Thời trang Việt và giấc mơ chinh phục thị trường thế giới

Thứ Tư, 01/10/2014, 08:00
Ngày 17/9 tới, tại Bảo tàng Museo Di Roma, Palazoo Braschi (Italia), 4 bộ sưu tập mới với những thiết kế đặc sắc của 4 nhà thiết kế (NTK) Việt Nam là Minh Hạnh, Lan Hương, Công Khanh và Quang Nhật sẽ được giới thiệu tới công chúng thành Rome. NTK Võ Việt Chung cũng vừa được mời tham dự "Tuần lễ thời trang Couture Fashion Week in New York" (Mỹ) từ ngày 5 đến mùng 7/9...

Trước đó, vào trung tuần tháng 8, NTK Lê Thanh Phương cùng một số nhà thiết kế khác như Văn Thành Công, Tuấn Cường Lê... đã có mặt tại sự kiện "Tuần lễ thời trang châu Á" (Asian Fashion Week) tổ chức lại Subabay (Indonesia)... Ngày càng có thêm nhiều NTK Việt Nam được mời tham dự những chương trình thời trang quy mô cấp khu vực và thế giới là những bước chuyển biến tích cực của thời trang Việt sau một thời gian dài im ắng.

Một sự kiện thu hút sự quan tâm của công chúng yêu thời trang là vào lúc 18h ngày 17/9, tại Bảo tàng Museo Di Roma, nơi lưu giữ nhiều kiệt tác và cũng là nơi tổ chức nhiều hoạt động ở các lĩnh vực hội họa và thời trang Italia, những thiết kế đặc sắc của 4 nhà thiết kế Minh Hạnh, Lan Hương, Công Khanh và Quang Nhật sẽ được ra mắt. Đây là những thiết kế được làm bằng những chất liệu đậm chất dân tộc như lụa, thổ cẩm, vải sợi của người Hà Giang và ý tưởng từ cuộc sống ở Việt Nam. Tại đây, mỗi NTK sẽ trình diễn từ 15 đến 20 mẫu.

Tham dự sự kiện này, Lan Hương, một trong những NTK áo dài nổi tiếng của Việt Nam sẽ cho ra mắt những thiết kế mới của chị là những tấm khăn choàng lụa thêu sang trọng và thanh lịch. Trên những tà áo dài là sự xuất hiện của những bông hoa mai, lan, trúc và sen được thêu bởi bởi bàn tay tài hoa của các thợ thủ công.

NTK Quang Nhật thu hút người yêu thời trang khi sử dụng những loại đá quý cùng những bức tranh thêu cảnh đẹp quê hương Việt Nam trên loại vải lanh đay thô của vùng Hà Giang. NTK Công Khanh lại tập trung vào những thiết kế với hình cò bay thẳng cánh trên đồng ruộng mênh mông. Còn với vai trò của một NTK tiên phong, vẫn trung thành với chất liệu thổ cẩm, những thiết kế của Minh Hạnh lần này là sự kết hợp táo bạo giữa jeans và thổ cẩm với những ý tưởng gần gũi của đời sống thực.

Một trong số các thiết kế của NTK Minh Hạnh sẽ ra mắt công chúng tại Bảo tàng Museo Di Roma (Italia).

Có thể nói, những chất liệu, hoa văn mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam luôn được các NTK chú trọng khi "mang chuông đi đấm xứ người". Trung tuần tháng 8, tại "Tuần lễ thời trang châu Á" tổ chức tại Indonesia, NTK Văn Thành Công góp mặt với bộ sưu tập "Dấu ấn vàng son" lấy ý tưởng từ hình ảnh Hai Bà Trưng, chim phượng hoàng và hoa văn trống đồng Đông Sơn. Còn tại "Tuần lễ thời trang Couture Fashion tại New York" quy tụ các nhà thiết kế danh tiếng cùng những ngôi sao trên nhiều lĩnh vực, Võ Việt Chung sẽ mang bộ sưu tập "Huê khôi xứ Nam Kỳ". Đây là bộ sưu tập đã được ra mắt cách đây 1 năm, gồm 30 mẫu trang phục làm bằng chất liệu mặc nưa - một chất liệu truyền thống của Việt Nam đang dần mai một để giới thiệu với cộng đồng quốc tế.  Võ Việt Chung cũng là NTK đã từng tham dự khá nhiều tuần lễ thời trang tại Đức, Malaysia, Anh… Anh cũng là NTK Việt Nam đầu tiên xuất hiện trên kênh truyền hình thời trang nổi tiếng thế giới Fashion TV. NTK Nguyễn Công Trí cũng vừa vinh dự được chọn vào danh sách "100 NTK thời trang đương đại nổi bật nhất", hội đủ tiêu chuẩn về chuyên môn và kỹ thuật thời trang may đo cao cấp, chọn lọc từ hơn 15.000 NTK trên khắp thế giới để tham gia triển lãm tháng 5 vừa qua tại Italia…

Rõ ràng, trong thực trạng nền thời trang còn rất nhiều vấn đề tồn tại như thiếu sáng tạo, thiếu chuyên nghiệp thì đó là những tín hiệu đáng mừng. Đây là cơ hội để các NTK Việt Nam tiếp cận với những thị trường thời trang thế giới đẳng cấp và khó tính. Qua đó, để biết được mình đang ở đâu và thiếu hụt những gì. Bên cạnh đó, những dấu ấn và nỗ lực cá nhân trên sân chơi thế giới kể trên sẽ tạo động lực và hưng phấn cho các nhà thiết kế trẻ trong nước nói riêng cũng như thời trang Việt nói chung ngày càng tiệm cậm với dòng chảy chung của thời trang khu vực và thế giới. Ngay tại cuộc họp báo, NTK Minh Hạnh cho rằng, với những nhà thiết kế trẻ như Quang Nhật, Công Khanh thì đây là lần đầu tiên và cũng là cơ hội để các bạn chinh phục một trong những trung tâm thời trang của thế giới. Muốn chinh phục được các NTK thời trang ở thành Roma, các NTK trẻ cần có sự sâu sắc trong ý niệm cũng như trong việc phản ánh cuộc sống của con người Việt Nam hôm nay. NTK Minh Hạnh nhấn mạnh: "Chúng ta cần phát huy thế mạnh là sự trải nghiệm cuộc sống của các NTK Việt, những người thợ thủ công lành nghề, chất liệu độc đáo…".

Tuy nhiên, mừng thì mừng vậy, nhưng giấc mơ chinh phục thị trường thế giới của các NTK Việt vẫn còn rất nhiều gian nan. Điều chúng ta thấy trước tiên là sự có mặt của các NTK trong nước tại các sự kiện quốc tế hầu hết đều nằm trong những chương trình giao lưu văn hóa của đất nước hoặc từ những mối quan hệ riêng của NTK. Vai trò của "Hiệp hội người mẫu và thiết kế thời trang Việt Nam" rất mờ nhạt, trong khi lẽ ra, Hiệp hội này phải giữ vai trò quan trọng. Thành lập từ năm 2005 nhưng sự chưa thống nhất về phương pháp làm việc, những bất đồng về cách quản lý khiến cho cả thời gian dài Hiệp hội này không có hoạt động gì. Chính vì vậy, các hoạt động tiếp cận với thị trường thời trang quốc tế rơi vào tình trạng tự phát, không thường xuyên.

Một vấn đề nữa mà thời trang Việt Nam gặp phải, đó là sự đơn điệu, lặp lại về chủng loại khi đem ra thị trường quốc tế. Ngay cả NTK Võ Việt Chung, người gắn liền với áo dài cũng phải "kêu" lên là: "Đừng để thế giới biết là chúng ta chỉ có duy nhất áo dài". Anh cho rằng: "Không phải tôi phủ nhận vẻ đẹp chuẩn mực và bền vững của áo dài, mà là đã đến lúc cá nhân tôi và thời trang Việt phải vượt qua "mặc cảm" để tự đứng lên và thay đổi. Tôi rất buồn mỗi khi nghe đồng nghiệp các nước nhận xét: "Áo dài Việt Nam thật đẹp". Rõ ràng là họ ngầm hỏi "Chẳng lẽ Việt Nam chỉ có áo dài thôi sao". Tôi không chịu điều đó, nên muốn góp sức thay đổi quan niệm và thành kiến này".

Những suy nghĩ của NTK Võ Việt Chung cũng chính là băn khoăn của những người yêu và mong muốn thời trang Việt Nam có một chỗ đứng cao hơn trên thị trường thời trang thế giới. Rõ ràng, áo dài rất đẹp nhưng nếu cứ "chiêu đãi" các vị khách quốc tế chỉ mỗi một món thì họ cũng sẽ chán. Bên cạnh sự chiêm ngưỡng, điều mà các NTK trong thế giới phẳng mong muốn là sự chia sẻ được tiếng nói và thông điệp của nhau. Từ trăn trở ấy, bản thân NTK Võ Việt Chung đã có những thay đổi. Tại bộ sưu tập "Quà tặng của thượng đế", anh đã có sự kết hợp táo bạo giữa áo dài Việt Nam và sự mơ mộng, viễn tưởng về thế giới trong phim “Avatar” của James Cameron. Thực tế chứng minh không phải chỉ có mang áo dài đi, chúng ta mới được hoan nghênh, bởi khi được mời tham dự "Tuần lễ triển lãm thời trang Daegu" tại Hàn Quốc, thương hiệu thời trang IVY Moda của Việt Nam đã mang tới bộ sưu tập hiện đại trên nền chất liệu vải tuytsi kẻ sọc thời trang…

Ông Nguyễn Vũ Anh, Chủ tịch IVY Moda cho biết: "Từ trước đến giờ, thế giới biết đến thời trang Việt Nam chủ yếu qua áo dài, thổ cẩm, nón lá. Còn các thiết kế của IVY mang đến là thời trang ứng dụng, trời trang của cuộc sống hiện đại. Không ngờ, bộ sưu tập của chúng tôi đã nhận được sự đón nhận và phản hồi tốt như thế".

Một yếu tố nữa mà các nhà phê bình thường "nhắc nhở" thời trang Việt Nam khi "đem chuông đi đấm xứ người" là sự thiếu đồng bộ. Thời trang phải đi lên từ chi tiết mà thời trang Việt Nam còn lẻ tẻ và tự phát nên không tránh khỏi còn nhiều khâu chưa tinh xảo, đạt chuẩn. Có những trang phục thì hoa văn, họa tiết, đường may rất đẹp nhưng chất lượng vải lại chưa đạt. Có sản phẩm thì chất liệu tốt nhưng lại không có phụ kiện đồng bộ. Nguyên nhân của tình trạng này vì chúng ta không chủ động được về vải vóc và phụ kiện. Muốn có loại tốt thì phải nhập từ nước ngoài. Như vậy, rất khó để định hình một hình ảnh, một phong cách riêng. Ngay cả việc chọn NTK đi tham gia các sự kiện thời trang cũng là cả một câu chuyện dài mà theo NTK Minh Hạnh thì "bắt buộc họ phải có sinh ngữ và giao tiếp tiếng Anh tốt" nếu muốn biến giấc mơ chinh phục thị trường thế giới thành hiện thực

K.T.
.
.