Thơ giữa dòng đời

Thứ Năm, 21/11/2013, 08:02

Một thời chúng ta quen với tư duy thẳng. Cứ nghĩ thứ bậc càng cao thì càng vĩ đại. Phải tuần tự như tiến chứ không quen chấp nhận vượt cấp... Thế rồi, thế giới cho chúng ta những bài học: Nhiều vị tổng thống, thủ tướng của những nước lớn, tuổi chỉ ngoài ba mươi, rồi nhiều vị tổng thống, thủ tướng phải ra hầu tòa... Sự vĩ đại và sự nhỏ bé chỉ cách nhau sợi tóc. Đấy là sự bình thường của thế giới hiện đại trong cơn lốc toàn cầu hóa. Không có gì là thần tượng mãi mãi, cũng không có gì là không thể...

Dòng đời có đục có trong

Một thời chúng ta quen với tư duy thẳng. Cứ nghĩ thứ bậc càng cao thì càng vĩ đại. Phải tuần tự như tiến chứ không quen chấp nhận vượt cấp... Thế rồi, thế giới cho chúng ta những bài học: Nhiều vị tổng thống, thủ tướng của những nước lớn, tuổi chỉ ngoài ba mươi, rồi nhiều vị tổng thống, thủ tướng phải ra hầu tòa... Sự vĩ đại và sự nhỏ bé chỉ cách nhau sợi tóc. Đấy là sự bình thường của thế giới hiện đại trong cơn lốc toàn cầu hóa. Không có gì là thần tượng mãi mãi, cũng không có gì là không thể.

Mới đây có cô người mẫu Việt Nam tự đi thi hoa hậu do một nhóm nào đó ở Mỹ tổ chức. Thế rồi báo chí cũng làm rùm beng lên. Nào là tự đi thi là không đúng, mà phải được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định cử đi! Rồi có người còn bảo tự đi không xin phép Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì phải xem xét kỷ luật. Sao lại kỷ luật? Cái nơi đăng cai tổ chức người ta chỉ cần ai tham gia thì nộp lệ phí, chứ người ta có yêu cầu người thi phải do Nhà nước cử đâu!

Chúng ta cứ quen nghĩ những danh hiệu thế giới là vĩ đại. Thời nay, chỉ có Liên hiệp quốc và các tổ chức trực thuộc nó là có tính chất thế giới mà thôi. Ngoài ra chỉ là do một nhóm, một đơn vị hoặc vài nhóm liên kết đứng ra trong một phạm vi hạn chế. Ngay cả cuộc bầu chọn những kỳ quan thiên nhiên đẹp nhất thế giới cũng là do một tổ chức đứng ra vì một lợi ích nào đó chứ đâu có tư cách thế giới, đâu có được UNESCO công nhận. Nhưng những ai đó muốn quảng bá cho du lịch thì cứ tham gia cũng tốt. Rồi còn chuyện một tổ chức nào đó muốn đứng ra làm tập sách về các danh nhân của thế giới, nhưng muốn có mặt trong tập sách mỗi người phải đóng 300 USD.

Ở Việt Nam có người viết văn chẳng có tên tuổi gì cũng được tham gia đấy thôi. Còn những tổ chức mang tên thế giới nghe rất oách, nhưng thực ra chỉ có tên thôi chứ có đại diện cho ai? Nhưng người được tham gia cũng phô phang lắm lắm, vì có lợi ích mà.

Tôi đã được tham dự một hội nghị thơ quốc tế. Người làm thơ đến hội nghị thơ của một nước khác thì đương nhiên là khách quốc tế. Hội nghị thơ mà có người làm thơ ở các nước đến dự thì được gọi là hội nghị thơ quốc tế (?). Nhưng những nhà thơ tầm cỡ như Hữu Thỉnh, Lò Ngân Sủn được giới thiệu ở một hội nghị thơ quốc tế của Đài Loan mấy năm trước đây thì rất hiếm. Cũng có người làm thơ từ các nước đến chỉ tầm cỡ thơ phường, thơ xã, thơ câu lạc bộ như ở nước ta tham dự thì cũng không phải là hiếm. Có tổ chức quốc tế thơ đâu!

Quang cảnh một buổi hội thảo tại Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương tổ chức tại Tp Hạ Long tháng 2/2012 (ảnh chỉ mang tính chất minh họa).

Ban tổ chức có mối liên hệ với ai, với tổ chức nào thì mời người ấy, tổ chức ấy. Có những tổ chức chân chính thì không có tiền đi dự. Còn có người của một nhóm nào đó có tiền để mua vé máy bay và chi phí sinh hoạt thì lại không có mấy năng lực thơ... Nhưng mà rồi cũng vui vẻ cả... Vì ai cũng được lợi, người tổ chức cũng như người tham dự. Tất cả là từ cơ chế lợi ích. Rồi còn có tác phẩm ở trong nước bị trượt không được giải thưởng, mà lại được giải thưởng khu vực (cũng có thể gọi là giải quốc tế thì cũng không còn lạ gì).

Lại nghĩ đến cuộc trao đổi trên các trang mạng thời gian qua, rằng văn chương có sang trọng, có cao quý không, xuất phát từ một bài viết của Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đình Sử. Loại trừ những chuyện "ông nói gà bà nói vịt", còn ai cũng có cái lý của riêng mình. Nhưng theo tôi thì văn chương cũng như mọi sản phẩm đang được sản xuất khác, đều có ích cho xã hội. Những sản phẩm có chất lượng cao thì là cao quý, mang lại sự sang trọng cho chính sản phẩm và người làm ra nó. Còn những sản phẩm dở, kể cả những sản phẩm thuộc văn chương nghệ thuật thì chỉ làm cho lĩnh vực đó xấu hổ, thấp hèn mà thôi.

Mấy trăm năm trước, danh nhân Nguyễn Văn Siêu đã nói rất đúng rằng: "Văn chương có loại đáng thờ, có loại không đáng thờ". Thì lĩnh vực nào mà chả thế! Những tinh hoa của lĩnh vực nào trong cuộc sống con người cũng cao quý và sang trọng, chứ tự thân lĩnh vực nào đó thì đâu đã nói lên được điều gì.

Làm một nhà thơ cũng đủ lắm rồi!

Đó là lời nhà thơ Hoàng Trung Thông khi ông đang làm Viện trưởng Viện Văn học, có người gợi ý ông làm hồ sơ để xét phong danh hiệu giáo sư. Với cương vị viện trưởng của một viện nghiên cứu, việc được phong danh hiệu giáo sư là trong tầm tay, quá dễ dàng. Mà danh hiệu giáo sư nếu thực chất thì thật là cao quý, sang trọng. Mấy ai là giáo sư mà đã hơn được Hoàng Trung Thông? Nhưng Hoàng Trung Thông đã từ chối. "Làm một nhà thơ cũng đủ lắm rồi!". Ông tự hào về danh hiệu nhà thơ. Thực ra thì nhà thơ cũng cao quý, mà giáo sư cũng cao quý nếu những danh hiệu ấy đi với thực chất. Ngày nay, những danh hiệu này không còn được như xưa vì nó quá nhiều mà cái gì nhiều cũng rẻ.

Có bản lĩnh được như nhà thơ Hoàng Trung Thông không phải dễ. Phải là một người can đảm, tự tin và không hám danh. "Làm một nhà thơ cũng đủ lắm rồi!". Vâng, làm một công việc gì mà làm được đến nơi đến chốn cũng đều khó cả, cũng đều vinh quang cả. Trong lịch sử nước nhà, có những danh nhân chẳng có hàm hiệu gì mà tiếng thơm cứ truyền từ đời này sang đời khác: Thầy giáo Chu Văn An, thầy thuốc Lê Hữu Trác, nhà thơ Hồ Xuân Hương, Trần Tế Xương, kỹ sư nông học Lương Định Của... Nhà thơ Chế Lan Viên đã có lý khi ông viết: "Đã thơm rồi đâu chịu vô danh!". Cái danh là do mình tạo nên chứ không phải hàm hiệu.

Lại nhớ chuyện có người đã liệt kê trong danh thiếp của mình đến hàng mấy chục chức danh, danh hiệu mà thực chất thì chả xứng đáng với danh hiệu nào. Ông cha ta có câu: "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh", "Một nghề chín, hơn chín mười nghề"... Các cụ ta xưa sao sâu sắc vậy! Danh phải thực chất, chứ danh hão thì chỉ làm trò cười. Ông cha ta còn nói: "Mua danh ba vạn bán danh ba đồng", tức là có được danh thì khó và giữ được danh càng khó hơn. Lại càng thấy cái thuyết chính danh của Khổng Tử (ở Trung Hoa xưa) đến nay vẫn còn đáng trân trọng.

Vâng, "làm một nhà thơ cũng đủ lắm rồi!". Quá đủ ấy chứ. Nhà thơ Hồ Xuân Hương, nhà thơ Nguyễn Gia Thiều, nhà thơ Tú Xương, nhà thơ Tản Đà, nhà thơ Xuân Diệu... Bao nhiêu ông vua, ông tướng trong lịch sử không có công trạng đã bị thời gian phủ rêu lên, thậm chí còn mốc nữa. Nhưng làm được một nhà thơ thì phải có những câu thơ mà "dòng sông không thể cuốn đi được" như đức vua Samin của vùng núi Đaghextan đã nói. Các nhà thơ đã có danh hiệu ấy rồi thì chớ nên đùa với nó, mà cần bồi đắp để danh hiệu ấy là thực chất.

 Báo Tiền phong số ra ngày 6/9/2013 có đăng ý kiến của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ về tình hình âm nhạc hiện nay và danh hiệu nhạc sĩ. Ông nói rằng: Anh em chúng tôi ngồi nói với nhau trong 1.200 hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam thì chỉ có khoảng 40 người thực sự là nhạc sĩ (?). Thế còn danh hiệu nhà văn, thật là khó nói! Tầm cỡ như nhà văn Nguyễn Khải mà cũng chỉ tự nhận mình xứng đáng là hội viên Hội Nhà văn. Thế kỷ XX, các nhà văn, nhà thơ cỡ như Nguyễn Khải có được đến 100 người?.

Ở đời, có người ham thích danh hiệu, nhưng cũng có người dửng dưng với nó. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (thế kỷ XVII) đã lẩn tránh các danh hiệu: "Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ/ Người khôn người đến chốn lao xao...".

Nhà thơ Thế Lữ, chủ soái của phong trào Thơ mới (1930 - 1945), nhưng sau này ông cũng không sáng tác thơ nữa mà chuyển sang lĩnh vực sân khấu. Nhà thơ trẻ Hoàng Hiếu Nhân xuất hiện cùng thời với thần đồng Trần Đăng Khoa, có đến mươi bài thơ đặc biệt cũng đáng gọi là thần đồng, nhưng rồi Hoàng Hiếu Nhân cũng tự từ bỏ thơ mà mình đã lập được danh hiệu để sống cuộc sống bình thường. Có lần Trần Đăng Khoa gặp Hoàng Hiếu Nhân lao động ở Nga, Hoàng Hiếu Nhân còn tỏ ra thương Trần Đăng Khoa làm sao cứ phải lận đận với thơ mãi!

"Làm một nhà thơ cũng đủ lắm rồi!". Lời của nhà thơ Hoàng Trung Thông từ mấy chục năm trước, hiện nay có bao nhiêu người học được và sống như ông?

7/9/2013

Đ.Q.T.
.
.