Thời trang Việt: Loay hoay tìm bản sắc

Thứ Ba, 05/08/2014, 08:00
Thông tin mới nhất thì Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam (Vietnam International Fashion Week) lần đầu tiên sẽ được tổ chức tại TP HCM vào cuối năm nay. Đây thực sự là một tin đáng mừng cho thời trang Việt Nam.

Các chuyên gia nhận định, với sự kiện này, nhà thiết kế, người mẫu Việt  sẽ có cơ hội tốt để "cọ sát", học hỏi từ các kinh đô thời trang hàng đầu thế giới. Theo bà Quỳnh Trang, Giám đốc Công ty Multimedia JSC, đơn vị tổ chức Vietnam International Fashion Week thì chỉ những nhà thiết kế Việt có phong cách thời trang độc đáo mới được chọn. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề đơn giản. 

1. Cuộc thi "Project Runway - Nhà thiết kế thời trang Việt Nam" mùa thứ hai vừa khép lại hồi đầu tháng 7. Đây được đánh giá là mùa thi thành công hơn so với mùa thi đầu được tổ chức năm ngoái với sự đăng quang của nhà thiết kế trẻ Hoàng Minh Hà. Đêm chung kết cuộc thi với sự tranh tài của ba thí sinh tài năng: Lý Giám Tiền, Hồng Lam và Minh Quân. Phải khẳng định rằng, bộ sưu tập của ba thí sinh trong đêm chung kết được đầu tư công phu, chứng tỏ tài năng, sự nỗ lực của các thí sinh. Cảm hứng từ Paris - kinh đô thời trang thế giới với màu sắc và đường nét tinh tế, những công trình kiến trúc tuyệt vời đã giúp các thí sinh có sự "thăng hoa" trong sáng tạo.

Dễ dàng nhận thấy sự nổi bật trong các mẫu thiết kế của Lý Giám Tiền và ngôi vị quán quân dành cho chàng trai 18 tuổi, chưa từng học qua bất kỳ một khóa đào tạo thời trang nào là hoàn toàn xứng đáng. Lý Giám Tiền đã "vẽ" Paris bằng nhiều màu sắc, sự hài hòa nhưng cũng rất cầu kỳ trong các họa tiết. Các vị giám khảo đều dành tặng cho Lý Giám Tiền những lời khen ngợi. Giám khảo Trương Ngọc Ánh đã không thể "kìm lòng" mà thốt lên: "Tôi muốn được mặc những bộ trang phục trên sân khấu. Giám Tiền chính là Giám Tiền, không thể trộn lẫn với bất cứ ai".

Sự thành công của "Project Runway - Nhà thiết kế thời trang Việt Nam" mùa thứ hai không phải bàn cãi. Tuy nhiên, dẫu tất cả các mẫu thiết kế của Lý Giám Tiền, Hồng Lam và Minh Quân đều rất đẹp, hiện đại nhưng có lẽ nó không cho thấy sự khác biệt là bao so với vô vàn những thiết kế của nhiều thương hiệu nổi tiếng trên toàn cầu. Lý Giám Tiền được công ty quản lý BeU Models lên kế hoạch phát triển sự nghiệp cả ở trong nước và nước ngoài. Theo bà Quỳnh Trang, Giám đốc Công ty Multimedia JSC, đơn vị tổ chức cuộc thi thì hiện đã có nhà đầu tư lớn muốn hỗ trợ Giám Tiền phát triển sự nghiệp ra làng thời trang thế giới.

"Mượn" ý tưởng thiết kế của nước ngoài không thể giúp thời trang Việt phát triển và xây dựng được bản sắc riêng. Trong ảnh: Một mẫu thiết kế của Hà Duy rất giống với thiết kế của thương hiệu thời trang Berta - Israel.

Hiện nay, Giám Tiền đang học ngoại ngữ cả tiếng Anh, tiếng Pháp và học thêm về chuyên môn để chuẩn bị "hành trang" tham gia nhiều sự kiện lớn. Được biết, phần thưởng dành cho quán quân cuộc thi năm nay, ngoài giá trị tiền mặt còn có chuyến đi Mỹ để giới thiệu bộ sưu tập của mình tại một trong những sự kiện thời trang lớn nhất thế giới là "Tuần lễ thời trang cao cấp New York 2014 - New York Couture Fashion Week" và Vietnam International Fashion Week được tổ chức tại Việt Nam vào tháng 12 tới đây. Phần thưởng rất lớn, rất ý nghĩa với một nhà thiết kế trẻ như Lý Giám Tiền nhưng không biết, với hành trang chưa nhiều và còn "non" về sự trải nghiệm, liệu Giám Tiền có thể tạo dấu ấn trên trường quốc tế hay lại "chìm nghỉm" giữa vô vàn những tên tuổi thời trang lớn đến từ khắp các châu lục?

2. Điều có lẽ không nên xảy ra trong cuộc thi "Project Runway - Nhà thiết kế thời trang Việt Nam" là vấn đề đạo ý tưởng. Trong cuộc thi này, thí sinh Minh Công đã tố Nguyên Phong đạo thiết kế của một thương hiệu nổi tiếng thế giới từng xuất hiện trên tạp chí thời trang Haper Bazzar. Ban Giám khảo của chương trình đã có cuộc tranh cãi kịch liệt để xác định Nguyên Phong có đạo thiết kế hay không. Mặc dù "kết luận" là mẫu thiết kế của Nguyên Phong không đạo ý tưởng nhưng chàng trai này cũng thừa nhận là có sự "ảnh hưởng" từ thiết kế nước ngoài. Có thể thấy rằng, "bị ảnh hưởng", "tham khảo", "sao chép", "đạo" là những thuật ngữ rất "quen" trong làng thời trang Việt Nam.

Hồi đầu năm, khi ngồi "ghế nóng" giám khảo của chương trình "Thần tượng âm nhạc Việt Nam - Việt Nam Idol", ca sĩ Mỹ Tâm từng bị một phen tẽn tò khi diện bộ cánh quá giống với thiết kế của thương hiệu Viktor & Rolf. Chỉ có điều, mẫu thiết kế nước ngoài đã "trình làng" vào năm 2007 và có đường nét tinh tế, bắt mắt hơn. Nguyễn Công Tín, nhà thiết kế thời trang riêng của ca sĩ "Họa mi tóc nâu" đã phải xin thôi việc vì khiến "chủ nhân" mất mặt trước công chúng. Á quân Ngôi sao thiết kế 2013 Hà Duy trong bộ sưu tập mới nhất bị cho là "tham khảo quá mức cần thiết" bộ sưu tập váy cưới đông 2014 của thương hiệu Berta - Israel được "trình làng" từ tháng 12/2013. Rồi các mẫu trong bộ sưu tập thu đông của nhà thiết kế Cao Minh Tiến cũng bị cho là "na ná" các sản phẩm của hãng Dolce Gabbana.

Không chỉ những nhà thiết kế mới vào nghề, ngay cả nhiều nhà thiết kế được đánh giá là tài năng trong làng thời trang Việt Nam cũng bị nghi án "xào ý tưởng". Mới đây nhất, bộ sưu tập "Sự thuần khiết của nước" của nhà thiết kế Công Trí bị cho là giống thiết kế của hãng thời trang danh tiếng Valentino. Một mẫu thiết kế của nhà thiết kế Hoàng Hải cũng bị "tố" là cắt ghép từ các thương hiệu nổi tiếng, trong đó có Versace. Đỗ Mạnh Cường, một trong những nhà thiết kế thời trang được đánh giá là tài năng, cá tính số 1 của thời trang Việt cũng từng bị "ảnh hưởng" sâu sắc từ thiết kế của các thương hiệu thời trang danh tiếng. Concept bộ ảnh "Black Funeral" của anh khiến người ta liên tưởng đến những mẫu thiết kế của Yves Saint Laurent. Nhiều thiết kế của Đỗ Mạnh Cường làm người ta liên tưởng đến các thương hiệu lừng danh như Versace, Gucci, Lanvin, Dior…

Người viết bài này cho rằng, việc tham khảo, học hỏi mẫu thiết kế của các thương hiệu thời trang thế giới là điều cần thiết và sự ảnh hưởng, dù ít, dù nhiều là không thể tránh khỏi, nhất là khi nhà thiết lại "thần tượng" một tên tuổi lừng danh nào đó. Điều quan trọng là, các nhà thiết kế phải nhìn nhận và tiết chế sự ảnh hưởng đó và tìm ra lối đi riêng cho chính bản thân mình. Nhà thiết kế Văn Thành Công từng đưa ra quan điểm rằng, "bản chất của thời trang thế giới có sự quay vòng và lặp lại, nhưng các nhà thiết kế thế giới chỉ xoay vòng về cách sử dụng họa tiết, màu sắc của thập niên 80. Cái hay của thế giới là họ vẫn đưa cá tính cá nhân của chính mình vào trong thiết kế ở những mùa tiếp theo mà không bao giờ sao chép y nguyên. Các nhà thiết kế Việt vẫn chưa để lại dấu ấn cá nhân nào khi học hỏi thiết kế từ thế giới". Rõ ràng, cá tính riêng trong sáng tạo sẽ tạo nên bản sắc thời trang của mỗi người và cái riêng được chắt lọc từ văn hóa dân tộc, cộng hưởng với xu hướng thời trang thế giới sẽ tạo nên bản sắc thời trang của cả dân tộc. Đây là điều mà làng thời trang Việt Nam đang thiếu và chưa được chú trọng đúng mức.

3. Việt Nam hiện là một trong 10 quốc gia xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới nhưng một thực tế là, phần lớn các doanh nghiệp dệt may Việt Nam chỉ gia công cho thương hiệu ngoại. Nhiều chuyên gia nhận định, thời trang Việt Nam vẫn đang ở mức "chập chững bước đi" so với thị trường thời trang sôi động của thế giới. Được biết, cách đây vài năm, nhà thiết kế Minh Hạnh cùng các học trò của mình đã "thai nghén" và cho ra đời "Ngôi nhà thiết kế thời trang Việt Nam - Vietnam designer house" với mục đích cho ra đời những sản phẩm thời trang "made by Việt Nam" với thiết kế độc đáo, đậm bản sắc dân tộc nhưng vẫn bắt nhịp được với xu hướng thời trang thế giới. Trả lời phỏng vấn báo giới, nhà thiết kế Minh Hạnh đã chia sẻ đại ý rằng, thời trang Việt Nam muốn phát triển và bắt nhịp được với sự phát triển của thời trang thế giới cần phải có bản sắc riêng của mình. Nếu không có bản sắc, chúng ta không thể tìm được mình và mãi mãi là người đi sau.

Thiết nghĩ, đó cũng là trăn trở, suy nghĩ của những người đam mê thời trang và mong mỏi có lối đi riêng cho thời trang Việt Nam. Tuy nhiên, xây dựng bản sắc thời trang bắt đầu từ đâu và làm như thế nào phụ thuộc rất lớn vào tài năng, tri thức và cả sự tự trọng nghề nghiệp của những người làm nghề…

Phạm Mạnh Tường
.
.