Ý kiến ngắn

Tiếng Lào ra tiếng Ý

Thứ Tư, 15/10/2014, 08:00
"Tôi ghét tệ ăn cắp thơ văn như ghét cái chết. Cốc nước của tôi tuy nhỏ nhưng tôi chỉ uống nước trong cái cốc ấy" - đó là một câu nói đáng nhớ của một nhà thơ nước ngoài mà thuở thiếu thời tôi từng được đọc ở đâu đó, tiếc là không còn nhớ tên người đã phát ngôn câu nói trên, rất có ảnh hưởng đến những người cầm bút đích thực. Cách nay cả chục năm, có một lần nhà thơ Đặng Hiển nhắc tôi: Tác giả câu nói trên chính là nhà thơ Pháp thế kỷ 19 A. Musset.

Ở ta và không cứ ở ta, có thể ở cả nước ngoài nữa, đã có người không "ghét cái chết", vẫn "uống nước" trong cái "cốc" của người khác và vẫn ngang nhiên "đạo" thơ, "đạo" văn  hoặc "đạo" ý tưởng của người khác để viết văn, làm thơ.

Chuyện này đã nhiều người nói rồi, tôi không muốn nói thêm nữa. Vả lại, với những người kém tư cách văn chương như thế, nói thế chứ có nói thêm nữa, cũng chẳng có tác dụng gì.

Trong bài viết ngắn này, tôi muốn nêu một chuyện khác. Ấy là chuyện "nói vậy mà không phải vậy", "thương nhau như thế bằng mười hại nhau" hoặc "nói tiếng lào ra tiếng ý".

Để cắt nghĩa thế nào là "tiếng lào ra tiếng ý", tôi xin kể văn tắt một truyện tiếu lâm vỉa hè từng được nhiều người kể ở dạng truyền tai cho nhau nghe.

Truyện rằng, có một người nói ngọng, chuyên nhầm n với l. Cho nên khi định nói: Trong cuộc sống, tôi lúc nào cũng nói "tiếng nào ra tiếng ý" (hoặc tiếng "ấy"), ông ta lại phát âm thành: Trong cuộc sống, tôi lúc nào cũng nói "tiếng lào ra tiếng ý". Nghe xong, có người thắc mắc: Lào là nước Lào, Ý là nước Ý. Hai quốc gia này ở hai nơi khác nhau, một ở châu Âu, một ở châu Á. Ngôn ngữ sử dụng của người Lào và người Ý, cũng hoàn toàn không giống nhau. Vậy ông nói thế nào mà tài thế? Nếu nói được thế thì đến thánh thần cũng chào thua ông thôi!

Cách nay mươi mười lăm năm, trong làng xuất bản, đã xảy ra một chuyện kiểu "tiếng lào ra tiếng ý".

Có một người rất yêu thơ tên là D. đã cho xuất bản dăm bảy tập thơ. Khi in đến tập thơ thứ bảy thì ông D. có một bạn tình và bạn tình của ông là một người không chỉ yêu thơ mà còn hiểu thơ rất sâu sắc tên là H. Không hiểu có phải để thử thách kiến văn của bạn tình hay không, mà mỗi lần gửi thư cho ông D., bà H. thường gửi kèm mấy bài thơ hết sức đặc sắc của nhà thơ lớn Chế Lan Viên, nhưng cố ý không đề tên tác giả. Do không sành thơ và không hỏi lại bạn tình của mình, nên ông D. cứ nghĩ là thơ của bà H. Vì thế, để làm bà H. bất ngờ và cũng để chứng tỏ mình là một người đàn ông rất galăng, biết chơi… ông lấy thơ mà ông nghĩ của bà H. in vào mục "phụ đề" trong tập thơ thứ tám của mình.

Sau khi tập thơ in ra, bà H. bị "đánh" tơi tả và đương nhiên bị kết tội là kẻ "đạo" thơ. Kể cũng oan cho bà H.

Gần đây, lại có chuyện tương tự xảy ra.

Có một người tên là V. đã cao tuổi rất miệt mài làm thơ và sưu tầm thơ của người khác. Cũng như bà H., khi làm thơ và chép thơ vào sổ tay thơ của mình, ông V. không ghi tên tác giả.

Cũng do không sành thơ và không hỏi lại, nên mấy người con của ông V. cứ nghĩ toàn bộ thơ có trong sổ tay thơ nói trên là của cha mình. Rồi như để chứng tỏ lòng hiếu thảo của mình và để cho người cha vui, mấy người con bèn tập hợp thành một bản thảo và cho in tập thơ trên qua Nhà xuất bản V.

Tất nhiên, cũng do kiến văn có hạn, nên những bài thơ mà ông V. sưu tầm cũng chỉ đạt chất lượng trung bình khá.

Sách ra, ngay lập tức có người viết bài và quy kết ông V. là "kẻ đạo thơ".

Qua việc xuất bản hai cuốn thơ trên, thiết nghĩ có hai việc cần nêu thêm. Ấy là việc đọc không kỹ, biên tập không kỹ của các biên tập viên. Hay nói một cách khác: Biên tập viên của hai cuốn thơ nêu trên đã làm sách quá ẩu. Thứ nữa, trước khi lên tiếng, người phê phán cũng đã không hiểu hết bản chất của vấn đề.

Rồi hậu quả của chúng như thế nào, nhiều người đã biết

Đặng Huy Giang
.
.