dân tộc của một nền văn chương, của mỗi tác phẩm văn chương thể hiện ở rất nhiều khía cạnh, nhưng tập trung rõ nhất ở ba mặt: tư tưởng, tâm hồn và những nét sinh hoạt của một dân tộc. Mỗi tác phẩm văn chương, dù là bài thơ hai câu hay một tiểu thuyết dài nhiều tập đều mang tư tưởng nhà văn, mà tư tưởng nhà văn thì sẽ mang tư tưởng của một dân tộc nhất định. Nếu có nhà văn ở một dân tộc, ở một thời nào đó có tư tưởng đi ngược lại tư tưởng của dân tộc mình thì bao giờ cũng bị đào thải. Những nhà văn tiên tiến của mọi thời đại đều là người đại diện tiêu biểu của dân tộc mình về mặt tư tưởng.

Trong lịch sử văn chương Việt Nam, những tác phẩm của Nguyễn Trãi đại diện cho tư tưởng yêu nước và nhân nghĩa của thời đại ông; "Truyện Kiều" của Nguyễn Du mang tư tưởng phản kháng và chủ nghĩa nhân đạo của dân tộc ta cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX; những tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu mang tinh thần quật cường bất khuất của dân tộc cuối thế kỷ XIX, những tác phẩm văn chương của Hồ Chí Minh, Tố Hữu và nhiều nhà văn, nhà thơ hiện đại khác mang tư tưởng "Không có gì quý hơn độc lập tự do" của dân tộc ta ở thế kỷ XX. Đồng thời, mỗi tác phẩm văn chương đều thể hiện tâm hồn phong phú của một dân tộc. Vẻ đẹp tuyệt vời của tâm hồn người phụ nữ Việt Nam trong câu ca dao "Chồng ta áo rách ta thương/ Chồng người áo gấm xông hương mặc người" không thể lẫn với các dân tộc ở phương Tây. Đời sống tâm hồn phong phú và đa dạng của dân tộc Việt Nam thể hiện rất đậm nét trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du, dẫu tác phẩm có khoác tấm áo cốt truyện Trung Quốc. Phong trào Thơ Mới 1932-1945 dù hình thức thơ có được thoát thai từ việc học tập thơ Pháp, thì hồn dân tộc đều thấm đẫm trong từng bài thơ với nhiều phong cách khác nhau. Nền văn chương Việt Nam từ 1945 đến nay, những tác phẩm chân chính với nhiều đề tài phản ánh khác nhau, thì đời sống tâm hồn con người Việt Nam bao giờ cũng hiện lên đẹp đẽ: Anh hùng bất khuất, tình nghĩa thủy chung, cần cù sáng tạo, tinh thần quốc tế muốn làm bạn với nhân dân các nước....

2 Khác với tính dân tộc làm mọi người dễ thống nhất, tính hiện đại của một tác phẩm văn chương thường được mọi người hiểu khác nhau. Có người cho rằng, tất cả tác phẩm tiêu biểu của một dân tộc đều là tác phẩm hiện đại của dân tộc mình trong thời điểm đó, và có những mặt cho đến nay vẫn còn hiện đại. Lại có người hiểu tính hiện đại chỉ được biết đến với những tác phẩm trong thế kỷ XX, khi văn chương có sự giao lưu giữa các dân tộc trên thế giới. Một số người nói đến tính hiện đại của văn chương là để chỉ các sản phẩm văn chương được sản xuất từ Mỹ và phương Tây những năm gần đây... Dẫu sao thì từ "hiện đại" luôn đi liền với sự mới mẻ và có giá trị, là tiêu biểu cho những gì tiên tiến nhất của thời đại.

Vậy tính hiện đại trong văn chương ngày nay là gì? Có một thước đo chung để đánh giá tác phẩm của tất cả các dân tộc mà có người gọi là "ISO nhân loại" hay không?

Dẫu chúng ta không được phân chia các dân tộc trên thế giới thành dân tộc thượng đẳng và dân tộc hạ đẳng, nhưng chúng ta vẫn phải thừa nhận rằng văn chương của các dân tộc trên thế giới phát triển không đồng đều. Đó là một chuyện bình thường. Một dân tộc có nền văn chương chưa phát triển bằng dân tộc khác không có nghĩa là dân tộc ấy chậm phát triển hơn. Ví như, Mỹ có nền điện ảnh đứng đầu thế giới, nhưng nền văn chương Mỹ làm sao có thể sánh được với những nền văn chương đồ sộ của Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, và châu Mỹ Latinh...

Không phải bao giờ sự phát triển của văn chương cũng tỷ lệ thuận với sự phát triển của kinh tế. Nền văn chương hiện nay của Mỹ làm gì có tác phẩm nào hay như tập thơ "Lá cỏ" và tiểu thuyết "Cuốn theo chiều gió", cũng có tên tuổi nào được như Uýtman, Ô.Henry, Hêminguây... Nền văn chương Mỹ không đứng đầu thế giới như nền kinh tế Mỹ thì cũng không có ảnh hưởng gì đến uy tín của nước Mỹ. Vậy thì có thể lấy ISO Mỹ làm thước đo để đánh giá văn chương nhân loại hay không? Còn châu Âu nói chung có một nền văn chương khá phát triển. Nhưng nếu tính theo từng dân tộc thì lại cũng phân tán. Dẫu kể chung phương Tây thì cũng chỉ là một trong những nền văn chương khá phát triển mà thôi. Vậy thì làm sao có thể lấy ISO phương Tây để đo văn chương nhân loại được?

Vườn hoa nhân loại đẹp bởi có nhiều loài hoa đẹp. Chúng ta hãy tưởng tượng nếu thế giới này chỉ có một loại hoa thì đơn điệu biết bao nhiêu, dẫu loại hoa ấy có đẹp đến như hoa Sen của Việt Nam, hoa Đào của Trung Quốc, hoa anh đào của Nhật Bản, hoa hồng của Bungari, hay hoa tuylíp của Hà Lan. Vườn hoa văn chương nhân loại cũng sẽ nhạt nhẽo và tẻ ngắt khi chỉ có một loại văn chương na ná như nhau, giống như văn chương Mỹ, hay văn chương phương Tây, thậm chí giống văn chương Việt Nam thì ta cũng chẳng lấy gì làm thích thú. Nên không thể lấy bất cứ một nền văn chương nào dẫu có thể xếp nền văn chương đó đứng đầu thế giới để làm thước đo chung cho văn chương của các dân tộc.

3 Tính dân tộc và tính hiện đại là hai đặc tính của văn chương, luôn đi liền, có tác dụng tương hỗ với nhau. Những tác phẩm văn chương tiêu biểu của các dân tộc sẽ trở thành tài sản chung của nhân loại. Ngày nay, hội nhập thế giới, tất nhiên có giao lưu văn chương. Giao lưu, ngoài sự đóng góp cho thế giới những tinh hoa của mình, các dân tộc cũng học tập lẫn nhau để phát triển. Hiện đại hóa dân tộc và dân tộc hóa hiện đại là quá trình phát triển đang diễn ra ở nền văn chương nhiều nước trên thế giới. Các nhà văn phương Tây đang học tập văn chương phương Đông ở sự huyền bí thiêng liêng của tâm linh trong mỗi tác phẩm. Các nhà văn phương Đông cũng cần học tập văn chương phương Tây tính chất khoa học trong cấu trúc tác phẩm và trong tư duy thể hiện. Và nhiều mặt khác có thể học tập lẫn nhau.

Ngày nay, một nền văn chương với những tác phẩm văn chương không hiện đại, tức là không chịu mở cửa giao lưu, không chịu học tập những cái hay, cái đẹp của các dân tộc khác thì cũng không còn là dân tộc mình nữa. Ngược lại, một nền văn chương kiêu ngạo cho mình là nhất thế giới, muốn đi dạy bảo các dân tộc khác hòng đồng hóa văn chương của các dân tộc khác mà không biết những điểm yếu của mình thì cũng có số phận tương tự. Nhưng chọn được những điều hay mà học cũng không phải dễ.

Trong những sách dịch ồ ạt những năm gần đây ở nước ta về văn chương của các dân tộc trên thế giới, bên cạnh những tác phẩm tốt, còn rất nhiều những tác phẩm thường thường, không tiêu biểu, thậm chí còn cả những tác phẩm xoàng xĩnh, yếu kém, mà có người ngộ nhận, nhầm tưởng là hiện đại. Chúng ta phải cảnh giác với một cuộc xâm lăng, một cuộc đồng hóa văn chương của những thứ văn chương hạ cấp trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Xây dựng một nền văn chương tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, tức là nền văn chương hiện đại là một công việc lớn, nặng nề không kém gì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước về mặt kinh tế. Không thể để phát triển tự phát mà phải có định hướng giống như định hướng phát triển kinh tế. Đồng thời phải biết tổ chức tác động một cách có nghệ thuật để cho sự phát triển nhanh hơn, khoẻ khoắn và trong sạch. Điều này không hề ảnh hưởng đến tự do sáng tác của văn nghệ sĩ. Những gì tốt đẹp thì khuyến khích và thúc đẩy tạo điều kiện phát triển nhanh; những gì là cỏ dại, hoa độc thì phải ngăn chặn, loại bỏ. Đó là một việc làm bình thường của tất cả các chế độ xã hội xưa nay muốn cho đất nước phát triển lành mạnh, kể cả ở các nước phương Tây

Đ. Q.T
.
.