Thi đua hay là đua... thi?

Thứ Hai, 08/12/2014, 08:00
Như nhiều bài báo và quan chức Chính phủ từng cảnh báo, bộ phận công chức "cắp ô" sáng đi muộn, chiều về sớm đang ngày càng tăng. Không ít cơ quan có giảm đi một nửa biên chế vẫn vận hành bình thường...

Theo công bố năm 2013 của Tổ chức Lao động Quốc tế, năng suất lao động của công nhân Việt Nam thấp hơn Singapore 15 lần, Nhật Bản 11 lần, Hàn Quốc 10 lần. Với các nước ASEAN, một lao động Malaysia làm việc bằng 5 lao động Việt Nam…

Nghịch lý này khiến cho người ta phải đau đáu nhiều câu hỏi…

Hãy bắt đầu từ phong trào thi đua được phát động hằng năm mà bất cứ công chức, viên chức nào cũng biết.

Không thể phủ nhận bản chất ban đầu của hoạt động này là tích cực bởi nó khuyến khích người ta phấn đấu, nỗ lực, sáng tạo trong khả năng tốt nhất của mình. Thi đua vì thế trước hết là với bản thân bởi nó khích lệ người ta khám phá, vượt qua giới hạn bình thường của mỗi cá nhân. Mục đích tiên quyết của thi đua, nếu hiểu theo cách này, nhằm không ngừng hoàn thiện đạo đức, nhân cách, sức khỏe và trí tuệ, nâng cao năng suất, chất lượng lao động để rồi qua đó tạo nên cảm hứng, phản ứng cộng hưởng đối với những người xung quanh.

Đáng tiếc thay, dường như cách hiểu này không còn phổ biến, hay chí ít mục tiêu nhân bản của nó không còn là cái đích mà "một bộ phận không nhỏ" hướng tới trước tiên. Người ta cố tình hiểu sai nó, lợi dụng nó cho những mục đích vị kỉ sặc mùi kim tiền trong khi tính nhân bản cứ ngày càng nhàn nhạt.

Đâu đó nhiều nơi, thi đua dường như bị đồng nhất với danh hiệu, với bằng khen, với lên lương trước thời hạn, với thành tích, với tăng lương rồi tiến chức…Tấm bằng khen giờ đây trở thành một thứ bảo bối mà không ít người "lao tâm, khổ tứ" muốn kiếm được bằng mọi giá. Điều đáng nói là dường như càng là bộ phận "cắp ô", người ta càng phải trang trí hồ sơ của mình với càng nhiều danh hiệu thi đua càng tốt bởi thiếu chúng, lí lịch cán bộ của họ sẽ trống trơn đến tội nghiệp. Trong khi đó, người có năng lực thực chất ít người ham hố điều này bởi lòng tự trọng, bởi họ không muốn "xin" những thứ mà họ cho đáng ra nên được cấp trên tự động khen thưởng dựa trên thành tích cá nhân. Hơn nữa, họ thấy cũng chẳng cần phải tô điểm hay chứng minh thêm gì ngoài kết quả làm việc cụ thể của mình.

Tại phiên trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội ngày 18/11 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã công bố kết quả đánh giá cán bộ, công chức, viên chức ở Việt Nam năm 2013, theo đó, có tới 34,33% đạt danh hiệu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 58,08% hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Đâu đó nhiều nơi bỗng trở nên "trào phúng" đến quặn lòng mỗi kỳ họp bình chọn danh hiệu. Người ta chả buồn nghe báo cáo thành tích của người đăng kí, người ta thờ ơ bình chọn. Cứ 100% hay ít nhất cũng trên 90% phiếu thuận cho những bảng thành tích quá đỗi nghèo nàn. Rồi thì lương lại tăng, bậc lại nâng…

Thế là, thay vì thi đua với chính mình, người ta "thi" rồi "đua" với những lá phiếu, những mối quan hệ. Thay vì làm việc, nỗ lực sáng tạo hơn, người ta dành nhiều thời gian cho những toan tính cá nhân, lấy lòng người nọ, thuyết phục người kia. Người ta chả ngó ngàng đến chuyên môn của mình, cũng chả thèm quan tâm đến việc làm của đồng nghiệp. Như thế cho nó an toàn…

Thế rồi, thi đua dường như biến số đông trở nên "thỏa hiệp" hay "thụt chí" với bản thân. Người ta ngày càng trở nên "vô trách nhiệm" với lá phiếu của mình. Ai cũng tự nhủ thôi thì chả mất gì, cho cơ quan có phong trào, ý kiến này nọ thì lại bị cho là thiếu tinh thần xây dựng, lại bị oán ghét. Thế là người ta dần dần… im lặng với thi đua.

Có đồng nghiệp từng bảo tôi gì mà nghiêm trọng hóa vấn đề như thế. Có tổn hại gì đâu, thôi thì cũng phải có phong trào cho nó vui vẻ, cho có cớ vỗ tay, rồi ăn nhậu cuối năm.

Nhưng tôi cứ ngờ rằng nếu "thi" mãi kiểu này, rồi biết đâu sẽ dẫn đến không ít hệ lụy…

Này nhé, các doanh nghiệp nước ngoài rồi đây liệu còn dám đầu tư, thuê lao động của ta. Đẳng cấp đã đứng đầu ASEAN, rồi chẳng lâu nữa sẽ là nhất châu Á, không biết chừng rồi sẽ nhất quả đất cũng nên. Khi ấy có khi công nhân xứ mình thất nghiệp hết cũng nên bởi tiền nào mà người ta thuê cho nổi.

Này nhé, nỗ lực giảm biên chế mà chính phủ đề ra rồi đây khó lòng mà thực hiện được. Toàn lao động tiên tiến, toàn chiến sĩ thi đua thì biết giảm ai bây giờ? Còn phải vẽ thêm ra nhiều cấp phó, nhiều chiếc ghế nữa cũng nên. Chả nhẽ cứ để chiến sĩ thi đua kinh niên mãi quẩn quanh với chức phận tầm thường?

Không biết chừng người ta sẽ đề xuất thành lập hẳn một trường đại học đào tạo cán bộ thi đua khen thưởng từ cử nhân đến tiến sĩ, một Bộ chuyên trách về vấn đề này với hệ thống ngành dọc vươn dài từ trung ương đến cấp thôn, bản.

Có lẽ chẳng có quốc gia nào duy trì phong trào thi đua khen thưởng thường niên ở cấp quốc gia một cách đồ sộ như ở ta. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhìn nhận: Việc suy tôn, phong tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng có biểu hiện tràn lan, nhiều trường hợp được khen thưởng chưa phải là tấm gương tiêu biểu, khen thưởng cho người lao động trực tiếp sản xuất, nông dân, công nhân còn ít.

Nguyễn Công Thảo
.
.