Thực trạng xuất bản hiện nay: Phải hướng ra thị trường

Thứ Bảy, 04/07/2009, 10:15
Theo con số thống kê về hoạt động kinh doanh của các NXB do Cục Xuất bản công bố hồi tháng 4/2009 vừa qua, thì trong số 55 NXB chỉ có 5 NXB có lãi trên 1 tỉ đồng, còn lại là lãi ít, không có lãi, thậm chí là lỗ. Thưa ông Trần Việt Anh, là Phó giám đốc phụ trách kinh doanh của NXB Phụ Nữ, ông có cho rằng sự suy thoái kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng lớn đến khu vực xuất bản của Việt Nam?

+ Tất nhiên, sự suy thoái kinh tế toàn cầu khiến ngành xuất bản Việt Nam không thể đứng ngoài quy luật. Song theo tôi, sự ảnh hưởng ấy cũng... "nhẹ" thôi. Nó khiến sức mua giảm sút, khiến độc giả cân nhắc cuốn nào cần thiết, cuốn nào chưa thực cần thiết, nhất là với sách đắt tiền vì họ còn phải quan tâm đến nhiều vấn đề thiết thực hơn. Tuy nhiên, vẫn có những người yêu sách thực sự và họ sẵn sàng cắt giảm những chi phí khác để mua sách. Tôi cho rằng, vấn đề cốt lõi của việc nhiều NXB trong năm qua làm ăn thua lỗ, không lãi hoặc lãi ít, đó là vì những năm trước, nhiều NXB có hoạt động xuất bản lịch Blog và hoạt động là nguồn thu đáng kể. Từ khi hoạt động xuất bản lịch Blog được Nhà nước cho xã hội hóa (bắt đầu từ năm 2006) thì một loạt NXB lâm vào khủng hoảng, nguồn thu giảm sút nghiêm trọng mà nguyên nhân chính là vì NXB đó không cạnh tranh được, không có một nền tảng tốt và không kịp thời có những điều chỉnh cho phù hợp khi Nhà nước có những thay đổi về chính sách.

- NXB Phụ nữ đã có những điều chỉnh, thay đổi như thế nào để năm 2008 vừa qua vẫn đạt doanh số là 13 tỉ và lãi sau thuế là 360 triệu đồng?

- Con số mà chúng tôi đạt được ấy thực ra là rất khiêm tốn so với các "đại gia" như NXB Giáo dục, NXB Kim Đồng, NXB Trẻ, song cũng là một con số lý tưởng so với phần đa các NXB còn lại. Để giữ được phong độ ấy, ngay từ khi có những thay đổi về hoạt động xuất bản lịch Blog, chúng tôi đã xác định ngay từ đầu là phải bám lịch Blog và xem đó là một sản phẩm giữ thị phần và thương hiệu, đồng thời phải đi bằng nhiều con đường khác nữa. Giờ đây chúng tôi thường tự in hầu hết các đầu sách của mình và chủ động hơn trong công tác phát hành. Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động liên doanh, liên kết trong điều kiện các NXB cùng cạnh tranh nhau gay gắt trong vấn đề này bằng cách hạ quản lý phí và chủ động tìm đến đối tác liên kết. So với năm ngoái, hoạt động kinh doanh cũng có giảm sút, nhưng không quá nghiêm trọng.

- Theo ông, những khó khăn cụ thể mà hiện NXB Phụ Nữ đang phải đối mặt  là gì?

+ Cũng đều là những khó khăn chung của cả khối xuất bản ấy mà. Đó là nguồn vốn ít, dẫn tới tiềm lực cạnh tranh còn thấp, trong khi giá giấy cao và liên tục tăng trong những thời điểm nhạy cảm. Khâu phát hành lại gặp phải sự cạnh tranh về giá cả, về tỉ lệ % chiết khấu, hơn nữa  thuế suất của sách vẫn cao (25%) bên cạnh đó nạn in lậu vẫn hoành hành trong khi cách xử lý chưa triệt để, chưa mang tính răn đe khiến NXB thua thiệt đủ đường.

- Mấy năm gần đây, có nhiều NXB trông chờ hoặc sống nhờ vào việc bán giấy phép để thu quản lý phí. Điều này dẫn đến một hệ lụy đáng buồn là chất lượng nội dung bị buông lỏng, không kiểm soát được. Ở NXB  Phụ Nữ, tỉ lệ liên doanh liên kết chiếm bao nhiêu phần trăm doanh thu?

+ Hiện tôi không thể đưa ra con số cụ thể về mặt tài chính, nhưng nếu ước tính trên số đầu sách thì nó chiếm khoảng 40%. Chúng tôi coi hoạt động liên doanh liên kết là một phần không thể thiếu, là nguồn thu đáng kể của NXB nhưng chúng tôi luôn cố gắng để không lệ thuộc vào nó mà phải giữ được thế chủ động. Vì uy tín, thương hiệu của mình mà NXB Phụ Nữ sẵn sàng từ chối nếu chất lượng bản thảo thấp hoặc nếu đối tác không đồng tình với những ý kiến, chỉnh sửa của chúng tôi. Vì thế, trong mắt một số đối tác liên kết, NXB Phụ Nữ vẫn là nơi được xem là "khó tính" khiến người thích, người không. Nhưng theo tôi, nếu vấn đề bản thảo và cấp phép không được làm đúng quy trình hoặc bị buông lỏng thì rất có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc. Quả thật, có một số NXB rất khó khăn, nguồn thu từ quản lý phí trở thành nguồn thu chính nên họ dễ bị "khống chế" bởi những bản thảo chất lượng thấp hoặc đối tác không nghe theo ý kiến của mình. Họ biết cả đấy nhưng họ vẫn phải đành lòng...

- Thưa ông, NXB Phụ Nữ có áp dụng cách "khoán"  bản thảo cho biên tập viên như một số NXB hiện đang làm không?

+ Tôi cũng được biết một số NXB khoán chỉ tiêu cho biên tập viên và nộp doanh thu nhưng ở NXB Phụ Nữ thì không có chuyện này. Nguồn bản thảo của NXB Phụ nữ khá đang dạng. Trước đây, chủ yếu là khai thác bản thảo "một chiều" theo kiểu chúng bằng cách nào đó tự đến với NXB. Nhưng đến nay đã mở rộng ra bằng cách biên tập viên tự đề xuất việc khai thác, tiếp cận, mua bản quyền nguồn sách văn học, sách khoa học đời sống của nước ngoài, đặt hàng một số tác giả trong nước... Ngoài ra, bộ phận phát hành cũng có thể đề xuất để lựa chọn bản thảo dựa trên nhu cầu thực tế của thị trường.

- Theo ý kiến của cá nhân ông, để khắc phục những khó khăn tồn tại của ngành xuất bản, phải bắt đầu từ đâu?

+ Theo tôi, để tồn tại và phát triển, các NXB không còn cách nào khác là phải hướng ra thị trường, bám lấy thị trường, chủ động năng động trong việc tìm kiếm và nắm bắt cơ hội, phải thoát  khỏi tư duy bao cấp. Tuy nhiên, để thay đổi bộ mặt của ngành hay lĩnh vực nào đó thì phải có tác động từ những điều chỉnh có tính vĩ mô. Về phía Chính phủ, cũng cần có những đầu tư, quan tâm bằng các chính sách cần thiết. Có thể cứ coi các NXB như các "hộ dân" cần xóa đói giảm nghèo, bằng cách cho vay vốn. Tức là cho họ một cơ hội làm giàu.

- Xin cảm ơn ông Trần Việt Anh!

Hà Chi (thực hiện)
.
.