"Tiếng gọi" thời đã qua

Thứ Năm, 16/05/2013, 08:00
Nhân đọc cuốn tiểu thuyết "Đèn kéo quân" của Lương Sĩ Cầm, NXB Quân đội nhân dân, 2102.

Cuốn tiểu thuyết "Đèn kéo quân" của nhà văn Lương Sĩ Cầm miêu tả cuộc chiến đấu của quân và dân Liên khu V trong trận đánh cuối cùng đông - xuân 1953-1954 phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ. Tôi là một cán bộ công an sống và làm việc vào thời kỳ ấy, đọc cuốn sách, có cảm nhận như được sống lại với không khí khẩn trương, căng thẳng chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng tỉnh Kon Tum trên Tây Nguyên. Tôi cứ suy nghĩ về cái đầu đề của cuốn sách: "Đèn kéo quân". Có lẽ tác giả muốn diễn đạt hình thái diễn biến của cuộc "tây tiến" ở Liên khu V thời ấy. Cuốn sách giúp tôi nhớ lại suốt chín năm kháng chiến chống Pháp ở miền Nam Trung bộ. Có lẽ, hiếm có giai đoạn nào các sự kiện lịch sử, các biến cố, các trận đánh lại dồn dập, đan xen nhau, lại gây xáo trộn lòng người như thời cuộc đông xuân 1953-1954.

Một mặt, tướng Nava, tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp tập trung 40 tiểu đoàn, âm mưu xóa sổ vùng tự do Liên khu V gồm 4 tỉnh với hai triệu rưỡi dân. Ông ta tính toán rằng sau khi rảnh tay ở miền Nam, sẽ tập trung quân ra chiến trường chính ở Bắc bộ, hòng đè bẹp chủ lực ta. Chiến dịch ấy có tên gọi Átlăng.

Mặt khác, bộ đội chủ lực của ta rời đồng bằng kéo lên Tây Nguyên đánh vào nơi sơ hở của địch để phân tán chủ lực Pháp, không cho chúng tăng viện cho chiến trường Điện Biên Phủ. Giặc sắp đánh đến nơi mà bộ đội kéo đi, rời khỏi vùng tự do khiến cho trong nhân dân nhiều người thắc mắc. Đồng bào có câu: "Bỏ miếng thịt, đi gặm xương; bỏ gạo cơm lên Tây Nguyên ăn sắn". Thế rồi, sau 5 tháng chiến đấu, bộ đội ta thắng lớn trên Tây Nguyên, thừa thắng quay trở lại đồng bằng đập tan chiến dịch Átlăng của quân Pháp, giải phóng hầu hết vùng tạm bị chiếm ở tỉnh Phú Yên. Phải chăng, cái đề "Đèn kéo quân" là hình tượng của một mùa chiến dịch thắng lợi chưa từng có của quân và dân Liên khu V?

Đọc "Đèn kéo quân", tôi thấy bên cạnh việc diễn đạt chiến sự (10 trên 28 chương sách), tác giả để dành nhiều chương để diễn tả chiến tranh nhân dân và sự phối hợp giữa công tác an ninh và công tác quân sự.

Mở đầu cuốn tiểu thuyết, tác giả miêu tả rừng dừa Tam Quan, nơi che giấu hoạt động của ngành đường sắt vận chuyển quân nhu, quân khí cho bộ đội. Trong bộn bề công việc chuẩn bị chiến đấu, các nhân vật ở hậu phương đều biểu hiện lòng hăng hái, đem sức người sức của phục vụ tiền tuyến.

Những mối tình nảy nở trong chiến tranh đã làm cho trang viết mang màu sắc lãng mạn. Trong cuốn tiểu thuyết "Đèn kéo quân", ngoại trừ cặp vợ chồng của Tư lệnh Nguyễn Chánh, chẳng có cuộc tình nào giữa anh bộ đội và cô gái hậu phương được suôn sẻ từ đầu chí cuối. Chỉ nhờ dựa vào lòng yêu nước, ý chí xả thân vì độc lập tự do mà họ vượt qua được thác ghềnh của cuộc sống tình cảm.

Về chủ đề gắn công tác an ninh với công tác quân sự, tôi cho đây là một sáng tạo của tác giả. Vốn là một cán bộ công an thời xa xưa ấy, tôi được biết đồng thời với chiến dịch Átlăng, Phòng Nhì của Pháp tung ra một vụ án gián điệp giả đánh vào ngành xe lửa (hỏa xa) để phá công việc chuẩn bị chiến dịch của ta. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa An ninh quân đội và ngành Công an Liên khu V, vụ án đã được phá trước ngày bộ đội xuất quân. Trong thực tế, vụ án gián điệp hỏa xa xảy ra ba, bốn năm trước đó, nhưng tác giả đã xóa ranh giới thời gian để thể hiện ý đồ sáng tác của mình. Bảy, tám nhân vật tham gia vụ phá án đều tiếp tục tham gia chiến đấu lập công và trở thành gạch nối giữa hai phần của cuốn tiểu thuyết: chuẩn bị và tiến hành chiến dịch. Ngay đến ả điệp viên Bích Mậu của Phòng Nhì cũng phải đến khi gần kết thúc cuốn tiểu thuyết mới bị bắt giữ.

Trên góc độ công tác an ninh, tôi thấy có một nhân vật là Phó tư lệnh Liên khu V dao động và phản bội, tác giả viết còn sơ sài. Tuy nhân vật này chỉ giữ vai trò phụ trong cuốn sách, nhưng do tác giả chưa làm rõ nhân thân của hắn nên việc lý do nào dẫn tới việc hắn đảo ngũ chưa được làm sáng tỏ. Về nhân vật này, tác giả xử lý "non tay" khiến người đọc khó cắt nghĩa vì sao một cán bộ cao cấp của Đảng và quân đội lại phản bội.

Cuốn tiểu thuyết sử thi "Đèn kéo quân" của nhà văn Lương Sĩ Cầm đã phục hiện được một giai đoạn lịch sử chống Pháp của quân dân Liên khu V. Lời văn giản dị, mạch văn diễn tả cuộc sống đời thường và diễn biến cuộc chiến đấu có thay đổi giọng điệu, bố cục tạo được sự hấp dẫn người đọc

Cảnh Sinh (Câu lạc bộ Sĩ quan Công an hưu trí)
.
.