Thoát khỏi áp lực bằng khát vọng

Thứ Năm, 15/07/2021, 10:40
Mấy ngày gần đây, tấm bia “hạ mã” ở Văn Miếu, Quốc Tử Giám bỗng trở thành một đề tài bàn luận bởi có khá nhiều sĩ tử đến lễ bái trước kì thi. Nghe nói các nhà quản lý đã phải quây hàng rào và di chuyển bát hương vì “Bia Hạ mã không phải là không gian thờ tự, thờ cúng, thắp hương. Các tấm bia này là một trong những hạng mục của Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu”– như lời của đại diện Trung tâm Văn Miếu chia sẻ.


Cũng trong mấy ngày ấy cô bạn tôi bỗng lăn đùng ra ốm sau khi biết điểm thi vào lớp 10 của con gái út, đấy là tôi còn chưa rõ mấy hôm nay khi cậu con trai lớn của cô ta đang tham dự kì thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, tâm trạng cô ta sẽ còn thế nào? Một người mẹ thật sự giàu tình thương nhưng cũng yếu đuối và hoang mang.

Cũng trong thành phố ấy, qua báo chí  và phương tiện truyền thông, chúng ta biết còn có một bà mẹ bắt con gái quỳ tại sân trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm vì không đủ điểm xét vào trường (Cầu Giấy, Hà Nội). Chị ta hét lên: "Để yên cho tôi dạy con. 7 năm học sinh giỏi mà giờ đến trường tư người ta cũng không thèm nhận. Hôm nay, tao phải đánh cho mày chết thì thôi". Tiếng hét của chị ta thật chua chát, đau đớn hay cũng chỉ là biến thể của những giọt nước mắt bất lực.

Phụ huynh, sĩ tử vái lạy trước bia Hạ Mã ở Văn Miếu, Quốc Tử Giám.

Đêm qua, tôi cứ trằn trọc với một câu hỏi: Nếu có một ngày mình rơi vào hoàn cảnh của một trong hai bà mẹ đó thì cuộc sống sẽ như thế nào? Trong thực tế, chúng ta có cần phải đặt ra những tiêu chí khắt khe như thế trong tuyển sinh? Phụ huynh có cần phải chạy theo những mục tiêu ấy? Và, hai bà mẹ kia đang dạy cho con một bài học để vượt qua áp lực để sau này vươn tới thành công hay chính họ cũng đang gục ngã và run sợ?

Có lẽ chưa bao giờ các nhà quản lý giáo dục và văn hóa nghĩ đến chuyện tấm bia “nhắc nhở những người đi qua đây, dù là bậc công hầu hay khanh tướng, dù võng lọng hay ngựa xe, đều phải xuống ngựa đi bộ ngang qua để biểu thị lòng tôn kính với các bậc Tiên thánh” lại có thể là cứu cánh cho tương lai của những người trẻ. Cũng chưa bao giờ chúng ta muốn nghe một người mẹ hét lên khi con mình gục ngã trước “ngưỡng cửa thiên đường” là kì thi tuyển vào lớp 10. Ở cái tuổi ấy, các cháu mới có những cảm nhận ban đầu về nghề nghiệp trong tương lai. Con trẻ đâu ngờ rằng sẽ gặp một cú sốc lớn ngay khi còn chưa kịp ước mơ…

Bạn thử nghĩ xem, cứ 100 bức ảnh đẹp trên mạng xã hội facebook thì có đến 99 bức sử dụng app hỗ trợ làm đẹp. Đó là một chiêu thức, một trò đùa vô hại nhưng đằng sau đó đâu phải không tồn tại một áp lực trong số vô vàn áp lực của con người hôm nay: Phải đẹp, phải giàu có, con cái phải thành đạt, gia đình phải hạnh phúc… để rồi sau khi bằng mọi cách để được hoàn hảo như thế chúng ta có thật sự hạnh phúc? Không ai phán xét, chấm điểm, bắt buộc nhưng tất cả luôn răm rắp tuân thủ vì chúng ta sợ chính mình, run sợ chính sự phán xét của mình.

Thật ra, cuộc sống không thể thiếu áp lực, nhưng để chuyển hóa áp lực ấy thành động lực hay không thì lại là câu chuyện dùng độc tố làm thuốc trong y học hay nói nôm na như dân gian là sử dụng “con dao hai lưỡi”. Những người thành đạt là những minh chứng cho sự thành công, họ đã tự đương đầu với áp lực và chiến thắng nó nhưng có thật nguyên nhân của thành công là do họ tài năng, may mắn hay liều lĩnh? Elon Musk từng nói: "Nỗi sợ có giới hạn còn hy vọng thì không. Chúng ta sợ thất bại nhưng điều đó không ngăn cản chúng ta thêm cố gắng". Vậy nói như Elon Musk thì “nỗi sợ” hay “hy vọng” mới là bí quyết thành công, là người bạn đích thực giúp ông chiến thắng? Hay, khát vọng, ước mơ chính là bí quyết giúp chúng ta thoát khỏi áp lực trong cuộc sống.

Dù thất bại hay thành công, gia đình luôn là chỗ dựa của mọi người.

Có thể khi nghe điều này nhiều người sẽ phản đối bằng một lập luận: Chẳng phải các bậc làm cha, làm mẹ cùng vì khát vọng của con, vì tương lai cho con cái; thí sinh cũng vì những ước mơ của bản thân mình mà sinh ra áp lực đó sao? Chúng tôi là những người hiểu rõ con cái của mình nhất, sẽ biết nên làm gì và phải làm cách nào tạo ra động lực cho con mình chứ? Lập luận ấy hoàn toàn có cơ sở, chúng ta hãy thử nghe chính những người trong cuộc chia sẻ. Trong kì thi tốt nghiệp THPT Quốc gia vừa qua, em Nguyễn Đình Phong (thí sinh xét tuyển vào khoa Công nghệ nông nghiệp của Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội) kể: "Bố mẹ em đặt rất nhiều hy vọng vào em thông qua những bữa cơm toàn đỗ và hoa quả màu đỏ mấy ngày gần đây để em gặp may mắn khi đi thi. Với gợi ý của bố mẹ về một ngành học liên quan đến nông nghiệp, em nghĩ rằng năng lực của em cũng có thể đáp ứng được”.

Thực ra, cách mà cha mẹ em Nguyễn Đình Phong quan tâm đến con mình cũng chính là một trong những cách để hài hòa, thống nhất giữa áp lực thành công (sự kì vọng mong mỏi của cha mẹ) và sự vươn tới những khát vọng (theo sở thích của con cái) nhưng không hẳn là trường hợp phổ biến trong xã hội. Đa phần, chúng ta vẫn thấy có sự xung đột, va chạm giữa hai yếu tố này, gợi cho người viết những suy nghĩ rộng hơn phía sau câu chuyện này.

Đừng bao giờ tạo ra áp lực cho khát vọng. Khi đọc “The Old Man and the Sea” (Ông già và biển cả) của nhà văn người Mỹ – Ernest Miller Hemingway ta có thể nhận ra một điều: Nếu sống bằng khát vọng có thể thành hoặc bại nhưng đều đạt được một thành quả. Trong khi đó, áp lực đơn thuần sẽ chỉ là món nợ, là sự thúc bách mà nếu có đạt được cũng không đem lại thành quả nào về tinh thần. Vì thế, đừng tự tạo ra áp lực cho khát vọng bởi khi bạn dám ước mơ có nghĩa là bạn sẵn sàng chấp nhận cả thành công và thất bại. Với con trẻ, chúng cũng cần biết điều đó như một quy luật tất yếu, thay vì chỉ “được” ảo tưởng hoặc bị dọa dẫm. Có lẽ đó cũng là điều may mắn mà em Vũ Thị Kim Đan (thí sinh xét tuyển vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền) từng chia sẻ: "Em khá may mắn khi bố mẹ không quá áp lực về mặt điểm số hay bắt buộc phải đỗ trường này trường kia. Thay vào đó, bố mẹ mong em có thể được học tập trong một môi trường tốt, phù hợp với khả năng, sở thích của bản thân và có trách nhiệm với lựa chọn của mình.

 Khát vọng cũng chính là liều vaccine đề kháng mọi áp lực trong cuộc sống, trong ứng xử văn hóa của mỗi người. Công bằng mà nói, dù muốn hay không, con người vẫn chịu những sức ép từ nhiều phía. Ngay cả khi bạn tài năng, thành đạt, giàu có thì bạn lại tiếp tục chịu những áp lực mới bủa vây bạn. Chúng ta chỉ có thể vượt qua áp lực ấy bằng khát vọng. Một cầu thủ bóng đá nổi tiếng vì tài năng, tinh thần thi đấu và cống hiến cho màu cờ sắc áo, từ đó anh ta có một gia sản lớn. Một nhà khoa học nhận được khoản tiền thưởng lớn sau khi phát minh được trao giải; một cuốn sách được bạn đọc đón nhận đem về cho nhà văn khoản thù lao lớn… đương nhiên ai trong số họ cũng phải cần có nhà cửa, xe hơi, một khoản tiên cho cuộc sống những cách mà họ làm là nghĩ xa hơn đoạn đoạn đến với những tài sản đó.

Cách đây không lâu, câu chuyện về 99 nguyện vọng đăng kí của một thí sinh khiến dư luận xôn xao. Liệu đó có phải 99 ước mơ để giúp em vượt qua 1 áp lực cần phải đỗ một trường đại học? Người viết bài này không tin là như thế, chúng ta đang nhầm lẫn giữa khát vọng và ước mơ, nhiều khi chúng ta đang đánh tráo ước mơ của con trẻ bằng áp lực mà mình đặt ra. Một cô bé, cậu bé học giỏi vì em có ước mơ, khát vọng nhưng em vẫn có thể thất bại vì không phải lúc nào ước mơ ấy cũng đáp ứng đươc đơn đặt hàng thành công mà cha mẹ em đặt ra.

 Có lẽ, chỉ khi chúng ta tìm được sự dung hòa, gửi gắm những mong mỏi vào khát vọng của con trẻ và sẵn sàng chấp nhận thất bài của con, dù con đã nỗ lực hết mình thì mới bớt đi những lời đay nghiến, bớt đi những em bé phải quỳ khóc dưới sân trường vì chính sự “run sợ” của chính cha mẹ mình. Còn bao nhiêu con đường để thành công, khi chúng ta là chủ nhân của những ước mơ thì chẳng có lẽ nào phải quỳ gối khuất phục trước áp lực như thế cả.

Kiến Văn
.
.