Văn hóa tranh luận:

Thiếu cơ sở học thuật

Thứ Hai, 20/04/2009, 09:00
Nhà thơ Đặng Huy Giang thẳng thừng cho rằng, chúng ta chưa có văn hóa trong tranh luận. Vì số người biết nói cho thuyết phục, cho thấu tình đạt lý đã ít, số người biết nghe lại còn ít hơn.

Đề cập đến bức tranh toàn cảnh về văn hóa tranh luận trong đời sống văn học nghệ thuật hôm nay, nhà thơ Đặng Huy Giang nhận xét: "Tranh luận của ta hiện nay không có đầu chẳng có cuối. Các vị cứ đăng đàn cãi nhau, đến lúc nào thấy căng quá thì tạm dừng, chả mang lại điều gì bổ ích cho người sáng tạo và cho công chúng. Đấy là chưa kể rất nhiều lúc còn làm phiền công chúng. Theo tôi nghĩ, một cuộc tranh luận lành mạnh là phải có một diễn đàn chung, có trọng tài đàng hoàng, chứ không phải mạnh ai nấy nói như hiện nay".

Nhà thơ Đặng Huy Giang cũng thẳng thừng cho rằng, chúng ta chưa có văn hóa trong tranh luận. Vì số người biết nói cho thuyết phục, cho thấu tình đạt lý đã ít, số người biết nghe lại còn ít hơn. Bởi một trong những phẩm chất quan trọng của người tham gia tranh luận là phải biết lắng nghe ý kiến của người khác, thậm chí là trái ngược với mình. Đó cũng là biểu hiện của thái độ tôn trọng đối phương trong tranh luận.

Hiện tượng tranh luận một tác phẩm nghệ thuật mà chưa hề xem, nghe hay đọc nó cũng rất phổ biến trong đời sống hôm nay. Một số người đến tham gia các cuộc hội thảo, phát biểu rất hùng hồn, nhưng thực tế lại chưa hề đọc kỹ tác phẩm, mà chỉ là nghe nói hoặc đọc lướt qua. Điều này khiến cho những ý kiến rơi vào chung chung, chủ quan hoặc thiên kiến, không tìm ra giá trị thực của tác phẩm.

Hiện tượng mượn diễn đàn để tranh thủ bôi xấu, thóa mạ cá nhân cũng không phải là hiếm. Lại có người khi đọc xong một tác phẩm, bất luận thế nào cũng phải chê phủ đầu đã, vì phải chê thì mới thấy mình là người "minh triết". Thừa nhận các giá trị mới và hay, vì một nền văn nghệ chung chưa phải lúc nào cũng là ý thức thường trực trong tinh thần của những người tham gia phê bình, tranh luận.

Nhà thơ Đặng Huy Giang kể lại, có một lần anh vô tình đọc tập thơ mới của một tác giả nữ ở địa phương. Gặp nhà thơ T.T., anh khen tập thơ đó hay. T.T. nói ngay là "không ra gì". Đặng Huy Giang hỏi lại: "Anh đọc chưa?". T.T. mang sách về đọc và sau đó gọi cho Đặng Huy Giang thừa nhận: "Tập thơ được đấy".

Câu chuyện này cho thấy đôi khi bệnh phán xét ngay từ lúc chưa đọc tác phẩm đã nhiễm vào cả những người cầm bút uy tín. Nhưng người thừa nhận cái sai, cái chưa chuẩn của mình như nhà thơ T.T. không có nhiều.

Phê bình, tranh luận không thể thiếu trong một đời sống văn học nghệ thuật phát triển lành mạnh. Nhưng tranh luận thế nào cho nghiêm túc, có văn hóa và thực sự hữu ích đối với cả người sáng tạo và người thưởng thức nghệ thuật là một vấn đề còn nhiều bất cập.

Nhìn vào những gì đang diễn ra có phần "hỗn loạn" trong đời sống hôm nay, thấy rõ ràng người làm công tác phê bình cần phải nâng cao hơn nữa các kỹ năng như đọc, lắng nghe, phân tích.

Và quan trọng là phải có được một thái độ vô tư, trong sáng, không nặng tính cá nhân trong khi nhận định một tác phẩm nghệ thuật. Đó là những nền tảng quan trọng để xây dựng cái gọi là "văn hóa tranh luận"

Hội Quân
.
.