Thơ ca dân tộc thiểu số: Vừa ngủ vừa đi?

Thứ Năm, 20/03/2014, 08:00

Ngày Thơ Việt Nam tổ chức tại trụ sở Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Tp HCM năm nay có nhiều thay đổi mới mẻ. Ngoài các tiết mục ngâm thơ có múa minh họa thì đây cũng là năm đầu tiên quán thơ của các tác giả người dân tộc thiểu số tham gia trưng bày. Tuy nhiên, khác với những thông tin ban đầu, Ngày Thơ chỉ có vỏn vẹn hai quán thơ của dân tộc Chăm và Khmer.

Quán thơ của dân tộc Chăm trưng bày đa dạng các tác phẩm từ cổ điển đến hiện đại, in chân dung các nhà thơ tiêu biểu kèm câu thơ nổi bật trên nền thổ cẩm. Tại quán thơ dân tộc Khmer, việc trưng bày các tác phẩm để bán và tặng còn ít. Lướt sơ qua chỉ thấy các tác phẩm chủ yếu của hai tác giả là Thanh Pôn và Săng Sết. Còn lại là những bài thơ dân gian hoặc tuyển tập chung chung.

Quán thơ còn thô sơ, nghèo nàn cũng như việc trang trí chưa đặc sắc không gây được ấn tượng đối với khách tham quan so với những lều thơ còn lại. Tham gia ngày hội, hai dân tộc đều có tác giả tham gia đọc thơ và trình diễn các tiết mục văn nghệ mang bản sắc văn hóa dân tộc mình. Tuy nhiên, dấu ấn của các nhà thơ dân tộc thiểu số để lại tại ngày hội chưa thực sự đậm nét. Nhà thơ Săng Sết (dân tộc Khmer) thừa nhận: "Phong trào thơ của người Khmer phát triển mạnh nhưng những nhà thơ tạo được tên tuổi chưa nhiều. Các tác phẩm chất lượng còn quá ít nên chúng tôi không có điều kiện để giới thiệu với bạn đọc".

Tại sân Thơ Trẻ, gần như chỉ có gia đình các nhà thơ tham gia, đỏ mắt mới tìm ra được một vài bạn trẻ chăm chú lắng nghe, còn giao lưu… lại là chuyện trên sân khấu. Màn giao lưu của những nhà thơ trẻ tạo được tên tuổi chỉ có lèo tèo vài ba người thì nói gì đến màn ngâm thơ và giao lưu của nhà thơ trẻ người dân tộc thiểu số. Nhà thơ, nhà nghiên cứu người Chăm Inrasara cho rằng có nhiều nguyên do khiến thi ca dân tộc thiểu số hiện nay không thu hút được độc giả và vẫn chìm sâu trong giấc ngủ triền miên.

Thi ca dân tộc thiểu số có thể chia làm bốn thế hệ thuộc bốn thời kỳ. Thế hệ đầu thuộc thời kỳ kháng chiến chống Pháp có các gương mặt thi sĩ như: Bàn Tài Đoàn, Nông Quốc Chấn, Vương Trung… Thế hệ thứ hai thuộc thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và thống nhất đất nước gồm: Y Phương, Lò Ngân Sủn, Pờ Sảo Mìn. Thế hệ thứ ba thuộc thời kỳ Đổi mới: Inrasara, Lương Định, Triệu Lam Châu, Dương Thuấn, Lò Cao Nhum….  và thế hệ hiện nay thuộc thời kỳ hậu đổi mới. Thế nhưng những nhà thơ đương đại tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số chưa vượt quá mười người.

Một bạn trẻ người Chăm ngâm thơ.

Các nhà thơ trẻ người dân tộc thiểu số tạo được tên tuổi vẫn còn hiếm hoi. Đây là điều mà nhà thơ Thanh Pôn (Khmer) tỏ ra rất lo lắng: "Bọn trẻ bây giờ có nhiều thứ hấp dẫn chúng nó. Chúng không yêu thơ vì không biết làm thơ, không đọc được thơ làm bằng tiếng mẹ đẻ. Trong khi tiếng phổ thông chúng lại không thể nào rành rọt như người Kinh. Ở CLB văn học nghệ thuật Khmer do tôi thành lập, trước đây có khoảng 30 thành viên tham gia nhưng giờ chỉ còn 4 người, hoạt động rất rời rạc. Các archar - những người thâm sâu thơ văn - hiện nay còn rất ít trong cộng đồng người Khmer".

Số lượng thì như vậy, còn chất lượng thì thế nào? Đa số nhà thơ dân tộc thiểu số trẻ sáng tác bằng tiếng Kinh, nếu thấy hay mới dịch ra tiếng dân tộc. Nhưng tiếng Kinh lại là thứ ngôn ngữ mới mà họ không thể nắm bắt được hết tinh túy của nó. Do đó mà thơ dân tộc thiểu số có những cái gồng mình, bắt chước dễ rơi vào sáo mòn. "Có nhà thơ sử dụng ngôn ngữ của cuối thế kỉ mười chín, với: Chí đời trai, lạc bước phong trần, câu thơ nghĩa khí, nợ tang bồng, rượu thề, duyên trời xe, vụng tu thân chuốc lụy phiền, kẻ giang hồ, tri âm, tri kỉ… Có nhà thơ lại sử dụng các ngôn từ đặc quánh "nhà quê" kiểu như làm thơ là phải có: Phum, sóc, xòe hoa, nhà sàn, suối, thắng cố, thổ cẩm, vòng xoè, apsara, … Sợ không có những ngôn từ đó thì mình đánh mất "bản sắc dân tộc" vậy. Đành rằng nơi ăn chốn ở của mình, mình sẽ ảnh hưởng nhưng cần có những sáng tạo trong chất liệu chứ không chỉ quẩn quanh sáo mòn với cái cũ. Đồng thời nó cũng thể hiện tâm thức nuối tiếc, không vượt khỏi quá khứ vang bóng.

Trong khi mảng thơ của tư duy biện chứng, tự phản biện mình, phản biện xã hội đầy mới mẻ lại ít người ngó ngàng đến. Về thể thơ, các nhà thơ dân tộc thường thể hiện thể thơ tự do thô sơ hoặc thơ mới biến thể. Đây cũng là điều làm cho thơ ca người dân tộc thiểu số yếu thế so với thơ Việt với đủ thể thơ đa dạng, sáng tạo. Những nhà thơ muốn cách tân, muốn làm cho thơ phải mới thì lại biến thơ trở nên quá xa lạ với tiếng nói chung của cộng đồng bằng một thứ ngôn ngữ kì dị" - nhà thơ Inrasara nhận xét. 

Một quán thơ của dân tộc Chăm tại Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 14 tổ chức tại Tp HCM.

Có một vòng luẩn quẩn mà nhiều nhà thơ dân tộc thiểu số mắc phải. Đó là làm thơ theo tiếng phổ thông thì lâu dần sẽ làm cùn mòn khả năng sáng tạo bằng ngôn ngữ dân tộc. Nhưng nếu chỉ sáng tác bằng tiếng dân tộc thì lại không đến gần được với đông đảo cộng đồng bạn đọc đa số là người Kinh. Việc duy trì sáng tác song ngữ lại trở nên khó khăn với nhà thơ trẻ, bởi họ vốn được tiếp cận với tiếng phổ thông từ nhỏ, tiếng dân tộc ít được dạy. Đương nhiên, vẫn còn đó những nhà thơ người dân tộc thiểu số chú ý đến việc sáng tác bằng tiếng dân tộc, nghiên cứu làm giàu thêm cho tiếng dân tộc từ đó vận dụng vào sáng tác thơ bằng tiếng phổ thông. Nhưng so với yêu cầu thực tiễn từ phía ngôn ngữ dân tộc và người đọc là quá yếu.

Nhà thơ Nông Quốc Chấn có sáu tập thơ và khảo cứu, Dương Thuấn có hai tập, Inrasara thì chỉ mới nửa tập. Đó là chỉ mới bàn đến số lượng chứ chưa bàn đến chất lượng. Việc nghiên cứu thơ dân tộc thiểu số cũng nằm ở mức… thiểu số, gần đây nhất năm 2007 có công trình nghiên cứu "Thơ dân tộc ít người giai đoạn 10 năm cuối thế kỷ XX - truyền thống và hiện đại" của Viện Văn học. Nhưng công trình cũng chỉ mới mang tính khảo sát sơ lược thơ ca của dân tộc Tày, Mường, Giáy.

Tuy nhiên, trong cơn mê ngủ triền miên, thi ca dân tộc thiểu số vẫn có những bước tiến lặng lẽ. Xuất thân từ những truyền thống và bản sắc riêng, tiếp nhận kho văn học cổ điển đồ sộ của dân tộc mình, một số nhà thơ dân tộc thiểu số mang đến cho nền thi ca Việt những giọng thơ mới lạ như Nông Quốc Chấn, Y Phương, Lò Ngân Sủn, rồi Dương Thuấn, Mai Liễu, Pờ Sảo Mìn, Ma Văn Đức....

Cách nghĩ, cách diễn đạt chân chất, mộc mạc và lạ lẫm khó lẫn. Tầng lớp trẻ đã manh nha tìm đến những thể thơ mới như thơ tự do phá cách với tâm thức hậu hiện đại. Thế nhưng đâu là sân chơi dành cho họ? Đâu là nơi phát hiện tài năng thơ của họ? Dân tộc Chăm may mắn có tập san văn học nghệ thuật Tagalau mỗi năm ra được một số nhưng đó chỉ là Tuyển tập sáng tác - sưu tầm - nghiên cứu, chứ chưa là tạp chí hay đặc san. Và để phát hành đều đặn, các anh em trí thức Chăm phải bỏ tiền túi ra làm. Mỗi kì Tagalau đăng được năm, bảy bài thơ bằng tiếng Chăm của các tác giả khác nhau, bên cạnh đăng nguyên tác thi phẩm cổ điển kèm theo bản dịch tiếng Việt. Từ đây đã có những tài năng thơ người Chăm được phát hiện như: Jalau Anưk, Bá Minh Trí, Đồng Chuông Tử, Tuệ Nguyên…

Ngày thơ tại Tp HCM là dịp hiếm hoi để thơ ca dân tộc thiểu số giao lưu với nhau, song năm nay còn quá ít dân tộc tham gia. Nhà thơ trẻ Kiều Mai Ly cho rằng: "Các dân tộc thiểu số chỉ có mỗi Tạp chí Văn hóa Dân tộc mỗi tháng ra một số cho tất cả ngành văn nghệ, như thế là quá ít. Các tài năng người dân tộc thiểu số viết văn làm thơ xong không biết đăng sáng tác của mình ở đâu. Các bạn lại sống ở vùng sâu vùng xa ít tiếp cận với phương tiện hiện đại, hiếm có dịp gặp gỡ giao lưu với nhà văn đi trước. Theo tôi, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số cần đẩy mạnh hoạt động hơn nữa. Có vậy người viết dân tộc thiểu số mới còn có hy vọng mang sáng tác của mình đến với công chúng độc giả rộng rãi hơn".

Có sân chơi thôi đã, còn chuyện những sân chơi và bài thơ ấy có tác động gì đến suy nghĩ của đồng bào về tiếng và văn chương dân tộc, hay chúng chỉ mãi giậm chân ở phong trào lại là một chuyện khác mà bài viết này chưa dám lạm bàn…

Phan Thi Uyên
.
.