Sân khấu thử nghiệm:

Thử nghiệm một con đường cho khán giả

Thứ Bảy, 16/09/2006, 14:00
“Tôi nghĩ một điều hết sức giản dị, là một vở diễn sân khấu hoàn toàn có thể giao lưu với mọi khán giả, dù họ thuộc về ngôn ngữ, địa lý nào, miễn là nó hấp dẫn về kịch bản và được đảm bảo bằng diễn xuất của những diễn viên tài năng”, nhà viết kịch Hoài Giao, nói.

- Thưa ông, là một tác giả gắn bó suốt đời với sân khấu, chứng kiến nhiều giai đoạn lịch sử của sân khấu nước nhà, theo ông, giai đoạn hiện nay, sân khấu đang gặp những vấn đề gì trong mối quan hệ với khán giả?

- Trước tiên nói về khán giả, phải thấy rõ rằng, khán giả của chúng ta hôm nay đã khác trước rất nhiều. Trong xã hội hiện đại, con người có khuynh hướng sử dụng thời gian một cách tiết kiệm và có ích nhất. Họ muốn trong một khoảng thời gian ngắn nhất có được một lượng thông tin nhiều nhất. Nhiều loại hình thông tin giải trí khác nhanh chóng chiếm lĩnh khán giả, chính là nhờ nó đáp ứng được những đòi hỏi này, như phim ảnh, ca nhạc…Vậy, sân khấu, với đặc thù của mình, làm cách nào để tiếp cận khán giả, là một bài toán vô cùng hóc búa.

- Với lớp khán giả mới và những đòi hỏi như vậy, theo ông, làm thế nào để  sân khấu truyền thống vẫn tiếp tục tồn tại trên sàn diễn?

- Tôi cho rằng, sân khấu truyền thống của chúng ta còn tồn tại trên sàn diễn được nhờ lớp khán giả ở nông thôn, vùng sâu vùng xa. Là bởi những nơi đó vẫn còn quá ít các sản phẩm văn hóa hiện đại. Hơn nữa, văn hóa truyền thống ở các vùng đó vẫn chưa bị các thứ văn hóa ngoại lai khác xâm lấn nhiều. Chúng ta giữ được các đoàn chèo, cải lương ở các địa phương là nhờ vào lớp khán giả ấy.

Với các khán giả thành thị, các vở sân khấu truyền thống muốn tạo ra một lực hấp dẫn để thu hút họ tới nhà hát, nhất thiết phải có những thử nghiệm mới cho phù hợp. Ai cũng biết, các vở chèo cổ thường chỉ đề cập tới những ứng xử của con người, nó ít đưa ra trách nhiệm của con người với thời cuộc, với từng giai đoạn lịch sử. Nhưng khi viết vở chèo “Trần Quốc Toản ra quân” tôi đã biến nhân vật của chèo thực hiện nghĩa vụ công dân của mình, và có cải biến từ cách nói đến lối hát, đến tư duy nhân vật cho phù hợp. Vậy có thể đưa hình ảnh con người thế kỷ mới vào chèo được không? Tôi nghĩ hoàn toàn được. Điều này phụ thuộc vào nhận thức của những người làm nghề. Đưa yếu tố “cổ” vào các vở hiện đại thế nào là quyền của nghệ sĩ, miễn sao khán giả chấp nhận và anh vẫn giữ được các giá trị truyền thống. Tiếp nhận truyền thống cho các tác phẩm hiện đại là rất quan trọng.

- Thưa ông, liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế là một hoạt động của ngành sân khấu nhằm tìm ra những cách biểu đạt nghệ thuật mới cho phù hợp với khán giả hôm nay. Theo ông, thì cần hiểu khái niệm “thử nghiệm” ở đây là như thế nào?

- Câu hỏi này các nhà tổ chức phải trả lời chính xác trước khi liên hoan diễn ra. Cá nhân tôi cho rằng có nhiều phương diện để thử nghiệm trong mỗi một tác phẩm sân khấu và chúng ta phải định hướng cho được là chúng ta thử nghiệm kịch bản văn học hay công tác dàn dựng kịch bản hay diễn xuất của diễn viên. Bởi nếu không, công chúng sẽ rất mù mờ, khó hiểu.

Tất nhiên những người làm nghệ thuật bao giờ cũng mong muốn tìm kiếm những cái mới để đem đến cho khán giả. Tôi nghĩ rằng không chỉ ở Việt Nam mà sân khấu thế giới cũng đang lúng túng trước sức mạnh của “người anh em” là điện ảnh. Một số đạo diễn đưa yếu tố sex vào trong sân khấu như một phương tiện để thu hút khán giả. Nhưng khán giả cũng chẳng hào hứng được lâu, vì điện ảnh có thể làm được nhiều lần hơn thế.

Vậy, thử nghiệm là để tìm cho được những đặc trưng riêng biệt nhất của sân khấu, mà không một loại hình nghệ thuật nào khác có được mới là khó. Thử nghiệm là để tìm ra một con đường cho khán giả, họ đến một cách tự nguyện và xem sân khấu như một trò chơi sang trọng. Và người nghệ sĩ cũng cảm thấy rằng con đường mình đang đi là vô cùng cao quý. Chúng ta cần quan niệm thử nghiệm ở một mức độ sâu hơn, cốt lõi hơn. Những tìm kiếm phải trên cơ sở của văn hóa truyền thống dân tộc, không nên đi nhặt của nước ngoài hay bắt chước một cách sống sượng. Và cũng không cần phải làm quá lên, hay tỏ ra quái gở để khác lạ. Nghệ thuật chân chính khước từ những thứ đó. Cái chính là người làm sân khấu phải tìm ra được những yếu tố đặc trưng nhất của nó và nâng cao nó lên.

Ví dụ, tôi đã xem nhiều vở trên sân khấu Mỹ và rút ra một kết luận rằng, sân khấu của họ hấp dẫn là bởi ba yếu tố sau đây: tình huống kịch lạ, tính cách nhân vật đối chọi và khi cao trào thì loé sáng những tư tưởng mới, độc đáo đến mức không ngờ. Tôi phải nói thật rằng, chúng ta bây giờ viết kịch, diễn kịch một cách tầm thường hoá. Những người làm nghệ thuật cần phải trang bị một vốn văn hóa cao, và phải có sức lay động lòng người ghê gớm lắm thì mới mong nhận được sự nhiệt tình từ phía khán giả.

- Nhìn vào đời sống sân khấu hiện nay ta có thể thấy có hai khuynh hướng rõ ràng, đó là sân khấu cho một nhóm khán giả chọn lọc và sân khấu cho số đông công chúng giải trí. Giống như bên điện ảnh người ta tạm thời phân ra 2 khái niệm phim nghệ thuật và phim thương mại. Theo ông điều này có bình thường không?

- Tôi nghĩ là bình thường. Vì nghệ thuật trước hết là một loại hình để giải trí, thư giãn. Giải trí, thư giãn luôn cần được hiểu như một chức năng chân chính của nghệ thuật. Giữa đời sống bộn bề này thỉnh thoảng người ta mới cần xem một cái gì đó để suy ngẫm thôi. Những sản phẩm mang tính nghệ thuật cao cấp không cần quá nhiều và cũng không thể có quá nhiều. Nhưng nó phải được dàn dựng kỹ càng  và phải có sự bảo trợ của nhà nước.

- Trong thế giới toàn cầu hóa sân khấu cũng như các môn nghệ thuật khác không thể chỉ là đặc sản của một nhóm người, một địa phương, một đất nước, mà nó phải có khả năng giao lưu. Nó phải là một ô cửa sổ để qua đó thế giới có thể nhìn thấy đời sống tinh thần, tâm hồn, văn hóa truyền thống của một dân tộc, một đất nước. Tức là sân khấu cần phải tạo ra được một ngôn ngữ hiện đại, theo những nguyên tắc, quy chuẩn của riêng nó để giao tiếp được với khán giả mọi vùng địa lý...

- Tôi lại nghĩ một điều hết sức giản dị, là một vở diễn sân khấu hoàn toàn có thể giao lưu với mọi khán giả, dù họ thuộc về ngôn ngữ, địa lý nào, miễn là nó hấp dẫn về kịch bản và được đảm bảo bằng diễn xuất của những diễn viên tài năng. Một người diễn viên tài năng, diễn hết mình và có niềm tin sâu sắc vào khán giả, trò chuyện được với khán giả theo cách của riêng mình sẽ luôn để lại những cảm xúc tốt đẹp trong lòng công chúng. Hiện nay chúng ta đang gặp phải vấn đề là khán giả không tôn trọng nghệ sĩ và ngược lại nghệ sĩ chưa tôn trọng khán giả. Không có “chất keo dính” giữa nghệ sĩ và khán giả, sân khấu sẽ mất dần đi tính “thánh đường” mà nó từng được xưng tụng.

- Thưa ông, các vở kịch kinh điển trên thế giới như “Hămlét” của Sếchxpia, Hămlét vẫn luôn được dàn dựng lại và luôn tìm thấy khán giả của mọi thời đại. Theo ông, mỗi thời đại, người làm sân khấu phải tiếp cận, xử lý các khâu từ kịch bản đến dàn dựng như thế nào để hấp dẫn khán giả?

- Những vở kịch hay, kinh điển tất nhiên luôn luôn là “của hiếm”. Và khán giả mọi thời đại chờ đón được thưởng thức nó là do âm thanh vang vọng của chính nó. Thưởng thức các tác phẩm kinh điển là một “trò chơi sang trọng” của khán giả.

- Nhìn vào hệ thống các rạp hát của chúng ta hiện nay, ông có thể nói gì về sân khấu trong tương lai. Nếu chúng ta có một mô hình sân khấu mới, liệu rằng hệ thống nhà hát ấy có đáp ứng được?

- Tôi cho rằng hệ thống nhà hát của chúng ta là chưa chuẩn. Sân khấu hiện đại sẽ cần có rất nhiều các phương tiện khoa học kỹ thuật tham gia vào, và rõ ràng nó cần những mô hình mới.

- Xin cảm ơn nhà viết kịch Hoài Giao

Bình Nguyên Trang
.
.