Tín ngưỡng thờ tam, tứ phủ của người Việt

Thứ Sáu, 07/05/2021, 12:10
Hầu đồng là một nghi thức không thể thiếu trong hoạt động tín ngưỡng dân gian và đặc biệt chỉ có mặt duy nhất ở Việt Nam. Các điệu múa trong hầu đồng là bảo tàng sống bảo tồn các loại múa cổ truyền của người Việt.


Cùng với làn sóng mới của hội nhập và mở cửa, hầu đồng rộn ràng bước ra từ nơi đình, chùa, đền, phủ... để đến với một không gian sân khấu rộng dài và từng bước đi ra thế giới. 

Không ít những nghệ sĩ tài danh đã tiên phong, phạt đường, mở lối đưa hầu đồng từ nơi tâm linh thâm nghiêm để tiếp cận khán giả trong và ngoài nước, giới thiệu loại hình nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam. Nhưng họ cũng nhận không ít ì xèo, “gạch đá”, những lời ngăn cản. B

ước qua tất cả những ầm ào đó, những người nghệ sĩ vẫn miệt mài ngày đêm thức ngủ với hầu đồng, đau đáu với loại hình nghệ thuật có một không hai này để lưu giữ bảo tồn và phát huy vốn quý của dân tộc.

Cố GS Ngô Đức Thịnh đã dày công nghiên cứu và thành công khi những trang viết đầy tính thuyết phục của ông được UNESCO công nhận “Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” trở thành di sản văn hoá phi vật thể. Hầu đồng là một nghi lễ trong thờ Tam phủ. Mẫu đệ Nhất Thiên Tiên (Mẫu Thượng Thiên - Mẫu trời), Mẫu đệ Nhị Thượng Ngàn (Mẫu rừng) và Mẫu đệ Tam Thoải Phủ (Mẫu miền sông nước). 

Việt Nam trước đây là một nước có địa hình với 3/4 là rừng núi, chỉ 1/4 là đồng bằng. Cùng với sông hồ, ao suối xen kẽ. Người ngày xưa sống chủ yếu là trồng trọt, săn bắn nên nương vào mẫu mẹ Thượng Ngàn. Và, người Việt cũng gắn chặt với nền văn minh nông nghiệp lúa nước nên cầu cho mưa thuận gió hoà và thờ mẫu Thượng Thiên và Thoải Phủ. 

Những người mẹ thiên nhiên bao bọc, nuôi dưỡng tâm hồn người dân Việt. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử và biết bao cuộc can qua, đã có không ít những Tù trưởng, những Anh hùng dân tộc, những vị Tướng tài, những người con ưu tú của người Việt đứng lên để đánh giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi, sau khi họ mất đi, được nhân dân biết ơn và nhân dân phong Thánh. 

36 giá đồng là ca ngợi những người có công với đất nước qua làn điệu hát văn giàu sức truyền cảm và điệu múa uyển chuyển của các thanh đồng. Mỗi giá đồng là một câu chuyện, một vùng đất, một tộc người.

Lo sợ, cho việc hầu đồng không còn nguyên giá trị khi bị đưa lên sân khấu, GS Trần Quang Hải, con trai trưởng của GS Trần Văn Khê trong một cuộc hội thảo khoa học về “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu” đã lên tiếng e ngại, vội vã đưa ra kết luận: “Sự biến tướng này nên dừng lại, trả lại chầu văn với đúng tính chất của nó”. Vậy những gì GS Trần Quang Hải kết luận có thực đúng và thực sự đáng lo ngại? Xin nhường lời cho những nghệ sĩ tiên phong tôn vinh đạo Mẫu dưới góc nhìn nghệ thuật. l

Sân khấu hóa nghi lễ Hầu đồng, các nghệ sĩ đã đưa khán giả tiếp cận gần hơn với Đạo Mẫu Tứ phủ, một trong những tín ngưỡng bản địa của văn hóa dân gian Việt Nam.

Chúng tôi đang quảng bá hầu đồng ra thế giới - NSND Thanh Ngoan (Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam)

- Tại một cuộc Hội thảo “Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt”, có ý kiến cho rằng, việc các nghệ sĩ đưa hầu đồng lên sân khấu làm mất đi không gian đúng chất của hát chầu văn và nghi lễ chầu văn của người Việt, và thậm chí người ta còn nặng nề gọi việc diễn xướng hầu đồng trên sân khấu là “biến tướng”. Là người trong cuộc chị có ý kiến gì về suy nghĩ này?

+ Đúng là có giai đoạn có những người nói là không nên đưa hầu đồng lên sân khấu. Mình sống ở Việt Nam, mình sống trong không gian nhuốm màu tâm linh ấy, mình đã từng ngồi hát và đến bây giờ mình vẫn đi dự đồng ở đền, phủ. 

Ngay từ năm 1993, Nhà hát Chèo đã dàn dựng 3 giá đồng và mang sang Pháp biểu diễn, lúc đấy bạn bè quốc tế mới biết đến có một loại hình nghệ thuật độc đáo ở Việt Nam. Bây giờ tối thứ sáu hằng tuần Nhà hát Chèo Việt Nam trong chiếu chèo vẫn giới thiệu các giá đồng. 

Trong những năm gần đây, chúng tôi dàn dựng nhiều chương trình lớn về hầu đồng để bán vé. Sân khấu hoá được dàn dựng rất đẹp, lề lối rất nghiêm túc, khán giả xem đều rất thích. Mọi người nên nhìn nhận lại, sân khấu hoá cũng là để tôn vinh, giới thiệu một loại hình nghệ thuật đặc sắc.

Hát văn trên sân khấu ở đây không phải là sai, mà là tôn vinh các vị Thánh, Thần đã có công trạng theo chiều dài lịch sử của đất nước. Trước đó hầu đồng chỉ có ở trong đền, phủ ít người biết, nhưng không phải ai cũng có điều kiện đến đền, phủ để dự những vấn đồng được. Còn khi sân khấu hoá thì chúng ta không thể bê nguyên lên sân khấu và chúng ta làm ở đây mang tính nghệ thuật cao, phải nghiên cứu rất kĩ mới đưa lên được. Một sân khấu ước lệ, cách điệu. 

Trên sân khấu chúng ta tôn vinh và giới thiệu về nghệ thuật hầu đồng, trong đó có hát của cung văn, có múa, diễn xướng, cách thức lên đồng. Chúng ta tôn vinh nền nghệ thuật hát văn, càng nhiều khán giả biết càng hay, chúng ta có những Nhà hát để bảo tồn phát huy văn hoá truyền thống của dân tộc thì đấy cũng là một hình thức bảo tồn và giới thiệu. 

Bây giờ nhiều đoàn nghệ thuật vẫn dàn dựng các giá đồng để biểu diễn với khách du lịch, mục đích quảng bá, giới thiệu cho thế giới biết cái hay, cái đẹp của nền nghệ thuật hát văn (mặc dù không đầy đủ) ở Việt Nam.

- Người ta bảo:“Được diễn như lên đồng”, vậy không biết Nhà hát Chèo Việt Nam lên đồng như thế nào?

+ Mỗi khi Nhà hát làm một chương trình lớn, ai cũng hồ hởi, có những diễn viên bảo: “Chị ơi, múa nhẹ cũng được, cho em tham gia vào, bởi vì được tham gia cái tâm em sướng lắm”. Ai cũng khát khao dâng hiến, đấy là tâm nguyện của anh chị em nghệ sĩ, xin với Mẫu, với Phật chúng con dâng Văn để ca ngợi. 

Mọi người vui vẻ, hoan hỉ và những giá hầu được dàn dựng rất cầu kì, nhưng cầu kì dựa trên cốt lõi của đạo Mẫu chứ chúng tôi không làm sai. Mở như thế nào, kết như thế nào, tích của từng vị như thế nào? Quan như thế nào? Hoàng thế nào? Chầu thế nào? Cô thế nào? Cậu thế nào? Phải khai thác triệt để và tận dụng vào múa hát trên văn đàn để đưa lên sân khấu là tính điển hình, chắt lọc những gì tinh tuý nhất.

Nói thẳng ra rằng đưa hầu đồng lên sân khấu còn khó hơn rất nhiều hầu trong đền, phủ. Vào đền, phủ nghe một vấn hầu 5 hoặc 6 tiếng không vấn đề gì bởi vì không gian đấy mọi thứ quện vào nhau. Nhưng khi đưa lên sân khấu một chương trình trong vòng một tiếng rưỡi, hai tiếng biểu diễn 9, 10 giá đồng mà vẫn cuốn hút thì phải tính toán, điều quan trọng nhất là phải long lanh, phải đẹp, hát phải hay, múa phải quyến rũ.

Còn sức khoẻ, tôi phải làm tất cả để cảm ơn tiền nhân - NSƯT Xuân Hinh

Không có một quốc gia nào trên thế giới có đạo Tam, Tứ phủ như ở Việt Nam. Khắp thế giới các châu lục cũng không có nơi nào có hầu đồng, hát văn như ở Việt Nam. Tôi có máu tham,  là người hay tiên phong đầu tiên. Ví dụ như hát văn mà thu thành cuốn băng cát set để duyệt cái cuốn băng đó tôi cũng là người đầu tiên, đến quay hình về hầu đồng mình cũng là người tiên phong. 

Ở trên sân khấu những giá hầu có thể hát nửa tiếng hoặc 1 tiếng nhưng mà khó vì chương trình có giới hạn thì phải làm thế nào, phải cắt ngắn bớt đi lấy những gì cô đọng nhất. Rồi qua tiếng hát, điệu múa, sự nhập đồng mình phải làm thế nào để cho lớp trẻ ngày nay yêu văn hoá đó. Đấy quả là một điều rất khó với những người có tuổi như tôi.

Đạo Mẫu là tín ngưỡng thờ cúng tâm linh có từ bao đời nay, Mẫu là người mẹ. Hầu đồng là câu chuyện kể bằng làn điệu hát văn cùng với điệu múa của những thanh đồng. Trên sân khấu hầu đồng những giá Mẫu, giá Chầu, giá Cô là những người mẹ huyền thoại đã được lịch sử hoá và sân khấu hoá, hoá thân thành những vị Thánh Mẫu danh tiếng có công lao xây dựng quê hương, đất nước. Cho nên tôi phải diễn xướng hầu đồng để lưu truyền cho thế hệ trẻ biết được vốn quý của dân tộc. 

Ở mỗi giá Mẫu, giá Chầu, giá Cô tôi thấy bóng dáng của những người mẹ vĩ đại Việt Nam anh hùng. Tôi xin cảm ơn tất cả những người mẹ hiện thực, quanh quẩn trong gia đình chúng ta, nuôi nấng chúng ta. Cuộc đời tôi còn sức khoẻ, tôi phải làm tất cả những việc gì mà tôi muốn để cảm ơn tiền nhân, đó là đưa hầu đồng đến với đông đảo mọi người, để giới trẻ thêm yêu một tín ngưỡng dân gian Việt Nam có tự ngàn đời.

Người tiên phong tôn vinh đạo Mẫu dưới góc nhìn nghệ thuật - NSND Lan Hương (Giảng viên Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội, Nguyên Trưởng đoàn kịch hình thể Nhà hát Tuổi Trẻ)

- Ngoài danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân với những vai diễn đình đám từ sân khấu bước vào màn ảnh qua nhiều thập niên nay, nhưng vài năm gần đây người ta lại biết đến chị với một cụm danh từ khác:“thanh đồng”. Chị gần như là người tiên phong đưa hầu đồng chỉ quen có mặt ở nơi thờ tự tâm linh tín ngưỡng đình, chùa, đền, phủ thành hẳn một chương trình dàn dựng công phu mang tên “Tâm linh Việt” trên sân khấu giao lưu cùng khán giả.

+ Cái gì cũng có cơ duyên của nó. Đạo Mẫu thấm đẫm vào hồn cốt của người Việt, nhất là những ai ở miền Bắc Việt Nam, nơi có những làng quê gắn với mái đình, giếng nước, gốc đa, với con đường làng quanh co và những ngôi chùa cổ kính rêu phong. 

Ở đó ông cha ta thờ những nhân vật lịch sử mà huyền tích còn ghi dấu là những vị Thành hoàng làng, những người đã có công với đất nước, dạy dệt lụa, xe chỉ, hái thuốc cứu người, hay chống giặc ngoại xâm, giữ dìn bờ cõi, mở mang đất nước. 

Văn hoá tín ngưỡng thờ Mẫu có 36 giá đồng là ca ngợi những nhân vật lịch sử người Việt qua nhiều vùng miền khác, từ đồng bằng cho đến miền núi, từ người Kinh cho đến người Tày, người Nùng... cho thấy sự đa dạng về văn hoá, và sự giao lưu vùng miền qua một loại hình văn hoá tâm linh mà ở đó ta thấy tình hữu hảo của các dân tộc Việt.  

Hồi còn nhỏ tôi hay bị ốm đau oặt oẹo suốt, chẳng mấy khi khoẻ. Một lần tôi được bà tôi dắt đến ngôi chùa trong làng dự hầu đồng. Ở trên bệ thờ là những bức tượng linh thiêng, hương khói nghi ngút, dưới sập là một người đang múa. Nghe thấy tiếng nhạc réo rắt, tôi thích quá mặc dù đang ốm nhưng đã nhảy phắt lên sập đồng giằng lấy khăn phủ diện của bà đồng. Tôi cầm cái khăn phủ diện ấy, khoa chân múa tay, hò hét quát tháo mọi người, thực ra tôi thích múa.

Nói về tâm linh là tôi có căn đồng, còn nói theo khoa học thì tôi là người thích biểu diễn, thích làm một ai đấy, đến khi lớn lên, sự ham thích này bị gián đoạn bởi hầu đồng cũng có những bước thăng trầm. Đã có thời người ta coi hầu đồng là mê tín dị đoan. Những ông đồng, bà cốt bị mang ra kiểm điểm, và người ta không còn thấy bóng dáng của loại hình hầu đồng trong không gian tâm linh ấy nữa. 

Sau một thời gian bị gián đoạn thì hầu đồng được xã hội nhìn nhận đúng tính chất và quay trở lại có mặt tại các nơi tâm linh tín ngưỡng, nhất là người ta nói thế kỉ này là thế kỉ của thời đại công nghệ số và tâm linh. Nhiều nhà nghiên cứu văn hoá dày công nghiên cứu về loại hình độc đáo này, và đã được UNESCO công nhận “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt là Di sản văn hoá phi vật thể”.

Mười tuổi tôi đã đi đóng phim và trải dài cho đến khi tôi trở thành diễn viên của sân khấu Nhà hát Tuổi Trẻ thì tôi thấy mọi người hay nói: “Lan Hương lên sân khấu cứ như lên đồng, khác hẳn ở ngoài”.

- Vâng, diễn như lên đồng và lại là một thanh đồng chính hiệu, nên cả lên đồng và thanh đồng gặp nhau thì cùng hoà quyện và bùng nổ. Chị đã có những màn trình diễn nghệ thuật lên đồng xuất sắc trên sân khấu. Cơ duyên hầu đồng này đến từ đâu?

+ Bạn nói đúng, tôi là người tiên phong tôn vinh đạo Mẫu dưới góc nhìn nghệ thuật. Năm 2006 là cột mốc đáng nhớ trong đời tôi. Một sáng thức dậy tôi thấy cồn cào, ruột gan như lửa đốt, và lúc đấy như mê đi trong không gian thần thánh của mình. Tôi dậy, cắm cúi viết luôn đề cương “Đưa hầu đồng lên sân khấu với góc nhìn nghệ thuật”. 

Hầu đồng có những cái chỉ nhích sang một tí sẽ thành mê tín nhưng tôi thì nhìn với con mắt nghệ thuật nhiều hơn. Bởi vì trong tất cả những đạo ở trên thế giới này các đạo hành lễ thì mang tính chất lễ nghi, riêng hầu đồng trong đạo Mẫu lại mang tính chất nghệ thuật thì chỉ có ở Việt Nam. 

Trong hầu đồng có cung đàn, sáo, trống, phách, hát văn, người lên đồng phải tự mình nhập vào vai Thánh mà trong 36 giá đồng là 36 nhân vật các vị Thánh hoàn toàn khác nhau, chả ai giống ai. Vào thánh Cả, thánh Lớn thì uy phong, vào các thánh nữ thì yểu điệu, vào các thánh cô nhỏ thì lại nhõng nhẽo, vào các cậu bé tì lại ngọng nghịu...

Trước đây đoàn chèo đã đưa 3 giá đồng lên sân khấu nhưng đưa theo lối là một trích đoạn biểu diễn để phô trương hát văn là chính. Tôi thấy ngoài hát văn, hầu đồng còn có phần nghi lễ và hành lễ. Tôi nhận thấy thực sự có một sức hút về nghệ thuật rất ghê gớm, cuốn hút mãnh liệt trong hầu đồng. 

Năm 2006 viết xong đề cương, tôi đưa lên Trung tâm văn hoá Pháp – LEspace, lúc đấy trình độ viết của tôi về đạo Mẫu chưa tốt lắm nên họ trả lời: “Cái này chưa thấy nói gì ở Việt Nam, và cũng không biết Việt Nam có những cái này”. Đến năm 2007 tôi xin Nhà hát dựng vở “Tâm Linh Việt”, may có rất nhiều ông đồng, bà đồng ủng hộ. Người thì ủng hộ khăn áo, người thì ủng hộ chỗ tập. Đến năm 2008 sơ duyệt, 2009 tổng duyệt, mọi người thích.

 - Những người đi tiên phong thường “giơ đầu chịu báng”, chị có chịu áp lực nào không?

+ Trước tôi rất e ngại vì tôi cũng sợ rằng liệu Nhà hát Tuổi Trẻ của mình là Nhà hát dành cho Thanh thiếu niên, mục đích ý nghĩa của Nhà hát không phải là để dành cho tôn giáo thì mình nên làm như thế nào? Thế cho nên mới đầu rất rón rén. Tôi cũng sợ động chạm đến các Thánh, bởi vì các vị Thánh thường ở trong đình, trong điện, trong đền, vậy thì làm thế nào để cho khi lên sân khấu oai phong uy nghiêm? 

Tôi tuyển chọn đội diễn viên kĩ lưỡng, xây dựng ban thờ trên sân khấu. Tôi mang khăn phủ diện của tôi là hồn cốt của mỗi thanh đồng, trùm cho các em trong mỗi lần biểu diễn để cho các Thánh thấy chúng tôi rất nghiêm túc trong việc tôn vinh đạo Mẫu dưới con mắt nghệ thuật. Lúc đấy nhiều khán giả thích lắm.

Trong mấy năm diễn trải dài từ 2009 đến 2016 mỗi năm lại diễn một đợt, tôi thấy những năm đầu nhiều thông tin trái chiều trên mạng, có người mắng tôi là “Điên”. Người mắng tôi cũng khá nhiều, “gạch đá” có thể xây dựng được cả biệt thự chứ không ít. 

Nhưng bên cạnh đấy có nhiều người rất thích, có những thanh đồng đi xem hét tướng lên: “Giời ơi, Nhà hát Tuổi Trẻ lên đồng đẹp nhất Việt Nam”. Bởi vì dàn diễn viên đều là diễn viên múa thuần thục chuyên nghiệp, cộng với được tôi dạy cho các em hồn cốt của các vị Thánh. Tôi sử dụng âm nhạc là tiếng hát NSƯT Văn Chương. Văn Chương còn tìm cách đưa khán giả đến để xem thế nào là đạo Mẫu. 

Đến năm 2010 thì tôi thấy một số đơn vị nghệ thuật đưa đạo Mẫu lên sân khấu, tôi thở phào nhẹ nhõm nghĩ: “À may quá, không phải chỉ mình mình. Nếu chỉ có mình mình thì thấy mình hỗn xược. Chắc Mẫu không cho rồi”. Đến khi đọc báo thấy GS Ngô Đức Thịnh cũng nói về đạo Mẫu. Bây giờ hát Văn đã được UNSECO công nhận là văn hoá phi vật thể.

- Hiện nay, tín ngưỡng thờ Tam, Tứ phủ của người Việt và hầu đồng vẫn được xem là xa lạ với nhiều người, và cũng có không ít ác ý khi cho rằng hầu đồng là những người đồng bóng, hoặc có vấn đề về giới tính...

+ Chúng ta phải nhìn nhận lại bằng con mắt nghiêm túc và khách quan, chứ không nên chụp mũ. Trong xã hội phong kiến không chấp nhận việc cùng giới yêu nhau, những người đồng tính nam, đồng tính nữ họ không thể thổ lộ được giới tính thật nên khi hầu đồng thì được giải toả. 

Những người nữ có căn cậu thì trong những giá quan, hoàng được làm những người nam. Người ta được sống đúng với bản chất. Số đấy có nhưng chỉ là một phần nhỏ trong căn đồng. Mọi người hiểu sai ai có căn đồng là nhố nhăng, toàn những người đồng bóng?!. 

Nhưng bây người đồng tính không phải là một điều gì quá xa lạ. Họ không phải che giấu giới tính thật của mình nữa nhưng có phải ai cũng đi theo đồng được đâu, mà phải là người có “căn” thật sự người ta mới đi ra hầu. 

Lạ lắm, GS Ngô Đức Thịnh, người đã dày công nghiên cứu về đạo Mẫu và hầu đồng bao giờ cũng có câu kết: “Vô biên trong chuyện này, không nói được hết”. Nhiều bạn bè hỏi tôi: “Hương ơi, tớ có căn không?”. Tôi trả lời: “Ai cũng có căn, nhưng các Thánh gõ đầu ai mới là quan trọng.- Tôi hỏi tiếp - Nghe hát văn có thích không?”. Bảo: “Tớ chả thích gì cả. Đi dự hầu đồng toàn ngủ gật”. Tôi nói luôn: “Thế thì thôi, thầy bói nào nói bà có “căn” thì xin thôi ngay. Đừng có mất tiền, mất của vào những việc đấy. Không có “căn” mà ra “đồng” là bị lỗi, chứ không phải là hay ho gì đâu”.

Trần Mỹ Hiền (thực hiện)
.
.