Tiếng cồng buồn trong hội đua voi

Thứ Tư, 06/04/2016, 08:02
Trong cái nắng, cái gió cháy rát, 18 chú voi chầm chậm vào hội. Bụi tung mù, cỏ cây xơ xác. Hội đua voi ở Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, vui thì vui vậy, nhưng trong đáy mắt những gian nhà dài trống trải đọng hoài luyến tiếc xa xôi về một thuở hồng hoang...


1. Hội đua voi huyện Buôn Đôn năm nay được tổ chức tại Nhà văn hóa cộng đồng xã Krông Na từ ngày 12 đến ngày 14-3. Tưng bừng trong tiếng cồng, tiếng chiêng rộn rã, lễ hội tái hiện nhiều nghi lễ đặc sắc của đồng bào các dân tộc huyện Buôn Đôn như: lễ cúng bến nước, cúng sức khỏe cho voi, cúng lúa mới...

 Được mệnh danh là xứ sở của voi nhưng Buôn Đôn bây giờ thưa thớt voi nhà. Xã Krông Na có khoảng 20 con, đã được coi là xã có nhiều voi nhất tỉnh (cả tỉnh hiện còn khoảng 40 voi nhà). Bà H'Mekrynia (người M'nông) bảo chừng chục năm trước, voi ở buôn lên tới hàng trăm con.

Voi chạy đua trong ngày hội văn hóa ở Buôn Đôn.

Nhà bà nuôi ba con. Nhưng khi H'Mekrynia bước vào thời thiếu nữ thì những chú voi vắng bóng dần. Đa số chúng chết vì bệnh tật, già yếu. Từ đó đến nay gia đình không nuôi thêm con voi nào nữa. Nhà Y Dĩ (người Êđê) cũng chỉ còn duy nhất chú voi Khăm Sinh. Nó là voi đực, hơn 30 tuổi. Y Dĩ kiêu hãnh khoe trong hội đua voi năm nay, Khăm Sinh giật giải nhất.

Khăm Sinh về làng khi còn là một chú voi con thèm sữa mẹ. Từ khi Nhà nước cấm bắt và thuần dưỡng voi rừng thì số voi nhà càng giảm theo năm. Chúng chết vì ốm bệnh, lao lực do làm việc nặng quá nhiều. Đoàn khách du lịch vắt vẻo trên lưng voi, cười sung sướng, ngạo nghễ đâu hiểu rằng thân hình đồ sộ kia đang vắt kiệt sức để mang về miếng ăn cho chủ. Rồi kéo gỗ, thồ hàng... Bữa ăn của nó chỉ là mấy khúc mía, dăm thân chuối, lá cỏ du khách cho.

Những nhà nghèo thì voi càng đói. Mùa khô, cỏ cháy, thức ăn cho voi khan hiếm. Những đôi mắt voi buồn, ướt nước cứ hiện về xót xa trong tôi những ngày buôn vào hội. Y Dĩ bảo tụi nó mệt. Dù cả tháng trước khi diễn ra lễ hội, cậu và những người có voi thi đều cố gắng thả chúng vào rừng nghỉ dưỡng, bồi bổ nhưng thức ăn, nước uống mùa hạn đâu thể đủ. Phải nghỉ nhiều đợt, các chú voi mới cất bước nặng nề, ngượng ngùng chạy giữa vòng vây du khách giương ống kính máy ảnh hiếu kỳ.

Mặc dù Nhà nước đã có chế độ hỗ trợ cho gia đình nào có voi sinh sản nhưng chuyện "xây dựng gia đình" của voi nhà vô cùng khó khăn. Khi voi động dục, chủ đem nó vào rừng để tìm hiểu, yêu đương. Nhưng đã "yếu như voi nhà", ăn còn không đủ thì sức đâu để đậu thai. Thế nên, bốn năm nay, vẫn chưa có chú voi con nào ra đời. Voi ở Buôn Đôn đuôi đều trụi lủi, sứt sẹo. Dân làng phải cắt trụi, hơ lửa cho lông không mọc để bọn trộm không còn tơ tưởng đến sợi lông lợi lộc. Nạn chặt trộm đuôi voi khiến tính mạng chúng bị đe dọa nghiêm trọng.

Voi đối với người Tây Nguyên như người bạn đầy tình cảm. Y Dĩ bảo mỗi lần đi rừng, nếu gặp chuyện gì nguy hiểm hoặc vấp ngã, voi liền cụp hai tai to lớn của mình giữ chân cho chủ an toàn. Xem trận voi đá bóng, một chú voi vấp phải gốc cây ngã nhào. Người chủ lăn xuống đất, máu bê bết. Chủ không quở phạt nhưng đôi mắt chú voi ươn ướt, buồn bã.

Bà H'Mekrynia nhớ ngày ấy, ông ngoại cho người đưa hai con voi ra Hà Nội dự lễ hội. Nhưng mới đi nửa đường, chúng lồng lên, đập phá nát cửa kính xe ôtô. Người ta phải đưa ông đi cùng thì chúng mới yên. Ông hiểu cái bụng tụi nó nhớ buôn làng. Lần khác, con voi đực ông hết sức yêu chiều lên cơn động dục, nó kêu rống, quật phá cây cối đồ đạc. Và nó quật chết ông. Chủ vừa tắt thở, nó choàng tỉnh. Con cháu điên tiết đấm đánh, nó lặng im chịu trận.

Rồi người ta bán nó. Ngày người mua đến, nó đứng ỳ không đi. Đôi mắt van lơn ngoái nhìn mái nhà, nhìn chủ của con voi tội nghiệp làm cô bé H'Mekrynia ngày đó sững sờ. Voi chết, người ta xây mộ đàng hoàng nhưng bọn hám lợi đâu để yên. Thậm chí, có mộ xây kỹ càng bằng xi măng vẫn bị quật phá để lấy xương cốt, cặp ngà. Đến mức này, nhiều người không dám chôn voi nữa, họ hỏa thiêu để đưa ông voi về với thác suối đại ngàn.

2. Năm nay, một nghi thức quan trọng trong hội đua voi là lễ đâm trâu đã bị bãi bỏ hoàn toàn. Lúc đầu, có thông tin buôn sẽ quây bạt đâm và chỉ cho người trong buôn chứng kiến, tránh cái nhìn ghê sợ của du khách. Rồi đến chuyện không đâm kín nữa mà sẽ đâm trâu tượng trưng, tức là chỉ đâm giả vờ, không gây thương tích cho trâu và chỉ giết nó sau khi lễ hội kết thúc. Cuối cùng, đêm hội lên đuốc, lễ đâm trâu bị thay thế bằng lễ cúng thần linh giản tiện.

Lễ cúng bến nước của đồng bào Êđê, M'nông... đã bị giản lược nhiều nghi thức.

Nghe tin Buôn Đôn bỏ lễ đâm trâu, rất nhiều người hoan hô, du khách phấn chấn. Bà Dương Thúy Diệp ở xã Tân Hòa, Buôn Đôn nói: "Con trâu là bạn của nhà nông, nó cày bừa giúp ích cho buôn làng mà lại đâm chết thì ác quá. Tôi chứng kiến nhiều lần, thấy cảnh đâm dã man lắm. Người ta trói con trâu lại. Nó không chạy đi được đằng nào hết. Nhìn mắt con trâu mà đến tội. Người ta chặt chân cho nó khụy xuống, đâm lao nhiều lần đến khi nó chết hẳn. Mấy lần tôi đi xem, thấy con trâu máu me tung tóe là run cầm cập. Trẻ con có đứa khóc thét".

Bà H'Mekrynia cho biết cậu con trai học lớp 9 của mình mỗi lần đến lễ đâm trâu cũng không dám nhìn. Ông Vũ Minh Thoại, Trưởng phòng Văn hóa huyện Buôn Đôn cho biết: "Khi thông tư 15 có hiệu lực về việc bỏ các lễ hội mang hình ảnh man rợ, địa phương đã họp các già làng để lấy ý kiến. Tuy nhiên, họ không đồng ý vì cho rằng nếu đâm trâu tượng trưng hay đâm kín là lừa dối thần linh, họ sợ Giàng phạt tội. Chúng tôi phải thuyết phục mãi bà con mới đồng ý".

Cùng với thời gian, nhiều nghi lễ khác trong hội đua voi cũng dần mai một. Lễ cúng bến nước, cúng cơm mới sau một thời gian gián đoạn đã được các buôn làng phục dựng mấy năm gần đây. Nhưng niềm vui phục dựng không trọn vẹn. Ngày trước, sau khi già làng đọc lời khấn tạ ơn thần nước đã đem lại may mắn trong năm cũ và cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt cho năm sau thì cả chục trai làng mạnh khỏe mặc khố nhảy xuống bến nước cầm khiên múa đao đánh đuổi ma quỷ, bảo vệ nguồn nước. Về sau, đội hiệp sĩ này chỉ còn một trai làng đuổi đánh tượng trưng.

Còn năm nay, đội hiệp sĩ gần như bị khai tử. Cảnh dân làng xuống lấy nước trong quả bầu khô rồi gùi về nhà sau lễ cúng để lấy phước cũng mất dấu. Xưa, lễ cúng kéo dài ba ngày thì nay chỉ vỏn vẹn hai tiếng đồng hồ. Các già làng ngậm ngùi bởi thời thế thay đổi, tập tục xưa nhòa dần cũng đành chịu vì con cháu bảo làm vậy cho tiết kiệm, đơn giản. Sức già tàn, rồi cũng mang theo cái hồn cha ông mà về thế giới bên kia. Trời tháng ba Tây Nguyên lẽ ra xanh mát, nhưng Buôn Đôn ngày hội lại rát cháy những cơn gió nóng. Ánh mắt voi chở quản tượng mất hút trên con đường bụi đỏ bazan trong tiếng cồng buồn...

Mai Quỳnh Nga
.
.